Đây chính là điểm nhấn trong bài phát biểu tại Armenia của Đức Thánh Cha Phanxicô: “Đời sống chứng tá cho sự hiệp nhất Kitô giáo chính là một dấu chỉ cụ thể cho thế giới.”
Có một thực tế khá rõ ràng rằng, mặc dù các phương tiện truyền thông tập trung chú ý vào hạn từ “diệt chủng” mà Đức Thánh Cha Phanxicô sử dụng để nói đến việc những người Armenia đã bị thảm sát vào thế kỷ trước, thế nhưng ý định của Đức Thánh Cha trong tất cả các sứ điệp mà Ngài đã gửi đến những người dân Armenia chỉ đơn giản là để nhắc nhớ họ về một quá đau buồn của dân tộc chứ hoàn toàn không phải là một lý do cho các cuộc đụng độ, những mâu thuẫn mới, nhưng đây chính là một cơ hội để xây dựng những cầu nối, sự tha thứ và hòa giải.
“Những cam kết đầy nhẫn nại và bền bỉ đối với sự hiệp nhất trọn vẹn, sự phát triển lớn mạnh của các sáng kiến chung và hợp tác giữa tất cả các môn đệ Chúa Kitô nhằm phục vụ cho công ích chung” – Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh như vậy trong bài phát biểu đầu tiên tại Armenia khi Ngài viếng thăm Nhà thờ chính tòa Echmiadzin – “Tất cả những nỗ lực trên giống như ngọn đèn sáng soi trong đêm tối để trải qua những sự khác biệt giữa chúng ta bằng một thái độ nhân ái và hiểu biết lẫn nhau. Tinh thần của phong trào đại kết – con đường đối thoại và hợp tác sẽ đảm nhận giá trị mẫu mực cũng như những giá trị bên ngoài những ranh giới rõ ràng của cộng đồng Giáo hội; nó đại diện cho một lời mời gọi mãnh liệt để giải quyết những bất đồng bằng những giải pháp đối thoại và đánh giá cao những giá trị giúp chúng ta được trở nên hiệp nhất”.
Trong suốt Thánh Lễ tại Gyumri, hôm thứ Bảy 25/6, Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi các tín hữu hãy xây dựng những nền tảng của đời sống Kitô hữu: kí ức, đức tin và “lòng thương xót” bởi vì tình yêu cụ thể chính là tấm danh thiếp của người Kitô hữu, còn những thứ khác có thể dẫn đến những hiểu lầm và thậm chí vô ích, bởi vì “Người ta sẽ nhận biết anh em là môn đệ Thầy nếu anh em biết yêu thương nhau”. Chúng ta được mời gọi để không ngừng xây dựng lại những con đường của sự hiệp thông nhằm tạo nên những cầu nối của sự hiệp nhất và cùng hợp tác với nhau để vượt qua những chia rẽ “.
Đức Thánh Cha tiếp tục chia sẻ chủ đề này vào buổi tối, trong cuộc gặp gỡ đại kết tại Quảng trường Cộng hòa ở Yerevan. Đức Thánh Cha cho biết “lòng nhân ái tự nó có thể chữa lành những ký ức và băng bó những vết thương quá khứ. Kí ức tự nó có thể xóa bỏ những định kiến và làm cho chúng ta nhận thấy rằng việc mở lòng ra với anh chị em chúng ta có thể gột sạch và nâng cao niềm xác tín của chúng ta”. Noi gương Chúa Giêsu, “chúng ta được mời gọi nhận ra sự can đảm cần thiết để từ bỏ những ý kiến cứng nhắc và những lợi ích cá nhân nhân danh tình yêu, để rồi từ đó, chúng ta biết cúi xuống và trao ban chính mình… nhân danh một tình yêu khiêm nhường và tự hạ”.
Đức Thánh Cha tiếp tục: “Kí ức, được đổ tràn bởi tình yêu có khả năng tạo nên những con đường mới và bất ngờ, có thể biến hận thù trở thành sự hòa giải. Chúng ta sẽ được thừa hưởng từ những nỗ lực để đặt nền móng cho một tương lai vốn luôn bị bủa vây bởi sức mạnh huyền ảo của việc trả thù, một tương lai của những nỗ lực không ngừng nhằm kiến tạo hòa bình: tạo công ăn việc làm cho những người lâm cảnh thất nghiệp, chăm sóc cho những người đang cần sự quan tâm của chúng ta, và trận chiến không ngừng nghỉ tuyên chiến với nạn tham nhũng”.
Cuối cùng, vào cuối buổi phụng vụ Chúa Nhật, do Thượng phụ Giáo hội tông truyền Catholicos – Karekine II cử hành, Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi: “Chúng ta hãy đáp lại lời mời gọi của các Thánh. Chúng ta hãy lắng nghe tiếng nói của người khiêm nhường và nghèo khó, của rất nhiều những nạn nhân của hận thù đã phải chịu nhiều đau khổ và thậm chí họ đã phải hiến dâng mạng sống mình vì đức tin. Chúng ta phải chú trọng đến các thế hệ trẻ, họ đã phải tìm kiếm cho mình một tương lai tự do từ quá khứ đầy chia rẽ của họ. Từ mảnh đất linh thánh này, mong sao một ánh sáng sẽ chiếu tỏa xa hơn nữa, ánh sáng đức tin đã chiếu rọi mảnh đất này từ thời thánh Gregory – người cha trong Tin mừng của anh em. Nguyện xin cho chúng ta hòa chung trong ánh sáng của tình yêu biết tha thứ và hòa giải”.
Khi kí ức được đồng hành bởi đức tin và lòng thương xót, nó sẽ trở thành sự tha thứ và hòa giải hơn là một nguyên nhân gây ra những chia rẽ và xung đột. Đây chính là tinh thần của Đức Thánh Cha Phanxicô đối với nạn diệt chủng của dân tộc Armenia mà trong những ngày qua, Ngài đã bày tỏ sự hiệp thông sâu xa với những anh chị em thuộc Giáo Hội Tông Truyền Armenia.
Minh Tuệ (theo Lastampa)