Một vị Giám chức Nam Sudan cho biết thực phẩm đã bị vũ khí hóa trong cuộc nội chiến ở Sudan, với nạn đói kém hiện đang rình rập ở quốc gia láng giềng của ngài do hậu quả trực tiếp của cuộc xung đột.
Phát biểu trước Hội đồng Giám mục Công giáo Anh và xứ Wales, Đức Giám mục Alex Lodiong Sakor Eyobo Địa phận Yei, Nam Sudan, đã chỉ trích các chiến thuật đang được sử dụng trong cuộc chiến giữa Lực lượng Hỗ trợ Nhanh (RSF) và Lực lượng Vũ trang Sudan (SAF).
Giao tranh nổ ra giữa hai phe vũ trang đối địch ở thủ đô vào tháng 4 năm 2023. Theo Trung tâm Hành động Phòng ngừa, cuộc nội chiến cho đến nay đã gây ra cái chết của gần 15.000 người. Hơn 8,2 triệu người đã phải tản cư, khoảng 2 triệu người phải di tản tìm nơi ẩn náu ở những môi trường bất ổn như Chad, Nam Sudan và Ethiopia.
“Họ quấy rối các cơ quan nhân đạo. Và khi các cơ quan nhân đạo bị quấy rối, họ ngừng cung cấp thực phẩm vì họ cũng phải bảo vệ mạng sống của chính mình”, Đức Giám mục Sakor Eyobo nói.
“Viện trợ lương thực đôi khi bị RSF chặn, không cho họ [các cơ quan] vào. Bởi vì khi bạn phát lương thực cho người dân, bạn cũng sẽ nuôi kẻ thù của chính họ. Vì vậy, họ sử dụng thức ăn như một vũ khí, để khi thức ăn không được phân phát, kẻ thù của họ sẽ bị suy yếu. Đó là quan điểm của họ”, vị Giám chức nói.
“Nạn đói không phải vì hạn hán mà là do xung đột”, Đức Giám mục Sakor Eyobo nói.
Văn phòng Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) cho biết hàng ngàn người rời Sudan mỗi ngày, chạy trốn bạo lực và lạm dụng tàn bạo, chết chóc, các dịch vụ bị gián đoạn, khả năng tiếp cận viện trợ nhân đạo bị hạn chế và nạn đói đang rình rập.
“Thật khủng khiếp, đó không chỉ là nạn đói, mà còn là những vi phạm nhân quyền tàn bạo, mà còn là những trận lũ lụt được cho là tồi tệ nhất trong nhiều năm trong năm nay, và điều đó không chỉ cản trở việc cung cấp viện trợ nhân đạo mà còn có nghĩa rằng mọi người bị mắc kẹt tại chỗ với rất ít sự trợ giúp và không thể chạy trốn”, Ewan Watson, Giám đốc Truyền thông Toàn cầu của cơ quan Liên Hợp Quốc cho biết.
Đức Giám mục Sakor Eyobo nói với Giáo hội Anh rằng vấn đề của nạn đói là Sudan không thể sản xuất vì người dân đang chạy trốn.
“Vì vậy, khi ai đó đang chạy trốn, bạn chẳng thể làm gì cho mình. Nếu bạn bỏ chạy, bạn sẽ bỏ lại đồ đạc của mình; bạn không có tiền, thậm chí không có tiền để mua thức ăn vì là người phải di tản, bạn lấy tiền ở đâu ra?”, vị Giám chức nói.
“Ngay cả khi có thực phẩm ở chợ, bạn cũng không có cách nào để mua nó. Đó là lý do tại sao lại khó khăn và đó là lý do tại sao lại có nạn đói. Mọi người đang phải sống cảnh nay đây mai đó, họ bị đánh đuổi khỏi nơi ở của mình, họ không thể sản xuất ra thực phẩm, và vì họ không thể sản xuất ra thực phẩm nên điều đó tạo ra nạn đói”, Đức Giám mục Sakor Eyobo cho biết thêm.
Đức Giám mục Sakor Eyobo cho biết chiến tranh đã làm trầm trọng thêm vấn đề.
“Và ngay cả Đức Thánh Cha khi nói về Iraq, Afghanistan và Israel, cũng nói rằng ‘chiến tranh là một sự thất bại’. Nếu con người muốn tham gia chiến tranh thì đó quả là một sự thất bại. Đó không phải là một thành công; bạn sẽ không bao giờ thành công trong chiến tranh”, Đức Giám mục Sakor Eyobo nói.
“Cuộc sống đang bị hủy hoại, tài sản đang bị phá hủy và trước khi bạn kịp nhận ra thì mọi thứ đã biến mất. Và việc tái thiết sẽ không dễ dàng chút nào. Vì vậy, lời kêu gọi của chúng tôi là cộng đồng nhân đạo hãy chủ động, hành động nhanh chóng để những vấn đề này được giải quyết”, vị Giám chức tiếp tục.
“Chúng tôi thu hút sự tham gia của các cộng đồng địa phương đang bị chia cắt do chiến tranh để giới tinh hoa không lợi dụng họ. Bởi vì giới thượng lưu lợi dụng người dân của chúng tôi vì lợi ích riêng của họ và người dân của chúng tôi khi đó là những người phải chịu đau khổ”, Đức Giám mục Sakor Eyobo nói.
Đức Giám mục Paul Swarbrick, Giám mục chịu trách nhiệm khu vực Châu Phi tại Hội đồng Giám mục Công giáo Anh và xứ Wales, cho biết “điều cần thiết” là giải quyết cuộc xung đột ở Sudan một cách nhanh chóng và hiệu quả nhất có thể.
“Khi các cuộc xung đột khác thu hút được nhiều sự chú ý của giới truyền thông, chiến tranh ở Sudan đã lan rộng gây bất ổn cho các quốc gia láng giềng và Nam Sudan ngày càng bị ảnh hưởng”, Đức Giám mục Swarbrick cho biết thêm.
“Đầu năm nay, tôi đã nhận được phản hồi đáng khích lệ từ các bộ trưởng Anh về viện trợ thiết thực cũng như can thiệp chính trị. Tôi cũng đã nghe từ Đức Giám mục Carlassare Địa phận Rumbek. Sự hiện diện của Giáo hội ngay cả trong những thời điểm bất ổn chính trị và mất an ninh lương thực là lý do để tiếp tục duy trì niềm hy vọng. Chúa Kitô đã không bỏ rơi người dân”, Đức Giám mục Swarbrick nói.
Minh Tuệ (theo Crux)