Trong vòng xoáy bạo lực, có một sức mạnh khủng khiếp cuốn hút rất nhiều người từng là nạn nhân trở thành thủ phạm. Sự hả hê say máu của “những công cụ của bạo lực” này vừa giải tỏa những khủng hoảng, uất ức dồn nén của những bất công có trong mọi khía cạnh của đời sống như một cách trả thù đời, vừa tạo ra chất kích thích được tự khẳng định mình trong sự tàn nhẫn mà cả bản chất lẫn hành động lột tả cách trung thực và chính xác: sự hoang dã bán khai.
Với tấm bình phong giữ gìn an ninh trật tự, chính quyền tự tung tự tác trong thứ luật phát xuất không phải từ nền văn minh hoặc tinh thần thượng tôn pháp luật, nhưng từ chính cái “tôi hư hỏng”, được chế độ bao che và khuyến khích: “Tao là luật!”. Với tấm bình phong là “nhân dân” góp phần bảo vệ trật tự trị an, gọi tắt là dân phòng, “luật” ấy được thi hành qua lối hành xử “chuyên chính” với chính đồng bào của mình, những người đấu tranh cho quyền con người, trong đó có họ; quyền dân sinh, trong đó có họ; quyền được sống, trong đó có họ; quyền bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, trong đó có họ; quyền được bạch hóa những dự án phát triển kinh tế cấp quốc gia, trong đó có họ… Họ cho thấy sự man rợ không chỉ giới hạn vào tầm mức “bán khai”, mà còn là “hoang dã”!
Đã từng có những phản kháng theo những lối giải thích coi bạo lực là ưu thế để giành lại các quyền con người, quyền sống của con người. Nhưng thật ra, chủ trương ấy càng làm cho vấn đề thêm trầm trọng và đẩy vấn đề đến chỗ bế tắc, nếu không nói là lại đi vào chính vết xe đổ mà chính quyền hiện nay đang đi.
Đã từng có những băn khoăn, nếu chọn con đường ôn hòa, bất bạo động, đối thoại, thì với lối hành xử tàn bạo, ngạo nghễ và không phục thiện của chính quyền, những người đấu tranh sẽ phải bị mang tiếng là hèn nhát, nhu nhược, đời sống vẫn phải chịu thiệt thòi không những cho bản thân, cho tương lai mà còn cho sự an nguy của những người thân. Ai sẽ bù đắp? Trong hoàn cảnh này, tín nghĩa có mọc lên từ đất thấp và công lý có nhìn xuống từ trời cao hay không (x.Tv 84, 12)?
Câu trả lời đúng nhất, hình như, không đến từ những học giả, các chính trị gia hoặc trong cương lĩnh của các đảng phái.
Câu trả lời nằm trong chính thái độ tọa kháng của những người yêu công lý và mến mộ hòa bình.
Cho dù hôm nay mới chỉ là những tấm bảng “chọn cá”, “trả lại cho dân biển sạch rừng xanh”, “chính quyền sạch” để phản đối việc xả thải những chất độc hại hủy diệt môi trường của khu công nghiệp Formosa với sự bao che của nhà nước…, thì cách chọn lựa phương thức đấu tranh “tọa kháng” cũng vẫn mang một thông điệp mạnh mẽ và dứt khoát trước bạo quyền. Đó vừa là lời hiệu triệu kêu gọi mọi người chung tay góp sức để tự cứu lấy mình, vừa là sự đấu tranh với những nguy cơ hủy diệt cả một quốc gia, cả một dân tộc. Nguy cơ đó chính là đường lối phát triển kinh tế bằng mọi giá, bất chấp mọi hậu quả; là thói gian trá, bao che cho tội ác của những tập đoàn lũng đoạn; là những chính sách giải phóng mặt bằng, giải tỏa đất đai nhà cửa, đẩy hàng triệu người dân vào bước đường cùng của sự bi thảm, bế tắc như những kẻ bị lưu đày ngay chính trên quê hương mình; là việc hành xử bạo lực với chính “nhân dân”, những người đã và còn đang phải nai lưng đóng thuế để nuôi họ, làm công cho họ, bị đày ải, bị mua bán như những đồ vật.
Tọa kháng là sự thức tỉnh, là ra khỏi mọi sự ru ngủ, vọng tưởng, là ngồi lên trên nỗi sợ hãi và những nguyên nhân gây ra sự sợ hãi, là thái độ chọn cho mình con đường sống còn, là sứ điệp Tin mừng như trong Bài Giảng Trên Núi, Đức Giêsu dạy: “Phúc thay ai xây dựng hòa bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa” (Mt 5,9), là nói không với thứ công lý bạo lực, là diễn tả tình thương với cả những kẻ đang hăm he, gầm gừ xung quanh.
Tọa kháng là sự ứng đáp với đường lối bất bạo động của Đức Giêsu, là diễn tả lòng xót thương của Thiên Chúa, “Đấng cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính” (Mt 5,45).
Những người tọa kháng như thế là những chứng nhân cho sự thật và công lý, những người đang đi trên con đường công chính, đang hoàn thiện mình.
Tọa kháng còn là thái độ bác ái với những kẻ đang bách hại mình và để làm sáng tỏ chân lý này: một khi “tín nghĩa mọc lên từ đất thấp”, thì “Công lý nhìn xuống từ trời cao”. Vì nếu không có ơn Chúa giúp, những nỗ lực của con người chỉ đưa đến thất bại. Đàng khác, nếu không có sự đáp trả của con người, ơn Chúa sẽ không thể phát huy tác dụng.
Mong sớm có ngày ứng nghiệm lời của tác giả Thánh vịnh 84, để “Tín nghĩa ân tình nay hội ngộ, hòa bình công lý sẽ giao duyên”.
Mà chắc chắn sẽ thế, vì tín hiệu đã phát rồi…
Jos. Ngô Văn Kha, C.Ss.R.