Bầu cử quốc hội nhìn từ thảm họa Vũng Áng

Chưa đầy ba tuần nữa, vào ngày 22/5, kỳ bầu cử Quốc hội khóa XIV và Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2021, sẽ diễn ra trên phạm vi cả nước. Người dân sẽ đến 184 địa điểm bầu cử để bầu 500 đại biểu Quốc hội đã được cơ quan quyền lực của đảng “cơ cấu” từ trước.

bau-cuĐây là một sự kiện chính trị quan trọng ảnh hưởng tới toàn xã hội trong ít là 5 năm tới. Thế nhưng, kể từ khi thảm họa Vũng Áng xảy ra, sự kiện chính trị quan trọng hàng đầu này hầu như  ít được ai nhắc tới, ngay cả trên các trang thông tin Nhà nước. Những ngày gần đây, không còn thấy bầu khí tưng bừng, với những tấm panô cổ động hoành tráng, những hội đoàn sử dụng tiền thuế hăng hái đến từng nhà để vận động người dân đi bầu, như trong các kỳ bầu cử trước đây.

Có vẻ như người dân không quan tâm lắm tới việc ai trúng cử, ai làm đại biểu, vì đơn giản ai làm đại biểu cho họ thì cũng chỉ thế mà thôi. Họ đã kinh nghiệm điều ấy suốt từ mấy chục năm nay, cách đặc biệt trong thảm họa xảy ra tại Vũng Áng lần này.

Thực tế, suốt hơn hai chục ngày đầu khi xảy ra thảm họa môi trường Miền Trung, người dân không hề thấy bóng dáng của các vị đại biểu Quốc hội xuất hiện tại nơi xảy ra thảm họa và ngay cả trên các diễn đàn, từ xa.

Người ta chỉ thấy một sự im lặng lạ lùng của nhà chức trách – trong đó có các đại biểu Quốc hội.

Nhân viên công lực lạnh lùng ngăn cản, đánh đập người biểu tình sáng 1/5 tại Sài Gòn. Ảnh Internet.

Nhân viên công lực lạnh lùng ngăn cản, đánh đập người biểu tình sáng 1/5 tại Sài Gòn. Ảnh Internet.

Ngày 22/4, gần 20 ngày sau khi xảy ra thảm họa, ông Nguyễn Phú Trọng – Tổng Bí thư Đảng cộng sản, đại biểu Quốc hội 13, ửng cử viên đại biểu Quốc hội khóa 14, mới tới thăm và làm việc với lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh. Tuy nhiên, thay vì đến với người dân đang phải vật vã với thảm họa, để “gần dân, trọng dân và vì dân” như có lần ông đã phát biểu, ông lại dành thời gian quý báu của mình để thăm một làng nông thôn mãi huyện Thạch Hà, thăm Khu Công nghiệp Hưng Nguyên (Formosa) và khẳng định tất cả “đang đi đúng hướng”.

Ngày 25/4, sau phát biểu thật thà gây sốc của ông Giám đốc đối ngoại Formosa Chu Xuân Phàm “chọn cá hay chọn gang thép” khiến dư luận dậy sóng, vài vị quan chức của các tỉnh xảy ra thảm họa, cùng quan chức các bộ ngành liên quan, mới xuất hiện nhưng với tần suất không nhiều tại chính nơi xảy ra sự kiện. Và ngay cả khi họ xuất hiện, thì những phát biểu thể hiện rõ sự lúng túng của họ sau đó, cũng đã không làm cho người dân an lòng; trái lại, những phát biểu ấy như thêm dầu vào lửa, làm cho vết loang độc tố không chỉ còn trên biển mà lan tràn khắp xã hội.

Những phát biểu thiếu trách nhiệm như “người dân có thể yên tâm ăn cá, tắm biển” của ông Đặng Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, hay những phản ứng thể hiện rõ sự chậm trễ, câu giờ trong việc cố gắng tìm ra nguyên nhân gây ra hiện tượng cá chết hàng loạt tại Miền Trung, không chỉ làm cho người dân mất niềm tin vào nhà chức trách, mà còn cho thấy sự tắc trách và khả năng quản lý xã hội yếu kém của cả hệ thống chính trị khi phải giải quyết những nan đề của xã hội.

Một bạn trẻ tham gia biểu tình tại Sài Gòn sáng 1/5 đặt câu hỏi với nhà chức trách

Một bạn trẻ tham gia biểu tình tại Sài Gòn sáng 1/5 đặt câu hỏi với nhà chức trách

Nhiều người đã đặt vấn đề: từ ông Tổng bí thư cho đến những quan chức hàng đầu các tỉnh, các bộ ngành liên quan, trong số đó nhiều người là đại biểu Quốc hội hoặc Hội đồng Nhân dân các cấp, đang phục vụ ai: nhân dân hay phe nhóm, đảng phái?

Các vị đại biểu một thời ứng cử và là Đại biểu Quốc hội cho huyện Kỳ Anh, cho Hà Tĩnh và các tỉnh đang chịu hậu quả nặng nề của thảm họa, đã ở đâu trong suốt hơn một tháng qua, khi thảm họa môi trường độc hại đang ngày càng lan rộng?

Họ đại diện cho ai, trong khi Luật bầu cử đại biểu Quốc hội, Luật tổ chức Quốc hội, qui định: “Đại biểu Quốc hội là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân, không chỉ đại diện cho nhân dân ở đơn vị bầu cử ra mình mà còn đại diện cho nhân dân cả nước ; là người thay mặt nhân  dân thực hiện quyền lực nhà nước trong Quốc hội”; có nhiệm vụ: “Liên hệ chặt chẽ với cử tri, chịu sự giám sát của cử tri, thường xuyên tiếp xúc với cử tri, tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của cử tri; thu thập và phản ánh trung thực ý kiến, kiến nghị của chử tri với Quốc hội và cơ quan nhà nước hữu quan; phải báo cáo trước cử tri  mỗi năm ít nhất một lần về việc thực hiện nhiệm vụ đại biểu của mình”?

Qui định là vậy, nhưng trong thực tế, cụ thể trong vụ thảm họa môi trường xảy ra tại các tỉnh Miền Trung –  một vụ việc quan trọng liên quan tới “quốc kế dân sinh”, người ta chỉ thấy một sự im lặng đáng sợ của các cấp chính quyền, trong đó có các đại biểu của dân từ cấp cơ sở cho tới Quốc hội. Khi bị nhân dân và dư luận chất vấn, họ lại lảng tránh như thể đang phải che giấu một sự thật kinh hoàng nào đó về nguyên nhân cá chết hàng loạt tại Vũng Áng và các tỉnh Miền Trung.

Thời điểm bầu cử Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp đang đến rất gần. Những người sẽ được cơ cấu làm đại biểu cho dân từ cấp cơ sở cho tới Trung ương có là người đại diện cho dân hay chỉ là những “mắt xích trong một cỗ máy vô hồn”, ở đó “Đảng chỉ tay, Quốc hội giơ tay, Mặt trận vỗ tay, còn nhân dân trắng tay”? Thảm họa Vũng Áng cho thấy phần lớn câu trả lời.

Vì thế, đã tới lúc, người dân cần phải tỏ rõ trách nhiệm và quyền công dân của mình trong kỳ bầu cử tới đây, thậm chí sẵn sàng không tham gia bầu cử nếu thấy cần thiết phải làm như vậy. Nếu không, sẽ còn nhiều “thảm họa Vũng Áng” khác đang và sẽ xảy ra trên đất nước này, khi vận nước bị trao vào tay những người không xứng đáng và không có khả năng phục vụ thiện ích chung.

05/05/2016

Gioan Nguyễn Thạch Hà

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết