Ba thành công của ĐGH Phanxicô trong chuyến đi Ai Cập

ĐGH Phanxicô đã giành được ba thành công trong chuyến đi hai ngày đến Ai Cập: về hòa bình, về mối quan hệ Hồi giáo – Kitô giáo và về tiến trình đại kết.

Những thành công này có thể được tượng trưng qua ba hình ảnh: việc ngài từ chối sử dụng xe bọc thép; cái ôm với Đại Imam của Al Azhar Sheikh Ahmed al-Tayeb; việc ngài đặt tay lên bức tường đẫm máu các thánh tử đạo tại nhà thờ Thánh Phêrô ở Cairo, nơi 20 người đã bị giết trong vụ tấn công khủng bố tháng 12 năm ngoái.

20170429T0918-26-CNS-POPE-EGYPT-MASS-2

ĐGH Phanxicô chào đón các trẻ em mặc trang phục pharaoh và các trang phục truyền thống khác khi đến cử hành thánh lễ tại Sân vận động Không quân ở Cairo hôm 29/04. (CNS photo/L’Osservatore Romano)

Chiếc xe khiêm tốn với cửa sổ được mở ra mà ngài đã dùng để di chuyển chính là một chiến thắng của hòa bình, mang lại niềm hi vọng cho các vấn đề kinh tế và chính trị mà người Ai Cập phải đối diện. Đức Phanxicô chỉ dùng một chiếc xe như thông thường, nhưng đặt trong bối cảnh những mối lo ngại về an ninh tại Cairo, đặc biệt là sau các vụ đánh bom hai nhà thờ Coptic vào Chúa nhật Lễ Lá, mọi người đều biết rằng ngài đã chấp nhận một nguy cơ rất lớn khi từ chối việc sử dụng một phương tiện bọc thép kiên cố.

Các nhà chức trách đã thực hiện các biện pháp đặc biệt nhất để bảo vệ ngài, như có thể thấy một cách rõ ràng khi ngài cử hành thánh lễ sáng Chủ nhật vừa rồi tại sân vận động của lực lượng không quân Ai Cập, một địa điểm nằm trong vùng sa mạc cách thành phố 12 dặm. Trực thăng tuần tra phía trên. Các binh sĩ được trang bị vũ khí đến tận răng đi lại khắp nơi, nhiều binh sĩ có chó đặc vụ đi vùng. Khu vực sân vận động được bao bọc bởi hàng rào thép gai và 15.000 người tham dự buổi lễ được lựa chọn kĩ lưỡng và không được phép mang điện thoại di động vào khu vực này. Nhà cầm quyền Ai Cập đã cố gắng để không xảy ra sự cố gì.

Tuy nhiên Đức Phanxicô chấp nhận nguy hiểm và trông cậy vào Thiên Chúa. Quyết định của ngài là một thông điệp về niềm hy vọng cho người Ai Cập, Kitô giáo cũng như Hồi giáo, về các vấn đề chính trị. Họ đều nhận thức rằng đất nước mình đang là mục tiêu của ISIS và đang tham gia vào cuộc chiến chống lại chủ nghĩa khủng bố.

Cha Oliver Borg Olivier nói với tạp chí America rằng: “Đức Phanxicô đã chuyển một thông điệp mạnh mẽ tới Daesh bằng việc đi thẳng đến những khu vực đã bị tấn công” (Daesh là một từ lóng chỉ ISIS với ngụ ý từ chối tính chính danh Hồi giáo của tổ chức này). Cha Olivier là một tu sĩ Dòng Tên đến từ Malta, đã làm việc tại Trung Đông 43 năm qua – phần lớn là ở Cairo.

Chuyến thăm của ĐGH và việc ngài từ chối sử dụng phương tiện an ninh cao, cũng mang lại niềm hy vọng cho người Ai Cập về các vấn đề kinh tế. Nền kinh tế nước này đang trong cơn khủng hoảng. Tháng 9 năm ngoái 1 USD có giá trị 8 bảng Ai Cập thì nay tỉ giá này đã gần đến mức 1 USD tương đương 20 bảng. Một trong những lý do dẫn đến cơn khủng hoảng là vì ngành công nghiệp du lịch, ngành công nghiệp đem lại nhiều nguồn lợi cho Ai Cập, đã bị sụt giảm mạnh vì lo ngại về các vụ tấn công khủng bố.

Ahmed Mussa, một người Hồi giáo và là một nhà báo từ Al-Ahram nói với tạp chí America tại nơi cử hành thánh lễ rằng: “Với chuyến đi của mình, Đức Phanxicô đã gửi đến thế giới một thông điệp rất khác. Ngài cho thấy rằng đất nước chúng tôi là một đất nước hòa bình, đến đây người ta sẽ được đảm bảo an ninh. Chúng tôi rất vui vì điều đó”.

Trong khi rất nhiều người mong muốn một xã hội mà trong đó các quyền tự do dân chủ được tôn trọng một cách đấy đủ hơn, một số người nói với tôi rằng họ mong muốn một chế độ quân quản hơn bởi vì họ tin rằng sự thay thế bằng chế độ bán quân sự đồng nghĩa với sự hồi sinh của tổ chức Anh em Hồi giáo, tổ chức được tài trợ bởi Ả rập Xê út và Qatar, mà điều này sẽ khiến cuộc sống của phần lớn người Ai Cập trở nên tồi tệ hơn rất nhiều. Vì thế, họ rất vui về việc ĐGH Phanxicô đến thăm Tổng thống Abdel Fattah el-Sisi, mặc dù có những lo ngại từ cộng đồng quốc tế về tình hình nhân quyền tại Ai Cập kể từ khi vị tổng thống này lên nắm quyền.

ĐGH cũng đạt được thành công thứ hai khi ôm lấy vị Đại Imam của Al Azhar hai lần trước công chúng tại hội thảo hòa bình hôm 28/2. Người ta nói rằng một bức ảnh có giá trị bằng ngàn lời nói và hình ảnh của cử chỉ này đã được tất cả giới truyền thông Ai Cập và những nước khác trong khu vực truyền tải.

Khi hai vị lần đầu gặp nhau tại Vatican hồi tháng 11 năm ngoái, đó là lần đầu tiên một vị Đại Imam viếng thăm một đức giáo hoàng. Lúc đó Đức Phanxicô đã nói rằng “Cuộc gặp này chính là một thông điệp”.

Điều đó vẫn đúng trong những ngày vừa qua, nhưng theo một cách thức khác, khi Đức Phanxicô chấp nhận tham gia vào một cuộc họp được tổ chức hoàn toàn bởi những người Hồi giáo. Lần này, mọi thứ đã đạt đến một tầm cao mới khi cả hai vị đã cho cả thế giới thấy rằng không ai có thể dùng danh Thiên Chúa đã biện minh cho việc giết người và cho các hành động khủng bố. Việc cả hai vị cùng hiện diện tại Đại học Al Azhar trong một cuộc hội thảo hòa bình là một bước tiến quan trọng trong việc xóa bỏ tính chính danh của ISIS và các phần tử của phong trào chính thống Hồi giáo trong mắt những người Hồi giáo ở Trung Đông.

ĐGH Phanxicô vốn đã được tôn trọng và có sức thu hút trong mắt những người dân thường tại các “đường phố Ả rập” ở Ai Cập và các quốc gia Trung Đông khác, theo như một số người Ai Cập nói với tôi. Việc ngài thường nhắc đến những người Hồi giáo bằng cách gọi “anh em”, mối quan tâm của ngài đối với những người tị nạn Syria và quyết định đưa một số người tị nạn Hồi giáo Syria về Vatican cùng với ngài sau chuyến thăm đến trại tị nạn ở Lesbos, Hy Lạp hồi tháng 4/2016, đã khiến cho ngài được những người Hồi giáo yêu mến.

Việc ngài ôm lấy vị Đại Imam, mà ngài gọi là “người anh em của tôi” cũng gây nên một ấn tượng lớn. Các nguồn tin cho thấy cử chỉ này đã tăng cường mối quan hệ Kitô giáo – Hồi giáo ở khu vực. Cha Paul Giaras, một linh mục Copic ở Sharm El Sheikh nói với tạp chí America hôm 29/4 rằng: “Cuộc đối thoại và mối quan hệ tốt đẹp của ngài với vị Imam là một điều rất quan trọng, vì nó gửi cho thế giới một thông điệp rằng các tôn giáo không ở trong tình trạng chiến tranh với nhau, rằng người Hồi giáo và Kitô giáo có thể cùng làm việc và chung sống trong hòa bình”.

Amira Hesham, một nhà báo người Hồi giáo của tờ Al-Ahram viết về các vấn đề của giáo hội Coptic nói rằng: “Chuyến viếng thăm của ĐGH và cuộc gặp của ngài với vị Imam là một sự kiện quan trọng đối với Ai Cập bởi vì nó gửi đến thế giới một thông điệp hòa bình và tình yêu”.

Đức Phanxicô cũng ghi dấu thành công thứ ba trong lĩnh vực đại kết với chuyến đi Ai Cập lần này, khi vào cuối ngày đầu tiên của chuyến thăm, ngài viếng thăm Đức Thượng phụ Tawadros và sau đó cùng ngài cầu nguyện tại Bức tường Tử đạo tại nhà thờ Thánh Phêrô gần cư sở của vị Thượng phụ Chính thống giáo Coptic và nhà thờ chính tòa Thánh Máccô. Khi Đức Tawadros chỉ cho ngài thấy bức tường đẫm máu, hậu quả của vụ giết hại 29 tín hữu Coptic (mà hình của họ vẫn còn ở trên tường) trong một vụ tấn công khủng bố do ISIS thực hiện hồi tháng 12 vừa qua, ĐGH Phanxicô đã bị xúc động mạnh mẽ. Ngài bước lên phía trước và chạm vào tấm kính bảo vệ bức tường nhuốm máu, và làm dấu thánh giá đồng thời thắp một ngọn nến đặt trước đó.

Đó cũng là một cử chỉ thể hiện tình liên đới một cách mạnh mẽ với một giáo hội phải chịu đau khổ, cũng như chuyến viếng thăm của ngài với mục đích mang lại sự an ủi và hy vọng. Ngài làm cho các Kitô hữu Coptic cảm thấy rằng chắc chắn họ không đơn độc, rằng họ có một tình bạn trung thành nơi vị Giám mục Rôma, người gần gũi với họ hơn bao giờ hết, không chỉ qua mối liên hệ với Đức Tawadros nhưng còn với sự hiện diện ở giữa họ. Đó là “đại kết bằng hành động”.

Chuyến viếng thăm Đức Tawadros của ngài cũng mang lại một bước tiến đáng kể trong tiến trình hiệp nhất Kitô giáo khi ngài và vị thượng phụ Coptic kí một bản tuyên bố chung công nhận phép rửa của mỗi hội thánh, điều đã không hề được nghĩ đến trước đó. Trong bối cảnh này, cha Giaras nói rằng: “Cuộc gặp gỡ của Đức Phanxicô với Đức Thượng phụ Tawadros cũng có ý nghĩa rất quan trọng đối với cuộc đối thoại giữa Công giáo và Chính thống giáo”.

Đức Phanxicô đã luôn luôn khẳng định rằng niềm tin Kitô giáo phải là điều gì đó “cụ thể”. Ba thành công kể trên chính xác là kết quả của nỗ lực trở nên “cụ thể” trong mối quan hệ với các tín đồ Kitô giáo, Hồi giáo cũng như các cộng đồng khác trên toàn thế giới.

Gerard  O’Connell

P.B. chuyển ngữ

 

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube