An phận và cam phận
Đó là thái độ rất nhiều người đã chọn, như “mục đích” sống của mình trong hiện tình tăm tối hiện nay của đất nước.
Nhiều lý lẽ “chính đáng” được họ nêu ra để biện minh cho thái độ né tránh những vấn đề sống còn của dân tộc, của quốc gia, trong đó có họ; nhiều sự phản kháng bột phát, tạo ra những hứng khởi mong manh, nhưng lại mau chóng bị dập tắt, khiến cho nhiều người có tâm trạng chán nản, buông xuôi. An phận không được thì đành phải cam phận! Cứ chờ xem “Con Tạo” đẩy đưa đến đâu.
Cách hành xử man rợ của nhà cầm quyền cộng sản vừa qua đối với những trường hợp oan khiên, với những phong trào biểu tình đòi dân chủ và quyền con người, đòi công bố nguyên nhân thảm họa môi trường Vũng Áng – Formosa… cho thấy thái độ ngang nhiên thách thức công luận, thách thức công lý, thách thức lương tâm và đạo đức của nhiều nhân viên công lực, càng làm cho nhiều người an phận co rúm lại vì sợ hãi và những người cam phận thì… ngửa mặt than trời, thôi thì “Thế thời phải thế, thời phải thế”.
Đó là suy nghĩ của kẻ cam chịu thân phận nô lệ. Đó là giấc ngủ “ngon” của kiếp nô lệ, chẳng còn mong chờ ai “đánh thức” mình dậy để nói về tự do và quyền con người. Họ né tránh, quay lưng lại với những sự phản kháng, dù biết phản kháng là bước đầu, là căn bản của tự do.
Thực tâm trong lòng những người đang có “giấc ngủ ngon” của kiếp nô lệ ấy, người ta vẫn mơ những giấc mơ về tự do, về hạnh phúc, vẫn nuôi dưỡng những ước mơ tốt đẹp cho cá nhân và gia đình, cho tương lai của quê hương. Như trong cuộc viếng thăm của Tổng thống Obama vừa qua, nhiều người mơ sẽ có Hoa Kỳ, sẽ có người ra tay giải cứu… Nhưng giấc mơ đẹp ấy bị cắt ngang bởi tuyên bố của ông Obama: “Người Việt Nam tự quyết định vận mệnh của mình”. Tự quyết định vận mệnh của mình là phải can đảm nhìn thẳng vào thực tế của hiện tình đất nước, của môi trường sống, của hoàn cảnh sống bi thảm “tứ phía bủa vây”, để tìm ra kế sách thoát ra khỏi đại họa.
Chắc chẳng mấy ai trên đất nước Việt Nam này tự hỏi: “Hai tháng qua, dân bốn tỉnh Miền Trung sống bằng gì và sẽ tồn tại bằng cách nào?”, chẳng mấy ai nghĩ đến “việc xảy ra cho Miền Trung hôm qua, sẽ xảy ra cho mình hôm nay”.
Suy nghĩ ấu trĩ và buồn cười của kẻ an phận là: những gì xảy đến cho người khác sẽ… không xảy đến cho mình. Vì thế, mọi người lại tất bật với việc lo toan cho đời sống, lo vui thú hưởng thụ, lo an thân, mà không biết đó là “bữa cuối” của kẻ bị lên án tử.
Nếu “ta” thắng trong “hai cuộc chiến thần thánh chiến thắng hai đế quốc sừng sỏ là Pháp và Mỹ” (nới theo sách giáo khoa!), là bởi có một nguyên nhân quan trọng mà “ta” lờ đi, đó là, hai “tên đế quốc” ấy biết tự trọng, hành xử có văn hóa, có khí phách, có bản lĩnh, dù là thua cuộc. Nhưng khi “ta” quan hệ tốt với “anh bạn vàng” láng giềng, “ta” nhiều lần và sẽ còn mãi, phải cắn răng vì mức độ đểu cáng, giả dối, lừa lọc và thâm hiểm của họ. Nên cam phận chăng? Có thể cam phận chăng?
Những gì Trung Quốc đang làm đối với Việt Nam thật khủng khiếp, tàn khốc cho sức khỏe con người, tận diệt môi trường sống, hệ thống sinh thái, đầu độc tương lai giống nòi. Từ những hóa chất công nghiệp, hàng tiêu dùng, lương thực thực phẩm chứa những chất độc nhập tràn lan, từ những bãi thải bô xít độc hại ở Tây Nguyên đến khu công nghiệp Formosa và hàng ngàn nhà máy khác mà Trung Quốc đầu tư xây dựng ở Việt Nam hằng ngày xả thải, có những chất độc bay lơ lửng trên bầu trời, thấm vào lòng đất, hoặc tác động trực tiếp lên cơ thể con người…
Những sự hủy hoại đó sẽ kéo dài qua nhiều thế hệ, dai dẳng và đau đớn. Nó không chừa một ai, kể cả những người an phận, không muốn dính đến chính trị, không màng đến lời kêu gọi xuống đường đấu tranh cho quyền sống của con người, quyền tồn tại của dân tộc và sự phồn vinh của quốc gia.
Không làm chính trị (?)
Đa số dân chúng không muốn làm hoặc quan tâm đến chính trị, nhưng luôn phải học chính trị (?), vì chế độ cộng sản chủ trương chính trị là học tập và làm theo những gì đảng hướng dẫn; nói hoặc làm khác đi là “phản động”, thế nên người dân lại càng sợ hãi hơn khi nghe hai từ chính trị.
Dù không muốn quan tâm và dính líu đến chính trị nhưng chính trị lại liên quan và ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của mỗi người, buộc mọi người phải tuân thủ. Từ những việc lớn như tăng thuế, đến tăng giá điện nước, gas, xăng và tăng cả giá xe bus… tất cả là những “chính sách” của nhà nước mà người dân “phải chịu cho bằng lòng vậy”.
Như vậy, dù có “cam chịu”, hay “than thở” hoặc có thái độ “tức tối”… thì đó chính là thái độ chính trị. Nhưng tại sao người dân lại không được bàn luận, góp ý? Có đấy thôi, có mấy trăm đại biểu Quốc hội do “dân bầu”, nhưng có để đồng thuận, đồng tình, nếu ai dám đưa ra ý kiến phản biện, coi chừng bị coi là “phản động”! Vì thế thật khôi hài, chính các vị “đại biểu” nhân dân có chân trong guồng máy chính trị lại cũng rất “sợ” làm chính trị.
Như thế, nếu chính quyền không cho người dân lên tiếng, hạn chế hoặc tước bỏ những quyền căn bản của con người, bắt phải tuân thủ những “chính sách”, thì chính quyền đó là độc tài, chuyên chế; nếu người dân không lên tiếng hoặc không dám bày tỏ chính kiến của mình trong các hoạt động chính trị, họ trở nên người “ủng hộ”, tự tước bỏ những quyền lợi dành cho mình, hoặc chỉ như những “khách ngoại kiều” trên chính quê hương mình.
Phải chăng vì thế mà gần một thế kỷ qua, dân Việt trở nên như “đàn cừu” bị vài “con sói” cai trị, nắm quyền sinh sát và không hề có bất cứ sự phản kháng nào?! Đoàn kết tạo nên sức mạnh. Đấy là chân lý. Nhưng chừng nào đàn cừu “nghĩ” ra được điều ấy, mới đoàn kết? Chỉ khi nào chúng vượt qua nỗi sợ hãi và thôi nghĩ rằng vì bầy sói đã bắt được một con và đang ăn nó, chúng ta vẫn được sống!
“Giáo hội phải đặt mình vào chính trị”
“Trên hết, Giáo hội phải trung thành với con người, nhất là những người sống trong những tình cảnh bi thảm do các vấn đề đạo đức, khoa học, xã hội, đức tin gây ra.”
Trong bối cảnh “toàn cầu hóa sự thờ ơ, Giáo hội được mời gọi dấn thân”. “Giáo hội không làm chính trị nhưng phải đặt mình vào chính trị”.
Đó là những lời khẳng định của Đức Thánh Cha Phanxicô trước các thẩm phán và luật gia từ khắp nơi trên thế giới, tại hội nghị do Học viện Giáo Hoàng về Khoa học Xã hội tổ chức, trong Casina Pio IV thuộc khuôn viên Vườn Vatican tuần vừa qua. Ngài còn nói, theo suy tư của Đức Phaolô VI, “chính trị là một trong những hình thức cao cả nhất của đức ái”. Trên hết, Giáo hội “phải trung thành với con người, nhất là những người sống trong những tình cảnh bi thảm do các vấn đề “đạo đức, khoa học xã hội, đức tin” gây ra.
Và… Giáo hội đã đặt mình vào chính trị!
Ngày Chúa Nhật 15 tháng 5 vừa qua, hàng ngàn giáo dân thuộc giáo xứ Song Ngọc thuộc huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An đã thực hiện cuộc tuần hành ôn hòa, bất bạo động, cùng với sự tham gia hai linh mục quản xứ Têphano Trần Đình Tề và JB Nguyễn Đình Thục, đòi nhà nước mau chóng công bố nguyên nhân thảm họa môi trường ở Vũng Áng, nơi có khu công nghiệp Formosa, và đòi chính quyền phải có biện pháp bảo vệ, hỗ trợ ngư dân trước hiểm họa biển chết.
Sáng Chúa Nhật 05.06.2016 – Ngày Môi Trường Thế Giới, sau thánh lễ, hơn một nghìn giáo dân có buổi tuần hành ôn hòa, trật tự trên các con đường làng xung quanh giáo xứ Phú Yên, xã An Hòa, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An do linh mục Antôn Đặng Hữu Nam làm Quản xứ, để phản đối việc chậm công bố nguyên do thảm họa môi trường của Nhà nước, đòi danh dự cho Đức Cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp bị Nhà cầm quyền bôi nhọ, và hiệp thông với đồng bào Vũng Áng Hà Tĩnh.
Với nhiều băng rôn, biểu ngữ ghi những dòng chữ; “Bảo vệ môi trường là mệnh lệnh của lương tâm”, “Đừng giết con cháu bằng chất độc Formosa”, “Chúng con đồng hành với Đức Cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp”, “Bảo vệ môi trường, giống nòi và đất nước Việt Nam”, “Chúng tôi không muốn chết như cá”… người giáo dân công khai bày tỏ chính kiến và yêu sách của mình và của người dân các tỉnh Miền Trung đối với Nhà cầm quyền.
Đó là hai sự kiện nổi bật cho thấy ý thức lớn mạnh của người dân về quyền đòi nhà nước phải minh bạch nguyên nhân thảm họa môi trường và phải có những biệp pháp hiệu quả cấp thời cũng như lâu dài, vì đây là thảm họa ô nhiễm sinh thái to lớn, có thể kéo dài đến hàng chục năm, ảnh hưởng đến cả nước, mà họ là những ngư dân liên đới, phải gánh chịu hậu quả.
Đây không phải là những cuộc tuần hành tự phát, nhưng theo lời giáo huấn của Giáo hội, cụ thể là trong thư chung của Đức cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp, Giám mục địa phận Vinh, thúc giuc người giáo dân thực hiện quyền của mình dựa trên luật pháp Việt Nam cũng như công ước quốc tế một cách ôn hòa.
Hai cuộc tuần hành này là “tiếng hô trong hoang địa” (Mt 3,3), chứ không phải là hô hào đòi lật đổ chính quyền; là tiếng gào của “bần dân kêu khổ (Tv 72,12), những nỗi khổ đã thấu tận trời cao; một sự “lay tỉnh” về sự chậm trễ vô trách nhiệm, và thái độ bất nhân của chính quyền; và cũng là sự “thức tỉnh” xã hội đang vô cảm, hoặc đang im lặng hãi sợ, về cái chết đang đến gần cho con người, vì sự hủy diệt biển cả, nguồn sống của dân Việt, vì tồn vong của quốc gia dân tộc.
Đặt mình vào chính trị… như vậy, không ngại bị quy chụp, bị dò xét, bị theo dõi, bị làm khó, Giáo hội đã cho thấy chỗ đứng thật sự của mình, là đồng hành với dân tộc và trăn trở với những vui buồn của người dân, với những con người cùng khổ nhất; nói lên tiếng nói của “người trong cuộc” như những nạn nhân, của người “đồng thân, đồng phận” với tín hữu của mình, với anh em của mình, với dân tộc, quê hương của “chúng mình”.
Đặt mình vào chính trị… như vậy, Giáo hội muốn đặt ra những vấn nạn cho nhà cầm quyền rằng: liệu đồng bào mình rồi sẽ tồn tại như thế nào? liệu dân tộc mình còn tồn tại được bao lâu khi phải sống trong một bầu khí quyển bị ô nhiễm, giữa “vòng vây” của những hóa chất độc hại, đầy rẫy trong thức ăn, nước uống hàng ngày? dân chết thì làm quan với ai? giết người rồi thì ở với ai?…
Đặt mình vào chính trị… như vậy, Giáo hội mới thấy khát vọng thật sự của con người, thấy được sự dũng mãnh của những người không có tấc sắt trong tay nhưng có chính nghĩa và ý chí kiên cường, tự nguyện liên đới với đồng bào khổ đau và sẵn sàng chấp nhận những sách nhiễu và những cuộc trấn áp tàn bạo của nhà cầm quyền, làm nhiều người thức tỉnh khỏi sự u mê vô cảm; đã gây được ý thức cộng đồng về những gì đang xảy ra chung quanh “chúng ta”, đang ảnh hưởng lên “chúng ta” và “chúng ta” phải làm gì, những gì xảy ra cho người này hôm nay, sẽ xảy ra cho tôi ngày mai; về sức mạnh của sự đoàn kết, dù mới chỉ manh nha.
Sự dấn thân “đặt mình vào chính trị” của Giáo hội, theo lời chỉ dạy của Đức Phanxicô, trên hết, Giáo hội “phải trung thành với con người, nhất là những người sống trong những tình cảnh bi thảm do các vấn đề “đạo đức, khoa học xã hội, đức tin” gây ra.
Thực hiện lời này, việc “đặt mình vào chính trị”, chính là lời rao giảng tin mừng hữu hiệu nhất của Giáo hội, là thước đo của lòng trung thành với sứ mạng của Đấng Cứu Thế giao phó, là lời thúc giục “đi ra vùng ngoại biên” của những sự an toàn, để mở cánh cửa cho tình liên đới và sự xót thương cách cụ thể đối với những gì đang xảy ra, đang xảy ra và còn tiếp diễn đối với những con dân Việt, với quê hương, với đất nước.
Jos. Ngô Văn Kha, C.Ss.R.