Lớp nghiên cứu Học thuyết Xã hội Công giáo: Hội ngộ ba miền

Trong hai ngày 18 và 19/6/2016, 50 anh chị em từ khắp ba Miền đất nước đã quy tụ về Châu Sơn, Ninh Bình, tham dự khóa học  Học thuyết Xã hội Công giáo. Khóa học do Câu lạc bộ Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận tổ chức, dưới sự hướng dẫn của linh mục Giuse Nguyễn Thể Hiện, C.Ss.R. – Trưởng ban Truyền thông tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế, Sơ Thanh Lương – thành viên Ủy ban Công lý và Hòa bình trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam và một số anh chị em giáo dân thuộc nhóm nghiên cứu Học thuyết Xã hội Công giáo Sài Gòn.

gh1Ngay sau khi đến Châu Sơn, lớp đã được Đức Tổng Giám mục Giuse Ngô Quang Kiệt (Đức TGM) tiếp đón. Cha Giuse Nguyễn Thể Hiện đã  thay mặt lớp chúc mừng Đức TGM nhân dịp ngân khánh linh mục của ngài và bày tỏ lòng biết ơn vì ngài đã dành nhiều ưu ái cho lớp học.

Đáp lại, Đức TGM đã chia sẻ những cảm xúc của ngài sau chuyến đi thăm và cứu trợ anh chị em ngư dân tại các tỉnh Miền trung ngày 16/6 vừa qua. Theo ngài: Biển giờ đã chết. Bờ biển không có sinh vật nào sống, không có con dã tràng, con cua, con ốc nào. Những thuyền đánh cá của ngư dân trùm vải trắng như  những tấm khăm liệm. Biển chết, du lịch, ngư dân cũng đang chết dần. Báo hiệu những cái chết khác, cái chết về văn hóa, luân lý, kinh tế, chính trị.

Nhắc nhớ mọi người về tấm lòng yêu thiên nhiên của Thánh Phanxicô, ngài chia sẻ: Thánh Phanxicô xưa yêu mến thiên nhiên, gọi là chị gió, em mặt trăng, anh mặt trời. Nhưng chúng ta ngày nay phải thấy thiên nhiên, môi trường là chính thân thể chúng ta. Biển Vũng Áng, biển miền Trung chết là cơ thể chúng ta đang chết. Hơn lúc nào hết, chúng ta phải học hỏi Giáo huấn Xã hội Công giáo. Giáo huấn sẽ trang bị cho chúng ta một nền tảng lý thuyết vững vàng để ứng xử với mọi tình huống, mọi hoàn cảnh.

Ngài đặt ra 2 câu hỏi để lớp suy nghĩ và thảo luận. Đó là đứng trước thảm họa môi trường hiện nay, người Công giáo phải làm gì và tại sao phải làm thế?

Sau khi chào thăm và chúc mừng Đức tổng dịp ngân khánh linh mục, các học viên, dưới sự hướng dẫn nhiệt tình và sâu sắc của các giảng viên, đã hiểu thêm những nguyên tắc của giáo huấn, đặc biệt là những cột trụ để xây dựng ngôi nhà xã hội tương lai, bao gồm 4 nguyên tắc: nhân vị, công ích, bổ trợ và liên đới và 4 giá trị: sự thật, công lý, tự do và tình yêu.

gh2Dịp này, lớp học cũng dành nhiều thời gian để thảo luận về các vấn đề thiết thực hiện nay, như ô nhiễm môi trường miền Trung, tình trạng bất công xã hội, việc chính quyền cưỡng chiếm đất đai của các tôn giáo xử dụng vào mục đích kinh tế…

Buổi tối, mặc dù rất bận do phải tiếp đón nhiều đoàn khách đến viếng thăm chúc mừng, nhưng Đức TGM Giuse cũng đã ưu ái dành thời gian xuống lớp để nghe và chia sẻ với anh chị em. Theo ngài, xã hội hiện nay đang đối diện với một thực trạng bi thảm. Chuyện cá chết chỉ là bề mặt của hàng loạt cái chết khác: cái chết về văn hóa, về luân lý và đặc biệt cái chết về chính trị. Và, Học thuyết Xã hội Công giáo chính là phương thế cần thiết để góp phần canh tân xã hội. Hiện nay, việc học học hỏi và ứng dụng Học Thuyết Xã hội Công giáo là hướng đi đúng đắn, cần được nhân rộng cho nhiều người. Ngài mong ước mọi người sau khi kết thúc khóa học phải làm gì đó cách cụ thể để góp phần cùng mọi người chung tay bảo vệ môi trường tự nhiên, môi trường xã hội đang bị ô nhiễm trầm trọng hiện nay.

gh4Hình ảnh đơn sơ của Đức tổng Giám mục, đặc biệt trong thánh lễ sáng Chúa nhật: không mang mũ, gậy, nhẫn Giám mục mà chỉ đơn sơ như một linh mục bình thường, khi cho chịu lễ, tự cầm chén lễ đi xuống chứ không nhờ các linh mục đồng tế mặc dù chỉ có ít người dự lễ, đã để lại nhiều cảm xúc nơi các học viên.

Chia sẻ trong thánh lễ, một lần nữa Đức tổng nhấn mạnh tới việc học hỏi Học thuyết Xã hội, tới việc các Kitô hữu phải nên giống Chúa Giêsu, sẵn sàng vác thập giá đi theo Người. Theo ngài, xã hội chỉ thực sự bền vững khi được xây dựng dựa trên niềm tin bất diệt vào sự sống trong Chúa Kitô.

Khóa họa kết thúc sau bữa cơm chia tay cùng với sự tham dự của Đức tổng Giuse.

Chúng tôi tạm biệt Châu Sơn và vẫn hằng ao ước trở lại để gặp người cha thân thương đang dành bao tâm sức để xây dựng đan viện. Một cơ sở đồ sộ đang lên tầng hai. Khu vườn Fatima vẫn cố gắng hoàn thành nhân 100 năm Đức Mẹ Fatima (13-5-1917).

Triết Giang

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube