Từ “đánh chuột đừng để vỡ bình” đến không được “trinh sát đảng viên”

Ở Việt Nam, tham nhũng đã trở thành quốc nạn. Đó là khẳng định của nhiều quan chức cỡ lớn mỗi khi đi tiếp xúc cử tri trong các dịp bầu cử. Đó cũng là câu hỏi nhức nhối nhất mà các cử tri thường đặt ra cho các vị quan chức.

Nói về tình trạng tham nhũng ở Việt Nam, ông Trương Tấn Sang đã có lần ví tình trạng tham nhũng như một bầy sâu ăn tạp đang phá nát đất nước này. Ông nói: “Trước đây chỉ một con sâu làm rầu nồi canh, nay thì nhiều con sâu lắm. Nghe mà thấy xấu hổ, không nhẽ cứ để hoài như vậy. Mai kia người ta nói một bầy sâu, tất cả là sâu hết thì đâu có được. Một con sâu đã nguy hiểm rồi, một bầy sâu là ‘chết’ cái đất nước này”.

Điều bi hài là ở chỗ, người đứng đầu nhà nước, khi tiếp xúc cử tri đã công khai khẳng định tình trạng tham nhũng đã tới mức tồi tệ, nhưng khi triển khai kế hoạch phòng chống tham nhũng, những người có trách nhiệm phòng chống tham nhũng trong bộ máy quản lý nhà nước lại khẳng định chắc như đinh đóng cột: thành phố này, thành phố nọ không phát hiện vụ tham nhũng nào, có nơi 10 năm không phát hiện ra người nào tham nhũng.

Ông Trọng trong lần tiếp xúc cử tri quận Tây Hồ với câu nói để đời "Đánh chuột đừng để vỡ bình". Ảnh: Vietnamnet.

Ông Trọng trong lần tiếp xúc cử tri quận Tây Hồ với câu nói để đời “Đánh chuột đừng để vỡ bình”. Ảnh: Vietnamnet.

Thực ra, chuyện tham nhũng ở đâu cũng có, ngay cả ở Vatican, như Đức Thánh Cha Phanxicô khẳng định trong chuyến tông du ba nước Châu Phi tháng 11/2015 vừa qua. Vì thế, nói rằng thành phố này, thành phố kia không phát hiện vụ tham nhũng nào, thì chẳng khác gì hắt gáo nước lạnh vào đầu ông Chủ tịch Nước, và xóa nốt chút niềm tin còn sót lại nơi người dân vào thể chế chính trị này.

Vậy, đâu là nguyên nhân của tình trạng bi hài trên?

Tất cả là bởi thằng cơ chế. Đảng Cộng sản Việt Nam – Đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác – Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”, được qui định tại điều 4 bản Hiến pháp 2013. Trong một xã hội mà cái gì cũng Đảng lãnh đạo, thì chỉ có đảng viên mới là những người có quyền lực; đồng nghĩa với việc những đảng viên mới là những người có cơ hội và điều kiện để tham nhũng. Đánh tham nhũng cũng có nghĩa là đánh vào Đảng, mà đánh vào Đảng là đánh vào cơ quan quyền lực cao nhất.

Cả một vòng luẩn quẩn, không lối thoát, khiến ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, trong một lần tiếp xúc cử tri tại quận Tây Hồ, Hà Nội đã trả lời cử tri, nhưng thực chất là căn dặn các đồng chí của mình: “Phải bình tĩnh tỉnh táo, rất khôn ngoan, có con mắt chiến lược. Bác Hồ dạy rồi, cha ông ta dạy rồi, đánh con chuột đừng để vỡ bình, làm sao diệt được chuột mà bảo vệ được bình hoa. Tức là phải giữ cho được cái ổn định“. Cái ổn định mà ông nói chính là phải giữ được cái thể chế chính trị độc đảng này.

Tại hội nghị tổng kết công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí năm 2015 do thành ủy TPHCM tổ chức, chiều 8/3/2016, trung tướng Phan Minh Anh – Giám đốc Công an Thành phố, đã bật mí cho biết lý do tại sao chống tham nhũng khó thực hiện. Ông nói: “Tôi cũng xin lý giải thêm vì Ban Nội chính yêu cầu Công an TP giải trình là tại sao án tham nhũng được phát hiện do trinh sát là ít, tôi đã nói thẳng không phải là ít mà là không có. Lý do là vì CATP cũng phải chấp hành chỉ thị 15, hầu hết đối tượng thực hiện hành vi tham nhũng là đảng viên mà công an thì không được quyền tổ chức trinh sát đảng viên”.

Trong một đất nước mà Đảng lãnh đạo toàn diện bằng nghị quyết, bằng chỉ thị hoặc chỉ cần bằng miệng của người đứng đầu, thì làm sao có thể chống tham nhũng cách hiệu quả, nhất là khi đảng tự cho mình cái quyền “lãnh đạo toàn diện thì cũng đã là một dạng tham nhũng” rồi.

Do đó, bao lâu chống tham nhũng mà “đánh chuột không để vỡ bình” thì đó chỉ là trò hề. Bao lâu Đảng còn tự cho mình được quyền miễn trừ buộc công an “không được trinh sát đảng viên” như hiện nay, thì công cuộc chống tham nhũng chỉ là bánh vẽ. Không thể chống tham nhũng khi cơ chế này còn tồn tại, khi người dân không được quyền giám sát Nhà Nước và lẽ dĩ nhiên, công việc thay đổi cơ chế chính trị là bổn phận và trách nhiệm của mọi công dân chúng ta.

Gioan Nguyễn Thạch Hà

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube