Hành trang chính trị

Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô 2, trong Tông Huấn “Kitô hữu Giáo dân”, đã nêu bốn yếu tố quan trọng trong hành trang dấn thân vào lãnh vực mưu cầu công lý và hòa bình cho thế giới hôm nay.

(1) Tinh thần tôn trọng công ích

Một đường lối chính trị vì dân, vì nước sẽ luôn luôn lấy công ích làm tiêu chuẩn căn bản” – lời Đức Thánh Giáo hoàng.

Công Đồng Vatican 2 trong Gaudium et Spes, tại số 74, đã quả quyết rằng: “Công ích là lý do tồn tại, là ý nghĩa và là căn bản pháp lý thiết yếu cho các tổ chức chính trị.”

Hội Thánh dạy cho chúng ta biết: khi một tổ chức chính trị mà không còn chú tâm lo cho công ích, không còn chú tâm lo cho thiện ích chung nữa, thì tổ chức chính trị ấy không còn căn bản pháp lý, không còn ý nghĩa và không còn lý do để tồn tại. Nếu một tổ chức chính trị chỉ chăm lo cho quyền lợi riêng của mình hay lợi ích nhóm của riêng mình, thậm chí của những lãnh tụ cao cấp của mình, thì tổ chức chính trị ấy, dưới quan điểm của Công Đồng Vatican 2, đã đánh mất đi lý do tồn tại, đánh mất đi ý nghĩa và căn bản pháp lý của mình.

Thánh Công Đồng chỉ rõ: “Công ích nói đây bao gồm tất cả điều kiện của đời sống xã hội, nhờ những điều kiện cá nhân này, gia đình và đoàn thể có cơ hội phát triển trọn vẹn và dễ dàng hơn.

(2) Tinh thần phục vụ

Việc thi hành quyền bính chính trị phải đặt nền trên tinh thần phục vụ. Tinh thần phục vụ, cùng với khả năng chuyên môn và hiệu năng cần có, là điều kiện thiết yếu làm cho hoạt động của các chính trị gia được trong sáng và liêm khiết. Hơn nữa, đây cũng là đòi hỏi rất chính đáng của dân chúng. Muốn vậy cần có sự đấu tranh công khai và thẳng thắn để chiến thắng những khuynh hướng xấu xa, như: việc sử dụng những phương cách hành xử bất chính, gian dối và mờ ám, sự biển thủ công quỹ nhằm trục lợi của một số người, việc sử dụng những phương thế mờ ám và bất hợp pháp để bằng mọi giá chiếm đoạt, duy trì và bành trướng quyền hành”.

Đức Thánh Giáo hoàng nói rõ rằng những thứ đó là những khuynh hướng xấu xa mà người Kitô hữu phải công khai và thẳng thắn chiến đấu chống lại.

(3) Tinh thần tôn trọng sự tự lập chính đáng của các thực tại trần gian và tinh thần làm chứng cho các giá trị của con người và các giá trị của Tin Mừng.

Đức Thánh Giáo hoàng viết: “Chắc chắn rằng người Giáo dân dấn thân vào công việc chính trị phải tôn trọng tính độc lập của các thực tại trần thế… Đồng thời, Giáo dân còn có nghĩa vụ cấp bách phải làm chứng về những giá trị của con người và của Tin Mừng, là những giá trị có liên hệ mật thiết với những hoạt động chính trị, chẳng hạn như sự tự do và công lý, tình liên đới, sự tận tụy trung thành và vô vị lợi đối với thiện ích của mọi người, cách sống giản dị, tình thương ưu tiên dành cho người nghèo khổ và người bé mọn nhất.”

Như vậy, một mặt, Đức Thánh Giáo hoàng yêu cầu các Kitô hữu phải tôn trọng tính cách độc lập của những tồn tại trần thế, mặt khác vẫn phải dấn thân để phục vụ những giá trị của con người và của Tin Mừng, như tự do và công lý, tình liên đới, sự tận tụy vô vị lợi, trung thành đối với công ích… Đó là hành trang thứ ba phải có của Kitô hữu đi vào thế giới đẩy những bất công hiện nay.

(4) Những nỗ lực của tình liên đới và lòng yêu chuộng hòa bình

Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô 2 viết: “Một đường lối chính trị nhằm phát triển con người phải lấy tình liên đới làm phương tiện và kiểu mẫu. Tình liên đớí đòi hỏi sự tham gia tích cực và ý thức trách nhiệm của mọi người vào đời sống chính trị, từ mỗi một người công dân đến các đoàn thể khác nhau, từ các nghiệp đoàn, đến các đảng phái; tất cả chúng ta và mỗi người trong chúng ta đều là kẻ thừa kế và là người tham gia tích cực vào chính trị.

Tình liên đới không phải là một sự thương hại hay một tình cảm quan tâm mơ hồ hay một cảm xúc động lòng trắc ẩn hời hợt, trước bao nhiêu khốn khổ của những người xa gần. Ví dụ như khi chúng ta đối diện với một người bị đối xử bất công trong xã hội, bị đàn áp trong xã hội, bị tước mất quyền tự do trong xã hội, mà chúng ta chỉ có một lgòng thương cảm mơ hồ hay một sự trắc ẩn hời hợt, thì đấy không phài là tình liên đới Kitô Giáo đích thực.

Ngược lại, tình liên đới Kitô giáo là một sự đấu tranh quyết liệt, vững chãi, bền chí để thể hiện công ích” – Đức Thánh Cha viết.

Nói cách khác, để thực hiện lợi ích cho mọi người và mỗi người, tất cả chúng ta phải mang lấy trách nhiệm thực sự đối với mọi người. Liên đới trong trách nhiệm, liên đới trong quyền được tham gia vào việc điều hành xã hội, liên đới trong việc phải chiến đấu bảo vệ những người cô thế cô thân, liên đới trong việc phải chiến đấu để gạt bỏ bất công trong xã hội và trong thế giới. Đó là tình liên đới Kitô giáo đích thực. Đó là một sự dấn thân quyết liệt, vững chãi và bền chí vì ích lợi chung của mọi người .

Đức Thánh Giáo hoàng nói: “Một nền chính trị nhằm phát triển con người phải lấy tình liên đới làm phương tiện và kiểu mẫu”. Tại sao người ta có thể từ khước quyền tham gia chính trị của những con người có đủ khả năng, có đủ thiện chí vì lợi ích của quốc gia, vì lợi ích của cộng đồng? Tại sao vậy? Chẳng lẽ vì dựa vào lý lịch chính trị ? Chẳng lẽ vì người ấy là người Công Giáo? Khi người ta phân biệt như thế là người ta đã tước mất cái quyền của con người sống trong tình liên đới.

Bên cạnh đó, Đức Thánh Giáo hoàng viết tiếp: “Kết quả hoạt động của chính trị mang tính liên đới, kết quả mà mọi người ước mong nhưng chưa đạt được, chính là hòa bình.”

Ngài nhấn mạnh: “Các tín hữu Giáo dân không thể khoanh tay ngồi nhìn như kẻ bàng quan lười biếng trước những gì phá hoại hay tổn thương hòa bình, như vũ lực và chiến tranh, tra tấn hay khủng bố, trại tập trung, quân sự hóa chính trị, thi đua võ trang, đe dọa nguyên tử… Ngược lại, là môn đệ của Đức Giêsu Kitô – Vua hòa bình, các tín hữu Giáo Dân phải nhận lãnh bổn phận làm người kiến tạo hòa bình bằng cuộc sống trở về với Chúa và bằng các hoạt động vì sự thật, vì tự do, vì công bình, vì bác ái; đó là những nền tảng vững chắc của hòa bình.

Nguyễn Thể Hiện

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết