Điểm tin: Dân giúp công an, công an đánh dân nhập viện và bổ nhiệm cú vét

Những tin tức về “Công an – Nhân dân”

Vài hôm trước, mạng xã hội lan truyền đoạn video Cảnh sát khu vực nhổ nước bọt vào mặt dân gây nên sự phẫn nộ.

Hôm qua, mạng xã hội và báo chí đưa tin viên cảnh sát khu vực này đã phải xin lỗi nạn nhân công khai dù trước đó, ông Đào Ngọc Trung, trưởng Công an phường Trung Liệt nói với báo chí rằng “không có việc nhổ nước bọt mà chỉ dí sát mặt nhìn vào cửa nhà”, thậm chí ông còn nhanh nhảu cho rằng: Có thể đoạn video clip đó được cắt ghép nhằm bôi nhọ ngành công an của ông!

Banggiacuacongan

Bản sao bằng ĐH giả của ông Hoài vẫn được UBND xã Mỹ Chánh Tây chứng thực (Ảnh: Văn Lưu)

Ngoài thông tin về vụ viên công an nhổ nước bọt vào mặt dân phải xin lỗi, vụ viên công an Đoàn Văn Hoài – Trưởng Công an xã Mỹ Chánh Tây (huyện Phù Mỹ) sử dụng bằng đại học giả cũng là đề tài được cư dân mạng xôn xao bàn tán và cười xả stress.

Điều hài hước là khi bị phát hiện, ông ta cho rằng ông ta không sử dụng bằng giả mà chỉ là…bằng không có hồ sơ gốc. Bởi vì ông ta nhờ người đi học, đi thi hộ nên không phải là bằng giả.

Câu chuyện này cũng tạo ra được những trận cười khá thoải mái cho công dân sau những ngày làm việc mệt mỏi kiếm sống.

Hôm nay 14/4, mạng xã hội lại tiếp tục nóng lên bởi lại là những tin tức từ lực lượng công an, đó là vụ việc công an dùng võ thuật đánh một người bán hàng rong nhập viện.

Đoạn video clip được người dân đưa lên mạng facebook cho thấy rõ hình ảnh thượng sĩ công an tên Lương Việt Hà, công an phường 4, quận 6, thành phố Hồ Chí Minh đã tung cước hạ đo ván một công dân bán hàng rong trên phố, khiến cho “ông chủ” này bị chấn thương phải nhập viện khẩn cấp.


Theo lời một người có mặt kể lại với báo chí, thì “anh công an đã dùng tay đấm lên đầu người bán hàng rong khiến nón kết rơi ra. Sau đó, anh này dùng chân trái đá trúng mặt nạn nhân. Thanh niên bước xuống xe ôm mặt kêu cứu thì bị anh công an nắm cổ áo quật ngã xuống đường bất tỉnh”.

chettrongdoncongan

Người đến đồn công an và vợ con lên nhận xác. Ảnh Internet

Một vụ việc khác cũng được thông tin rộng rãi về hiện tượng tưởng khó tin nhưng có thật. Bài viết “Chồng bị bắt lên công an, vợ được mời đến bệnh viện… nhận xác” đã tăng cường thêm những thông tin về hiện tượng người dân chết bất tử trong đồn công an mấy năm qua vẫn không có hiện tượng dừng lại.

Tờ báo Pháp luật cho biết: “Sau hơn 3 tháng bị công an huyện bắt tạm giam, chị H’Er KĐóh (SN 1979, ngụ tại buôn Trấp, xã Ea Hđing, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk) nhận được tin báo đến bệnh viện nhận xác chồng về”.

Còn nhớ, tại Quốc hội, cách đây 1 năm, ông Nguyễn Sinh Hùng phát biểu: “Trong 3 năm qua có hơn 260 người chết trong quá trình tạm giam, tạm giữ. Cái đó công an phải hoàn toàn chịu trách nhiệm…”.

Không rõ công an đã chịu trách nhiệm như thế nào, chỉ biết là Bộ trưởng Công an đó nay đã lên làm Chủ tịch Nước.

dodangdu

Em Đỗ Đăng Dư bị chết khi đang bị tạm giam. Ảnh Internet

Ngay tại Hà Nội, vụ em Đỗ Đăng Dư, một trẻ vị thành niên bị bắt vào nhà tạm giữ mà theo các luật sư, thì vụ bắt bớ có dấu hiệu vi phạm tố tụng hình sự nghiêm trọng. Rồi em bị đánh chết trong tù do “rửa bát bẩn”. Nay vụ án cũng đang dần vào quên lãng của xã hội.

Và người đứng đầu ngành công an Hà Nội lại “chịu trách nhiệm” rồi lên làm Chủ tịch Thành phố.

Xem chừng, cứ “chịu trách nhiệm” kiểu này, e rằng sẽ còn nhiều người thích “chịu trách nhiệm” hơn và công dân cứ vậy thi nhau chết trong đồn công an hay nói cách khác là vào đồn sinh ra chán đời tự tử?

Điều trớ trêu là lực lượng công an nhân dân luôn được quảng cáo là “từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà phục vụ” sao lại có những kiểu phục vụ ngược đời như vậy. Người dân bỏ tiền thuế, cơm gạo, áo quần, tiền bạc nuôi một lực lượng hùng hậu như vậy lại được đối xử như vậy thì ý nghĩa việc phục vụ là như thế nào?

Trên báo chí nhà nước gần đây đăng nhiều tin bài về người dân đã tận tình giúp đỡ công an. Chẳng hạn:

Chiều 26/3/2016, người dân ở phường Trảng Dài, TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai đã hỗ trợ công an bắt 2 đối tượng nghiện ma túy đang trộm cắp tài sản. Rồi người dân giúp công an truy bắt 2 tên trộm nghiện ma túy. Dân giúp công an giữ yên địa bàn. Từ thông tin trên trang web, người dân giúp công an bắt đối tượng truy nã.

conganchibietcondang

Chỉ biết còn đảng, còn mình. Ảnh: Internet

 Ngày 2/4, Công an tỉnh Bình Dương cho biết: Trong năm 2013, người dân đã cung cấp cho lực lượng công an 542 nguồn tin, giúp điều tra khám phá 420 vụ, bắt 635 đối tượng hình sự các loại.

Như vậy, ngoài việc đóng tiền nuôi công an, dân còn giúp đỡ, nghĩa là làm thay những công việc mà lẽ ra công an phải làm. Thế thì tại sao có hiện tượng công an ngày càng đối xử với dân như kẻ thù? Chỉ cần tìm cụm từ “công an đánh dân” trên google, kết quả là vô thiên lủng.

Cũng cách đây khá lâu, trước một tòa nhà của lực lượng công an, người dân đọc thấy tấm bảng viết: “Công an nhân dân, chỉ biết còn đảng, còn mình”.

Lẽ nào, thực chất mối quan hệ lại nằm ở chỗ đó?

Bổ nhiệm cú vét

Cũng trên mạng xã hội và báo chí, hôm nay đưa tin “Trong 6 tháng trước khi Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh nghỉ hưu, ông đã ký quyết định bổ nhiệm 35 trường hợp”.

Có lẽ, đây là truyền thống của ngành Thanh tra Chính phủ?

tranvantruyen

Ông Trần Văn Truyền. Ảnh: Innternet

Bởi người ta nhớ lại, trước khi nghỉ hưu, ông Trần Văn Truyền, chánh Thanh tra Chính phủ cũng đã ồ ạt bổ nhiệm có… 60 người. Vụ việc chỉ được phát hiện khi người ta điều tra về khối tài sản khủng khiếp của ông ta sau khi nghỉ hưu.

Ông bị truy hỏi về khối tài sản khổng lồ gây nhiều nghi ngờ. Người ta nghi ngờ bởi ông là đảng viên gộc, xuất thân phải từ thành phần bấn cố nông, công nhân hoặc giai cấp liên minh công nhân là nông dân, thì cha mẹ ông không thể có tài sản khủng như vậy để lại. Khi bị truy hỏi như thế, ông mới bật mí rằng thì là “do cô em gái nuôi” cho, rồi ông lại bật mí tiếp là ông đã phải “lao động thối cả móng tay”.

Quả là ông ta có bàn hay kim cương chứ không phải là bàn tay vàng người ta thường ca ngợi ở các cầu thủ bóng đá.

Giờ đến lượt ông Huỳnh Phong Tranh lại bổ nhiệm ồ ạt cút vét trước khi nghỉ hưu. Người ta đặt câu hỏi: Tại sao người ta thích bổ nhiệm đến thế, đến phút cuối cùng vẫn thích bổ nhiệm?

Cũng trên báo chí hôm nay, có chuyện một nhà báo bị dọa giết cả nhà vì loạt phóng sự phản ánh hiện tượng cò chạy công chức cho giáo viên tại huyện Sóc Sơn (Hà Nội). Trung tá Nguyễn Văn Dũng, giảng viên Học viện Kỹ thuật quân sự là một mắt xích đường dây đó. Và anh chàng trung tá Nguyễn Văn Dũng đã nhắn tin dặn cô phóng viên mua quan tài cho cả nhà.

Giờ thì anh ta lại… xin lỗi. Chắc anh ta đã học tấm gương anh chàng cảnh sát khu vực phường Phương Liên mới thực hiện hôm qua sau khi nhổ nước bọt vào mặt dân và…chối không được. Cũng nhẹ nhàng, đơn giản thôi.

Nhưng như vậy, việc bổ nhiệm, chạy chức chạy quyền hình như vẫn tồn tại ở Thủ đô đấy chứ?

Còn nhớ, trong báo cáo kết quả phòng, chống tham nhũng năm 2015 của UBND TP gửi HĐND TP Hà Nội, “qua kiểm tra nội bộ chưa phát hiện trường hợp nào có dấu hiệu tội phạm tham nhũng”.

Cũng có thể, việc chạy chức, chạy quyền, tham nhũng trong nội bộ là không có, mà chỉ là của các thế lực thù địch đua nhau chạy mà thôi?

Mạng xã hội và thông tin minh bạch

Chú ý một chút, chúng ta thấy rằng, những vụ việc liên quan đến công an đối xử với người dân, hầu hết được mạng facebook chuyển tải đến cộng đồng. Lại là mạng facebook, cái mạng xã hội này đã làm lộ ra nhiều vụ việc khó đỡ thuộc ngành công an gần đây.

Nhiều người phải kêu lên rằng: “Nếu không có lão Mark Zuckerberg, lập mạng facebook thì chắc chắn những vụ việc này không bao giờ bị phát hiện như chưa bao giờ xảy ra, thỉnh thoảng may ra đọc báo nhà nước thì thấy dân đánh công an vài cái tát hoặc đâm xe máy vào người cảnh sát mà thôi”.  

Thế nhưng, tờ Nhân Dân, cơ quan của Trung ương Đảng CSVN viết: “Dù mang danh nghĩa bảo vệ người dùng mạng xã hội của mình, nhưng xem xét cụ thể thì thấy facebook đã “vô tình” cổ động cho hành vi không minh bạch của nhiều người sử dụng. Với facebook, một mạng xã hội đúng nghĩa đã biến mất, nhường chỗ cho hành động ứng xử đời thường”.

Minhbachthongtin

Nếu những “ứng xử đời thường” mà như các video clip đưa lên đã nói lên sự thật, thì cái “ứng xử đời thường” như vậy cũng góp phần lớn làm trong sạch xã hội đấy chứ.

Hay có ai đó không thích những “ứng xử đời thường” cách đó, nên đã có một số người kêu gọi “cần phải cấm mạng facebook”? và Báo Nhân dân, tờ báo của Đảng đã dẫn đầu đặt ra vấn đề này, sau đó một vài ý kiến khác được báo chí đưa lên ủng hộ?

Khi một xã hội không được cung cấp thông tin đúng sự thật, thì xã hội sẽ được hướng dẫn, dẫn dắt bởi một ý chỉ chủ quan, chỉ nhằm bảo vệ lợi ích của một nhóm nhỏ mà nhiều khi làm hại cả một đất nước, một dân tộc.

Và con đường đi trong sự dối trá, bất hảo sẽ là con đường dẫn đất nước, dân tộc đến vực thẳm diệt vong nhanh nhất.

Hà Nội, ngày 14/4/2016

  • J.B Nguyễn Hữu Vinh (Tổng hợp)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết