Máu người biểu tình sẽ là hạt giống nảy sinh dân chủ

Dân chủ hóa đất nước là tất yếu. Các sự kiện gần đây – thảm họa môi trường Vũng Áng, dân chúng cả nước biểu tình đòi “biển sạch, chính quyền sạch”, “dân muốn cá sống”, “Formosa cút”, “trả lại biển xanh cho ngư dân”… cùng máu của dân lành đổ ra – tất cả chỉ làm cho con đường đi đến cứu cánh ấy của dân tộc ngắn và rộng thêm.

Một người biểu tình tại Sài Gòn sáng 1/5 bị lực lượng do công an chỉ huy đánh chảy máu

Một người biểu tình tại Sài Gòn sáng 1/5 bị lực lượng do công an chỉ huy đánh chảy máu

Những ai theo dõi sự kiện cá chết hàng loạt ở vùng biển Bắc Trung bộ và các diễn biến liên quan trong gần một tháng qua chắc chắn đã không quá bất ngờ về các cuộc biểu tình xảy ra ở Hà Nội, Sài Gòn… vào sáng 1/5.

Nhân dân đã chọn màu xanh

Có chăng, không còn như những lần “phản đối đông người” trước đây, cờ đỏ đã hoàn toàn bị lãng quên, nhường chỗ cho màu của sự sống. Hàng ngàn người xuống đường thể hiện lập trường “chọn tôm cá, chọn môi trường” với “tuyền” một màu xanh-trắng cho thấy người dân đã ý thức đã đến lúc cần tô lại bức tranh quê hương, đất nước mình bằng tông màu gì.

Mặc nhiên, báo chí “chính thống” không có lấy một chữ, nhường chỗ cho Internet với công cụ mạng xã hội truyền tải những hình ảnh bất khuất của cuộc biểu tình lịch sử – tạm gọi “bảo vệ môi trường, phản đối cường quyền tiếp tay, bao che cho hành vi đầu độc môi trường biển” – vào Chúa nhật vừa qua, đi khắp thế giới. Dòng người biểu tình đã tạo sức lan tỏa tinh thần dân tộc, ý thức trách nhiệm công dân trước sự an nguy của đất nước đến nhiều tầng lớp quần chúng, nhân dân.

Người Việt Nam khắp nơi trên hành tinh hẳn xúc động và cảm ơn Sài Gòn, Hà Nội trong ngày mang màu xanh xuống đường đòi công lý. Đặc biệt, khi chúng ta xem video clip quay cảnh một cô gái trẻ hiên ngang đứng trước đội quân được huy động để đàn áp người biểu tình ôn hòa, cô thét lớn: “Các anh còn có khả năng phân biệt đúng sai hay là không”? Trước đó, cô gái ấy cũng điềm tĩnh giải thích cho “hàng rào công lực” việc làm của cá nhân mình, của cuộc biểu tình là đang giành lại tương lai cho các thế hệ mai sau, trong đó có con em của những người lính đang “thực thi nhiệm vụ” này. Thái độ nín lặng, nhìn xuống đất của những anh lính dưới cái nóng gay gắt mùa khô Sài Gòn, khiến “người ta” giật mình vì đã dám trót quên sức mạnh từ lòng dân.

Tiếp tục bày tỏ cho đến khi công lý thực thi

Theo thông tin từ mạng xã hội, tại Sài Gòn, có ít nhất 4 vụ đàn áp dã man xảy ra trong Chúa nhật 1/5.

Diễn biến các cuộc biểu tình ghi nhận bằng video một thanh niên (tóc vàng) bị vây và đánh hội đồng bởi lực lượng mặc đồng phục xanh lơ hung hãn. Hình ảnh và video cũng ghi nhận một người đàn ông bị lực lượng trấn áp đánh bể đầu, máu tuôn ròng ròng trên vai.

Vụ “trầm trọng và đê tiện nhất” theo một facebooker, là vụ cô gái tên Lê Vi bị chận đánh thô bạo khi cô đã tách đoàn biểu tình để trở về nhà. Trước đó, vào sáng sớm ngày 1/5, công an cũng đã tấn công bà Phạm Thanh Nghiên, ông Huỳnh Tú, ông Đỗ Đức Hợp và một số người khác hòng ngăn cản họ tham gia biểu tình… Đó là chưa kể những vụ bắt bớ, sách nhiễu những người liên quan đến việc đưa thông tin về dự án nhà máy gang thép Formosa Vũng Áng (Hà Tĩnh), cũng như người tham gia tuần hành ôn hòa và cả sau khi cuộc biểu tình kết thúc. Một số bạn sinh viên ở trọ ven đô Sài Gòn đã bị chủ nhà đuổi, không tiếp tục cho thuê phòng nữa dưới áp lực của công an…

Lê Vi bị tấn công khi đang trên đường trở về nhà sau cuộc biểu tình sáng 1/5

Lê Vi bị tấn công khi đang trên đường trở về nhà sau cuộc biểu tình sáng 1/5

Đã có lời kêu gọi những nạn nhân trên làm đơn khởi kiện hành vi đàn áp của cơ quan công quyền. Vận động thu thập các bằng chứng (giám định thương tật, hình ảnh, video) và các nhân chứng sẵn sàng đối chứng nếu việc tố tụng diễn ra.

Dù mạnh tay đàn áp biểu tình, nhưng ngược lại, cho đến lúc này, chưa có hành động mạnh mẽ nào được đưa ra từ phía nhà cầm quyền nhằm giải quyết việc cá chết hàng loạt tại khu vực biển miền Trung. Công tác xác định nguyên nhân và trách nhiệm của dự án nhà máy gang thép Formosa Vũng Áng trước tố cáo đầu độc môi trường biển vẫn chưa được kết luận. Hàng ngũ “tứ trụ”, chỉ mới có chỉ đạo kiểu “vuốt đuôi” dư luận của ông Thủ tướng vừa tuyên thệ Nguyễn Xuân Phúc rằng “phải làm rõ nguyên nhân gây thảm họa” môi trường.

Cơ quan quản lý đóng vai trò “chủ trì” – Bộ Tài nguyên và Môi trường – cũng mới chỉ có chỉ đạo của ông Bộ trưởng Trần Hồng Hà sáng 2/5 gửi UBND các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế về việc thường xuyên theo dõi, cập nhật tình hình xử lý các vấn đề liên quan đến việc hải sản chết bất thường tại các địa phương nói trên.

Có cảm giác việc xác định nguyên nhân cá chết không khó, mà “phải công bố nguyên nhân nào gây ra thảm họa này đây” mới khó. Nếu công bố Formosa Vũng Áng là thủ phạm, lòng dân chắc chắc chỉ có một đòi buộc duy nhất: đóng cửa, hủy dự án.

Theo Báo Nông nghiệp Việt Nam, chỉ riêng tỉnh Quảng Trị, tính đến 15 giờ ngày 30/4, thiệt hại về kinh tế do cá chết bất thường gây ra ở địa phương này ước tính sơ bộ lên đến 134,91 tỷ đồng. Thế nhưng, đó chỉ là thiệt hại cỡ “cái móng tay”. Công luận – mà sống động nhất là dòng người biểu tình – còn cho thấy viễn cảnh môi trường, nghề cá, giống nòi… sẽ bị hủy hoại, bị đe dọa trên bình diện an ninh quốc gia.

Sự “chậm chạp” của nhà cầm quyền trước thảm họa môi trường càng lúc càng không hiệu quả để “hoãn binh”, trái lại còn có nguy cơ đối diện “họa chồng họa”. Trong dư luận đã râm ran “thuyết âm mưu” – theo cách gọi của những người “trọng chứng” – có thể Formosa Vũng Áng chỉ là một nguồn xả thải hóa chất cực độc. Biển Đông có thể đã bị đầu độc trên diện rộng bởi “láng giềng 16 chữ vàng” thông qua các phương tiện gần như đã được “tự do” ngự trị trong lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam như tàu cá, giàn khoan hoặc các đảo nhân tạo thuộc khu vực chủ quyền của chúng ta? Thuyết âm mưu này cũng đã có các trang web nước ngoài chính thức đăng tải với nội dung “Trung Quốc thải hóa chất giết cá xung quanh các đảo tranh chấp nhằm đuổi ngư dân”.

Sự thật sớm muộn sẽ phơi bầy trong thế giới đa chiều hôm nay. Là công dân, chúng ta cần tiếp tục bày tỏ thái độ “bảo vệ môi trường, phản đối cường quyền tiếp tay, bao che cho hành vi đầu độc môi trường biển” theo gương tinh thần các cuộc biểu tình hôm 1/5. Và chắc chắn không dừng lại ở đó, cho đến khi nào công lý được thực thi. Cá, biển trở về với ngư dân và sức mạnh dân tộc qua đó được củng cố.

Hành động với tất cả trách nhiệm và danh dự để bảo vệ Tổ quốc, giống nòi cho chúng ta niềm tin rằng máu của người yêu nước sẽ là hạt giống nảy sinh dân chủ, tự do cho quê hương.

Cam Châu

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết