Ai là người nghèo?

Vào đầu năm học, trong các trường Trung học có một sự kiện thường gây xôn xao và trông đợi, từ thày đến trò, đó là danh sách phân công Giáo viên Chủ nhiệm các lớp. Thày thì thắc mắc không biết năm nay mình được, hay bị, giao lớp nào? Ngoan hay phá? Học giỏi hay bê bết? Trò thì lo âu không biết năm nay mình được, hay bị, thày cô nào chủ nhiệm? Hiền hay dữ? Khó khăn hay xuề xoà vui tính?

Năm ấy tôi được phân công chủ nhiệm một lớp 12, hơn 40 học sinh, cả nam lẫn nữ, thuộc nhóm học hơi yếu và xếp loại năm trước về mặt kỷ luật gần cuối trường. Buổi sinh hoạt chủ nhiệm đầu tiên, thày trò làm quen và hoàn tất vài thủ tục hành chánh, tôi cũng thấy đây là một tập thể khá vui vẻ, cởi mở. Buổi sinh hoạt chủ nhiệm thứ hai, tôi dành cho việc tổ chức lớp. Theo kết quả học tập và kỷ luật năm trước, cùng với việc tìm hiểu thêm từ giáo viên chủ nhiệm cũ của lớp, tôi đề cử Ban chấp hành lớp và chọn cả 4 Tổ trưởng. Tất cả êm xuôi. Việc cuối cùng của giờ sinh hoạt này là chia học sinh thành các tổ. Vì quan niệm, theo đặc thù của lớp, các em thích thú gắn bó với nhau trong các tổ, các tổ sẽ làm việc tốt hơn, nên từ bốn tổ trưởng tôi cho lập danh sách các tổ, bằng cách đề nghị các em tổ trưởng lên bảng, tự chọn, ghi tên thành viên vào tổ mình, sau đó họp nhau lại chọn cho tổ mình một cái tên.

Một lớp học tại Gia Lai. Ảnh Dân trí.

Một lớp học tại Gia Lai. Ảnh Dân trí.

Các em đã học chung với nhau 2 năm, năm nay là năm thứ ba, nên bắt đầu tiến trình lập tổ không khí trong lớp thật vui vẻ, các nhóm bạn í ới gọi nhau đề nghị vào một tổ, hoặc chọc phá nhau khi chọn vào hai tổ khác nhau. Danh sách các tổ trên bảng lần lượt được các tổ trưởng báo rằng đã hoàn tất. Nhưng kiểm tra lại tôi thấy có chuyện xảy ra: Còn H, một nam sinh, không được nhận vào tổ nào. Lý do các tổ trưởng nêu ra là năm ngoái H quậy phá quá, làm ảnh hưởng đến việc học, việc xếp loại của lớp và các bạn nhiều, nên năm nay các bạn không muốn nhận H vào tổ.

Tôi gọi tên, H đứng lên, đây là một nam sinh không có vẻ nhút nhát, thậm chí còn có vẻ khá lanh lợi, dù thái độ hơi bối rối khi thấy các bạn kể tội và không nhận mình vào tổ. Tôi chọn thể hiện thái độ …về phe H, bằng cách đề nghị và hết sức khuyến khích H hãy phản biện lại ý kiến của các bạn, minh oan cho mình. Sau ít phút bối rối im lặng, H ngập ngừng lên tiếng, nhưng không phản biện, minh oan mà đồng ý rằng các bạn nói không sai. Tôi vẫn chưa đồng ý vội, im lặng chờ lớp trả lời H. Vài học sinh giơ tay xin phát biểu, trong đó có những câu hỏi về dự định năm nay của H, có những đề nghị H năm nay thay đổi…Trả lời, H không hứa hẹn nhiều, không nói đồng ý cũng không từ chối hẳn…Cuộc trao đổi ngắn giữa các em diễn ra trong không khí chấp nhận được, một chút căng thẳng, rồi từ từ dịu lại.

Khi nhận thấy đã có sự thay đổi ít nhiều trong thái độ của cả lớp, tôi chốt: Cô hỏi lại lần nữa, tổ nào nhận bạn H vô tổ? Đúng như dự đoán, có một tổ bàn nhau và đồng ý nhận H vào.

Phần tiếp theo, các tổ họp nhau chọn tên cho tổ, những tên dí dỏm, vui tươi, hay nghiêm túc tuỳ các tổ. Kín đáo quan sát tôi thấy sự tham gia của H vẫn còn hơi ngượng ngập. Và tôi cũng hiểu rằng không đơn giản để một học sinh ít tôn trọng kỷ luật, không hứng thú gì việc học giữ được mình trong khuôn khổ, để không bị các giáo viên năm mới tiếp tục than phiền và trừ điểm lớp, làm ảnh hưởng đến các bạn, rồi lại bị các bạn tẩy chay, từ chối lần nữa.

Hai học sinh nội trú người H'Mông Tây Bắc. Ảnh Internet

Hai học sinh nội trú người H’Mông Tây Bắc. Ảnh Internet

Khối lớp 12 thời ấy luôn phải nhập học sớm hơn các khối khác cả tháng, để học khoá hè. Vì còn trong thời gian học hè, tôi toàn quyền linh động, tuỳ nghi thiết kế giờ chủ nhiệm, cộng thêm khả năng có thể “thu gọn” một ít tiết bộ môn. Tôi tổ chức tiếp cho lớp một hoạt động khác, với ý muốn quan sát và tạo sự gắn bó có mục đích hỗ trợ nhau trong năm học mới, cho lớp. Đó là hoạt động tìm hiểu các nhóm ngành nghề. Mỗi tổ chọn, tìm tư liệu về đặc điểm cần có của người làm việc trong một ngành/ nghề, chuyển thông tin ấy thành một kịch bản ngắn khoảng 10 phút, kịch bản sẽ diễn trong giờ sinh hoạt chủ nhiệm trước khi vào năm học chính thức. Có chấm điểm và có phần thưởng.

May cho tôi, đây là lớp có thành tích thích “nhốn nháo” hơn thích ngồi cần mẫn “gạo”, nhồi nhét kiến thức, nên các em ủng hộ các hoạt động một cách khá tích cực. Trong thời gian diễn ra hoạt động, tôi gặp một cơ hội, một sự may mắn hơn nữa, khi xuất hiện tình trạng các tổ thiếu “diễn viên” diễn có hồn, trừ tổ đã nhận H. H tỏ ra là một diễn viên nhập vai rất tốt và có khiếu hài hước. Nghe tin ấy, tôi cho phép các tổ nhờ các bạn tổ khác, nhưng chỉ vào vai diễn phụ, cho vở kịch sinh động hơn. Thế là xảy ra tình trạng H được các bạn tổ khác săn đón, chào mời, nhờ vả. Cuối cùng, buổi trình diễn diễn ra trong không khí vui nhộn, có vụng về, thiếu sót nhưng các em cũng tự cung cấp cho nhau được một ít kiến thức cơ bản.

Riêng với tôi, hài lòng nhất là một trong những mục tiêu của tôi đã đạt: Giúp H lấy lại được giá trị và sự tin yêu trong mắt bạn bè cùng lớp. Đó là một phần có ý nghĩa nền tảng, để H có thêm sức mạnh, cố gắng hoà nhập vào tiến trình học tập, vào khuôn khổ của lớp, của trường, giữ được sự tin yêu, tôn trọng của bạn bè suốt năm lớp 12.

Trong môi trường giáo dục, chiêm nghiệm qua lăng kính “Nghèo/Giàu” nhân bản, H chính là một học sinh “nghèo”. Em nghèo khả năng tôn trọng kỷ luật tập thể, em nghèo hứng thú trong việc học, để rồi, em trở thành nghèo cả tình cảm, nghèo sự tôn trọng của các bạn cùng lớp.

Người nghèo nào cũng là người nghèo và người nghèo thì cần Tin Mừng.

Can Đê

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube