Hướng dẫn mục vụ Giới trẻ và Ơn gọi theo tinh thần Dòng Chúa Cứu Thế (phần 2)

Dòng Chúa Cứu Thế

 

HƯỚNG DẪN

MỤC VỤ GIỚI TRẺ VÀ ƠN GỌI

THEO TINH THẦN

DÒNG CHÚA CỨU THẾ

fgfg (1) 

Ủy ban Trung ương

về Mục vụ Giới trẻ và Ơn gọi

Dòng Chúa Cứu Thế

Roma, 2020

PHẦN HAI

ĐƯA LÝ TƯỞNG VÀO THỰC HÀNH

69. Nếu có một điều gì đó sâu sắc diễn ra trong công việc của Giáo Hội và của các tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế trong những năm gần đây, thì đó là làm việc với người trẻ luôn thay đổi, luôn mới mẻ. Công việc của Ủy ban Mục vụ Giới trẻ và Ơn gọi Dòng Chúa Cứu thế là cách chúng ta đáp lại thực tế luôn thay đổi đối với người trẻ trên khắp thế giới. Với những hiểu biết sâu sắc trong Phần Một của tài liệu này, điều quan trọng cần nhớ là không có cách tiếp cận “một kích cỡ phù hợp cho tất cả” để đồng hành với người trẻ trên con đường đến với Đức Kitô. Trong khi chúng ta vẫn bám rễ vào Tin Mừng, đặc sủng Dòng Chúa Cứu Thế và một truyền thống loan báo Tin Mừng phong phú thì các nền văn hóa đa dạng và nhu cầu địa phương đòi hỏi các ứng dụng và chương trình khác nhau để cho phép Tin Mừng được loan báo cách mới mẻ trong các môi trường khác nhau.

XI. ĐI ĐẾN EMMAUS VỚI NGƯỜI TRẺ

70. Bằng cách tham chiếu câu chuyện của Emmaus (Lc 24, 13-25), Thượng Hội Đồng về Giới Trẻ 2018 đã cung cấp một sơ đồ hữu ích để định hình những nỗ lực của RYVM. Trong câu chuyện Tin Mừng:

▪ Các môn đệ đến từ Giêrusalem là một nơi hoang mang, sợ hãi và nghi ngờ.

▪ Chúa Giêsu gặp họ trên đường.

▪ Họ kể lại câu chuyện của tất cả những gì đã xảy ra.

▪ Chúa Giêsu giải thích Kinh Thánh cho họ.

▪ Các môn đệ mời Chúa Giêsu ở lại với họ.

▪ Các môn đệ gặp gỡ Chúa Kitô hiện diện khi bẻ bánh.

▪ Và cuối cùng, các môn đệ trở về Giêrusalem với tư cách là những người loan báo Tin Mừng.

71. Các chuyển động khác nhau của câu chuyện Tin Mừng này – gặp gỡ, nhận biết, diễn giải và quyết định – có thể truyền cảm hứng cho công việc của RYVM.

a. GẶP GỠ: RYVM sáng kiến để tạo cơ hội cho người trẻ gặp gỡ Chúa Giêsu (x. HP 1).

b. NHẬN BIẾT: RYVM lắng nghe người trẻ, đánh giá cao kinh nghiệm của họ và xây dựng cộng đoàn đích thực (x. HP 12, 24).

c. DIỄN GIẢI: RYVM sử dụng lăng kính của Kinh Thánh và truyền thống để xem chúng ta trưởng thành như thế nào và ở đâu giữa những phúc lành và thử thách của cuộc sống (x. HP 19).

d. QUYẾT ĐỊNH: RYVM giúp người trẻ sử dụng ơn biện phân để khám phá và làm mới mối tương quan của họ với Đức Kitô. RYVM cũng hỗ trợ người trẻ có cơ hội thực hiện quyết định của họ vì Đức Kitô và Tin Mừng thông qua việc phục vụ và loan báo Tin Mừng (x. HP 51-55).

72. Ước mơ và mục tiêu chung của RYVM là người trẻ không chỉ “gặp gỡ Chúa Giêsu Kitô” mà còn trở thành “môn đệ thừa sai” là những người bùng cháy bởi cuộc gặp gỡ của họ, công bố bằng lời nói và chứng tá đời sống của họ về Tin Mừng của Ơn Cứu Chuộc chan chứa mà họ nhận được nơi Đức Kitô.

73. Chúng tôi hy vọng rằng RYVM có thể giới thiệu cho người trẻ “một Giáo Hội có khả năng đi bên cạnh mọi người, làm nhiều hơn là chỉ đơn giản lắng nghe họ; một Giáo Hội đồng hành với họ trên hành trình của họ; một Giáo Hội có thể hiểu được “đêm tối” có trong cuộc tháo chạy khỏi Giêrusalem của rất nhiều anh chị em chúng ta; một Giáo Hội nhận ra rằng lý do tại sao mọi người rời đi và cũng bao gồm luôn lý do tại sao cuối cùng họ có thể quay trở lại. Nhưng chúng ta cần biết cách giải thích bức tranh rộng lớn hơn với sự can đảm. Chúa Giêsu đã sưởi ấm trái tim của các môn đệ ở Emmaus” (ĐTC Phanxicô, Diễn văn với các Giám mục Brazil, ngày 28 tháng 7 năm 2013, 3).

XII. CÁC YẾU TỐ CỦA MỘT MỤC VỤ GIỚI TRẺ CHUẨN MỰC

74. Khi phát triển bất kỳ loại chương trình hoặc quy chế nào cho công việc với người trẻ, điều quan trọng là phải ghi nhớ các yếu tố dưới đây. Những yếu tố này không đưa ra một kế hoạch chi tiết về mục vụ cho người trẻ, nhưng có thể giúp hình thành suy nghĩ của chúng ta để công việc của chúng ta với người trẻ tác động toàn bộ con người cũng như đặc sủng của chúng ta được đưa vào trong công việc mà chúng ta đảm nhận. Đức Thánh Cha Phanxicô khuyến khích các thừa tác viên giới trẻ hai hướng thực hiện. “Tôi chỉ muốn nhấn mạnh rằng mục vụ giới trẻ bao gồm hai hướng hành động chính. Một là tìm đến với họ, cách chúng ta thu hút người trẻ mới để họ tìm đến với kinh nghiệm về Chúa. Thứ đến là phát triển họ, cách chúng ta giúp những người đã có kinh nghiệm về Chúa được lớn lên trong những kinh nghiệm đó” (Christus Vivit, 209). Một RYVM chuẩn mực sẽ cố gắng bao gồm các yếu tố sau, tất cả đều có thể hỗ trợ trong cả việc tìm đến và phát triển.

75. Loan báo Tin Mừng

Loan báo Tin Mừng là được thu hút bởi Kerygma, được làm sống động bởi niềm vui của Tin Mừng và sau đó được thôi thúc chia sẻ Tin Mừng đó. Qua việc loan báo Tin Mừng, người trẻ được mời gọi tham gia vào một cuộc gặp gỡ thay đổi cuộc sống mang tính cá nhân với Chúa Giêsu Kitô ở trong và ngang qua Giáo Hội. Đây là cuộc gặp gỡ với tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa đã trở nên xác phàm nơi Đức Giêsu. Việc rao giảng Tin Mừng là cốt lõi của mọi nỗ lực mục vụ của chúng ta dành cho và cùng với người trẻ, vì nó là cốt lõi của sứ vụ của Giáo Hội (x. HP 4; Christus Vivit, 213).

76. Giáo lý

Giáo lý cho phép người trẻ đào sâu mối tương quan của họ với Chúa Giêsu Kitô và Hội Thánh sau lần đầu tiên được nghe Tin Mừng và gặp gỡ Chúa Giêsu Kitô qua việc Loan báo Tin Mừng. Dạy giáo lý là giảng dạy đức tin theo cách mà lòng người được kéo đến gần hơn với Chúa Kitô. Các cơ hội chia sẻ đức tin cho phép các tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế giảng dạy thông qua Đặc sủng của mình và việc giảng dạy của chúng ta được bắt rễ từ trong truyền thống tuyệt vời của Dòng Chúa Cứu Thế (x. Christus Vivit, 214).

77. Đời sống cộng đoàn

Người trẻ tìm kiếm những thứ thuộc về mình. Mục vụ của chúng ta đối với và cùng với người trẻ nên luôn mời gọi và tiếp nhận ân sủng của người trẻ vào trong tất cả mục vụ của chúng ta. Cộng đoàn là một dấu ấn của kinh nghiệm cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi và tiếp tục là nơi mà từ đó phát triển mục vụ hữu hiệu cho người trẻ. Người trẻ hiểu cộng đoàn như một đại gia đình mở rộng và lớn lên trong ý thức về vương quốc đang chờ đợi tất cả dân Chúa. Cộng đoàn thường được nuôi dưỡng thông qua các hiệp hội, câu lạc bộ, thể thao và không gian dành riêng cho người trẻ gọi là “của riêng họ” ở giữa các trung tâm mục vụ của chúng ta (x. HP 21; Christus Vivit, 243-244).

78. Phụng vụ, Cầu nguyện và Thờ phượng

Qua Phụng vụ, Cầu nguyện và Thờ phượng, chúng ta không chỉ giảng dạy về các truyền thống tuyệt vời của Giáo Hội mà còn giúp giới trẻ gặp gỡ Chúa Giêsu qua Bí tích Thánh Thể, Lời Chúa và những kinh nghiệm sâu sắc về cầu nguyện, kể cả cầu nguyện bằng tâm trí. Phụng vụ, cầu nguyện và thờ phượng cung cấp nhiều cách thức hơn và sâu sắc hơn để người trẻ gặp gỡ mối hiệp thông cả với Thiên Chúa và những người lân cận của họ. Nó cũng cung cấp không gian cho vẻ đẹp, nơi cung cấp một nguồn gặp gỡ khác với Thiên Chúa. Thông qua phụng vụ sáng tạo, năng động và đầy tinh thần cầu nguyện, chúng ta hỗ trợ sự phát triển tâm linh của người trẻ và cung cấp cho họ cơ hội hướng tới việc lãnh đạo và dấn thân (x. HP 29,31-32; Christus Vivit, 204).

79. Công lý và Phục vụ

Người trẻ mong muốn có cơ hội để tạo ra sự khác biệt. Chúng ta có thể trao cho họ các cơ hội để họ phục vụ trực tiếp ở những nơi và tình huống cần Tin Mừng được loan báo bằng hành động. Người trẻ cũng cần biết rằng họ có thể nói thay cho những người không có tiếng nói, những người bị bỏ rơi và nghèo khổ bằng cách hoạt động cho công lý ở những nơi họ tìm thấy những người này. Giáo Hội cung cấp một di sản to lớn và chứng tá liên tục thông qua Giáo huấn Xã hội Công giáo. Thông qua Công lý và Phục vụ, người trẻ thể hiện đức tin mà họ đã nuôi dưỡng qua cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu, và học cách làm như Chúa Giêsu đã làm (x. HP 5; Christus Vivit, 168-174).

80. Đào tạo thừa sai

Chúng ta tạo cơ hội cho người trẻ không chỉ học hỏi về đức tin qua Giáo lý, mà còn đào sâu đức tin và kiến thức của mình để họ có thể trở thành nhân chứng cho Tin Mừng giữa bạn bè, xã hội và thế giới. Việc đào tạo này có thể có nhiều hình thức nhưng nó mang lại cho người trẻ cơ hội kết hợp Tin Mừng, Đặc sủng Dòng Chúa Cứu Thế và giáo huấn của Giáo Hội vào trong các khía cạnh khác nhau của cuộc sống của họ. Việc này cũng tạo cơ hội cho người trẻ trải nghiệm lời mời gọi của việc loan báo Tin Mừng thông qua kinh nghiệm thừa sai cùng với và cho người trẻ khác. Mục vụ Giới trẻ và Ơn gọi Dòng Chúa Cứu Thế tìm cách mời gọi người trẻ trở thành cộng tác viên và nhân vật chính trong nhiệm vụ loan báo Tin Mừng (x. Christus Vivit, 253-285, 282).

81. Các mối tương quan chủ động

Là một trong những đặc điểm nổi bật của chúng ta, các tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế “gần gũi với mọi người.” Chúng ta tiếp tục làm cho mình gần gũi với người trẻ để họ gặp gỡ Chúa Cứu Thế tốt hơn ở giữa một thế giới bị tổn thương. Chúng ta phải hiện diện một cách chủ động ở những nơi người trẻ tụ họp và trong đời sống của người trẻ thuộc những nhóm chúng ta thành lập, cũng như những nơi khác trên thế giới để người trẻ dấn thân và gặp gỡ Chúa Kitô qua sự hiện diện của chúng ta (x. HP 80).

82. Hoạt động

Như một dấu chỉ của tình liên đới, chúng ta đứng cùng và nói thay cho người trẻ là những người có thể nằm trong số không có tiếng nói trong xã hội và trong Giáo Hội. Chúng ta phục vụ những người bị bỏ rơi, đặc biệt là người nghèo. Bởiđó, khi có người trẻ ở trong số những người bị bỏ rơi thì đặc sủng và việc loan báo Tin Mừng kêu gọi chúng ta lên tiếng chống lại những cơ cấu bất công và loại người khác ra bên lề. Chúng ta cũng khuyến khích và đào tạo người trẻ trở thành những nhà hoạt động và dần dần trở thành lãnh đạo hướng tới hoạt động (x. Lc 4, 16-19).

83. Phát triển khả năng lãnh đạo

Người ta thường nói rằng người trẻ là Giáo Hội của ‘ngày mai’ nhưng họ cũng là Giáo Hội của ‘hôm nay”. Chúng ta nên tạo ra cơ hội lãnh đạo, dạy kỹ năng cho người trẻ và cung cấp cơ hội cố vấn, lãnh đạo, lập kế hoạch và đảm nhận các vai trò khác nhau trong các nỗ lực mục vụ của chúng ta (Cf. Christus Vivit, 245; Communicanda 2 (2019), 104).

84. Chăm sóc Mục vụ

Chăm sóc Mục vụ cho người trẻ liên quan đến việc chúng ta hiện diện nhân ái trong cuộc sống của họ. Chúng ta cố gắng chăm sóc người trẻ trong những thời điểm khủng hoảng, thúc đẩy sự phát triển con người lành mạnh và giảm các hành vi có nguy cơ. Chăm sóc Mục vụ thúc đẩy sự lành mạnh và phát triển nơi cộng đoàn, đồng thời nuôi dưỡng sự nguyên vẹn, biện phân và việc hướng dẫn khi người trẻ đối mặt với các vấn đề cuộc sống của họ (x. 5; Christus Vivit, 202,242).

85. Biện phân và ơn gọi

Là ân sủng của Chúa, người trẻ được Chúa kêu gọi để trở thành ân sủng cho tất cả thụ tạo. Đây là bản chất của ơn kêu gọi của Bí tích Rửa tội. Mọi cơ hội mục vụ và thừa tác vụ đều là ơn gọi. Chúng ta cung cấp cơ hội suy tư thần học, biện phân và hướng dẫn thiêng liêng cho người trẻ để họ khám phá ra ân sủng Thiên Chúa nơi mình và cách họ được kêu gọi để sống ân ban đó bằng ơn gọi của họ qua việc phục vụ, đời sống độc thân, hôn nhân, gia đình, công việc và đối với một số người là đời sống thánh hiến (x. HP 83; Christus Vivit, 283 – 286).

86. Một mục vụ toàn diện, chuẩn mực cho và với người trẻ ở cấp địa phương sẽ thể hiện những đặc điểm sau đây.

▪ Đến được với người trẻ (cả tại các nhà thờ của chúng ta và các vùng ngoại vi)

▪ Đoan chắc rằng người trẻ được kêu gọi để trở thành những người rao giảng Tin Mừng

▪ Ủng hộ việc hòa nhập giới trẻ vào mọi khía cạnh của đời sống Giáo Hội

▪ Đòi hỏi sự chuẩn bị, giáo dục và đào tạo của toàn thể giáo xứ hoặc cộng đoàn đức tin

▪ Yêu cầu tuyển mộ có chủ đích, đào tạo và hỗ trợ các tình nguyện viên

▪ Thúc đẩy mối quan hệ hợp tác với cộng đoàn rộng lớn hơn

▪ Thúc đẩy mối tương quan chủ động với các gia đình

▪ Được duy trì trong một nhóm và mô hình cộng tác

▪ Dựa trên nhu cầu và chú tâm các nhu cầu thực tế, thúc đẩy sự phát triển toàn diện của con người

▪ Cần thời gian để phát triển

▪ Yêu cầu các chính sách và thủ tục bảo vệ thích hợp cho những người dễ bị tổn thương

▪ Được trao quyền và duy trì thông qua hỗ trợ tài chính

▪ Yêu cầu mức độ đào tạo và chuyên môn dành cho các tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế và các Cộng tác viên trong Sứ vụ

▪ Góp phần mang lại sự cởi mở cho cuộc đối thoại đại kết và liên tôn, đặc biệt là liên quan đến việc chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta.

XIII. BẢO VỆ TRẺ VỊ THÀNH NIÊN VÀ NHỮNG NGƯỜI LỚN DỄ BỊ TỔN THƯƠNG

87. Một phần chứng tá của chúng ta đối với Chúa Cứu Thế là sự tiếp đón và sự hiện diện của người trẻ và những người lớn dễ bị tổn thương trong toàn thể cộng đoàn với sự tôn trọng và quan tâm thực sự đến cá nhân và con người của họ. Điều này tiếp tục công việc của Chúa Giêsu, Đấng đã dùng vòng tay của Ngài trao quyền và giải phóng người khác, đề cao và tôn trọng phẩm giá, giải phóng những người yếu đuối và dễ bị tổn thương. Chứng tá này đặc biệt cần thiết trong thế giới ngày nay.

88. Vì lý do này, việc bảo vệ người trẻ và những người dễ bị tổn thương phải được coi là một phần không thể thiếu trong việc rao giảng Tin Mừng của chúng ta. “Vì vậy, tất cả chúng ta có nhiệm vụ rộng lượng tiếp nhận trẻ vị thành niên và những người dễ bị tổn thương, tạo cho họ một môi trường an toàn, ưu tiên lợi ích của họ. Điều này đòi hỏi một sự hoán cải liên tục và sâu sắc, nhờ đó sự thánh thiện cá nhân và cam kết đạo đức có thể đồng thời thúc đẩy sự đáng tin cậy của việc loan báo Tin Mừng và việc canh tân… sứ vụ của Giáo Hội. ” (ĐTC Phanxicô, Motu Proprio về bảo vệ trẻ vị thành niên và người dễ bị tổn thương, 29 III 2019).

89. Một trong những phương tiện qua đó tất cả các thành viên của Mục vụ Giới trẻ và Ơn gọi Dòng Chúa Cứu Thế trở thành những nhân chứng đích thực của Chúa Cứu Thế trong và cho một thế giới bị tổn thương đó là tạo ra và duy trì môi trường an toàn cho tất cả mọi người, là công bố qua việc làm và lời nói của chúng ta về tình yêu thương, sự chữa lành và hòa giải của Chúa Kitô. Tất cả các thành viên của Gia đình Dòng Chúa Cứu Thế phải biết và thực hiện chính sách về việc bảo vệ của Hội Dòng và của Đơn vị mà họ trực thuộc.

(Hết phần 2)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube