Vị Linh mục Thừa sai chuyên về Trung Quốc: ‘Thỏa thuận Trung Quốc-Vatican cho thấy những tác động tích cực’

Đức Thánh Cha Phanxicô dường như đang tìm cách trấn an Trung Quốc trong chuyến thăm nước láng giềng Mông Cổ (Ảnh: Alberto PIZZOLI/AFP)

Đức Thánh Cha Phanxicô dường như đang tìm cách trấn an Trung Quốc trong chuyến thăm quốc gia láng giềng Mông Cổ (Ảnh: Alberto PIZZOLI/AFP)

Khả năng hai Giám mục Trung Quốc sẽ tham dự Thượng Hội đồng về Hiệp hành sắp tới là ‘kết quả rõ ràng’ của thỏa thuận năm 2018.

Thỏa thuận Vatican-Trung Quốc được ký cách đây 5 năm đã mang lại kết quả tích cực mặc dù cuộc đối thoại giữa Bắc Kinh và Rôma không tiến triển như mong muốn, một linh mục truyền giáo người Bỉ chuyên về Trung Quốc cho biết.

Hai Giám mục Trung Quốc sẽ tham dự Thượng Hội đồng về Hiệp hành sắp tới bắt đầu tại Vatican vào tháng 10 hiển nhiên là kết quả rõ ràng của thỏa thuận, Cha Jeroom Heyndrickx thuộc Dòng Thừa Sai Scheut chia sẻ.

Cha Heyndrickx đã dành nhiều thập kỷ ở Đài Loan và Trung Quốc với tư cách là một nhà truyền giáo và Giáo sư Chủng viện bắt đầu từ năm 1957 và là thành viên của Ủy ban Vatican về Trung Quốc từ năm 2007 đến năm 2013, trước khi trở về Bỉ.

Nhà thờ Công giáo Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, Trung Quốc (Ảnh: Wikipedia)

Nhà thờ Công giáo Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, Trung Quốc (Ảnh: Wikipedia)

Cha Heyndrickx đã đưa ra nhận xét về thỏa thuận Trung Quốc-Vatican trong một cuộc phỏng vấn với hãng thông tấn Fides của Vatican, nhân kỷ niệm 5 năm thỏa thuận Trung Quốc-Vatican 2018, vào ngày 22 tháng 9.

“Sự hiện diện của hai Giám mục Trung Quốc đại lục trong Thượng Hội đồng sắp tới rõ ràng là kết quả rõ ràng của thỏa thuận với Trung Quốc của Đức Thánh Cha Phanxicô nhằm khởi xướng cuộc đối thoại và trao đổi đang diễn ra”, Cha Heyndrickx phát biểuvới người phỏng vấn Gianni Valente.

Gần đây, 4 Giám mục Trung Quốc đã đến thăm Đại học Công giáo Leuvain ở Bỉ và sau đó đến thăm Pháp và Hà Lan vào đầu tháng 9 với sự cho phép của chính quyền Trung Quốc, vị linh mục cho biết.

Cha Heyndrickx cũng cho biết thêm rằng đây là “một thành quả cụ thể khác” của thỏa thuận năm 2018.

Mục đích chính của thỏa thuận bí mật, vị linh mục truyền giáo cho biết, là “sự hiệp nhất” của Giáo hội.

“Nhờ Thỏa thuận này, tất cả các Giám mục Công giáo mới đều được tấn phong trong sự hiệp thông hoàn toàn với Đức Giáo hoàng và hiện nay đều hợp pháp và được cả Tòa Thánh cũng như Trung Quốc công nhận. Điều đó loại bỏ một trở ngại chính cho sự hiệp nhất hơn trong Giáo hội. Bằng cách này, một động thái lịch sử hướng tới sự hiệp nhất hơn trong Giáo hội đang diễn ra ngay trước mắt chúng ta”, Cha Heyndrickx giải thích.

Cha Heyndrickx cho biết ngài nhận thức được những hạn chế và hậu quả là sự chỉ trích đối với thỏa thuận này, bao gồm việc có ít cuộc bổ nhiệm Giám mục hơn kể từ khi nó được ký kết và tình trạng giữ bí mật đang diễn ra.

“Đúng là cuộc đối thoại với Trung Quốc đã không tiến triển suôn sẻ ngay cả sau khi có sự đồng ý của Đức Giáo hoàng. Tại sao chúng ta phải giấu điều này? Chúng ta cũng cảm thấy thất vọng vì không có thêm Giám mục nào được bổ nhiệm để lấp chỗ trống cho các Giám mục ở hơn 25 Giáo phận ở Trung Quốc”, Cha Heyndrickx nói.

Vị linh mục cho biết không thể phủ nhận quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo bị hạn chế ở Trung Quốc nhưng chỉ trích các đảng chính trị phương Tây đã chỉ ra những khía cạnh này của thỏa thuận.

“Họ chỉ trích những nỗ lực của Đức Giáo hoàng trong việc đối thoại và thúc đẩy các mục tiêu tinh thần của Giáo hội. Tại sao? Có lẽ để thúc đẩy mục tiêu chính trị của riêng họ. Nhưng những thực tế như chuyến thăm gần đây của các giám mục Công giáo Trung Quốc tới châu Âu chứng tỏ rằng những lời chỉ trích của họ là vô căn cứ”, Cha Heyndrickx nói.

Nhà truyền giáo cho biết chuyến viếng thăm của các Giám mục Trung Quốc tại Bỉ đã mang đến một cơ hội tuyệt vời cho việc trao đổi và hợp tác.

Các cuộc gặp gỡ diễn ra trong bầu khí huynh đệ Kitô giáo đang tìm cách làm thế nào các Giáo hội ở Trung Quốc và phương Tây có thể trao đổi và củng cố lẫn nhau trong đức tin, Cha Heyndrickx nói.

“Các Giáo hội ở phương Tây trong những ngày này hoan nghênh sự củng cố này trong đức tin. Họ được truyền cảm hứng và được củng cố bởi đức tin của các Kitô hữu ở Trung Quốc, trong khi Giáo hội ở Trung Quốc cảm thấy được củng cố bởi sự chào đón huynh đệ mà họ nhận được ở phương Tây”, Cha Heyndrickx cho biết thêm.

Cha Heyndrickx cũng chỉ ra rằng cuộc gặp gỡ này trái ngược với 60 năm căng thẳng và nghi ngờ, sự chia rẽ ngay cả trong Giáo hội giữa Giáo hội “không chính thức” và “chính thức” hoặc hợp pháp, hoặc bất hợp pháp ở Trung Quốc.

“Bước tiến lớn” này sẽ không thể thực hiện được nếu không có sự đồng thuận của Đức Thánh Cha.

“Việc đạt được sự hiệp nhất hơn trong Giáo hội bằng cách vượt qua những hiểu lầm trong Giáo hội là một thành tựu truyền giáo của Đức Thánh Cha. Ngày nay, chúng ta cần phải mở rộng tầm mắt để đón nhận những tiến triển đáng chú ý hơn”, Cha Heyndrickx nói.

Chuyến viếng thăm Mông Cổ gần đây của Đức Thánh Cha Phanxicô thật đáng ngạc nhiên vì nó gửi đi một chứng từ mạnh mẽ cho Giáo hội và toàn thế giới, Cha Heyndrickx nói.

Chuyến viếng thăm khiến Cha Heyndrickx nhớ lại thời điểm tháng 10 năm 1991, khi Vatican và Hội Dòng của ngài cử ngài đến Mông Cổ trước khi sứ mệnh của Giáo hội Công giáo ở nước này được nối lại.

Kể từ đó, Giáo hội nhỏ bé đã cung cấp những dịch vụ tuyệt vời về giáo dục và chăm sóc sức khỏe cho người nghèo, trẻ mồ côi và những người khuyết tật.

Bất chấp một số tin tức tiêu cực đến với chúng ta từ Trung Quốc, những mối liên hệ cởi mở giữa Giáo hội Trung Quốc và Giáo hội hoàn vũ đã gia tăng đáng kể trong những năm gần đây, Cha Heyndrickx cho biết.

“Rõ ràng là điều này xảy ra nhờ vào cuộc đối thoại tích cực đang diễn ra với Trung Quốc của Đức Thánh Cha Phanxicô. Tất cả chúng ta đều được mời gọi nhận thức rõ hơn về điều này và ủng hộ những nỗ lực không mệt mỏi của vị Giáo hoàng đối thoại này nhằm phục vụ Giáo hội”, Cha Heyndrickx nói.

Minh Tuệ (theo UCA News)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết