Hành chính là công cụ phục vụ xã hội hay là công cụ quản lý xã hội?

Sáng ngày 23/2/2016, tại phiên họp của Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án luật Dược  sửa đổi, ông Nguyễn Sinh Hùng, nguyên Chủ tịch Quốc hội khóa 13 đã tỏ ra bức xúc, phẫn nộ. Ông nói: “Thủ tục hành chính của mình cay độc lắm, độc ác lắm, quá nhiều thủ tục hành chính gây phiền hà cho người dân. Nhiều thủ tục để làm gì, để có tiền thì mới xong chứ sao nữa.”

Những gì ông nguyên Chủ tịch Quốc hội bày tỏ trước mãn nhiệm, thực ra, không phải là chuyện gì mới. Cái mới ở đây, đó là qua lời phát biểu có vẻ bức xúc của ông – vị đại diện cao nhất cơ quan lập pháp là Quốc hội, người ta nhận ra sự bất lực của chính quyền trước tình trạng nhũng nhiều dân lành của các cơ quan thực thi pháp luật.

Treo bảng bận họp chỉ vì không tìm được con dấu. Ảnh: Zing.vn

Treo bảng bận họp chỉ vì không tìm được con dấu. Ảnh: Zing.vn

Trong thực tế, tại Việt Nam việc ban hành các văn bản luật và dưới luật thì không theo quy chuẩn nào. Các quy định về thủ tục hành chính và các văn bản luật được ban hành tùy hứng, tùy nơi, tùy địa phương, tạo nên tình trạng các văn bản luật chồng chéo nhau, gây bao thiệt hại cho người dân mỗi khi họ đến với các cơ quan công quyền.

Bộ Tư pháp trong một lần kiểm tra 898 văn bản của các bộ và địa phương đã phát hiện 218 văn bản có dấu hiệu chưa hợp pháp (chiếm hơn 24%). Còn tình trạng người dân và doanh nghiệp phàn nàn về nền hành chính vẫn “hành dân là chính” thì tỉnh nào cũng có.

Đó là chưa kể, mỗi tỉnh, mỗi địa phương khi thực hiện các chủ trương, chính sách, thì lại áp dụng một cách tự phát theo cách hiểu của cán bộ địa phương. Chẳng hạn, về chính sách giảm nghèo, theo thống kê “Tính đến tháng 3/2014, các cơ quan từ cấp bộ trở lên đã ban hành 501 văn bản về giảm nghèo, trong đó có 188 văn bản liên quan trực tiếp đến giảm nghèo; 313 văn bản liên quan gián tiếp đến giảm nghèo…Bên cạnh đó, tổng hợp sơ bộ tại 63 tỉnh, thành phố cho thấy có khoảng 1000 văn bản do các địa phương ban hành.”

Bên cạnh sự chồng chéo về luật khiến người dân “không biết đường nào mà lần” mỗi khi tới cơ quan công quyền, thì tình trạng công chức lợi dụng sự chồng chéo của luật gây khó dễ, hách dịch, vô cảm với người dân, “hành dân là chính” đang trở thành một hiện tượng đáng báo động về nhân cách của các công chức chế độ. Họ không chỉ ăn cắp giờ công mà còn nghĩ ra nhiều cách để “hành dân” mỗi khi người dân cần được giúp đỡ về mặt thủ tục hành chính.

Cán bộ Cục thuế TP Hà Nội có thái độ thiếu nhã nhặn với người dân. Ảnh: Zing.vn

Cán bộ Cục thuế TP Hà Nội có thái độ thiếu nhã nhặn với người dân. Ảnh: Zing.vn

Theo nghị định của Chính phủ về Kiểm soát Thủ tục Hành chính được quy định tại điều 3, “Thủ tục hành chính là trình tự, cách thức thực hiện hồ sơ và yêu cầu, điều kiện do cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền quy định để giải quyết một công việc cụ thể liên quan đến cá nhân, tổ chức.”

Như vậy, dưới góc độ quản lý nhà nước, thủ tục hành chính được hiểu là công cụ quan trọng để các cơ quan hành chính thực hiện việc quản lý đối với từng ngành, lĩnh vực cụ thể. Nhìn dưới góc độ xã hội, thủ tục hành chính giúp chuyển tải các quy định, chính sách của nhà nước vào cuộc sống, nhất là đảm bảo cho người dân, tổ chức tiếp cận và thực hiện tốt các chính sách, trong đó, cơ bản và chủ yếu là thực hiện các quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của tổ chức, của công dân.

Qui định là vậy, nhưng trong thực tế hiện nay, do sự chồng chéo các quy định về thủ tục hành chính, nhất là do tình trạng nhũng nhiễu nhằm kiếm chác bổng lộc của các cán bộ công chức, làm cho các thủ tục hành chính không những không góp phần quản lý xã hội mà còn tước đoạt các quyền lợi hợp pháp của các tổ chức, công dân, tạo kẽ hở cho các quan chức tha hồ chia chác hoặc lợi dụng chính sách nhằm hưởng lợi cá nhân.

Sinh thời bà Ngô Bá Thành – Phạm Thị Thanh Vân, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội đã từng nói một câu để đời: “Ở Việt Nam ta đã có cả một rừng luật, nhưng khi áp dụng thì lại sử dụng luật rừng!”

Một đất nước mà pháp luật được thiết lập không nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người dân, biến luật pháp thành phương tiện cai trị để bảo vệ chế độ, điều hành xã hội bằng nghị quyết, nghị định của đảng, thì người dân sẽ không bao giờ thôi bị “hành là chính” và thủ tục hành chính sẽ mãi bóp nát quyền lợi của người dân dưới sự “cay nghiệt” và “ác độc” của nó mà thôi.

Gioan Nguyễn Thạch Hà

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube