Cá chết, cá chết trắng biển miền Trung, cá nuôi chết làm người dân tán gia bại sản, ngư dân nghỉ việc và nhịn đói, thảm họa môi trường… là những tiếng kêu thất thanh vang lên gần tháng nay tại Hà Tĩnh.
Nhưng, chuyện đâu chỉ là cá chết!
Cơ quan công quyền “tàng hình” và báo chí địa phương nơi có thảm họa
Ngày 22/4/2016, Nhật Bản công bố thông tin về chiếc máy bay chiến đấu tàng hình đầu tiên thế hệ 5, do Nhật Bản tự chế tạo, đã thực hiện thành công chuyến bay đầu tiên. Trong kỹ thuật quân sự hiện đại, các sản phẩm, vũ khí tàng hình được sản xuất để tránh sự phát hiện và tiêu diệt của đối phương.
Cũng những ngày đó, ở Việt Nam, báo chí công bố có một chính quyền “tàng hình”.
Ngay đầu tháng 4/2016, tại Hà Tĩnh, gần 26ha rừng ngập mặn tại các thôn Nam Hà, Đông Hà và Hải Hà tự nhiên bị chết. Hẳn nhiên là cây rừng không tự tử tập thể. Nhưng chưa ai trả lời vì sao nó chết; đến nay, đã 1 tháng trôi qua, vẫn chưa có dòng tin nào của chính quyền về việc này.
Thế rồi cá chết hàng loạt, từ bè nuôi cho đến biển. Không chỉ có ở một vùng mà lan rộng, lan rộng mãi vào miền Trung, nhưng cũng vẫn… không rõ nguyên nhân.
Ngày 8/4, trả lời báo chí, ông Phan Duy Vĩnh – Phó Chủ tịch UBND thị xã Kỳ Anh, đã cho biết: “Đây là hiện tượng bất thường nên chúng tôi đã kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng tiếp tục cử cán bộ có chuyên môn kịp thời làm rõ nguyên nhân, có hướng khắc phục để thông báo cho người dân chủ động phương án sản xuất”.
Thời điểm đó, báo Hà Tĩnh còn viết: “Dân điêu đứng vì cá chết hàng loạt không rõ nguyên nhân”.
Thảm họa được báo động như vậy nhưng vẫn chưa làm cho xã hội chú ý. Càng không làm cho lãnh đạo một tỉnh chú ý. Chỉ đến khi hiện tượng cá chết hàng loạt lan ra tận các tỉnh khác, báo chí kêu gào, thì dư luận mới để tâm. Cả nước tập trung chú ý đến hiện tượng môi trường bị hủy hoại. Người ta nháo nhào tìm kiếm.
Ngư dân mình trần lặn xuống biển tìm nguồn ô nhiễm, phát hiện được cái ống xả ngầm dưới biển của Formosa đang xả nước độc vàng khè, có hiện tượng ngộ độc…Chạy về báo cho Biên phòng, họ trả lời: Bình thường.
Người dân kêu gào vì không được ai quan tâm: “Họ bỏ mặc chúng tôi”, “Chắc phải đợi dân chết rồi mới vào thị sát”. Đó là những tiếng kêu thất thanh.
Báo chí xông đi tìm cán bộ lãnh đạo tỉnh. Họ đang bận “kiện toàn” bộ máy, nhân sự, ghế và mâm… Chuyện cá chết tập thể là chuyện của… cá.
Báo chí phát hiện ra một tập thể lãnh đạo “tàng hình”.
Không một chuyến viếng thăm thực địa, cũng không một lời phát biểu hay động tác nào về thảm họa này từ phía lãnh đạo Tỉnh.
Ngày 13/4 Trung tâm Quan trắc môi trường và bệnh thủy sản miền Bắc thông báo về nguyên nhân hiện tượng cá chết hàng loạt ở khu vực biển Vũng Áng (thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh): Cá chết hàng loạt ở biển Vũng Áng do ô nhiễm nguồn nước.
“Nguồn nước ô nhiễm” mà nguồn nước này là Biển ở Vũng Áng. Nếu chịu khó suy nghĩ chút, thì người ta sẽ hiểu tai họa đến đâu khi nguồn nước biển ô nhiễm. Vì đi theo đó là cá, muối, nước mắm, sinh vật biển, môi trường, môi sinh và mạng người…
Cả xã hội lo lắng bất an.
Hiện tượng “đôi dép thần kỳ” xuất hiện
Thế rồi.
Như có một phép mầu, ngay khi ông Nguyễn Phú Trọng đến Hà Tĩnh thăm khu Formosa, rồi ra về trong “sự im lặng chết chóc” không một lời nói, một câu hỏi, một cái liếc mắt đến đời sống người dân đang kêu cứu ở đây, thì tờ báo Hà Tĩnh lập tức đưa tin: “Vùng biển Hà Tĩnh không còn hiện tượng cá chết hàng loạt!” – Báo Hà Tĩnh ngày 24/4.
Cũng ngày hôm đó, thay vì cá chết, một người thợ lặn biển lăn ra chết bất ngờ sau khi lặn biển ở Formosa.
Cũng hôm đó, Bộ NN&PTNT đã phải ra văn bản cấm ăn cá biển chết hàng loạt.
Hình như không thể im lặng tàng hình được nữa, ông Phó Chủ tịch tỉnh Đặng Ngọc Sơn phải cất lời kêu gọi người dân “cứ yên tâm, ăn cá và tắm biển Vũng Áng”. Cũng ngày hôm đó, Chủ tịch tỉnh “trẻ nhất nước” mới đi kiểm tra cá chết.
Bắt đầu từ đây, mức độ tàng hình của hệ thống đã giảm được một chút.
Nghe câu này, chợt nhớ đến bài thơ “đôi dép thần kỳ” về một đôi dép của lãnh tụ thiên tài:
…Đê sắp vỡ, vì lụt
Có dép đến, lụt lui
Ruộng nứt nẻ cả rồi
Có dép về, nước đến
Nơi nào quá nghèo túng
Dép tới, đỡ túng nghèo
Nơi nào dân thiếu chữ
Dép tới, chữ về theo
…
Cứ lãnh đạo đến đâu, thì ở đó mọi sự sẽ thay đổi, thần kỳ. Đây là tư duy của thời cộng sản những năm 50-60 của thế kỷ trước vẫn dai dẳng đến hôm nay.
Và báo Hà Tĩnh, ngày hôm đó đưa tin: “Vùng biển Hà Tĩnh không còn hiện tượng cá chết hàng loạt!” và ngư dân đã ra biển đánh cá. Cũng hôm đó, báo Lao Động đưa tin: Bốn ngư dân đi biển, đánh bắt cả đêm chia nhau được 20 ngàn đồng.
Thế rồi, ngày hôm nay, tờ báo Hà Tĩnh kết luận: Biển đã sạch hơn, môi trường không còn ô nhiễm, cá biển và thủy sản nuôi cũng không còn chết như mấy ngày trước”. Nhưng “đó là khẳng định của nhiều ngư dân phường Kỳ Phương (TX Kỳ Anh)”. Ôi, cả hàng bộ, ngành, ban, bệ, ủy ban, viện khoa học… đâu mà lại lấy phát ngôn của “ngư dân phường Kỳ Phương”?
Thế rồi, báo chí lại tiếp tục đưa tin cá tiếp tục chết và còn cảnh báo sẽ còn chết nhiều hơn.
Điểm qua mấy chi tiết về sự liên quan giữa chính quyền và báo chí địa phương, để hiểu cho nỗi khổ của báo chí dưới “sự lãnh đạo tuyệt đối” của đảng. Họ biết nói gì và làm gì? Họ phải nói gì là làm gì? Họ được làm gì và nói gì?
Bởi trong vụ việc này, không chỉ có mỗi hệ thống chính quyền Hà Tĩnh đã tàng hình, mà cả hệ thống trung ương đến địa phương, đến nay hoạt động hiệu quả ra sao thì câu trả lời vẫn là con số không về nguyên nhân gây ra cái chết hàng loạt của cá, và không chỉ có cá, đó là sự hủy hoại môi trường sống.
Báo chí loanh quanh khai thác và chỉ rõ ra rằng: – Formosa đã nhập về 297 tấn hóa chất độc trong thời gian qua. Và trong ba tháng đầu năm 2016, Formosa xả 931.830m3 nước thải ra biển.
Khi được hỏi về những hóa chất này, GS.TS KH Lê Huy Bá (Viện KHCN & QLMT, ĐHCN TP HCM) trả lời: Formosa Hà Tĩnh sử dụng chất cực độc để súc rửa đường ống.
Còn lãnh đạo, cán bộ VN cũng như người có trách nhiệm của Formosa thì khẳng định: Đường ống ngầm xả nước thải ra biển của Formosa là “có phép và đúng quy trình”.
Còn nguyên nhân cá chết do đâu, không ai biết và cứ… chờ.
Thậm chí, các cơ quan nhà nước định họp nhau lại làm đoàn kiểm tra vào Hà Tĩnh, thông báo công khai trước 4 ngày.
Phó Thủ tướng Trinh Đình Dũng nói: Có sự lúng túng, bị động trong vụ cá chết hàng loạt. Vâng, cá mới chết được 1 tháng nay, nhưng dân sẽ chết cả đời khi người ta phát hiện ra: cá biển chết lan đến Lăng Cô – Huế cũng vẫn do nhiễm kim loại nặng.
Chỉ cho đến hôm kia, khi đại diện Formosa thẳng thừng: Chọn đi, cá tôm, môi trường hay nhà máy.
Thế là rõ. Câu chuyện đằng sau, chắc sẽ còn dài kỳ và còn nhiều thời gian để nói tiếp.
Ở đây, sự khó khăn, chậm chạp và bất nhất thể hiện rất rõ ràng. Nguyên nhân chính phải chăng như ông Vụ phó vụ nuôi trồng thủy sản đã nói: “Có yếu tố nước ngoài”.
Chỉ có điều, qua vụ thảm họa môi trường này, quan sát những chuyển động của cả hệ thống công quyền, các cơ quan hữu quan phát huy năng lực và hữu hiệu ra sao người ta buộc phải nhớ những câu chuyện cũng chưa cũ lắm đang được báo chí khai thác.
Đó là “Để xử lý cái chòi vịt của ông Nguyễn Văn Bỉ, có 15 cơ quan ở TP.HCM đã phải tham gia, với 10 quyết định của các cơ quan có thẩm quyền. Công sức đổ ra nhiều, ông Bỉ sắp đi tù đến nơi thì công an TP.HCM phát hiện ông không phạm tội.
Đó cũng là hệ thống công quyền huy động cả cCông an, VKS và nhiều lực lượng bắt bà Nguyễn Thị Ánh Ngọc tạm giam khi bà đang khiếu nại bị cán bộ đánh để điều tra về “chống người thi hành công vụ”.
Báo chí lại đã phải vào cuộc và lại lệnh trên chỉ thị… Thế rồi VKSND huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai đã ra quyết định đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can liên quan vụ án bà Nguyễn Thị Ánh Ngọc mà dư luận quan tâm trong những ngày qua.
Những thông tin này cho ta một thông điệp không nhỏ. Đó là hiện tượng loạn sứ quân, cát cứ từng vùng, dùng luật pháp như một công cụ phục vụ ý đồ riêng của cá nhân, một nhóm người.
Và trên hết, qua các vụ việc người ta thấy cả hệ thống thể hiện một tư duy: hèn với giặc, hung hãn với dân.
Ngày 26/4/2016
Song Hà