Hướng về tương lai với niềm hy vọng

Năm Thánh Hiến đã kết thúc vào ngày 02 tháng 2 năm 2016, lễ Dâng Chúa Giêsu Trong Đền Thờ, nhưng những gì Đức Thánh Cha Phanxicô vạch ra trong Tông thư gởi cho các tu sĩ vẫn còn rất thời sự. Đúng hơn, những mục tiêu và ước vọng của Đức Thánh Cha đang ở trước mặt mà mỗi tu sĩ cùng với anh chị em mình hướng tới. Bây giờ đang ở giữa mùa Chay, mùa sám hối canh tân, trong khuôn khổ giới hạn của bài viết ngắn, xin dừng lại ở mục tiêu thứ 3 của Tông thư: “Hướng đến tương lai với niềm hy vọng” để suy gẫm lo chuyện thiêng liêng hơn bàn đến vấn đề một cách “khoa bảng”.

Trong Tông thư Đức Thánh Cha viết: “Chúng ta biết rằng đời sống thánh hiến đang gặp nhiều khó khăn dưới mọi hình thức: ơn gọi sụt giảm, các thành viên tuổi cao, nhất là tại các nước Tây phương, những vấn đề kinh tế tiếp theo cuộc khủng hoảng tài chánh trầm trọng, những thách đố của việc quốc tế hóa và toàn cầu hóa, những nguy cơ của thuyết tương đối, đời tu bị gạt ra bên lề và không được xã hội trân trọng … Giữa những hoang mang mà chúng ta cùng chia sẻ với bao nhiều người đương thời, bừng lên niềm hy vọng của chúng ta, là hoa trái của đức tin vào Ðấng làm chủ lịch sử và không ngừng lặp lại với chúng ta: “Ðừng sợ .. Ta đang ở với con” (Gr 1,8).”

Đọc những lời này trong bối cảnh Giáo Hội Việt Nam hiện tại có người nói: ở đất nước mình không như thế, nếu có, chắc phải nhiều năm sau. Đúng vậy, tạ ơn Chúa vì ơn gọi sống đời dâng hiến trên cánh đồng Hội Thánh Việt Nam đang lúc được mùa. Đến dòng nào cũng vậy, nam cũng như nữ, từng lớp khấn dòng mỗi năm vượt con số hàng chục, các em ứng sinh đang thời sinh viên có nơi chật không còn chỗ nhận. Ta có thể nói với Đức Thánh Cha: “Thưa Đức Thánh Cha yêu quý! Ở Việt Nam chúng con khác lắm. Đến năm tới, 2017, Đức Thánh Cha qua thăm chúng con sẽ thấy ơn gọi là cả một rừng…” Tuy nhiên, khi đọc tiếp, chỉ cần một thoáng suy nghĩ thôi cũng bỗng thấy lửa phấn khởi trong ta chùng xuống. Đức Thánh Cha dặn đừng “dựa trên số lượng hoặc cơ sở […] đừng chiều theo chước cám dỗ về số lượng và hiệu quả, lại càng không nên tín thác vào sức riêng mình”. Vâng! Ta đang được mùa ơn gọi, nhưng trong xã hội này, nơi tôi và bạn lớn lên, ơn gọi đời Thánh hiến của mình có rất nhiều gốc khuất.

Ngày vào nhà dòng, ai cũng được học kỹ đi tu là đi theo Đức  Kitô. Thánh Công Đồng dạy: “Quy luật tối cao và chung quyết của đời tu là việc theo Chúa Kitô như Phúc Âm đã đề ra. Tất cả các dòng phải coi đó như luật tối thượng” (PC 2a). Vì thế người tu sĩ “chẳng những chết đi cho tội lỗi (x. Rm 6,11), nhưng còn phải từ bỏ thế gian để sống cho một mình Thiên Chúa” (PC 5a). Thực tế thì sao? Hơn 20 năm khấn dòng nhìn lại thì thấy điều được học rất hay, cuộc sống người tu là vậy nên mỗi ngày phải tập, chập chững từng bước một đi tới. Chỉ có điều chưa quen đã bị cuốn theo nếp nghĩ của dòng đời làm thành sơ cứng, thành dững dưng với chính lẽ sống làm nên  cuộc sống Đời hiến dâng.

Có lẽ ai cũng đồng ý ở quê mình khấn dòng xong, bao nhiêu người đến chúc mừng. Ngày xưa chỉ là thằng Tí, con Ti, thoáng một cái bây giờ gặp lại, ông đã đến tuổi “thất thập cổ lai hy” lại “dạ” và xưng “con” không chút ngượng ngùng. Bà đi bên ông cũng vậy, nhưng có thêm là ân cần dặn: “Rán tu nghe, ở đời khổ lắm!” Cũng dễ hiểu, trong tâm thức người Việt dường như có đồng thuận “tu là cội phúc tình là dây oan”. Sự kính trọng và bỗng lộc thường đi chung, như hình với bóng, nên tạo ra một thực tế ông cha, bà phước thuộc thành phần ưu tuyển, phải “ăn trên ngồi trước”. Người tu được kính trọng là một hồng ân Chúa ban cho mình và xứ sở. Vì quá đó cho thấy xã hội nơi ta đang sống trân trọng đời tu, chứng tỏ cảm thức siêu nhiên còn mạnh chứ không phải đa phần tục hóa. Được kính trọng cho ta thêm động lực, dù rất tư nhiên, vì ta còn thể xác chứ chưa phải thiên thần. Tuy nhiên, sự kính trong và nhiều ưu đãi đang có nguy cơ biến ta thành đi tu để “hưởng” chứ không phải là: đi theo Chúa Kitô và chỉ sống cho một mình Thiên Chúa thực thi sứ mạng Chúa trao qua hội dòng.

Người tu sĩ được xác định là “chỉ sống riêng cho một mình Thiên Chúa” là để được  sai đi thi hành sứ vụ. Trình thuật Tin Mừng theo thánh Máccô nói rõ Chúa gọi các Tông Đồ là để các ông ở với Ngài và Ngài sai các ông đi (x. Mc 3,13-14). Trong lời nguyện Hiến Tế chính Chúa Giêsu đã cầu nguyện: “Như Cha đã sai Con đến thế gian thì Con cũng sai họ đến thế gian” (Ga 17,18). Tính chất của sứ vụ là hoạt động, tuy nhiên, từ các văn kiện của Công Đồng nói đến đời tu cũng như các tài liệu của các Đức Giáo Hoàng, cách riêng Tông huấn “Đời sống Thánh hiến” của Đức thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đều chỉ rõ sự gắn kết không thể tách rời giữa hoạt động và chiệm niệm (x. PC 8b), giữa thánh hiến và sứ vụ (x. VC 72).

Tuy nhiên, người tu sĩ luôn bị cám dỗ chỉ thấy công việc, thường lượng giá qua những việc mình làm. Trong sứ điệp cho Đại Hội SCRIS, mars 1980, Đức thánh Giáo Hoàng Gioan Phao lô II nói: “Điều quan trọng nhất không phải là điều tu sĩ làm, nhưng là điều tu sĩ là như những con người thánh hiến cho Thiên Chúa.” Trong xã hội thay đổi từng ngày, cuộc sống cứ như dòng chảy chẳng có phút dừng lại, giá trị con người được đánh giá qua “nhãn mác” bên ngoài điều đó cũng tác đông lên cách lượng giá đời tu không nhỏ. Quan sát thực tế cho thấy còn có một cám dỗ khác là khó thay đổi sứ vụ, người ta nại đến nhiều lý do để ở lại cộng đoàn mình đang sống, công việc mình đang làm, vì thế mỗi lần thuyên chuyển là như cơn bão tới, u ám, nặng nề. Gẫm về tình trạng này có người phát biểu: “Ta sống sứ vụ hay ta sống nhờ sứ vụ?!”

“Bậc sống tu trì chứng tỏ cho tất cả mọi người sự cao cả siêu việt của sức mạnh Chúa Kitô trong Vương Quốc của Người và quyền năng vô biên của Chúa Thánh Thần đang hoạt động cách kỳ diệu trong Hội Thánh” (LG 44 c). Đời tu là dấu chỉ của Nước Trời hiện diện. Ý nghĩa thần học là vậy nhưng người bên ngoài nhìn vào để thấy lại qua ngã đường rất con người. Nơi đời tu người ta thấy gì để rồi cảm mến? Đó là những người sống nhân bản, không phải theo cách vài câu nói bên ngoài như “xin lỗi – cám ơn”, hoặc lịch thiệp trong giao tiếp, nhưng là luôn biết nghĩ đến người khác, quan tâm trong tế nhị. Nó thành một lối sống chan hòa với mọi người chứ không lựa chọn đối tượng để thể hiện. Đó là những người thanh thoát với tiện nghi, tiền bạc, không cố sở hữu để hưởng thụ, hoặc ngược lại cứ sợ lỗi đức khó nghèo rồi biến cuộc sống thành keo kiệt với anh chi em không còn tình bác ái. Đó là những người đáng tin vì chân thật trong lời nói và việc làm, người ta có thể đến để nghe và để nói những lời tâm sự mà không sợ cảnh “bức tường có tai”. Đó là những người sống chung với nhau, không thở than nói xấu nhưng có niềm vui dù cũng nhiều lao nhọc như bao cuộc sống khác.

 Những giá trị nhân bản rất bình thường tưởng là không khó lắm để có. Tuy nhiên, trong xã hội sống chung với giả dối, giá trị đạo đức xuống cấp, lấy mình làm trung tâm, hiện tượng loạn ngôn tiêu biểu như bậc đáng kính một khi không thích sẽ bị hạ xuống hàng “thằng, con”, thích được nỗi tiếng dù là tiếng xấu cũng đang tác động đến ta, những người sẽ tu sĩ và đã là tu sĩ. Chính trong bối cảnh này nghe lại lời dạy của Đức Thánh Cha Phaolô VI thật là thấm thía: “Các tu sĩ phải tránh đừng để tâm trí giao động quá mạnh, cũng phải tránh đừng làm cho các quan niệm của thời đại lấn át ý nghĩa sâu xa của đời sống tu trì” (ET 25).

Ngày nay, ơn gọi chúng ta đông nhưng chất lương chứng tá như thế nào? Đức Thánh Cha Phaolô VI đã từng nói: “Con người ngày hôm nay tin tưởng vào chứng nhân hơn thầy dạy” (EN 41).

Lạy Chúa Giêsu, lời mời gọi “hướng về tương lai với niềm hy vọng” gieo vào lòng con ý thức thật rõ, điều cần là hãy trở về với Chúa để tu sĩ chúng con có Ngài.

Ước gì đời sống thiêng liêng của chúng con có thể nói được với Chúa rằng:

“Con đang thấy vẻ đẹp của ân sủng Ngài, con đang được chiêm ngưỡng ánh huy hoàng, con đang phản ánh sức sáng của ân sủng Ngài, con phải sững sờ trước vẽ đẹp rực rỡ của nó; khi nghĩ đến mình, con thấy được lôi ra khỏi con, con thấy được trước đây con như thế nào và nay con đã ra sao, ôi kỳ diệu thay! Con cứ chăm chú, con đầy trân trọng đối với chính mình con, đầy kính cẩn và sợ hãi, như thể đứng trước chính Ngài; con chẳng còn biết phải làm gì, mà bởi vì con đã ra nhút nhát, con chẳng biết phải ngồi đâu, phải đặt các chi thể thuộc về Ngài đây vào chỗ nào, phải dùng các điều kỳ diệu này vào việc chi, vào công tác nào” (Trích lại trong “Đời Sống Thánh Hiến” số 20).

Và đời sống nhân bản của con

 vừa đủ công bằng để không làm tổn thương người khác, vừa đủ chân thật để người khác bình an, vừa đủ tình để người khác thấy mình được tiếp sức, vừa đủ nhẫn nại để người khác thấy cơ hội vẫn còn nhiều, vừa đủ hiền để không làm ai sợ, vừa đủ quãng đại để không cản lối ai , vừa đủ xót thương để nên được giống Ngài.

Lạy Chúa Giê su, Dung Nhan Lòng Thương Xót của Cha!…

 Jos. Nguyễn Quốc Việt

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube