Đức Tổng Giám mục Fernandez, thần học gia, thành viên của ủy ban chịu trách nhiệm soạn thảo tài liệu cuối cùng của Thượng Hội Đồng, đã nói như vậy về việc đón nhận Tông huấn của Đức Phanxicô về gia đình.
“Các vị chủ chăn và anh chị em giáo dân được mời gọi đọc và thảo luận đặc biệt các chương 4 và 5, là phần Đức Giáo Hoàng đã viết với sự chăm chút tuyệt vời. Chương về học thuyết, tức là chương ba, thì rất cổ điển. Tuy nhiên, tất cả giáo huấn về hôn nhân cần phải được đọc lại trong ánh sáng của kerygma, và đó là điều chính chúng ta phải làm. Phần lớn dân Chúa đã đón nhận Tông huấn này.” Đây là tuyên bố của Đức Tổng Giám Mục Victor Manuel Fernandez, Hiệu trưởng Trường Đại học Công giáo Argentina, một nhà thần học rất thân cận với Đức Giáo Hoàng.
Thưa Đức Cha, ngài đã phục vụ trong ủy ban chịu trách nhiệm soạn thảo tài liệu chung cuộc của Thượng Hội Đồng: văn kiện của Đức Giáo hoàng đã ứng xử như thế nào đối với các công việc của Thượng Hội Đồng?
“Bản văn Amoris Laetitia chứa đầy các trích dẫn từ các báo cáo cuối cùng của hai Thượng Hộ Đồng. Nhưng cần nhớ rằng “Thượng Hội Đồng” là một tiến trình, trong đó bao gồm phản ứng từ khắp nơi trên thế giới được gửi đến Roma, Đức Giáo Hoàng đã nhận được rất nhiều thư gửi đến cho ngài trong hai năm này, và đặc biệt là sự lắng nghe cá nhân của Đức Giáo Hoàng đối với mọi lời phát biểu của các nghị phụ Thượng Hội Đồng. Nhiều ý tưởng trong số những ý tưởng được phát biểu có lẽ đã không được xuất hiện trong hai báo cáo chính thức, nhưng đối với Đức Giáo Hoàng, chúng cũng rất quan trọng. Vì vậy, Đức Thánh Cha đã tạo ra một “thực tại đa diện” mà chúng ta sẽ không hiểu hết nếu chỉ xét từng ý kiến cô lập. Tuy nhiên, sự thật là Đức Thánh Cha đã bổ sung thêm một cái gì đó rất cá nhân trong Amoris Laetitia. Thí dụ những bình luận về 1 Cr 13, hoặc sự nhấn mạnh về tình yêu tăng trưởng, tuy đã có trong hai Thượng Hội Đồng nhưng không phải với sức mạnh như ở Amoris Laetitia”.
Theo ý kiến của ngài, đâu là những phần ý nghĩa nhất và quan trọng nhất của Amoris Laetitia? Đâu là điểm mới mẻ của Tông huấn này?
“Chắc chắn, như chính Tông huấn cũng đã nói, các chương chính yếu là các chương dành để nói về tình yêu, bởi vì, như phụ đề cho thấy, đây là một văn kiện “về tình yêu”. Vì thế, có thể nói, bản văn quan trọng nhất chính là bài thánh ca về tình yêu của Thánh Phaolô. Các vị chủ chăn và anh chị em giáo dân được mời gọi đọc và thảo luận đặc biệt các chương 4 và 5, là phần Đức Giáo Hoàng đã viết với sự chăm chút tuyệt vời. Chương về học thuyết, tức là chương ba, thì rất cổ điển. Tuy nhiên, tất cả giáo huấn về hôn nhân cần phải được đọc lại trong ánh sáng của kerygma, và đó là điều chính chúng ta phải làm. Sau đó, cũng trong chương ba, Đức Thánh Cha nói rằng cuộc sống tình dục trong hôn nhân cũng là một hành trình tăng trưởng trong ân sủng. Điều này chắc chắn vượt quá tất cả mọi thuyết nhị nguyên. Một điều khác cần lưu ý là về các vấn đề mục vụ, việc suy tư được rộng rãi trao phó cho các giáo hội địa phương và cho các giám mục. Như thế là tiếp tục đi tới trên một sự phi tập trung nhất định. Rôma không nói: “Mục vụ gia đình phải là thế này”, mà nói: “Mỗi giáo phận sẽ tìm ra các con đường mục vụ riêng của mình.”
Nhiều người đã nghe nói rằng về sự phân định – trong quy chiếu về chương tám – sẽ là rất ích lợi nếu có những chỉ dẫn rõ ràng hơn. Đức Cha có thể giải thích ý nghĩa của tiến trình mà Đức Phanxicô đề xuất?
“Chúng ta phải làm rõ hai điều. Thứ nhất: những gì Đức Giáo Hoàng nói trong chương thứ tám không nên bị giản lược vào câu hỏi về ly dị tái hôn. Sẽ là rất quan trọng việc mở ra cánh cửa mới cho thần học luân lý cũng như cho mục vụ, để các lãnh vực ấy tràn đầy lòng thương xót hơn, được biến đổi nhiều hơn nhờ tính ưu việt của tình yêu và trở nên gần gũi hơn với thực tế của dân chúng. Hơn nữa, Đức Giáo Hoàng đã không muốn khai triển thêm vấn đề về việc rước lễ của những người ly dị tái hôn, vì ngài muốn đây chỉ là một gợi ý nhỏ mở ra một cánh cửa mục vụ, chứ không phải là một vấn đề chính yếu. Hầu hết các trang Amoris Laetitia được dành cho việc thúc đẩy sự phát triển của tình yêu, và đó là ý định của Đức Giáo Hoàng. Tất nhiên có một bước tiến rất quan trọng sau Familiaris Consortio. Nhưng tốt hơn là cho phép các giám mục, trong sự đối thoại với Đức Giáo Hoàng, suy tư về vấn đề này. Đối với toàn thể Giáo Hội, những chủ đề chính là những chủ đề khác. Thời gian sẽ đưa mọi thứ về đúng chỗ, và như Đức Giáo Hoàng đã nói: “thời gian là lớn hơn so với không gian” Một số thay đổi làm cho có quá nhiều tiếng ồn, nhưng sau đó tất cả mọi thứ sẽ lại vào đúng vị trí.”
Sau hai tháng kể từ khi Tông huấn hậu Thượng Hội Đồng Amoris Laetitia được công bố, Đức Cha đánh giá như thế nào về việc tiếp nhận Tông huấn này?
“Ở một số nơi, Tông huấn đang được đón nhận với rất nhiều nhiệt tình, sự rộng lượng và trách nhiệm. Đặc biệt, nhiều người đã nghiêm túc nghiên cứu các chương trung tâm, tức là những gì Đức Giáo Hoàng muốn làm nổi bật hơn. Những người khác quá chú ý – để ủng hộ hay để chống lại – đến vấn đề người ly dị tái hôn rước lễ. Điều này khiến người ta chú ý đến phản ứng của một số nhóm Công giáo từ chối thực hiện Tông huấn, bất chấp tất cả sự phong phú mà văn kiện đó chứa đựng, chỉ vì họ không hài lòng với chương thứ tám. Điều đó cũng từng xảy ra với các văn kiện trước đây. Nhưng tạ ơn Chúa, đây không phải là thái độ của đại đa số dân Thiên Chúa. “
Dựa trên cơ sở nào để có thể nói như thế?
“Ví dụ, trong những tháng gần đây ở Argentina người ta đã phát triển mạnh mẽ một số phong trào chính trị và phương tiện truyền thông nhạo báng Đức Phanxicô, nhưng một cuộc khảo sát gần đây được tiến hành bởi nhật báo”Clarin” cho thấy rằng Đức Giáo Hoàng đã được 75% dân chúng đánh giá tích cực và chỉ có 4% đánh giá tiêu cực. Điều đó khẳng định lòng trung thành kín đáo và thinh lặng của người dân, bất chấp những tiếng than phiền và những lời chỉ trích của một số người. Các hoa trái của ân huệ Thánh Thần sẽ được nhìn thấy tốt hơn theo thời gian, nhưng chúng ta không thể phủ nhận rằng những khả thể mới đã được mở ra cho Giáo Hội và chúng ta cần khai thác tốt hơn nhiều để không lãng phí thời gian.”
Năm ngoái, trong tháng mười, ngài đã tham gia một hội nghị chuyên đề tập hợp các nhà thần học và các học giả tại “La Civiltà Cattolica,” để suy tư về việc cải cách của Giáo Hội. Kết luận thế nào, thưa Đức Cha?
“Chẳng bao lâu nữa, một tác phẩm sẽ được xuất bản, trong đó chứa đựng các phần đóng góp khác nhau của các tham dự viên hội nghị. Bắt đầu với một tinh thần hiệp thông sâu sắc với Đức Giáo Hoàng, các nhà thần học đã tìm những cách thế thực hiện đề xuất của ngài về việc cải cách Giáo Hội, chấp nhận lời mời của ngài để suy nghĩ như một hội đồng (synod), và thậm chí suy tư về điều mà Evangelii Gaudium yêu cầu – nhưng dường như chưa được lắng nghe – là cung cấp thêm quyền cho Hội đồng Giám mục, trong đó có cả một số thẩm quyền tín lý. Tiến độ là rất chậm, không phải vì Đức Giáo Hoàng đã không khuyến khích những điều ấy, nhưng bởi vì, trong tư thế là các nhà thần học và các mục tử, chúng tôi đã không dám phản ứng với sự sáng tạo hào phóng”.
Thưa Đức Cha, nhiều người đã bàn luận về một số tuyên bố của ngài một năm trước đây trong một cuộc phỏng vấn với một tờ báo Italia. Bởi vì ngài đã nói Giáo hoàng trong tương lai thậm chí có thể không cư trú tại Roma?
“Thực ra, tôi đã trả lời một câu hỏi về Giáo Triều Rôma và về Vatican. Tôi đã có ý nói là “bên ngoài Vatican”. Nhưng tôi muốn nhấn mạnh rằng Đức Giáo Hoàng là mục tử phổ quát xuất phát từ sứ mệnh làm giám mục của một Giáo Hội địa phương. Điều này có nghĩa rằng không ai có thể là mục tử tối cao của toàn thể Giáo Hội, nếu vị ấy không phải là, trong thực tế, mục tử của một Giáo Hội địa phương. Nhận định này là rất quan trọng, và về mặt thần học, thực tại này xảy đến trước sự kiện Giáo Hội địa phương đó là Giáo Hội Roma, mặc dù cả hai không thể tách rời. Thực tế là, ngay từ đầu, Giáo Hội địa phương của Đức Giáo Hoàng là một giáo phận cuối cùng của Thánh Phêrô, đó là Giáo phận Rôma. Đâu là phẩm chất thần học của sự nhất thiết rằng giáo phận của Đức Giáo hoàng phải là giáo phận Roma, tôi không thể trả lời. Nhưng tốt hơn, hãy xuất phát từ thực tại lịch sử và cụ thể. Chính ở Roma mới có ngôi mộ của “đá tảng Phêrô” mà Chúa Kito đã để lại cho Giáo Hội, Roma là nơi Thánh Phêrô và Thánh Phaolô đã tử đạo, và tất cả những điều đó có ý nghĩa rất thâm sâu. Rõ ràng tôi không có ý coi thường chút nào mối dây liên kết ngay từ đầu lịch sử Kitô giáo nối kết Thánh Phêrô và những đấng kế vị ngài với Roma.
Vậy tức là thành phố Roma có một đặc tính linh thiêng?
“Cần chú ý rằng chúng ta nói về Roma một cách cụ thể như một giáo phận, chứ không phải là một thành phố. Vì vậy, tôi đoán sẽ không là một vấn đề nếu Đức Giáo Hoàng cư ngụ tại một khu vực khác của giáo phận Roma. Nhưng đây là một suy đoán vô ích và kỳ quái. Những gì tôi muốn nhấn mạnh là cốt lõi của vấn đề: Đức Giáo Hoàng phải giám mục, cha và mục tử của một Hội Thánh địa phương và, như vậy, ngài nhận được sứ mạng mục tử tối cao của toàn thể Giáo Hội.
Và Giáo Triều Vatican?
“Một bên là giáo phận của Thánh Phêrô và bên kia là các cấu trúc của Giáo triều Vatican, những cơ cấu quan trọng chỉ vì chúng giúp Đức Giáo Hoàng và tập thể giám mục. Các cấu trúc của Giáo triều không phải là một phần thiết yếu trong sứ mệnh của Đức Giáo hoàng. Chúng chỉ là một sự trợ giúp “để thi hành” thừa tác vụ của ngài, nên có thể được cấu trúc theo nhiều cách thức khác nhau trong lịch sử. Một điều nữa là Hồng Y Đoàn, theo một nghĩa rất đặc biệt, thuộc về giáo phận Roma. “
Một số cơ quan Giáo triều có thể nằm bên ngoài Roma?
“Tôi nghĩ điều đó là có thể, nhưng tôi có thể nghĩ sai. Ví dụ, Hội đồng Giáo hoàng về Văn hóa, hoặc Học viện Giáo hoàng về sự sống, hoặc Bộ Tuyên Thánh, có thể ở bất cứ nơi nào khác trên thế giới. Với sự tiến bộ ngày càng tăng của truyền thông, điều đó không cản trở các hoạt động của Đức Giáo Hoàng. Trong thực tế, có những hồng y của Giáo Triều Rôma thường xuyên di chuyển đến các phần khác nhau của thế giới, và cũng là một thực tế rằng có những vị hồng y giúp việc cho Đức Giáo Hoàng từ một khoảng cách xa mà không cần thiết phải ở trong thành phố Roma. Khả năng này có thể được thảo luận mà không gặp khó khăn và có lẽ, trong một số trường hợp, nó giúp hiện thực hóa yêu cầu của Evangelii Gaudium về sự phi tập trung. Mặt khác, tôi biết rằng Bộ Giáo lý Đức tin đã yêu cầu Ủy ban thần học quốc tế nghiên cứu sâu về “tính hội đồng” và các cơ cấu Giáo Hội, và chắc chắn Ủy ban đó sẽ cung cấp cho chúng ta một giải thích chính xác hơn nhiều những gì tôi có thể nói”.
Andrea Tornielli
(13/06/2016)
Ngọc Huỳnh chuyển ngữ