Amoris Laetitia được đón nhận như là một văn kiện quan trọng
Tông huấn AL được chào đón ở khắp nơi trong Hội Thánh, bất chấp những tranh luận đôi khi nảy lửa. Như Đức Hồng Y Tổng trưởng Thánh Bộ Giám mục Marc Ouellet đã nói, tông huấn này là một văn kiện gây tranh luận, nhưng – lời của Đức Hồng Y – “thành thực mà nói, tôi nghĩ rằng những tranh luận xung quanh tông huấn Amoris Laetitia là điều dễ hiểu, và tôi tin rằng những tranh luận này chắc chắn sẽ mang lại những hoa trái”.
Không dễ dàng trình bày tất cả những phản ứng tích cực đối với AL. Trong khuôn khổ bài trình bày này, chúng ta sẽ chú ý đến ý kiến của một số Nghị Phụ đã tham dự các Thượng Hội Đồng Giám Mục về gia đình năm 2014 và 2015 và ý kiến của một số học giả được chọn lựa để soi sáng một số cách đọc quan trọng chương VIII của AL.
Các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng Giám Mục ca ngợi Amoris Laetitia
Các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng Giám Mục đã không hề chia sẻ quan điểm từ chối giá trị huấn quyền của AL. Trái lại, các ngài đồng thuận trong nhận định rằng đây là văn kiện chứa đựng các kết quả trao đổi các quan điểm mục vụ và kinh nghiệm mục vụ của các Giáo Hội địa phương khác nhau. Sau đây là một số thí dụ.
Trong một bài phát biểu đáng chú ý ở Tây Ban Nha vào ngày 04/05/2016 (“¿Qué podemos esperar de la familia?”), Đức Hồng Y Tổng Trưởng Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin Gerhard L. Müller đã giải thích rằng AL vẫn nằm trong khuôn khổ kỷ luật trước đây của Giáo Hội. Đức Thánh Cha đã tái khẳng định giáo huấn từ ngàn xưa của Giáo Hội và đưa ra những chỉ dẫn mục vụ mới mẻ cho việc đón nhận và hòa nhập các hành trình cá nhân vào trong sự phân định của Giáo Hội. Và lập trường này được chia sẻ bởi nhiều vị giám mục lên tiếng trong những tuần sau khi AL được công bố.
Đức Hồng Y Donald William Wuerl, Tổng Giám Mục Boston, quả quyết rằng AL mang một giá trị không thể phủ nhận của một tài liệu huấn quyền, trong sự liên tục với các giáo huấn của Giáo Hội, và đã được hình thành như là kết quả của một sự phân định sâu sắc sau khi tham khảo ý kiến rộng rãi của các Giáo Hội địa phương và hai Thượng Hội Đồng Giám Mục.
Đức Hồng Y Ricardo Blásquez Pérez, Tổng Giám Mục Valladolid và Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Tây Ban Nha, nhận định: “Tông huấn tuyệt đẹp này hoàn tất một cuộc hành trình dài “đúng chất Thượng Hội Đồng”. Không có sự thay đổi giáo lý, nhưng có một hơi thở mới, một ngôn ngữ hiện tại và một thái độ sáng tạo trước những tình cảnh không còn là hôn nhân Kitô giáo hoặc không còn là như thế cách đầy đủ”.
Theo website Công Giáo Áo kath.net ngày 07/07/2016, Đức Hồng Y Christoph Schönborn, Tổng Giám Mục Monaco và là Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Đức, đã trả lời một cuộc phỏng vấn trên tờ báo Ý Corriere della Sera, trong đó ngài nói rằng AL là một tài liệu giáo lý có tính bó buộc phải vâng theo. Theo ngài, từ nay, tất cả các văn bản huấn quyền trước đây liên quan đến hôn nhân và gia đình “phải được đọc dưới ánh sáng của AL“, tương tự như Vaticanô I phải được đọc dưới ánh sáng của Vaticanô II. Tạp chí Dòng Tên Civiltà Cattolica đã xuất bản nội dung cuộc phỏng vấn này bằng tiếng Anh. Cũng trong cuộc phỏng vấn này, Đức Hồng Y Schönborn cho biết AL rõ ràng là một hành động của Huấn Quyền vì là một Tông Huấn.
Trên L’Osservatore romano số ra ngày 10/4/2016, nói về AL, Đức Hồng Y Gualtiero Bassetti, Tổng Giám Mục Perugia và là Phó Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Ý, đã viết như sau: “Bất cứ ai đi tìm trong AL một cuộc cách mạng theo nghĩa thế gian của hạn từ ấy, thì đều sẽ không tìm thấy một dấu vết nào. Và tương tự như vậy, những người tìm cách phủ nhận AL, tức là tìm cách khẳng định một hình thức bảo thủ nào đó, chắc chắn cũng sẽ thất vọng. Lý do rất đơn giản: đó là ngôn ngữ truyền thông, chứ không phải là ngôn ngữ của Giáo Hội. Ngôn ngữ duy nhất của Giáo Hội là công bố Tin Mừng và tất cả đều xuất phát từ đó: Chúa Giêsu đã đến thế gian và Người đã phục sinh; tình yêu và đức ái; sự tha thứ tội lỗi và lòng nhân lành thương xót; lời chứng đức tin và vai trò trung tâm của gia đình”.
Đức Tổng Giám mục Paul André Durocher, Tổng Giám mục Gatineau – Canada, trên L’Osservatore Romano số ra ngày 11-12/4/2016, đã đề cập đến một yếu tố quan trọng: thái độ vị mục tử phải có trong việc săn sóc các linh hồn đã được trao phó cho mình.
Ngài viết: “Thách thức đầu tiên sẽ là đảm bảo các linh mục và những người tham gia vào các hoạt động mục vụ đọc và hiểu đúng tông huấn. May mắn thay, nhiều người trong số họ sẽ tìm thấy ở đây sự xác nhận thái độ mục vụ tiếp đón, đồng hành và hòa nhập vốn đã được thực hiện trong mục vụ giáo xứ của họ. Cái mới đối với chúng ta là có trong tay một văn bản huấn quyền đưa ra những nền tảng Kinh Thánh, thần học và tâm lý cho thái độ mục vụ đó.”
Bởi vì, như Đức Hồng Y Vincent Nichols, Tổng Giám Mục Westminster, đã nói trong lá thư mục vụ được đọc trong tất cả các giáo xứ của Giáo phận ngài vào ngày 1/5/2016, giữa các tín điều đức tin mà Giáo Hội phải trân trọng, có tín điều về lòng thương xót của Thiên Chúa: Đức Thánh Cha Phanxicô “đã trình bày lại giáo huấn rõ ràng của Giáo Hội về hôn nhân và mạnh mẽ nhắc nhở chúng ta về sự thật của lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa dành cho mỗi người chúng ta”.
Ngày 02/08/2016, phát biểu tại hội nghị hàng năm của tổ chức ‘Knights of Columbus’ tại Toronto, Đức Hồng Y Marc Ouellet, Tổng Trưởng Thánh Bộ Giám Mục, cho biết Tông Huấn Amoris Laetitia đã đề xuất một cách tiếp cận mới về mục vụ mang tính đối thoại hơn và đầy Lòng thương xót hơn. Đức Hồng Y nói rằng ngài rất biết ơn Tông Huấn Amoris Laetitia, đồng thời mô tả đây là “một tài liệu đáng để đọc đi đọc lại, một cách chậm rãi, hết chương này tới chương khác, đặc biệt là chương thứ tư bàn về vấn đề tình yêu”.
Đức Hồng Y Ouellet cũng vô cùng tâm đắc với chương tám – một chương đã gây nhiều tranh luận. Ngài nhấn mạnh rằng chương thứ tám này nên được giải thích thông qua “sự phân định cẩn thận và cởi mở của các linh mục cũng như các giám mục đối với những người đang cần đến sự khoan dung và lòng thương xót”.
Đức Hồng Y cho biết tông huấn Amoris Laetitia đã không đề nghị một sự thay đổi về mặt giáo lý. “Những điều được đề xuất đó chính là một cách tiếp cận mới về mục vụ: cần phải kiên nhẫn và thể hiện sự tôn trọng hơn, đồng thời việc tiếp cận mục vụ phải mang tính chất đối thoại và thể hiện Lòng thương xót hơn”, Ngài nhấn mạnh. Đức Hồng Y cho biết thêm: “Tôi tin chắc rằng quá trình nhận định này sẽ đem lại nhiều hoa trái cho tất cả các gia đình Kitô giáo”.
Giuse Nguyễn Thể Hiện
(còn tiếp)