Đó là quả quyết của bạn trẻ Giuse Nguyễn Văn Trung, một giáo dân Công giáo tại Hà Nội tham gia cuộc tuần hành vì môi trường vào ngày Chúa Nhật 1/5/2016 vừa qua.
Sự kiện cá chết bất thường trên diện rộng ven biển 4 tỉnh miền Trung từ thượng tuần tháng 4/2016 đã đặt cả nước trước một vấn đề lớn: một thảm họa môi trường nghiêm trọng. Mọi người, từ các quan chức cao cấp đến những người dân bình thường đều bận tâm đến thảm họa này, tất nhiên là dưới nhiều góc độ và quan điểm khác nhau.
Trong số đó, có cộng đồng Công giáo.
Ngày 30/4/2016, gần một tháng kể từ khi bắt đầu hiện tượng cá chết bất thường trên diện rộng, và chỉ một ngày trước khi diễn ra những cuộc tuần hành tự phát của nhân dân tại các thành phố lớn để biểu thị thái độ và những yêu cầu liên quan đến thảm họa môi trường Vũng Áng, Đức Tổng Giám mục Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam đã ký một bản Thông báo gửi các linh mục, tu sĩ và giáo dân “Về tình trạng cá chết bất thường tại Miền Trung Việt Nam”.
Sau khi khuyến cáo các cha và giáo dân “tránh những hành động quá khích, dẫn tới xung đột, ảnh hưởng tới sản xuất, giao thông, vi phạm pháp luật”, bản Thông báo viết: “Một cách cụ thể, chúng ta cùng cầu nguyện một cách đặc biệt cho tất cả bà con Miền Trung đang gặp cảnh khó khăn này và có được những hành vi chia sẻ, giúp đỡ thiết thực ngang qua Ủy ban Bác ái Xã hội của HĐGMVN, của các Giáo phận và của các Giáo xứ.”
Như thế, Đức Cha Chủ tịch đã chỉ đưa ra 2 đề nghị hành động cho cộng đồng Công giáo Việt Nam đông gần 8 triệu tín hữu, trước điều mà ngay ở đầu Thông báo, chính ngài đã xác định là một thảm họa môi trường:
(1) Cầu nguyện,
(2) Đóng góp để chia sẻ, giúp đỡ những người đang gặp khó khăn ngang qua Ủy ban Bác ái Xã hội các cấp.
Lập tức, bản Thông báo này đã khiến cho không ít giáo dân Công giáo bối rối, nhất là những người đang có ý định sẽ tham gia những cuộc tuần hành tại Sài Gòn và Hà Nội vào ngày hôm sau, Chúa Nhật 1/5/2016.
Tối thứ Bảy 30/4/2016, chia sẻ trong một nhóm các bạn trẻ Công giáo đang rủ nhau sáng hôm sau sẽ tham gia tuần hành tại trung tâm Hà Nội, bạn Giuse Nguyễn Văn Trung – sinh viên, 21 tuổi – đã nói rằng anh không nghĩ việc tuần hành này là một “hành động quá khích, dẫn tới xung đột, ảnh hưởng tới sản xuất, giao thông, vi phạm pháp luật” như có người lo ngại sau khi đọc bản Thông báo của Đức Cha Chủ tịch HĐGM. “Trước thảm họa môi trường Vũng Áng như đang diễn ra, chỉ cầu nguyện và góp tiền cho Caritas thôi, chưa đủ!” – anh nói thế để khuyến khích các bạn đang bối rối sau khi đọc bản Thông báo.
Chiều Chúa Nhật 1/5/2016, tôi gọi điện cho một người bạn đang sống tại Sài Gòn, anh Đaminh Trần Quang Minh, 47 tuổi, một kỹ sư xây dựng, một người rất “mê” Laudato Si’. Anh cũng tham dự cuộc tuần hành buổi sáng từ Nhà thờ Đức Bà sang khu vực chợ Bến Thành rồi ra công viên… Nhắc đến bản Thông báo, anh cười nhẹ và nói: “Mình chỉ là một trong nhóm nhỏ các con chiên không ngoan, chắc chắn không làm xấu mặt Giáo hội vì đi tuần hành sáng nay đâu!” Rồi anh tâm sự: “Mình nghĩ, như Đức Thánh Cha Phanxicô nói trong Laudato Si’ số 188, Giáo hội không chiếm chỗ các nhà khoa học và các nhà chính trị, nhưng Giáo hội phải khuyến khích người ta thảo luận trung thực, cởi mở và minh bạch trong các quyết định và ứng xử, nhất là khi xảy ra các thảm họa lớn như vụ Vũng Áng này.”
“Có những vấn đề môi trường không dễ đạt được sự đồng thuận rộng rãi. Ở đây, một lần nữa, tôi muốn minh định rằng Hội thánh không có tham vọng giải quyết các vấn đề khoa học hay thay thế các nhà chính trị. Nhưng tôi quan tâm khuyến nghị những cuộc thảo luận trung thực và cởi mở, ngõ hầu những lợi ích hay ý thức hệ cụ thể sẽ không làm thiệt hại thiện ích chung” (Đức Giáo hoàng Phanxicô, Laudato Si’, số 188).
Quả thực, Giáo hội Việt Nam, theo gương Đức Thánh Cha Phanxicô, phải góp phần mình vào việc thúc đẩy “những cuộc thảo luận trung thực và cởi mở, ngõ hầu những lợi ích hay ý thức hệ cụ thể sẽ không làm thiệt hại thiện ích chung”.
Trong tư cách giáo dân, các môn đệ Chúa Kitô được mời gọi thực hiện những hành động dân sự và chính trị để yêu cầu những cuộc thảo luận như thế. Anh Đaminh Trần Quang Minh kể ra một loạt những hành động mà tín hữu Công giáo có thể tham gia trong vụ khủng hoảng môi trường Vũng Áng hiện nay:
- Thảo luận về vụ khủng hoảng môi trường Vũng Áng;
- Tìm kiếm và chia sẻ các thông tin đầy đủ và trung thực về vụ khủng hoảng và hệ lụy của nó;
- Xuống đường tuần hành yêu cầu chính quyền minh bạch trong việc đối diện và xử lý cuộc khủng hoảng môi sinh này;
- Cùng nhau công khai khẳng định chọn lựa phát triển bền vững và từ chối đường lối tăng trưởng bất chấp hiểm họa môi sinh;
- Dứt khoát chống lại mọi hình thức tham nhũng trong việc chấp thuận các dự án bất chấp các tác động môi trường thực tế;
- Lên tiếng đòi hỏi các quy trình chính trị minh bạch trong việc đánh giá tác động môi trường của các dự án kinh tế…
Chợt nhớ lời Đức Thánh Cha Phanxicô trong Thông điệp Laudato Si’: “Tình yêu xã hội và sự dấn thân cho thiện ích chung là những biểu hiện tuyệt vời của lòng bác ái, không chỉ ảnh hưởng đến các mối tương quan giữa các cá nhân mà còn đến các mối quan hệ vĩ mô, xã hội, kinh tế và chính trị” (số 231).
Những môn đệ Chúa Kitô đi giữa lòng dân tộc Việt Nam, những giáo dân tốt và cũng là những công dân tốt của đất nước này, chắc chắn sẽ cảm thấy như bạn Giuse Nguyễn Văn Trung, sinh viên Công giáo 21 tuổi tại Hà Nội: “Trước thảm họa môi trường Vũng Áng như đang diễn ra, chỉ cầu nguyện và góp tiền cho Caritas thôi, chưa đủ!”.
Ngọc Huỳnh