Vị Linh mục người Pháp phục vụ tại Iraq: Đồng nghị tính phải bắt đầu bằng việc 'lắng nghe Thiên Chúa'

Linh mục Đaminh Olivier Poquillon được nhìn thấy trong chuyến thăm địa điểm Nhà thờ Our Lady of the Hour Church ở Mosul, Iraq, cùng với một nhóm của UNESCO. Những người theo đạo Thiên chúa và Hồi giáo hy vọng dự án tái thiết các địa điểm thờ tự mang tính biểu tượng của Mosul, nơi bị tàn phá nặng nề bởi các tay súng Nhà nước Hồi giáo trong quá trình chiếm đóng thành phố năm 2014-2017, cũng sẽ giúp xây dựng lại lòng tin giữa các cộng đồng tôn giáo bị rạn nứt của Iraq. (Nguồn: CNS photo / lịch sự của Ordo Praedicatorum.)

Linh mục Olivier Poquillon Dòng Đaminh trong bức hình được chụp nhân chuyến viếng thăm địa điểm Nhà thờ Our Lady of the Hour Church ở Mosul, Iraq, cùng với một nhóm của UNESCO. Các Kitô hữu và các tín đồ Hồi giáo hy vọng dự án tái thiết các địa điểm thờ tự mang tính biểu tượng của Mosul, nơi bị tàn phá nặng nề bởi các tay súng Nhà nước Hồi giáo trong quá trình chiếm đóng thành phố từ năm 2014-2017, cũng sẽ giúp tái xây dựng lòng tin giữa các cộng đồng tôn giáo bị rạn nứt của Iraq (Ảnh: CNS/ Dòng Anh Em Giảng Thuyết)

ROMA – Có thể chắc chắn rằng sau Thánh lễ khai mạc vào cuối tuần trước của tiến trình Thượng hội đồng kéo dài hai năm ở Roma, hầu hết các tham dự viên tham gia sự kiện khai mạc đều được thuyết phục theo ý tưởng này.

Tiến trình kéo dài hai năm sẽ bao gồm các cuộc tham vấn ở cấp Giáo xứ, Giáo phận, quốc gia và lục địa trước hội nghị thượng đỉnh của các Giám mục ở Roma vào năm 2023.

Tuy nhiên, không phải tất cả những người trong Thánh lễ khai mạc tại Vatican thoạt đầu đều nghĩ rằng Thượng Hội đồng Giám mục về Đồng nghị tính nhất thiết là ý tưởng tốt nhất, với việc một số nhà phê bình gọi nó là sự tự tham chiếu và những người khác chỉ nghĩ rằng đó là một sự lãng phí thời gian và tiền bạc.

Một trong những người hoài nghi về tiến trình này đó là Linh mục Olivier Poquillon, Dòng Đa Minh gốc Pháp, người làm việc tại Mosul, Iraq. Cha Poquillon đã tham dự buổi khai mạc vào cuối tuần trước theo lời mời của Nữ tu Nathalie Becquart người Pháp, Phó Tổng thư ký Thượng Hội đồng Giám mục của Vatican.

Trò chuyện với Crux, Cha Poquillon chia sẻ rằng ngài không hiện diện ở Roma với tư cách là một người Pháp, cũng không phải là một Tu sĩ Dòng Đa Minh hay một Linh mục làm việc ở Iraq, nhưng bởi vì “Tôi không hiểu khái niệm về đồng nghị tính” và ngài cũng sợ rằng nó sẽ “nói về việc trò chuyện, cho đến khi tôi đọc phụ đề: Hiệp thông, Tham gia, và Truyền giáo”.

“Khi tôi nghe về chủ đề và việc bổ nhiệm Nữ tu Nathalie, tôi đã chúc mừng Sơ, bởi vì chúng tôi là bạn bè và bắt đầu chỉ trích chủ đề này”, Cha Poquillon chia sẻ. “Nữ tu Nathalie đã đề nghị tôi đưa ra một số lời giải thích, và sau đó tôi nhận ra, Sơ đang mời tôi tham gia vào tiến trình Thượng hội đồng”.

Cha Poquillon hiện là thành viên của ủy ban về phương pháp luận của Thượng Hội đồng, tồn tại cùng với các ủy ban về truyền thông, thần học và linh đạo.

“Sáng nay, tôi thực sự vui mừng khi nhìn thấy mọi người từ khắp nơi trên thế giới sẵn sàng suy tư, như Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói, gặp gỡ và lắng nghe người khác, nhưng trước hết là lắng nghe Thiên Chúa”, vị Linh mục người Pháp nói. “Đây không chỉ là một cuộc tụ họp nào khác, cũng không phải là cuộc tụ họp để theo dõi một trận bóng bầu dục. Đây là cuộc quy tụ quy hướng về Thiên Chúa và kế hoạch của Ngài để cứu nhân loại. Đó là một cuộc gặp gỡ bắt nguồn từ thực tế nhưng cùng nhau hướng nhìn về Thiên Chúa, và Thiên Chúa đang nhìn chúng ta!”.

“Hiệp thông nghĩa là Fratelli Tutti: Nhân loại là một, và bạn không thể tìm ra giải pháp cho một phần nhân loại mà không tính đến phần còn lại của nó”, Cha Poquillon nói.

“Tham gia, đó là một lựa chọn cá nhân. Tôi có thể đứng bên lề, nhìn những người đang gặp khó khăn và không can thiệp. Nhưng tôi vẫn là một phần của kế hoạc đó, và đó là trách nhiệm của tôi – và sự lựa chọn – với tư cách là một người đã được rửa tội để cùng tham gia. Giống như trong Phúc Âm, bạn có thể nhìn Chúa Giêsu đi ngang qua bạn hoặc la hét cùng với những người đang đóng đinh những người đau khổ. Hoặc bạn có thể đứng lên khi Chúa Giêsu mời gọi bạn và bước theo Người”.

“Truyền giáo… Tôi tin rằng việc Chúa Giêsu đã hiến mạng sống của Người để cứu độ tôi là có lý do”, Cha Poquillon nói. “Nhưng không phải ai cũng nhận thức rằng họ cũng có thể được cứu độ, và hành động của chúng ta không phải lúc nào cũng cứu được mọi người. Chúng ta phải hành động phù hợp, cùng nhau thực hiện những bước đi đúng đắn, cùng nhau lắng nghe lề luật – bởi vì tôi không hoàn hảo, sự hiểu biết của tôi về thánh ý của Thiên Chúa cũng không hoàn hảo, vì vậy tôi cần những người khác đồng hành và giúp tôi tiếp cận với Lòng thương xót của Thiên Chúa”.

Vị Linh mục Dòng Đaminh đã được trao trách nhiệm về cách thức tiến hành Thượng hội đồng trong cộng đoàn địa phương của mình, vì ngài là Tuyên úy cho những người nước ngoài sống ở thành phố Mosul bị chiến tranh tàn phá, vốn hiện đang được tái thiết sau khi nó được giải phóng khỏi lực lượng Hồi giáo.

Cha Poquillon làm việc với những người đến từ khu vực Châu Á Thái Bình Dương, Ấn Độ và phương Tây, một số người trong số họ hiện đang phải đối mặt với những tình huống rất khó khăn.

“Tôi thực sự cảm động trước thái độ của một số người trong số những người này, vì những người yếu thế nhất và nghèo nhất trong cộng đoàn của tôi là những người gắn bó nhất, vì đó là nơi tất cả mọi người đều được chào đón”, Cha Poquillon nói. “Họ đang cầu nguyện cho Thượng hội đồng vào Chúa nhật tới!”.

Cha Poquillon dự kiến tổ chức các phiên lắng nghe, trong đó tất cả mọi người đều có thể đến với nhau và xem xét cách thức giúp những người khác có được cuộc sống tốt đẹp hơn. Đó không phải là về việc khởi động các tiến trình, mà là về cuộc sống, “sống và chia sẻ niềm hạnh phúc của sự tái sinh trong một hoàn cảnh đầy khó khăn”.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã gặp gỡ vị Linh mục người Pháp khi ngài đến thăm Mosul vào tháng Ba vừa qua, trong chuyến Tông du đầu tiên tới Iraq. Cha Poquillon cho biết ngài tin rằng chuyến viếng thăm có “tác động hết sức tích cực đến Iraq”.

“Một trong những ký giả đồng nghiệp của bạn, đến từ một phương tiện truyền thông rất nổi tiếng của Hoa Kỳ, đã gọi cho tôi và nói với tôi rằng chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha là chuyến Tông du đầu tiên sau 20 năm sau cuộc Chiến tranh Iraq, Iran và vùng Vịnh, đây là lần đầu tiên chị đưa tin về Iraq với một bài viết đầy tích cực, và điều này đã khiến chị rưng rưng nước mắt”, vị Linh mục người Pháp nói. “Đó là một điều gì đó đết sức tích cực và người dân Iraq đang mang lại điều gì đó tốt đẹp cho thế giới, thay vì trở thành những người đau khổ. Đại đa số người dân Iraq đều theo Hồi giáo, nhưng tất cả họ đều tham gia vào việc chào đón Đức Thánh Cha”.

Khi đang trên đường rời khỏi Mosul, Đức Thánh Cha Phanxicô đã dừng xe và chào đón một nhóm trẻ em đang chơi đùa trên một con phố gần đó. Cha Poquillon sau đó hỏi ông bà của bọn trẻ rằng họ có biết Đức Thánh Cha là ai không, họ trả lời: “Không, nhưng chúng tôi biết ông ấy là người của Thiên Chúa và ông đã đến thăm chúng tôi. Đó là chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha tới Iraq: Ngài đã mở ra cánh cửa cho những người yếu thế nhất, cho những người đau khổ và đưa họ quay trở lại cộng đồng toàn cầu”.

Minh Tuệ (theo Crux)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết