“Bán không được, ăn không cho, chính quyền không lo”. Đó là thảm trạng hiện nay của người dân Đông Yên và các ngư dân trong vùng…
Đây là lần thứ 2 chúng tôi đến Đông Yên, thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh, nơi có khu công nghiệp Formosa – nghi can duy nhất gây nên thảm họa môi trường miền Trung thời gian qua.
Lần trước, chúng tôi đến đây, ngày 4/4/2016, biển đã có những dấu hiệu nhiễm độc. Những con cá dọc bờ, bơi trên mặt nước, “đơ đơ” như người say sóng. Chúng cố vọt lên khỏi mặt nước như muốn thoát ra, nhưng bất lực chìm xuống ngay đầu những con sóng nhỏ. Hôm ấy, nhiều ngư dân trở về trong thất vọng. Họ nói với chúng tôi: “Hôm nay không hiểu sao, nước biển bỗng đục và hôi thối. Bình thường, chỉ cần đi xa bờ khoảng 5 hải lý, với những ngư cụ thô sơ, sau vài tiếng đồng hồ, đã có thể đánh bắt được hàng tạ cá.”
Còn hôm nay…
Sau gần hai tháng, chúng tôi lại có dịp trở lại nơi này. Vẫn còn đấy những khung cảnh cũ, những con người cũ, nhưng mọi sự hầu như đã đổi khác.
Ngôi nhà thờ lừng lững giữa đống đổ nát của gạch, đá, với cây tháp vút cao lên trời, vừa đau thương, vừa đơn độc, như cả một dân tộc giữa thời bình oằn mình chống chọi lại những tang thương của thời chiến.
Con đường độc đạo chạy từ đường lớn vào làng Đông Yên, lở lói, với gạch đá ngồn ngộn như núi hai bên đường làm cho ai cũng có cảm giác như có người đang rình rập.
Mấy đứa trẻ đen nhẻm vì nước biển, vì không được đến trường, chạy chơi trên những đống gạch vụn đổ nát, như những con chuột đói bới tìm những mẩu thức ăn dư thừa nơi những đống rác của thành phố.
Tới thăm Đông Yên lần này, chúng tôi may mắn được cha quản xứ Phêrô Trần Đình Lai dẫn đường, nên mọi sự trở nên dễ dàng.
Chúng tôi tới nơi vào giữa buổi trưa của một ngày hè miền Trung nắng gắt, nên bầu không khí thật vắng lặng, chỉ có gió nóng chát chúa phả lên từ những đống gach đá ngổn ngang và những thanh sắt rỉ sét chĩa ra như thể thách thức với thời gian.
Tuy nhiên, chỉ sau một hồi chuông dài báo hiệu, hàng trăm giáo dân Đông Yên đã có mặt tại Thánh đường trong những bộ quần áo chỉnh tề để đón cha xứ cùng với chúng tôi.
Hiện nay, tại làng Đông Yên, sau khi phần lớn các gia đình đã chấp nhận di dời tới khu tái định cư, thì vẫn còn khoảng 160 hộ gia đình tiếp tục ở lại, với gần 1000 nhân khẩu.
Những gia đình này chưa chịu di dời không phải vì họ ngang ngạnh, chống lại chế độ như nhà cầm quyền vẫn tuyên truyền, nhưng vì họ thấy rõ sự bất hợp lý, những vi phạm pháp luật trắng trợn của nhà cầm quyền Hà Tĩnh. Nhiều người khi gặp chúng tôi cho biết, theo các cán bộ tiếp dân của Thanh tra Chính phủ, cho tới thời điểm hiện tại, chưa hề có bất cứ dự án nào được qui hoạch tại Đông Yên. Những gì chính quyền Hà Tĩnh đã làm tại Đông Yên hoàn toàn trái pháp luật, có dấu hiệu của sự cấu kết giữa các doanh nghiệp và chính quyền địa phương, nhằm đẩy một giáo xứ có bề dầy truyền thống nhất Giáo phận Vinh ra khỏi khu vực.
Đó là chưa kể, tại khu tái định cư, vì không có những chính sách chuyển đổi nghề nghiệp phù hợp từ phía nhà cầm quyền, nên đa số ngư dân trở thành người thất nghiệp. Một số hộ gia đình, dù đã di chuyển lên khu tái định cư, vì quá khó khăn đã quyết định trở về quê cũ mong ổn định cuộc sống.
Gặp gỡ chúng tôi, trước và sau Thánh lễ, nhiều ngư dân Đông Yên nước mắt ngắn dài. Những câu chuyện của quá khứ, của hiện tại và cả những lo sợ tương lai ập về.
Họ vẫn chưa hiểu vì sao họ phải ra đi, trong khi hai làng lương hai bên tả hữu vẫn tiếp tục ở lại. Họ không hiểu vì sao, chính quyền Hà Tĩnh lại quyết liệt với họ, trong khi họ ở quá xa Formosa so với các làng khác chung quanh. Họ cũng tỏ bày chút buồn lòng về Giáo hội, nhưng họ đón nhận, vì biết Thánh ý Thiên Chúa nhiệm mầu. Đó là chuyện quá khứ.
Còn hôm nay, trong nụ cười đón khách, họ không giấu những nỗi niềm. Nhiều ngư dân cho biết, suốt hơn hai tháng nay, họ đã không thể ra biển. Thuyền bè, ngư cụ được được bọc cẩn thận trong những tấm ni lông lớn, xếp lớp dọc bờ biển. Một số ngư dân, vì nhớ sóng ra khơi, nhưng cũng chẳng thể đánh bắt được gì, vì cá bây giờ đã không còn nữa.
“Biển chết rồi, có dùng kính hiển vi cũng không thể soi thấy được một sinh vật” – một giáo dân Đông Yên cho biết.
Ngày trước, khu Vũng Áng, vì là khu vực cảng nước sâu, nên tôm cá đầy ghe mỗi lần tàu thuyền ra khơi. Nhưng sau khi biển bị nhiễm độc, muốn tìm một con còng, con hến, cũng thật là khó. “Biển đã chết, chúng con đã và đang chết, nhưng chúng con còn may mắn hơn nhiều ngư dân trong vùng, vì chúng con được Giáo hội quan tâm” – một ngư dân khác nói trong nước mắt.
Nhưng, đau thương nhất phải kể đến các thợ lặn Formosa. Cả giáo xứ Đông Yên có khoảng 100 thợ lặn làm việc tại cầu cảng Sơn Dương, thuộc khu công nghiệp Formosa. Công việc của họ là lặn xuống sắp những tảng đá lớn dưới chân cầu cảng theo sự điều khiển của máy móc và của các chuyên viên nước ngoài. Do phải tiếp xúc thường xuyên với nước biển nhiễm độc, hầu hết các thợ ặn đã bị nhiễm độc. Một số thợ lặn vì bị nhiễm nặng đã được những người có thẩm quyền đưa vào Huế để khám nghiệm, nhưng cho đến tận bây giờ, họ vẫn không nhận được kết quả và tuyệt đối, theo chỉ đạo, các bệnh viện không được cho họ biết kết quả. Hiện nay, tất cả các thợ lặn đã nghỉ việc, vì bệnh trạng, theo họ là quá nguy hiểm, không biết sống chết khi nào.
Riêng đối với 155 em học sinh hai năm nay không được đi học và chính sách hỗ trợ ngư dân hiện nay thế nào, thì người dân ở đây cho biết, các em vẫn chưa được đi học. Mới chỉ có 5 học sinh cấp ba được bố trí đi học trên trường huyện. Các em khác vẫn phải học trong các lớp bổ túc, do các thiện nguyện viên của Giáo phận đứng lớp mỗi ngày tại nhà.
Đối với chính sách hỗ trợ ngư dân, mặc dù đã có những chỉ đạo được cho là từ Thủ tướng, suốt hai tháng qua, người dân Đông Yên mới nhận được một lần hỗ trợ 15kg gạo mà như họ cho biết mục đích việc trợ cấp chỉ là để truyền thông, để an dân và dẹp tan dư luận.
Một số thuyền đánh bắt xa bờ về, cá không có ai mua hoặc nếu mua thì giá bán chỉ được ½ giá trước đây.
“Bán không được, ăn không cho, chính quyền không lo”. Đó là thảm trạng hiện nay của người dân Đông Yên và các ngư dân trong vùng. Với họ, cái đói, cái khát đang hiển hiện trước mặt mà không có bất cứ giải pháp nào!
Chúng tôi rời Đông Yên khi mặt trời xế bóng. Cái nóng, cái rát của mùa hè Miền trung như những lát cắt cứa vào da thịt, xót xa, não nề.
Một ý tưởng chợt đến, day dứt: “Hôm nay Đông yên, ngày mai sẽ đến lượt chúng ta”, khi vẫn còn thể chế chính trị này.
29/5/2016
Gioan Nguyễn Ngọc Nam Phong, C.Ss.R.