Việc làm cho ngư dân: không đơn thuần chỉ là vấn đề kinh tế

Thảm hoạ biển Miền Trung đã để lại những nỗi đau khó có thể nguôi trong lòng người dân Việt. Tất cả chúng ta đang phải đối diện với một sự thật: dù đau lòng, dù phẫn nộ, dù chửi bới, dù vô tâm…, dù với bất kỳ thái độ nào, thì biển chết cũng đã chết, nhiều vạn người lao động đang trực tiếp hoặc gián tiếp bị ảnh hưởng, nhiều triệu người dân điêu đứng – ở thế hệ này và không biết sẽ là bao nhiêu thế hệ kế tiếp, thực tế không có một thống kê nào có thể nói lên con số chính xác. Chúng ta đang phải đối mặt với một bài toán khó khăn về giải quyết công ăn việc làm cho ngư dân bốn tỉnh Miền Trung, tránh tình trạng hỗn loạn, đói kém và di cư ồ ạt để tị nạn môi sinh. Đó là vấn đề thực tế cần nhìn nhận.

Nhiều giải pháp, nhiều đề án được đưa ra ở cấp chính phủ và các cấp địa phương. Nhiều luồng ý kiến trái chiều được bày tỏ về những dự án đó. Đặt qua một bên các vấn đề chính trị và âm mưu bành trướng của Trung Quốc, thiết tưởng, chúng ta cũng nên nhìn lại ý nghĩa và giá trị các chiều kích của lao động trong cuộc sống con người, chứ không chỉ đơn thuần đặt lao động dưới góc độ kinh tế và tiền bạc. Bởi, chỉ khi lao động được hiểu và được đặt đúng vai trò và vị trí của nó, thì những dự án liên quan đến lao động mới thật sự đạt hiệu quả và có ý nghĩa xứng hợp.

Chúng ta có phẩm giá nhờ lao động

Có lẽ sẽ lạ lẫm với nhiều người khi nói rằng Lao Động là quà tặng độc đáo mà Thượng Đế dành duy nhất cho loài người. Bởi tất cả các loài vật khác đều hoạt động theo bản năng. Bản năng đó đã được Tạo Hoá “lập trình” sẵn trong phương thức kiếm ăn cũng như trong mọi sinh hoạt khác để nhằm đáp ứng hai mục đích là sinh tồn và duy trì nòi giống. Trong khi đó, nhờ có ý chí tự do trong hành vi – một quà tặng tuyệt vời khác của Thượng Đế – con người không bị ràng buộc và quy định bởi bản năng như loài vật, mà con người sử dụng lao động để đã diễn tả trí tuệ, sáng kiến, năng lực, bản ngã của mình – và đặc biệt là con người có khả năng dùng lao động để biểu lộ tình yêu với thế giới bên ngoài. Nhờ có khả năng lao động, con người được nâng lên tầm cao, tách xã hội loài người ra khỏi thế giới loài vật, và con người được đặt để vào vị trí trông coi, chăm sóc và bảo vệ trái đất. Nghĩa là lao động là đặc ân riêng có của con người, góp phần làm nên tính nhân văn của con người.

Chính vì thế, khi diễn giải về chủ đề phẩm giá lao động, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nói: “Chúng ta không lãnh nhận được phẩm giá từ quyền bính, tiền bạc hoặc văn hoá. Chúng ta có phẩm giá nhờ lao động”. Ngài còn khẳng định thêm: “Lao động là nền tảng cho phẩm giá con người. Có thể diễn đạt một cách hình tượng là lao động “xức dầu” phẩm giá cho chúng ta, giúp chúng ta sống viên mãn nhờ có phẩm giá, biến đổi chúng ta trở nên giống Thiên Chúa, Đấng đã làm việc và vẫn làm việc, vì Người luôn luôn hành động.”

Phẩm giá người lao động không được tôn trọng

“Lao động xức dầu phẩm giá cho con người”. Thế nhưng ngày này, người ta sử dụng lao động để làm tha hoá phẩm giá con người theo nhiều cách.

Đầu tiên, phải kể đến việc người ta khai thác thân xác và huỷ hoại thân xác của người lao động. Điều này có làm chúng ta liên tưởng tới các thợ lặn bị nhiễm độc và chết ở khu công nghiệp Vũng Áng không? Và phải chăng, chính phủ Việt Nam vẫn đang tiếp tục bất chấp sức khoẻ, thân xác, tính mạng con người, khi đưa ra những dự án cho ngư dân lặn ngụp để trồng và tái tạo các rạn san hô ở vùng biển bị nhiễm độc, hay khuyến khích phát triển diêm nghiệp (sản xuất muối ăn), trong khi chưa có một động thái nào thể hiện thiện chí ngăn chặn sự ô nhiễm cho vùng biển ấy? Bằng chứng là Formosa vẫn hoạt động, vẫn xả thải ra biển, vẫn phun khí độc lên bầu trời! Có thể nói, đây là một kiểu hành xử vô pháp, coi thường dân chúng, bán rẻ dân tộc, nặng nề hơn là phản luân lý và chống lại con người. Đằng sau thái độ này là ẩn ý gì? Đến khi nào biển mới hồi phục để trả lại cho ngư dân?

Một kiểu thứ 2 để làm tha hoá phẩm giá người lao động là khai thác sức lực của người thợ đến cạn kiệt với đồng lương chỉ đủ để tái tạo sức lao động ở một mức sống thấp kém. Người ta vẫn thường nói về tình trạng bị bóc lột và bị đối xử bất công của công nhân và người thợ trong nước và cả lao động nước ngoài. Vấn đề đặt ra là, khi đề cập đến những dự án “xuất khẩu lao động với chi phí rất thấp” mà ông Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và xã hội đưa ra khi trao đổi với báo chí chiều 5-7 về việc hỗ trợ cho ngư dân 4 tỉnh, không biết ông Diệp có xem xét và cân nhắc đến vấn đề phẩm giá của người lao động? Ở đây muốn nói đến phẩm giá của một con người được trân trọng trong nhiều chiều kích của thể xác, tinh thần, chứ không phải là một con người bị giản lược thành cái máy để tận dụng sức lao động, và không để cho họ còn sức lực để quan tâm tới bất kỳ điều gì ngoài miếng ăn nhét cho đầy bụng, như kiểu người ta tiếp nhiên liệu. Và liệu ông và những người nhân danh nhà chức trách như ông, có xét đến quyền được lao động của con người, có đặt vấn đề trên tầm mức là trả lại công bằng trong sự tìm kiếm cơ hội việc làm cho ngư dân – điều mà họ đã bị cướp đi khi kẻ ác làm cho biển chết?

Có lẽ là không, không đối với ông và tất cả những người như ông! Bởi người ta vẫn thấy một giọng điệu của những kẻ ban phát ân huệ, của cơ chế xin – cho, kiểu như “hỗ trợ”, “ưu tiên”, “chính sách ưu đãi đối với hộ nghèo”. Tuyệt nhiên người ta không tìm thấy cách hành xử của những con người làm việc trong trách nhiệm, trong lẽ tìm kiếm sự công bằng, có tình có lý – chưa nói là lẽ ra, họ phải cư xử như những con người biết ăn năn vì tội lỗi do sự tắc trách, hay vì một lý do đen tối nào đó, mà họ đã để cho thảm hoạ xảy ra cho dân tộc.

Một kiểu khác nữa trong việc sử dụng lao động làm tha hoá phẩm giá con người là, người lao động phải đi xây dựng một nền văn minh chỉ dành cho thiểu số. “Thiểu số” đó là những con người quyền lực, giàu có, dư giả. Người thợ phải xây dựng một thế giới hoàn toàn xa lạ với mình và không thuộc về mình. Những khách sạn sang trọng, những khu mua sắm xa hoa, những sân gôn rộng mút tầm mắt pha đèn sáng choang, những khu resort, biệt thự… Những người thợ làm việc đầu tắt mặt tối cho những kế hoạch mà họ không được bàn hỏi và cũng không biết ông chủ của mình là ai. Theo một nghĩa nào đó, người thợ trở thành nô lệ cho giới thượng lưu. Họ vẫn sống trong khó nghèo bên cạnh thế giới đầy vinh hoa mà họ xây dựng nên.

Lao động vốn được ban cho con người để cải tạo trái đất, làm cho nó đẹp đẽ, giàu có hơn và mang lại hạnh phúc cho con người hơn. Lao động cũng vốn là để làm cho con người trở nên người hơn, xứng hợp với phẩm giá cao quý của mình. Thế nhưng, con người đã sử dụng lao động với cái tâm ác tà và lối hành xử “loại trừ” để tàn phá trái đất, để chà đạp phẩm giá của người khác, chạy theo lòng tham và lối sống tiêu thụ vô độ. Làm như lao động không phải là một quyền cơ bản của con người – quyền được có công ăn việc làm, và quyền được tôn trọng như một con người lao động có phẩm giá. Làm như lao động là tài sản riêng của giới quyền lực và giàu có, để họ ban phát cho kẻ nghèo và kẻ ấy phải lao động để phục vụ lại họ! Và làm như khi họ thâu tóm được quyền lực, thâu tóm được của cải thì dĩ nhiên họ có được phẩm giá đáng kính trọng hơn người khác! Không phải! Chính cách hành xử phản tính nhân văn ấy đã làm tha hoá phẩm giá của chính họ. Và chính khi họ say máu vắt kiệt sức lao động của người khác, để đáp ứng lòng tham không dừng lại được, thì chính lúc đó, họ cũng trở nên kẻ nô lệ cho lao động và cho sự tham lam!

Đề cao phẩm giá người lao động

Hãy trả lại cho lao động giá trị và ý nghĩa của nó. Và hãy trả lại cho con người quyền được lao động!

Thiết nghĩ việc “trả lại” đó cần có sự cộng tác trách nhiệm của toàn xã hội: nhà chức trách, các tổ chức dân sự và mỗi người công dân – đặc biệt là vai trò của các tổ chức tôn giáo và những người thành tâm thiện chí. Bởi một điều diệu kỳ mà không ai có thể phủ nhận: khi lao động kết hợp với tình yêu, nó sẽ đẩy con người đến những sáng kiến tuyệt vời và đạt được những hiệu quả phi thường. Ngược lại, những nhân hoạ khủng khiếp xảy ra cho nhân loại đều là kết quả của sự lao động trong cái tâm ác tà và tham bạo. Chính lúc này đây, những ngư dân khốn khổ Miền Trung đang đợi chờ tình yêu và sáng kiến của những con người và những tổ chức thành tâm thiện chí. Chính niềm tin tôn giáo, chính tiếng lương tâm sẽ mách bảo và thúc giục mỗi người một hành động theo cách riêng.

Giáo Hội Công Giáo chắc chắn sẽ không đứng ngoài cuộc trong sự kiện này. Trong buổi tiếp kiến sáng ngày 14-12-2015, dành cho 2 ngàn tham dự viên dự án ”Policoro” của HĐGM Italia, thành lập cách đây 20 năm sau đại hội Công Giáo toàn quốc ở thành phố Palermo, nhắm giúp người trẻ tiến từ tình trạng thất nghiệp đến tình trạng quan tâm săn sóc cuộc sống, ĐTC Phanxicô thúc giục chúng ta: “Hãy tiếp tục nâng đỡ các năng lực mới dành cho công ăn việc làm, cổ võ một lối sáng tạo tận dụng trí tuệ và sức lực, cùng nhau suy tư, đề ra dự phóng, đón nhận và trao ban sự giúp đỡ. Đó là những hình thức hữu hiệu nhất để biểu lộ tình liên đới như một hồng ân”. Ngài nhấn mạnh: “Công tác của anh chị em không phải chỉ là giúp người trẻ tìm được việc làm, nhưng còn là một trách nhiệm loan báo Tin Mừng, qua giá trị thánh hóa của lao công. Nhưng đây không phải là bất kì công việc nào, không phải là thứ lao công bóc lột, đè bẹp, hạ nhục, gây đau khổ, trái lại là lao công làm cho con người thực sự được tự do, theo phẩm giá cao thượng của mình!”

Tịnh Khê

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube