Ba tháng đợi chờ trong bức xúc, phẫn nộ lẫn tuyệt vọng sau sự kiện cá chết biển chết, cuối cùng người dân cũng nghe được lời công bố buộc tội đúng kẻ đã gây ra thảm môi trường bốn tỉnh Miền Trung Việt Nam: FORMOSA.
Có người hồ hởi, thoả lòng vì Formosa đã bị vạch tội, khen nhà chức trách “can đảm, quyết liệt”; có người băn khoăn: liệu 500 triệu USD bồi thường có xứng đáng với cái giá người dân Việt Nam phải trả cho hiện tại và cho các thế hệ sau? Và liệu số tiền đó có đến được tay nạn nhân một cách thích đáng? Có người lại thất vọng: thế là xong! Kẻ cướp vẫn nhởn nhơ trên nỗi đau của dân tộc!
Ta nhìn thấy được sự thật nào trong sự kiện này?
Một sự cáo buộc mơ hồ của nhà chức trách
Trong một tháng qua, những người có trách nhiệm đã đôi lần công bố trên các phương tiện truyền thông: đã tìm ra SỰ THẬT về nguyên nhân cá chết, và đang “tập hợp chứng cứ”, nghe “sự phản biện của các nhà khoa học quốc tế”, để đưa ra những “xác quyết có căn cứ khoa học”.
Và ngày 30/6 vừa qua, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết đã “xác định nguồn thải lớn nhất tại khu vực Vũng Áng, Hà Tĩnh, chứa độc tố như phenol, xyanua, kết hợp với hydro, tạo thành phức hợp theo dòng hải lưu đến Thừa Thiên – Huế làm hải sản và sinh vật biển chết hàng loạt”. Ông kết luận: “Những vi phạm và sự cố trong quá trình thi công vận hành thử nghiệm tổ hợp nhà máy của công ty Formosa Hà Tĩnh là nguyên nhân gây ra ô nhiễm môi trường biển nghiêm trọng, làm hải sản tại 4 tỉnh miền Trung chết bất thường”.
Mới nghe qua, dường như sự công bố này rất rõ ràng, rành mạch, “đúng người, đúng tội”. Nhưng thực chất, đây là một lời cáo buộc mơ hồ, thiếu những căn cứ, số liệu cụ thể, xác thực để cấu thành tính pháp lý của lời buộc tội. Người dân trong nước và cả quốc tế muốn biết: Formosa đã thải những chất độc gì ra biển? hàm lượng cụ thể nhiễm độc trong nước là bao nhiêu? Đã có sự thiệt hại ở mức độ nào về người và của ở hiện tại và tầm mức tác hại trong tương lai? Thảm hoạ này không chỉ triệt hạ những giống nòi sinh vật biển và thềm lục địa Việt Nam, mà còn ảnh hưởng thế nào đến môi trường sinh thái của khu vực và các nước có liên quan? Bởi, đây không còn là vấn đề riêng của Việt Nam.
Một cáo buộc pháp lý không thế chấp nhận những ngôn từ mang tính chung chung, rằng Formosa đã “vi phạm”, đã có “sự cố”, cá và sinh vật biển “chết bất thường”, “chết hàng loạt”… Phải là vi phạm như thế nào? Bất thường ra sao? Hàng loạt là bao nhiêu?
Mặt khác, người có tầm quan sát không thể không ngạc nhiên về sự “phối hợp nhịp nhàng” giữa nhà chức trách Việt Nam và đơn vị vi phạm pháp luật Formosa: ‘bên bị’ xin lỗi, “nhận tội” trước, ‘bên nguyên’ “công bố tội”, rồi “tha thứ” sau. Như thế, ngay từ đầu không cần phải đưa ra bằng chứng để buộc bên kia nhận tội nữa, mà lại tạo được thêm một “tình tiết giảm nhẹ”! Thật là ‘nhất cử lưỡng tiện’!
Như thế, sự thật có được tôn trọng? Phía sau đã có những khuất tất và ếm nhẹm nào? Thế lực nào đang điều khiển bên trong bức màn bí ẩn?
Công lý và công ích đang bị chà đạp
Trong cuộc họp báo ngày 30/6, khi được hỏi: Cơ quan công an liệu có khởi tố vụ án hình sự?
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng trả lời: “Việt Nam đang xây dựng môi trường đầu tư, tạo lập hình ảnh trong thời kỳ hội nhập, được các nhà đầu tư đánh giá cao về ổn định chính trị, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư…”
Nghĩa là nhà chức trách đang đánh đổi sinh mạng của triệu triệu người dân Việt Nam, đánh đổi môi trường sống, đánh đổi sự thật và công lý, dung túng cho kẻ phạm pháp, để đạt được cái gọi là “môi trường hội nhập”, “tạo lập hình ảnh”, “ổn định chính trị”? Mà “ổn định” cho tầng lớp nào? “Cơ hội” cho ai? Có phải cho dân, vì dân như vẫn thường cao rao?
Nếu mọi hoạt động kinh tế, chính trị, văn hoá…, không hướng đến phục vụ con người, không tôn trọng những thiện ích chung, thì nó đi ngược lại sự phát triển toàn diện, bền vững, và trở thành man rợ!
Một lập luận khác của ông Mai Tiến Dũng: Formosa đã nhận lỗi trước người dân Việt Nam, đưa ra 5 cam kết về bồi thường, hỗ trợ. “Đánh kẻ chạy đi chứ không đánh người chạy lại”!
Một lập luận được cho là thiếu trách nhiệm trước nhân dân, là vô cảm trước những khốn nạn của dân tộc, và thiếu tôn trọng pháp luật, thiếu căn cứ pháp lý để tạo nên giá trị phát ngôn của một chính khách.
Quả là văn hoá người Việt trọng nghĩa tình, giàu lòng thứ tha, rộng lượng. Nhưng một sự rộng lượng chà đạp lên công lý và sự thật sẽ mang trong nó mầm móng của chiến tranh, bất công và bất ổn.
Chưa kể là, ta lấy gì để bảo đảm về những cam kết, những hứa hảo của Formosa? Chẳng còn cá để chết thêm, để tố cáo tội ác của Formosa thêm lần nữa!
Dựa vào đâu để tin rằng cơ quan quản lý Tài nguyên – môi trường Việt Nam có thể giám sát được việc xả thải của Formosa? Khi chính bộ trưởng Bộ Tài nguyên – môi trường Trần Hồng Hà đã thừa nhận rằng: “Việc áp dụng quy chuẩn chưa sát tình hình nguồn thải của Formosa”, rằng “Đây là lỗ hổng trong giai đoạn thử nghiệm vận hành. Hệ thống giám sát tự động cũng chưa có cơ quan nào vào đánh giá, trong đó có những độc tố nặng.” Và “pháp luật có lỗ hổng trong quá trình giám sát thử nghiệm”!!!
Vậy, khi ký kết hợp đồng với Fomosa, phía Việt Nam đã không tiên liệu và không cân nhắc đến những thiếu khuyến và yếu kém này? Và còn bao nhiêu vấn đề khác chưa cân nhắc và chưa tiên liệu được? Đâu là trách nhiệm của những kẻ cầm bút ký kết?
Ai có trách nhiệm buộc Formosa thì hành công lý?
Ông bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng phát ngôn rằng: “việc đưa ra khởi tố là việc cân nhắc của Chính phủ”.
Phải lắm, chính phủ phải có trách nhiệm buộc Formosa thi hành công lý, một cách thoả đáng và xứng với những gì Formosa đã gây nên. Nhưng thiết nghĩ, đây còn là trách nhiệm của toàn thể nhân dân VN, và là trách nhiệm của cả cộng đồng quốc tế, trước một tội ác không thua kém tội diệt chủng – đối với cả con người và môi trường sinh thái.
Đã đến lúc người dân Việt Nam phải thật khôn ngoan, tỉnh táo, phải vận dụng khéo léo những bằng chứng pháp lý để đấu tranh cho sự thật, công lý và công ích. Sự bức xúc, nóng vội chỉ đem lại thiệt hại,và có khi còn bị chụp lên đầu những “cái mũ” lông lá nào đó.
Đã đến lúc, mỗi người phải ý thức được vai trò, trách nhiệm và quyền lợi của mình trong việc tham gia gìn giữ, bảo vệ và xây dựng đất nước.
Tịnh Khê