Khủng hoảng Vũng Áng: Cá chết tiếp tục vào bờ - bắt người “đổ tội”

Sau những chỉ đạo được cho là “kịp thời” nhưng hơi muộn của Thủ tướng: “phải điều tra làm rõ nguyên nhân cá chết hàng loạt, không bao che người vi phạm”, bất chấp báo chí chính thống sau lệnh miệng của Ban tuyên giáo đã đồng loạt “bắt cá ngưng chết” theo đúng quy trình, sáng ngày 3/5/2016, cá chết vẫn tiếp tục ào ạt trôi vào bờ.

“Cá say, bị dại, lờ đờ”

Viết trên Fb. của mình, bạn Nguyễn Thị Diệu Anh cho biết, không như những gì truyền thông đưa tin, tại vũng biển Hải Dương, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế, cá  vẫn chết ồ ạt ngoài biển, trong rào và tại những hộ nuôi cá lồng. “Các bạn hãy sáng suốt, nên tin vào con mắt và nhận thức của riêng mình” –  Diệu Anh chia sẻ.

Cá chết được người dân Thừa Thiên Huế thu gom mang đi thiêu hủy. Ảnh Nguyen thi Dieu Anh

Cá chết được người dân Thừa Thiên Huế thu gom mang đi thiêu hủy. Ảnh Nguyen thi Dieu Anh

Phóng viên Tạ Vĩnh Yên, trên Báo Giao Thông sáng 3/5 – bài báo này đã bị gỡ bỏ sau khi xuất bản không bao lâu – thuật lại lời các ngư dân xã Vĩnh Thái, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị cho biết cả tuần nay hầu như không có con cá, con mực nào dính bẫy. Điều đáng quan ngại là hiện tượng biển vẫn bốc mùi thối nồng nặc, khiến ngư dân không dám ra biển dù chỉ là để hóng mát.

Ngư dân Nguyễn Tất Bảo – vẫn trên Báo Giao Thông, cho biết: “Mùi thối đã đành nhưng nước còn gây ngứa. Sáng hôm qua (ngày 2/5), tôi cùng hai ngư dân khác xuống lặn biển. Khi về nhà thì cả người bị nổi hạt ngứa. Càng gãi càng nổi hạt và ngứa nhiều hơn. Nhất là ở vùng cổ, cánh tay. Tôi từ trước tới nay đều chưa bao giờ đi lặn biển mà bị như thế này cả”.

Theo tờ báo này, những ngày qua, hiện tượng “cá say, bị dại” như thể bị nhiễm độc dạt vào các bãi biển Quảng Trị rất nhiều. Đa phần là cá ở tầng nước sâu như cá đuối, cá linh. Điều đáng nói là người dân ở đây tiếp tục mang các loại cá có biểu hiện nhiễm độc bán cho các thương lái mang đi các nơi tiêu thụ.

Bài viết này đã bị xóa sau khi xuất bản vài tiếng đồng hồ

Bài viết này đã bị xóa sau khi xuất bản vài tiếng đồng hồ

Hiện tượng “cá say, bị dại” “lờ đờ” không chỉ xảy ra ở Quảng Trị, mà còn xuất hiện ở Thừa Thiên Huế với tần suất không nhỏ. Tại phía bờ Bắc cửa Thuận An thuộc thôn 2, xã Hải Dương, thị xã Hương Trà (Thừa Thiên – Huế) “tình trạng nhiều loài cá biển trong trạng thái lờ đờ, ào ạt dạt vào bờ và Phá Tam Giang cũng xuất hiện khá nhiều vào cùng thời điểm. Hiện tượng cá vẩu, cá chẽm nuôi cạnh cửa Thuận An của người dân Hải Dương cũng bắt đầu chết” – theo Báo Người Lao Động.

Thủ tướng chỉ đạo “đánh bắt xa bờ”

Sau cuộc họp với lãnh đạo các tỉnh và các bộ ngành liên quan chiều ngày 1/5/2016, Văn phòng Thủ tướng vừa ra thông báo về kết luận của Thủ tướng Chính phủ về vụ cá chết hàng loạt tại các tỉnh Miền Trung. Theo đó, Thủ tướng đã yêu cầu “Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan truyền thông thông tin chính xác, khách quan, kịp thời động viên, khuyến khích nhân dân yên tâm, tiếp tục ra khơi đánh bắt ở vùng ngoài 20 hải lý và tiêu thụ hải sản.”

image2Chiều ngày 3/5, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vũ Văn Tám có công văn hướng dẫn các biện pháp ứng phó với hải sản chết bất thường tại các tỉnh Bắc Trung Bộ. Công văn yêu cầu “các địa phương tuyệt đối không chế biến làm thực phẩm cho con người hoặc thức ăn chăn nuôi với hải sản chết dạt bờ, hải sản đánh bắt trong vùng biển 20 hải lý trở vào thuộc 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế mà có kết quả kiểm định không an toàn”.

Trước đó, ngày 29/4/2016, Tổng cục Môi trường đã công bố kết quả quan trắc nước biển tại 4 tỉnh Miền Trung “đạt chuẩn an toàn”.

Hiện tượng “cá say, bị dại”, cá chết tiếp tục tấp vô bờ, cùng với việc Thủ tướng kịp thời chỉ đạo Bộ Thông tin Truyền thông “khuyến khích nhân dân yên tâm, tiếp tục ra khơi đánh bắt ở vùng ngoài 20 hải lý”, trong khi kết quả quan trắc cho thấy nước biển “đạt chuẩn an toàn”, có điều gì đó thật sự không ổn.

Nếu nước biển đã đạt chuẩn an toàn làm sao cá tiếp tục chết, “bị say”, “bị dại”, “lờ đờ” có biểu hiện bị nhiễm độc?

Nếu nước biển đã đạt chuẩn an toàn, thì tại sao Thủ tướng lại chỉ đạo cơ quan truyền thông phải “khuyến khích người dân ra khơi đánh bắt ở vùng ngoài 20 hải lý?

Bắt người đổ tội

Anh Trương Minh Tam. Ảnh: Internet

Anh Trương Minh Tam. Ảnh: Internet

Trong một diễn biến khác, chiều ngày 1/5/2016, truyền thông nhà nước đồng loạt đưa tin “bắt hai đối tượng kích động người dân” , với tội trạng “có hành vi thu thập thông tin, hình ảnh, để phát tán trên mạng internet nhằm mục đích kích động người dân”.

Hai người bị bắt là ông Trương Minh Tam thuộc phong trào Con Đường Việt Nam và bạn trẻ Cựu từ nhân lương tâm Antôn Chu Mạnh Sơn. Ông Trương Minh Tam bị bắt trên đường trở về Hà Nội sau khi tới giáo xứ Đông Yên, Xã Kỳ Lợi, gần khu Công nghiệp Vũng Áng, làm phóng sự về tình trạng cá chết và cuộc sống người dân sau thảm họa môi trường. Anh Antôn Chu Mạnh Sơn bị bắt sau khi dùng điện thoại chụp ba tấm ảnh người dân Quảng Xuân, Quảng Trạch, Quảng Bình đang biểu tình trên đường quốc lộ – theo truyền thông Nhà nước.

Tuy nhiên, tối ngày 2/5/2016, nhà cầm quyền buộc phải trả tự do cho anh Antôn Chu Mạnh Sơn.

Việc nhà cầm quyền bắt giữ tùy tiện hai người dân vào lấy tin nhằm cung cấp thông tin chính xác về thảm họa môi trường Miền Trung, là một việc làm trái đạo đức và pháp luật. Trong thực tế, khi thảm họa môi trường xảy ra, đã có hàng trămphóng viên báo đài cùng vào hiện trường, chụp ảnh, lấy thông tin, viết bài, nhưng tại sao không có ai bị bắt?

Thực ra, đây không phải là lần đầu nhà cầm quyền vô cớ bắt người nhằm che đậy tội ác mà họ biết rõ nguyên nhân ở đâu ra. Còn nhớ, trong cuộc biểu tình chống Trung Quốc đưa giàn khoan HD 981 vào biển Đông năm 2014, sau khi hàng chục nhà máy bị đập phá tại Đồng Nai, ba bạn trẻ vào lấy tin cũng đã bị chính quyền bắt giữ và đưa ra xét xử nhằm chạy tội và đổ lỗi cho các “thế lực thù địch”. Vụ bắt giữ lần này, chắc chắn cũng không ngoài mục đích đó.

Việc bắt giữ lần này, cùng với những chỉ đạo của Thủ tướng, của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông Thôn: “tuyệt đối không chế biến làm thực phẩm cho con người hoặc thức ăn chăn nuôi với hải sản chết dạt bờ, hải sản đánh bắt trong vùng biển 20 hải lý trở vào thuộc 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế”, một lần nữa khiến người ta phải đặt ra câu hỏi:

Phải chăng chính quyền đang cố tình che giấu những sự thật khủng khiếp về thảm họa Vũng Áng?

Gioan Nguyễn Thạch Hà

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết