Chủ đề người nghèo trong truyền thống Nhất Lãm

Chủ đề người nghèo, trong truyền thống Nhất Lãm, được các tác giả Tin Mừng khai triển theo những cách thức khác nhau, tùy thuộc vào mối bận tâm về mặt thần học, cũng như tùy vào hoàn cảnh cộng đoàn nơi các tác giả đang sống.

Tin Mừng Mc

mother-teresa-poor-childTác giả Mc bận tâm đến nhiều chủ đề thần học khác nhau: Con Thiên Chúa, Con Người, Đấng Mêssia, bí mật Mêssia, Vương Quốc của Thiên Chúa, việc đào tạo các đồ đệ, sứ vụ đến với dân ngoại, v.v…[1] Có vẻ Đức Giêsu trong tin mừng Mc không đặc biệt quan tâm đến hạng người nghèo.

Thực ra, hạn từ “người nghèo” xuất hiện 5 lần ở Mc trên tổng số 19 lần được đề cập trong Tin Mừng Nhất Lãm. Dưới đây là trích dẫn một vài đoạn tin mừng liên quan đến người nghèo trong Tin Mừng Máccô:

Đức Giêsu đưa mắt nhìn anh ta và đem lòng yêu mến. Người bảo anh ta: “Anh chỉ thiếu có một điều, là hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi” (Mc 10,21)

Cũng có một bà goá nghèo đến bỏ vào đó hai đồng tiền kẽm, trị giá một phần tư đồng xu Rôma. Đức Giêsu liền gọi các môn đệ lại và nói: “Thầy bảo thật anh em: bà goá nghèo này đã bỏ vào thùng nhiều hơn ai hết” (Mc 12,42-43)

Dầu đó có thể đem bán lấy trên ba trăm quan tiền mà bố thí cho người nghèo (Mc 14,5)

Tần số xuất hiện hạn từ “người nghèo” trong Tin Mừng không cho phép kết luận rằng Mc không chú tâm đến sự kiện Đức Giêsu quan tâm, lo lắng cho người nghèo.

Mặt khác, khán thính giả của Đức Giêsu là những hạng người nghèo. Đức Giêsu đã chỉ trích thứ thực hành tôn giáo của hạng người Pharisêu vì họ cứ khăng khăng tuân thủ những chi tiết vụn vặt của lề luật. Đức Giêsu phê phán cách thực hành tôn giáo chỉ tập trung trên quan điểm là phải tuân thủ lề luật, bất chấp thái độ của tâm hồn và chẳng màng đến tình trạng của những người nghèo không thể sống theo các tiêu chuẩn lề luật.

Sứ mạng của Đức Giêsu là đem tin mừng cho người nghèo khó, thể hiện qua việc Ngài chứng tỏ quyền năng của Thiên Chúa trong những hành động chữa lành và xót thương.

Ngài nỗ lực làm cho những người tội lỗi ý thức tình trạng thực của họ trong ánh sáng của Thiên Chúa. Ngài thấy nhiệm vụ của mình là khôi phục dân Israel vốn đã rời bỏ mối tương quan thật với Thiên Chúa. Mặc dù Ngài đã giới hạn hoạt động của Ngài hầu như dành riêng cho những người Do Thái, nhưng Ngài cũng đã chứng tỏ mối bận tâm đặc biệt dành cho những người bị loại trừ ra bên lề xã hội và cho dân ngoại.[2]

Tin Mừng Mt

Như trong tất cả các Tin Mừng, trọng tâm thần học của Mátthêu là Đức Giêsu, nhưng được hiểu trong một nhãn giới riêng. Vì vậy, Mt cũng nhấn mạnh đến một số chủ đề thần học như Nước Trời, Nước Thiên Chúa, Con Thiên Chúa, Đấng Kitô, Đấng Mêssia, Môsê mới, Đức Giêsu và Lề luật, Lề luật và sự Công chính mới, Israel và Giáo Hội, Tin Mừng và Do Thái giáo, thực hành lối sống mới, v.v…[3]

Tuy thế, tác giả cũng vẫn lưu tâm đến những người nghèo khó, bằng chứng là trong Mt, có 6 lần xuất hiện hạn từ “người nghèo”. Đức Giêsu công bố mối phúc cho những người nghèo trong tinh thần (Mt 5,3). Người nghèo khó được nghe loan báo tin mừng (Mt 11,5). Mátthêu nhấn mạnh đến sự kiện Đức Giêsu nhìn thấy dân chúng trong tình cảnh nghèo khó của họ, và Ngài đã tấn công những người lãnh đạo tôn giáo vì đã gạt bỏ những người nghèo ra khỏi cuộc sống.[4]

Tin Mừng Lc

Trong Lc, ngoài những chủ đề thần học căn bản như Thiên Chúa và mục đích của Người, Đức Giêsu – Đấng Cứu Độ, Đấng Mêssia, Thánh Thần, lịch sử cứu độ, ơn cứu độ, Nước Thiên Chúa sẽ vô cùng vô tận, dân chúng cần ơn cứu độ, những người đại diện của Thiên Chúa, thương xót và phán xét, lời hứa và sự ứng nghiệm, sứ mạng đến với Israel và dân ngoại, con đường của các đồ đệ, Giáo Hội, v.v…;[5] thì chủ đề thần học căn bản, có thể nói, đó là: Tin Mừng cho người nghèo.[6]

Khác với Mt và Mc, khởi đầu sứ vụ công khai trong Lc, Đức Giêsu đã công bố là Người đem tin mừng cho người nghèo (Lc 4,18).

Trải dài suốt cả tin mừng, Luca bày tỏ mối bận tâm của ông đối với những người nghèo khổ, hay nói cho chính xác hơn, Đức Giêsu trong tin mừng Luca luôn luôn ưu tư, lo lắng, quan tâm, chăm sóc những người nghèo, những người cùng đinh trong xã hội.[7]

Nếu phải tóm tắt chủ đề chính của Lc trong một câu, thì ta có thể nói: chủ đề chính của Lc là Đấng Cứu Độ đến, Ngài đem ơn cứu độ đến cho người nghèo khổ.[8]

Như thế, truyền thống Nhất Lãm đề cập đến mối bận tâm của Đức Giêsu đối với người nghèo theo một cách thế khá đặc biệt.

Martino Vũ Tùng, C.Ss.R.

Chú thích

[1] W. R. Telford. New Testament Theology: The Theology of The Gospel of Mark. Cambridge: Cambridge University Press, 4th, 2006, 30-163; George Eldon Ladd. A Theology of the New Testament. Michigan: Wm. B. Eerdmans Publishing Co., Revised edition, 1993, 228-245; I. Howard Marshall. New Testament Theology: Many Witnesses, One Gospel. Nottingham: Apollos Press, 2004, 77-93.

[2] I. Howard Marshall. New Testament Theology: Many Witnesses, One Gospel. Nottingham: Apollos Press, 2004, 92.

[3] I. Howard Marshall. New Testament Theology: Many Witnesses, One Gospel, 111-125; George Eldon Ladd. Sđd, 218-228; Ulrich Luz. New Testament Theology: The Theology of The Gospel of Matthew. Translated by J. Bradford Robinson. Cambridge: Cambridge University Press, 11th, 2008. (Originally published in German as Die Jesusgeschichte des Matthäus, by Nneukirchen: Neukirchener Verlag and © Ulrich Luz, 1993).

[4] I . Howard Marshall. New Testament Theology: Many Witnesses, One Gospel, 125.

[5] I . Howard Marshall. New Testament Theology: Many Witnesses, One Gospel, 140-153; George Eldon Ladd. Sđd, 236-245; Joel B. Green. New Testament Theology: The Theology of the Gospel of Luke. Cambridge: Cambridge University Press, 11th, 2007.

[6] X. Joel B. Green. New Testament Theology: The Theology of the Gospel of Luke, 76-101; George Eldon Ladd. Sđd, 242-243.

[7] Warren Heard. Luke’s Attitude Toward the Rich and the Poor: Contem­porary Applications. Trinity Journal 9 (Spr, 1988), 47-80.

[8] I . Howard Marshall. New Testament Theology: Many Witnesses, One Gospel, 152.

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết