Trọng tâm linh đạo thánh Anphongsô

453511560_1189043365669061_5377066386945854375_n

(Suy niệm bởi cha Ivel Mendanha, CSsR., Tổng Cố Vấn)

Thân chào tất cả các anh em DCCT, các Nữ tu Dòng Chúa Cứu Thế – những người cùng chia sẻ đặc sủng và sứ mạng với chúng tôi, các giáo dân thừa sai DCCT, các cộng sự viên, ân nhân và các bạn thân mến.

Tôi xin chào mừng tất cả các bạn đến với bài suy niệm hôm nay về lễ Thánh Anphongsô Maria de Liguori. Hôm nay, tôi mong muốn cùng các bạn suy niệm về điểm chính yếu, bản chất cốt lõi của Linh đạo Thánh Anphongsô.

Đức thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II trong Tông thư Spiritus Domini, đã nói rằng Anphongsô đã dùng toàn bộ đời sống nhiệt thành để giúp cho những người bình dân nhất cảm nhận được họ vẫn là một thành phần của Giáo hội trong việc hiểu và sống Tin Mừng:

“Thánh Anphongsô trở thành người bạn thân thiết của những người dân thường, của những người vô danh tiểu tốt, của những người ở các khu vực nghèo khổ của thủ đô Vương quốc Napoli, của những người khiêm nhường, đơn sơ, của những người thợ thủ công và trên hết là của những người nông dân. Tinh thần này đặc trưng cho toàn bộ cuộc đời của thánh nhân, trong tất cả các vai trò là một nhà thừa sai, đấng sáng lập, giám mục, tác giả/nhà văn. Chính vì những người này mà Anphongsô sẽ suy nghĩ lại về cách giảng dạy, về giáo lý, và giáo huấn về đời sống luân lý và thiêng liêng.”

Mục tiêu của Anphongsô, dựa trên mô hình của các Tông đồ, là xây dựng Giáo hội với các hình thức và phương pháp đa dạng, thích ứng với văn hóa của địa phương, loan báo tình yêu và lòng thương xót của Chúa Kitô, Đấng đã trở thành con người để thu hút mọi người đến với kế hoạch ban đầu về tình yêu và công lý của Thiên Chúa.

Từ đây, chúng ta có thể hiểu được trọng tâm của Linh đạo Thánh Anphongsô và đóng góp của ngài cho Giáo hội. Để tóm tắt bản chất của Linh đạo Thánh Anphongsô, tôi muốn sử dụng 4 chữ C.

Chữ C Thứ Nhất: Chúa Kitô (Christ). Tình yêu của Thiên Chúa được bày tỏ trong và qua Chúa Giêsu và trong sự đáp trả tình yêu của Ngài đối với Chúa Cha. Linh đạo của Anphongsô căn bản lấy Chúa Kitô trung tâm. Vì vậy, Anphongsô có thể nói, “Toàn bộ sự thánh thiện và sự hoàn hảo của linh hồn nằm ở chỗ yêu mến Chúa Giêsu Kitô, là sự thiện hảo tuyệt đối và là Đấng Cứu Độ của chúng ta.” Chúa Giêsu là thừa sai đầu tiên của tình yêu Thiên Chúa. Ngài loan báo tình yêu của Chúa Cha, tình yêu bao trùm con người và mang lại sự biến đổi toàn diện trong họ. Sự trọn vẹn của tình yêu, sự đáp trả tình yêu trọn vẹn nhất được thể hiện hoàn hảo nơi Chúa Giêsu Kitô. Ngài trở thành con đường dẫn đến sự thánh thiện, mẫu gương để noi theo, để tất cả con người thông qua Ngài có thể hiệp nhất với Chúa Cha.

Anphongsô trình bày việc chiêm ngắm cuộc đời của Chúa Giêsu như một con đường dẫn đến sự thánh thiện. Các chủ đề chính của Anphongsô là Kitô học được nhận thấy nơi tình yêu của Thiên Chúa dành cho nhân loại qua các Mầu nhiệm của Chúa Kitô: Hang đá (giáng sinh hay nhập thể), cuộc đời Chúa Kitô, Thập giá (cuộc khổ nạn và cái chết), và Thánh Thể. Cuộc khổ nạn trở thành điểm then chốt đối với Anphongsô, nơi tình yêu của Thiên Chúa đối với con người được bày tỏ triệt để nhất. Về sự phục sinh, có một lời cầu nguyện tuyệt vời của Anphongsô rất đáng chú ý, “Lạy Chúa, xin cho con sống ngày hôm nay trong sự phục sinh của ân sủng để ngày mai con được sống trong sự phục sinh thực sự.”

Chữ C Thứ Hai: Lòng Chạnh Thương (Compassion) đối với người nghèo và bị bỏ rơi. Thánh Anphongsô không phải là một tác giả viết về những khái niệm trừu tượng mà là người đắm mình vào những sự kiện cụ thể của đời sống con người. Sự tiếp xúc trực tiếp của ngài với dân chúng, đặc biệt là người nghèo và đau khổ, đã ảnh hưởng đến chiều kích này trong linh đạo của ngài. Ngài thực sự xúc động trước những sự kiện của cuộc sống, đặc biệt những sự kiện trong cuộc sống của người nghèo. Linh đạo của ngài rất gần gũi với đời sống con người và rất cụ thể, ngài có sự thổn thức của trái tim đối với người nghèo, người đau khổ và bị bỏ rơi.

Người ta tìm thấy điều này trong việc giảng dạy của ngài trong các chuyến đại phúc, trong tòa giải tội, trong việc linh hướng. Ngài đã mang những kinh nghiệm sâu rộng của mình với những người nghèo, người khiêm tốn và đơn sơ vào các bài viết và bài giảng của mình. Những tấm gương ngài rút ra từ cuộc sống hàng ngày của người nghèo và nhằm mục đích giúp họ sống một cách cụ thể trên hành trình nên thánh của mình. Vì thế, linh đạo của ngài trở nên rất thực tế và cụ thể. Tannoia kể lại một lá thư của Alphonsus viết vào năm 1774, trong đó Alphonsus nói, “Tôi yêu cầu và mong muốn điều này được ghi dấu nơi anh em. Tôi không chúc anh em giàu có, nhưng cầu chúc cho tinh thần của anh em tràn đầy tình yêu và sự tôn trọng đối với Luật Dòng mà Thiên Chúa đã trao ban cho chúng ta vì sự thánh thiện của chúng ta và sự thánh thiện của các linh hồn mà chúng ta chăm sóc. Hãy trợ giúp các linh hồn, đặc biệt là những người nghèo, người nông dân và những người bị bỏ rơi nhất. Hãy nhớ rằng Thiên Chúa đang sai chúng ta đi rao giảng tin mừng cho người nghèo trong thời đại của chúng ta.   Hãy khắc ghi điều này vào tâm hồn anh em và tìm kiếm Thiên Chúa giữa những người nghèo bị bỏ rơi nếu anh em muốn làm hài lòng Chúa Giêsu Kitô.” Ngài kết luận: “Trên hết, tôi muốn các con chăm sóc những người nghèo ở vùng nông thôn, nơi các cộng đoàn của chúng ta đã được thành lập, bằng việc dạy giáo lý, dạy các chân lý Kitô giáo, giải tội và những trợ giúp phù hợp với Dòng của chúng ta để anh em không phản bội hy vọng của người nghèo về việc trở nên thánh thiện thông qua việc phục vụ của chúng ta.”

Chữ C thứ ba là: Cộng đoàn (Community) và Hội Dòng (Congregation) vì Giáo hội. Một phân tích về cuộc đời của Thánh Anphongsô kiểm chứng rằng việc lựa chọn những người “đơn sơ/khiêm nhường” là kết quả của một kinh nghiệm thiêng liêng và kinh nghiệm tông đồ sâu sắc và thể hiện lựa chọn đó cách trọn vẹn trong việc thành lập Dòng Chúa Cứu Thế. Hội Dòng được Anphongsô thành lập để trở thành sự hiện diện của Giáo Hội tại những nơi bị bỏ rơi nhất, nơi bị tước đoạt sự trợ giúp thiêng liêng cơ bản, và những khu vực này ở miền nam nước Ý vào thế kỷ 17 cũng là những khu vực rất nghèo đói về vật chất. Các cộng đoàn Dòng Chúa Cứu Thế, được hoạch định và thành lập với bản chất tông đồ rõ ràng, phải là những cộng đồng sống sứ vụ triệt để để giúp người ta có thể đón nhận Lời Chúa mỗi ngày, và nhờ đó được trợ giúp trong đời sống luân lý, thiêng liêng và bí tích.

Vì vậy, trong ý định của Thánh Anphongsô, Dòng Chúa Cứu Thế sống trong Cộng đoàn và rao giảng Lời Chúa cho những người bị bỏ rơi nhất trong và qua Cộng đoàn. Mỗi Cộng đoàn của Hội Dòng trở thành một Giáo Hội thu nhỏ thực hiện sứ mạng, nơi Lời Chúa được lắng nghe, cảm nghiệm, sống và cử hành như dấu chỉ sống động về sự hiện diện của Chúa Kitô với lòng chạnh thương đối với người nghèo và người bị bỏ rơi.

Chữ C thứ tư là: Truyền thông (Communication). Thánh Anphongsô là bậc thầy về truyền thông. Ngài đã sử dụng tất cả tài năng và ân sủng, khả năng và thiên tài của mình để truyền đạt Lời Chúa, tình yêu nồng nàn của Thiên Chúa dành cho dân Ngài. Ngài truyền thông qua nghệ thuật, âm nhạc, viết lách và xuất bản, giảng đại phúc vốn làm rung động trái tim mọi người. Một đặc điểm hết sức quan trọng của linh đạo Anphongsô mang tính hiệu quả, vì nó thể hiện cảm xúc của con tim. Người ta nhận thấy rất rõ bản chất tình cảm bằng ngôn ngữ đơn giản về linh đạo của ngài trong cuốn Viếng Thánh Thể. Chiều kích của tình cảm, cảm xúc, logic của trái tim được thể hiện rõ ràng trong đó. Đây không phải là một lối diễn đạt bề ngoài nhưng là một phần trong bản chất của văn hóa Na-pô-li. Nó giúp Anphongsô chống lại tâm lý lạnh lùng và cứng nhắc của chủ nghĩa Jansen. Nó gần gũi với những người bình dân và người nghèo. Nó lôi cuốn những cảm xúc của con tim.

Tóm lại, không còn nghi ngời gì với khả năng trí tuệ xuất chúng nhất, cả về thiêng liêng và mục vụ, Thánh Anphongsô, không chỉ được coi là vị thánh vĩ đại nhất của Thế kỷ 18, mà còn là một trong những nhân vật quan trọng nhất trong di sản của Giáo Hội. Đến nỗi nhà sử học Tin Lành đã nói: “Anphongsô là nhà giáo dục tâm hồn của Công Giáo Latin/Roma”. Một trong những đặc tính nổi bật của Thánh Anphongsô, đã khiến và tiếp tục làm cho những người bình dân yêu mến ngài, đó là sự thể hiện bản chất vui tươi/thân thiện của ngài, đặc biệt hướng tới những người khiêm nhường và nhỏ bé, những người mà ngài đã cống hiến tất cả khả năng và cả cuộc đời dành cho họ. Chính khả năng tự hiến bản thân tạo nên sức hút thánh thiện nơi thánh Anphongsô. Có thể nói rằng ngài đã trở thành một vị thánh giữa và cùng với những người bị bỏ rơi mà ngài gặp gỡ để từ đó xây dựng ‘Giáo hội’.

Nhân dịp lễ Thánh Anphongsô, chúng ta hãy đổi mới cam kết của chúng ta với Chúa Kitô, Đấng Cứu Thế, để có tấm lòng cảm thương đối với người nghèo và người bị bỏ rơi, sống vui tươi và loan báo Tin Mừng trong và qua Cộng Đoàn với tư cách là những tiếp nối (người truyền đạt) sự xác tín nơi Người Cha Vĩ Đại, Đấng Sáng Lập – Thánh Alphonsus Maria de Liguori. Như thế chúng ta cũng sẽ trở thành những Thừa Sai của Hy Vọng theo Bước Chân Đấng Cứu Thế như thánh Anphongsô.

Thay mặt Bề trên Tổng quyền, Cha Rogério Gomes và toàn thể Hội đồng Trung Ương, tôi cầu chúc niềm vui và bình an đến mỗi người trong anh chị em trong ngày lễ kính thánh Anphongsô, người cha và đấng sáng lập của chúng ta. Xin Thiên Chúa ban phúc lành cho tất cả anh chị em.

Rôma, tháng 7 năm 2024,

Cha Ivel Mendanha, CSsR., Tổng Cố Vấn

 

 

Kinh nguyện hằng ngày dâng lên Thánh Anphongsô

Lạy Thánh Anphongsô vinh hiển,

Người cha yêu thương của những người nghèo khổ và bệnh tật,

Ngài đã tự hiến cuộc đời với một lòng bác ái anh hùng,

để trợ giúp những đau khổ về tinh thần và thể xác.

Tin tưởng vào tình thương dịu dàng của ngài dành cho những người bệnh,

và chính ngài cũng đã kiên nhẫn vác thập giá bệnh tật,

con đến với ngài để cầu xin ơn trợ giúp…

(Kể ra những nhu cầu của bạn…)

Lạy Thánh Anphongsô, người cha yêu thương của những người đau khổ,

xin đoái nhìn đến nỗi khổ của con với lòng trắc ẩn,

Xin ngài cầu xin Chúa ban cho con được ơn chữa lành.

Và nếu Chúa muốn, xin cho con ơn sức mạnh để kiên nhẫn chịu đựng thập giá của chính mình.

Con xin dâng những đau khổ lên Đấng chịu đóng đinh vì con và dâng lên Mẹ Sầu Bi, vì vinh quang của Chúa và sự cứu rỗi của các linh hồn,

để đền tội cho con và những người khác,

cho những nhu cầu của thế giới bị tổn thương ngày hôm nay,

và cho các linh hồn nơi luyện ngục. Amen.

Đọc: Một Kinh Lạy Cha, một Kinh Kính Mừng và một Kinh Sáng Danh.

X: Lạy Thánh Anphongsô,

Đ: Xin cầu cho chúng con.

 

(Chuyển ngữ: Ant. Nguyễn Văn Nam CSsR)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết