Bài suy niệm Mùa Vọng - Phần 2

Advent-Candles

BÀI SUY NIỆM MÙA VỌNG

 Các chứng tá Kinh Thánh cho Mùa Vọng

 Bài Suy Niệm  2

 Ê-li-sa-bét và Da-ca-ri-a

Kiên nhẫn và cầu nguyện, hai cách thức để đối mặt với nỗi buồn: Chứng nhân của Ê-li-sa-bét và Da-ca-ri-a

Tôi đề nghị trong bài suy niệm thứ hai này về chứng nhân trong Kinh Thánh của Ê-li-sa-bét và Da-ca-ri-a, được thuật lại trong thời thơ ấu của Chúa Giêsu trong Tin mừng Luca (Lc 1, 5-25) để chuẩn bị cho chúng ta – trong tư cách cá nhân và cộng đoàn –  đón chờ Chúa đến, nhằm giúp chúng ta suy niệm về cuộc đời của chúng ta trong sự liên kết chặt chẽ hơn với Tin Mừng.

Ê-li-sa-bét và Da-ca-ri-a, cặp vợ chồng già cảm thấy bị loại trừ, bị sỉ nhục, thất vọng: bởi vì họ không có con. Ê-li-sa-bét được cho là “cằn cỗi” và Da-ca-ri-a thì đã già rồi. Ông bà được mô tả rằng: “Cả hai ông bà đều là người công chính trước mặt Thiên Chúa, sống đúng theo mọi điều răn và mệnh lệnh của Chúa” (Lc 1, 6). Tức là cặp vợ chồng này đã sống đúng theo ý muốn của Chúa như được thể hiện trong Lề Luật, trong Lời Chúa. Họ sống theo lý tưởng đạo đức của người Do Thái. Dẫu rằng họ đã sống cuộc đời thánh thiện như thế, họ vẫn không có con.

Điều đáng ngạc nhiên trong trình thuật của Lu-ca, vốn khó tìm thấy trong Kinh Thánh, là tính từ “công chính” được dành cho một người phụ nữ. Và đặc điểm này của bà Ê-li-sa-bét đã được thánh sử Luca nêu lên rõ ràng. Đây là một điều rất đặc biệt. Đặc tính “công chính” tóm tắt toàn bộ tinh thần của Cựu Ước. “Người công chính” là người sống theo Lề Luật từ nội tâm, người ấy sống theo thánh ý của Thiên Chúa trong hành trình cuộc đời của họ và họ luôn tạo một không gian cho Thiên Chúa hoạt động.”[1] Rõ ràng là sự vô sinh của Ê-li-sa-bét, một người phụ nữ đã trung thành với Thiên Chúa trong nhiều năm,  không phải là hình phạt cho tội lỗi của bà. Chúng ta phải nhớ rằng, theo quan niệm thời đó, khi ai đó không có con nghĩa là không được chúc lành bởi Thiên Chúa vì tội lỗi của họ.

G. ROSSÉ nói rằng: “Sự vô sinh, tuổi già là biểu hiện của một hoàn cảnh không có tương lai. Nhưng trên thực tế, đó là điều kiện để Thiên Chúa có thể biểu lộ quyền năng ân sủng của Ngài.”[2] Tuy nhiên, đây lại là một trình trạng bị mọi người xăm soi và đánh giá. Quả thật, Thiên Chúa có cái nhìn hoàn toàn khác biệt con người chúng ta. Trong mắt mọi người Ê-li-sa-bét và Da-ca-ri-a đã bị Thiên Chúa trừng phạt, ngược lại, trong mắt Ngài, Ê-li-sa-bét và Da-ca-ri-a đã được chọn. Hai vị lớn tuổi được trình bày như những thành viên của dân Chúa, những người mà cuộc đời họ đã được chọn lựa cho một sứ mạng và thông qua cuộc đòi của họ Thiên Chúa hứa sẽ chúc lành.[3]

Và mặc dù Ê-li-sa-bét và Da-ca-ri-a rất ngoan đạo, tốt lành đến nỗi họ đã tuân giữ các điều răn của Luật Torah, thế nhưng những điều tồi tệ và bất hạnh vẫn xảy ra với họ. Họ không có con cái. Họ có thể có nổi loạn chống lại Thiên Chúa, hay thậm chí họ có thể ngừng cầu nguyện với Chúa (xét cho cùng, đây là cách mà người ta thường hành xử!), trong khi đó ông bà vẫn tiếp tục trung thành với Chúa.

Và đây là điều đầu tiên mà hai chứng nhân Mùa Vọng này mang lại cho chúng ta. Ê-li-sa-bét và Da-ca-ri-a có thể trở thành thầy dạy của chúng ta về sự kiên nhẫn và cầu nguyện. Và chính nhờ sự kiên nhẫn và cầu nguyện mà tôi có được quyết định đưa ra bài suy niệm thứ hai này.

Từ Tin Mừng thánh Luca, chúng ta biết được một điều thú vị, đó là ông Da-ca-ri-a, mặc dù ông tuổi đã cao, khi ở đền thờ ông vẫn tiếp tục cầu nguyện, cầu xin những điều xem ra không thể. Thiên thần hiện ra với ông và nói rằng: “Này ông Da-ca-ri-a, đừng sợ, vì Thiên Chúa đã nhận lời ông cầu xin: bà Ê-li-sa-bét vợ ông sẽ sinh cho ông một đứa con trai, và ông phải đặt tên cho con là Gio-an (Lc 1,13). Theo truyền thống, người cha được quyền đặt tên cho người con. Gio-an (Yo-hanna) là một tên khá phổ biến trong dân Do Thái, tên này được hình thành bằng sự kết hợp giữa từ YHWH và gốc hanan, có nghĩa là ân sủng và tình yêu. Yohanan có nghĩa là “Thiên Chúa bày tỏ lòng xót thương”. Quả thật, cuối cùng Thiên Chúa đã nhớ đến ông bà.

Bên cạnh sự kiên nhẫn và trung thành của hai ông bà, họ vẫn phải đối diện với nỗi buồn. Theo ẩn sĩ Hy Lạp Evagrius Pontic (thế kỷ thứ 4), ‘nỗi buồn’ là một trong tám tinh thần của sự yếu đuối”. Đệ tử của ông, tu sĩ John Cassian (thế kỷ thứ 4-5.) gọi tám điều này là những “tội lỗi chết người”. Chúng là những tinh thần nào?

Tham ăn, dâm dục, hám lợi, phẫn nộ, buồn bã, lười biếng, vênh vang, kiêu ngạo là tám tật xấu bắt nguồn từ truyền thống tinh thần và đạo đức của người Hy Lạp. Da-ca-ri-a và Ê-li-sa-bét không bị cám dỗ sống một cuộc đời buồn bã sao? Thực ra cặp vợ chồng này đã vượt qua nỗi buồn và trở thành những chứng nhân và thầy dạy cho chúng ta rằng nỗi buồn có thể vượt qua bằng sự kiên nhẫn và cầu nguyện bền bỉ.

Trong tiếng Do Thái, tên Da-ca-ri-a có nghĩa là ‘Chúa nhớ [đã nhớ]’. Nó bao gồm hậu tố“YA” – là tên riêng của Thiên Chúa – và động từ “ZAKAR” có nghĩa là “ghi nhớ”. Vì vậy, đó là một cái tên mang trong nó ý tưởng về sự tưởng nhớ: ‘ZAKAR-YA’, tức là ‘Yahweh đã nhớ đến’. Yahweh luôn luôn nhớ đến. Ê-li-sa-bét cũng là một cái tên quan trọng. “EL” (viết tắt của ELOHIM) là từ thông dụng chỉ tên của Thiên Chúa và gốc động từ chỉ về “lời thề”. Vì thế, tên của bà có nghĩa là “Chúa đã thề. Chúa là Đấng trung thành như một tảng đá”. Cái tên Ê-li-sa-bét cũng chứa đựng trong đó hầu như một chương trình cho cuộc đời:
Tôi cũng sẽ trung thành, tôi sẽ kiên nhẫn, tôi sẽ kiên trì cầu nguyện’. Da-ca-ri-a và Ê-li-sa-bét đã chiến đấu với nỗi buồn vẫn luôn đeo bám họ, và họ đã chiến đấu với nhân đức trung thành, với sự phó thác trong kiên nhẫn nơi Thiên Chúa.

“Nhân đức trung thành gắn liền sâu sắc với quà tặng đức tin siêu nhiên, trở thành biểu hiện của sự vững chắc dành cho những ai đã đặt trọn cuộc đời nơi Thiên Chúa. Thật vậy, trong đức tin chúng ta tìm thấy sự bảo đảm duy nhất cho sự ổn định của chúng ta (x. Is 7, 9b), và chỉ từ đó chúng ta mới có thể trung thành thực sự: trên hết là trung thành với Thiên Chúa, và sau đó là gia đình, Hội thánh, là mẹ và là thầy, và trong Giáo hội chúng ta có sự trung thành với ơn gọi và trung thành với lịch sử mà qua đó Thiên Chúa hành động nơi chúng ta.”[4]

Nỗi buồn là một cảm xúc mà tất cả chúng ta đều quen thuộc. Nỗi buồn là một trong sáu cảm xúc cơ bản cùng với niềm vui, sự ngạc nhiên, sự sợ hãi, tức giận và sự ghê tởm. Nỗi buồn là một phản ứng cảm xúc tự nhiên khi chúng ta trải qua một sự kiện đau đớn và khó chịu. Chúng ta có thể đã trải qua điều đó khi mất đi người thân yêu, sau sự thất bại của một dự án quan trọng đối với chúng ta, sau những thay đổi khó khăn và không lường trước được. Nỗi buồn cũng có thể biểu hiện trong những tình huống mà ai đó có thể cảm thấy bị bỏ rơi, không được công nhận, không được thấu hiểu. Nỗi buồn có thể tấn công chúng ta khi đối mặt với những điều không chắc chắn và lo lắng, những khó khăn mà đời sống thánh hiến phải đối mặt dưới nhiều hình thức khác nhau: “Sự suy giảm ơn gọi và sự già hóa, đặc biệt là ở thế giới phương Tây, những vấn đề kinh tế sau cuộc khủng hoảng tài chính thế giới nghiêm trọng, những thách thức mang tính quốc tế và hiện tượng toàn cầu hóa, những cạm bẫy của chủ nghĩa tương đối, của việc bị gạt ra ngoài lề xã hội và sự không hữu dụng về mặt xã hội.”[5]

Thánh Phao-lô phân biệt giữa nhân đức “nỗi ưu phiền theo Thiên Chúa” và mặt khác “nỗi ưu phiền theo kiểu thế gian” là một trạng thái thái nguy hiểm, ngài viết trong 2 Cô-rin-tô 7, 9-10: “Nay tôi lại vui mừng, không phải vì đã làm cho anh em phải ưu phiền, nhưng vì nỗi ưu phiền đó đã làm cho anh em hối cải. Thật thế, anh em đã phải ưu phiền theo ý Thiên Chúa, nên chúng tôi không làm thiệt hại gì cho anh em. Quả vậy, nỗi ưu phiền theo ý Thiên Chúa làm cho chúng ta hối cải để được cứu độ: đó là điều không bao giờ phải hối tiếc; còn nỗi ưu phiền theo kiểu thế gian thì gây ra sự chết.” Thánh Phaolô khẳng định rằng nỗi buồn có thể là tốt hoặc xấu: nó dựa trên những kết quả mà nỗi buồn ấy tạo ra trong chúng ta.

Đối với các Giáo phụ và các tác giả đan viện, việc dùng từ buồn ‘theo Thiên Chúa’, nghĩa là “cái nhìn khiêm tốn (đầy hy vọng và vui mừng) vào những sự thật trong trái tim mình và những vết thương trong cuộc đời mình như những không gian mở ra cho những khả năng chữa lành từ Thiên Chúa”[6]. Một nỗi buồn như vậy ‘có khả năng thúc đẩy sự hoán cải của các Kitô hữu khỏi hành vi tội lỗi, và nhờ đó, hướng tới sự cứu rỗi cho họ’.[7]

Có một ‘nỗi buồn theo thế gian’ – chính xác là nỗi buồn mà con người ngày nay dường như phải chịu đựng – một nỗi buồn dẫn đến chán nản, thờ ơ, tuyệt vọng [hoặc thậm chí gây hấn], đầu hàng trước bất cứ triển vọng hoán cải nào. Nỗi buồn thế gian như vậy xuất phát từ một trái tim đã mất hy vọng. Evagrius đã nhận ra rằng nỗi buồn như thế thậm chí có thể trở thành ‘nhà tù của một dân tộc’, tức là nó có thể ảnh hưởng đến toàn bộ xã hội, và có thể biến thành viễn cảnh chung toàn cầu về một tương lai không còn hy vọng.”[8] ‘Nỗi buồn theo thế gian’ là một phản ứng quá đáng trước cái ác, khiến cho trở nên tuyệt vọng, mất hoàn toàn hy vọng vào sự quan phòng của Thiên Chúa.

Chúng ta hãy nhớ lại trong sách Gióp đã nói điều tương tự như nói về ông Da-ca-ri-a vậy: “Ông là người công chính, kính sợ Thiên Chúa và không dính bén đến tội lỗi.” (G 1,1-3). Đức tin của ông Gióp đã bị thử thách về mọi mặt. Gióp là người vô tội nhưng đã bị làm khổ bởi sự dữ; người công chính bị đau khổ bởi những điều bất công. Ông Gióp bị mất mọi điều tốt đẹp, nhưng trên hết là cái chết của bảy người con trai và ba cô con gái của ông trong vụ sập nhà. Ông cũng bị tấn công bởi chứng ung nhọt khủng khiếp, khiến ông đau khổ vô cùng. Ông bị nỗi buồn lấn át. Kinh Thánh thuật lại rằng: “Ông Gióp trỗi dậy, xé áo mình ra, cạo đầu, sấp mình xuống đất, sụp lạy”. Rồi ông cầu nguyện với Chúa trong đau khổ: “ĐỨC CHÚA đã ban cho, ĐỨC CHÚA lại lấy đi: xin chúc tụng danh ĐỨC CHÚA!”

Đứng bên cạnh ông Gióp, người đang cầu nguyện trong đau đớn, là người vợ của ông. Bà ấy đang đau khổ; bà cũng đã bị thất thần trước những thử thách cùng với chồng mình. Nhưng bà đã đưa ra lời khuyên tệ hại (G 2, 8-9) như một lực đẩy để đổ lỗi và từ bỏ Thiên Chúa. Ông Gióp hiểu rằng vợ ông đang nói với nỗi buồn quá lớn khiến bà trở nên tuyệt vọng và giận dữ, và ông trả lời bà rằng: “Nếu chúng ta chấp nhận điều tốt lành từ Chúa, tại sao chúng ta lại không chấp nhận điều dữ?” (G 2, 7-10). Gióp không hề trở nên tuyệt vọng. Ông vẫn tiếp tục nói và tranh luận với Thiên Chúa. Mặc dù ông không hiểu hành động của Thiên Chúa, nhưng ông vẫn luôn ở trong mối quan hệ với Ngài. Đây là một nỗi buồn tích cực, nó không trở thành tuyệt vọng. Tâm trạng của người vợ ông thì khác. Nỗi buồn của bà dẫn bà đến tuyệt vọng, đến chỗ phạm thượng: bà đã quay lưng lại với Thiên Chúa. Câu chuyện về vợ chồng ông Gióp cho thấy nỗi buồn – gây ra bởi sự bất hạnh xảy ra cho họ – sẽ được đón nhận theo những chiều hướng khác nhau.

Vì vậy, chúng ta hãy tự hỏi mình một câu hỏi quan trọng: Chúng ta phản ứng thế nào trước nỗi buồn? Chúng ta giải quyết nó thế nào? Làm thế nào để chúng ta vượt qua nó?

Trong Vườn Cây Dầu, Chúa Giêsu nói với các môn đệ: “Tâm hồn Thầy buồn đến chết được. Hãy ở đây và canh thức với thầy” (Mc 14, 34). Chúng ta có thể thấy rằng nỗi buồn phiền của Chúa Giêsu đã khiến Người phải cầu nguyện. Đối với Chúa Giêsu, cách chữa trị tốt nhất cho nỗi buồn là cầu nguyện, là đến gần Chúa Cha, là nhớ rằng tôi là con của Thiên Chúa, rằng tôi không cô đơn, ngay cả khi tôi đang phải đối mặt với những điều không chắc chắn, lo lắng và những khó khăn.

Do đó, phản ứng thích hợp đối với nỗi buồn là cầu nguyện. Da-ca-ri-a không ngừng cầu nguyện trong những thời khắc buồn sầu. Ông Gióp không ngừng cầu nguyện khi bị nỗi buồn lấn át. Chúa Giêsu khi đối diện với nỗi buồn trong trần thế này, Ngài vẫn luôn cầu nguyện. Chỉ có lời cầu nguyện mới là cách đáp trả thích hợp nhất trước nỗi buồn. Thánh Phanxicô de Sales viết trong phần Giới thiệu của cuốn sách Đời Sống Mộ Đạo (The Devout Life), còn gọi là Philotea (Tâm hồn yêu mến Chúa),  xuất bản năm 1609 rằng: ‘Nếu ai buồn, hãy để họ cầu nguyện: cầu nguyện là phương thuốc hữu hiệu nhất vì nó nâng tâm hồn lên cùng Thiên Chúa, Đấng là niềm vui và an ủi duy nhất của chúng ta.”

Do đó, phản ứng thích hợp đối với nỗi buồn là kiên trì cầu nguyện và – cầu nguyện – với tính kiên nhẫn. Thánh Anphongsô trong cuốn sách Thực hành yêu mến Chúa Giêsu Kitô đã khuyên: “(..) hãy có lòng kiên nhẫn trước mọi đau đớn, mọi khinh miệt, mọi mâu thuẫn, hơn mọi lý luận, hãy noi gương các Thánh, lời cầu nguyện sẽ giúp chúng ta có được sức mạnh mà chúng ta không thể có, để vượt qua những đau khổ và bách hại”[9]. Và thánh Anphongsô trong tác phẩm Tổng hợp các nhân đức mà một tâm hồn phải rèn luyện bản thân nếu muốn có một cuộc sống hoàn hảo và trở nên thánh thiện khuyên rằng: “Hãy chống lại nỗi buồn, giữ gìn mọi sự việc luôn thống nhất trong một vẻ mặt bình yên và thanh thản. Bất cứ ai muốn điều Chúa muốn thì không bao giờ phải đau khổ”.

Do đó, nhân đức là chiến đấu và chuyển hóa nỗi buồn thành sự kiên nhẫn. Từ “kiên nhẫn” xuất phát từ tiếng Latin ‘patire’, có nghĩa là ‘đau khổ, chịu đựng’. Kiên nhẫn là một trong những nhân đức cao cả của truyền thống Kitô giáo. Trong Tân Ước, hai từ trong tiếng Hy Lạp có nghĩa “kiên nhẫn” là – hypomoné [khả năng chống đỡ], cũng có nghĩa là “có khả năng buông bỏ những điều khác [để tập trung điều cần thiết hơn], kiên trì, chịu gánh nặng’. Và từ khác là makrothymía, được sử dụng trong câu 22 lần của chương thứ 5 của thư gửi tín hữu Ga-lát, có thể có nghĩa gốc trong tiếng Do Thái là ‘cơn giận lâu dài’, tức là khả năng kìm nén cơn giận lâu dài [nhịn nhục – nhẫn nhịn].[10] Người kiên nhẫn có thể chịu đựng nhiều nỗi đau và khó khăn mà không phàn nàn, chậm giận, và chờ đợi Chúa an ủi và tẩy sạch tội lỗi của mình.

Chúng ta không thể tự mình tạo ra nhân đức này một cách hoàn toàn độc lập bởi vì kiên nhẫn trước hết và trên hết là ân sủng của Chúa Thánh Thần được nhận lãnh qua việc cầu nguyện. Sự kiên nhẫn là một điều mà trong đó chứa đựng hoa trái của Chúa Thánh Thần: “Hoa quả của Thần Khí là: bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục (makrothymía), nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa, tiết độ” (Gl 5, 22). Một Kitô hữu có Chúa Thánh Thần được thể hiện rõ ràng qua ba đặc tính: (1.) Họ duy trì sự bình an trong những khó khăn; (2.) Họ biết cách tha thứ và họ tha thứ thật sự; (3.) họ kiên nhẫn với những người vẫn đang trên hành trình. Chúng ta đừng quên rằng bà Ê-li-sa-bét đã được “đầy Thánh Thần” ngay khi nghe lời chào của Đức Maria. Và ông Da-ca-ri-a, sau khi Gioan Tẩy Giả được sinh ra, cũng được soi sáng bởi Chúa Thánh Thần, đã cất lên bài thánh ca vui mừng và chúc tụng: “Chúc tụng Đức Chúa là Thiên Chúa Ít-ra-en, đã viếng thăm cứu chuộc dân Người.”

Tôi muốn nhắc lại ở đây lời kêu gọi liên quan đến nỗi buồn mà Đức Thánh Cha Phanxicô đã ngỏ lời với những người thánh hiến: “Một ngày nọ, chúng ta đã đáp lại lời kêu gọi của Chúa, với lòng nhiệt thành và quảng đại, chúng ta đã dâng mình cho Ngài. Trên hành trình đó, bên cạnh sự an ủi, chúng ta cũng đã trải qua những thất vọng và chán nản. Đôi khi, sự nhiệt tình trong công việc không tương xứng với những kết quả chúng ta đã mong đợi. Việc gieo trồng của chúng ta dường như không sinh hoa trái thích đáng, lòng nhiệt thành cầu nguyện yếu dần đi và chúng ta cũng phải đối diện với sự khô khan về thiêng liêng. Một điều có thể xảy ra đối với những người sống trong đời sống thánh hiến là hy vọng sẽ bị hao mòn dần đi bởi những mong đợi không được đáp ứng. Chúng ta phải kiên nhẫn với chính bản thân và tin tưởng chờ đợi thời gian và đường lối của Thiên Chúa: Ngài luôn trung thành với những lời hứa của Ngài. Đây là nền tảng chúng ta cần nhớ: Ngài thành tín với những lời hứa của Ngài. Ghi nhớ điều này cho phép chúng ta nhìn lại chính mình, làm mới lại các ước vọng của chúng ta mà không cho phép nỗi buồn và sự ngờ vực xảy ra bên trong. (…) Nỗi buồn nơi những người thánh hiến như một con sâu gặm nhấm chúng ta từ bên trong. Hãy thoát khỏi nỗi buồn bên trong tâm hồn ta!”[11]

Nhân đức kiên nhẫn ngày nay không được thực hành nhiều. Kiên nhẫn là một nhân đức bị đánh giá thấp trong thế kỷ của chúng ta, vì xã hội được cổ xuý cho sự sự kích động và tốc độ nhanh chóng. Tuy nhiên, cuộc sống không phải là một ‘nhà hàng thức ăn nhanh’, nhưng là một hành trình trong kiên nhẫn. Kiên nhẫn là sự dũng cảm của tinh thần giúp chúng ta có thể “chống đỡ với khó khăn” trong các vấn đề của cá nhân và cộng đoàn; nó khiến chúng ta hoan nghênh sự đa dạng của người khác; nó làm cho chúng ta kiên trì làm điều tốt ngay cả khi tất cả dường như vô vọng; nó giúp chúng ta tiếp tục tiến bước ngay cả khi những sự tẻ nhạt và lười biếng tấn công chúng ta (trong tiếng Hy Lạp chữ akedía: chán ghét làm việc, xen lẫn sự buồn chán, thờ ơ và lười biếng,… tức là cẩu thả trong việc thực hành nhân đức).

Năm 1971, trong Tông huấn về chứng tá Tin Mừng của đời sống thánh hiến Evangelica Testificatio của Thánh Giáo hoàng Phaolô VI đã viết: “Thế giới ngày nay hơn bao giờ hết cần thấy những chứng tá nơi những người nam người nữ – những người đã tin vào Lời Chúa, tin vào sự sống lại và sự sống đời đời cho đến độ cam kết cả cuộc đời của họ để làm chứng cho thực tại của tình yêu này, vốn được trao ban cho tất cả mọi người.” Trong suốt lịch sử của mình, Giáo hội không ngừng được sinh động bởi rất nhiều tu sĩ thánh thiện, trong sự đa dạng về ơn gọi của họ, đã là những chứng nhân sống động cho một tình yêu vô biên và trở thành những chứng tá cho Chúa Giêsu.” (53).

Những gợi ý và những câu hỏi suy gẫm thêm:

1) Một viễn cảnh từ Na-za-rét (Lc 2, 48): “Con ơi, sao con lại xử với cha mẹ như vậy? Con thấy không, cha con và mẹ đây đã phải cực lòng tìm con!” Và Ngài trả lời rằng: “Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?” Làm sao chúng ta có thể đón nhận nỗi đau khổ và nỗi buồn “vô hại” như một sự tham gia hiện sinh trong mầu nhiệm cứu độ?

2) Viễn cảnh Phục Sinh (Mt 26, 38): “Tâm hồn Thầy buồn đến chết được. Anh em ở lại đây mà canh thức với Thầy.” Làm thế nào người ta có thể tham gia vào “nỗi buồn cứu độ” của Chúa Kitô (để băng qua tất cả những nỗi buồn nhân sinh, để người ta có thể tìm thấy chính mình trong Thiên Chúa thậm chí khi người ta quá khiếp sợ)?

 

Cha  Krzysztof Bielinski, C.SS.R

Học viện Thánh Anphongsô tại Rôma

 

  • Bản gốc bằng tiếng Ý – Được chuyển qua tiếng Anh bởi cha Joseph Ivel Mendanha, C.Ss.R.
  • Chuyển ngữ: Lm. Antôn Nguyễn Văn Nam, C.Ss.R.

 


 

“ONE BODY” –  MỘT THÂN MÌNH – Là những bản văn cầu nguyện được biên soạn bởi Trung Tâm Linh Đạo Dòng Chúa Cứu Thế. Mọi thông tin xin liên hệ: Piotr Chyla CSsR (Giám đốc Trung Tâm Linh Đạo – [email protected]).

 


 

[1] J. RATZINGER, BENEDICTO XVI, L’infanzia di Gesù, Libreria Editrice Vaticana, Città del Vaticano 2012, 28. (The Infancy of Jesus).

[2] G. ROSSÉ, Il Vangelo di Luca. Commento esegetico e teologico, Città Nuova Editrice, Roma 1992, 38. (The Gospel of Luke. Exegetical and Biblical Comment)

[3] Cf. M. WOLTER, Das Lukasevangelium, Mohr Siebeck, Tubingen 2008, 74. (The Gospel of Luke).

[4] BENEDETTO XVI, “La fedeltà di Dio è la chiave e la sorgente della nostra fedeltà”, Discorso alla Pontificia Accademia

Ecclesiastica, Lunedì 11.06.2012, (The Faithfulness of God is the key and the fount of our faithfulness) in: https://press.vatican.va/content/salastampa/it/bollettino/pubblico/2012/06/11/0344/00807.pdf [accesso: 10.11.2023]

[5] FRANCESCO, Lettera apostolica a tutti i consacrati in occasione dell’Anno della Vita Consacrata, 21 novembre 2014, n. 3 in: https://www.vatican.va/content/francesco/it/apost_letters/documents/papa-francesco_lettera- ap_20141121_lettera-consacrati.html [accesso: 10.11.2023]. (Francis, Apostolic Letter to all consecrated persons on the occasion of the Year of Consecrated life).

[6] A. PIOVANO, Tristezza, Edizioni San Paolo, Cinisello Balsamo (Milano) 2012, 135. (Sadness)

[7] F. MANZI, Seconda Lettera ai Corinzi, Paoline Editoriale Libri, Milano 2002, 232. (Second Letter to the Corinthians)

[8] Utilizzo il pensiero di A. PIOVANO, Tristezza, 12-15. (Using the thoughts of A. Piovano, Sadness)

[9]  ALFONSO M. DE LIGUORI, Pratica di amar Gesù Cristo, Città Nuova Editrice, Roma 1996, 157. (Practice of the love of Jesus Christ).

[10] 10 Cf. “Good and merciful is the Lord, slow to anger and great in love” (Ps 102:8). The Hebrew expression “‘erek ‘appayim” – “slow to anger” (“longanime” – makrothymos in the LXX translation) means “length of nostrils (where anger flares up – cf. Ex 34:6; Nu 14:18). The Greek term makrothymìa (longsuffering) literally means “length of spirit” (cf. Rom 2:4), both the Hebrew and the Greek expression denote patience, forbearance, slowness to wrath. Of the term ‘longanime’, from longus (long) and animus (soul), the Dizionario Enciclopedico Italiano (Treccani, vol. VII, p.112) gives the following definition: ‘Who endures for a long time, with constancy, patience and goodness of mind … generous person, ready for forgiveness and indulgence’.

[11] RANCESCO, Omelia, Festa della Presentazione del Signore. XXV Giornata Mondiale della Vita consacrata, Basilica di San Pietro, 2 Febbraio 2021, (Homily for the Feast of the Presentation of the Lord. XXV World Day of Consecrated life) in: https://www.vatican.va/content/francesco/it/messages/consecrated_life/documents/papa-

francesco_20210202_omelia- vitaconsacrata.pdf

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube