Vị Giám chức Peru: “Thách thức lớn nhất của Giáo hội là hiện diện và đồng hành”

Đức Cha Marco Antonio Cortez, Giám mục Giáo phận Tacna y Moquegua, Peru (ẢNh: ACN)

Đức Cha Marco Antonio Cortez, Giám mục Giáo phận Tacna y Moquegua, Peru (Ảnh: ACN)

Trong cuộc trò chuyện với Tổ chức thuộc Giáo hoàng mang tên Viện trợ các Giáo hội Đau khổ (ACN), Đức Giám mục Marco Antonio Cortez của Giáo phận Tacna y Moquegua, Peru, đã nói về các dự án liên quan đến các cộng đồng tôn giáo và sự cần thiết phải tiếp cận mọi người ở một quốc gia nơi mà việc thiếu ơn gọi và nhà truyền giáo là mối bận tâm thường xuyên, đặc biệt là ở những vùng xa xôi hơn.

Peru vẫn là một đất nước truyền giáo. Giáo phận Tacna y Moquegua bao phủ một khu vực rộng lớn, bao gồm phần lớn Altiplano, cao nguyên giữa dãy Andes và Hồ Titicaca, nơi có nhiều người sinh sống. Theo Đức Cha Marco Antonio Cortez, Giám mục địa phương, “thách thức chính là việc hỗ trợ các cộng đoàn tu trì nam nữ để họ có thể thực hiện công việc truyền giáo và chăm sóc các tín hữu tốt hơn”. Vị Giám chức cho biết những khó khăn khác liên quan đến tình hình kinh tế chung của đất nước và những khó khăn trong việc tiếp cận các khu vực truyền giáo xa hơn.

Giáo phận có 30 nữ tu và 4 tu sĩ dấn thân cho công việc truyền giáo, cầu nguyện và chăm sóc các tín hữu sống xa trung tâm đô thị. Địa lý khó khăn dẫn đến sự cô lập mà các tu sĩ cố gắng vượt qua. Các nữ tu thường đi bộ quãng đường dài dọc theo những con đường dốc của Altiplano để đến với các tín hữu. “Thách thức lớn nhất là hiện diện và đồng hành. Những người sống ở những nơi này hiếm khi có cơ hội gặp một linh mục, thường những người này chỉ có thể tiếp cận họ mỗi năm một lần”, Đức Giám mục Cortez nói. “Một số nơi chỉ có thể tiếp cận được bằng thuyền, và đó là những gì các nữ tu đã thực hiện, để họ có thể hỗ trợ cộng đồng địa phương và ít nhất là giúp học được chầu Thánh Thể”.

“Họ đều làm những công việc đáng khen ngợi. Họ đồng hành cùng giới trẻ, làm những công việc bác ái như mang thực phẩm đến cho người già và chăm sóc họ. Có rất nhiều người cao niên trong khu vực không có ai chăm sóc”, Đức Giám mục Cortez giải thích, bởi vì “những người trẻ di chuyển đến các thành phố để tìm việc làm và cơ hội, còn người già thì ở lại những khu vực biệt lập này, nơi rất khó khăn để có thể đến thăm họ và dân số đã giảm dần”.

Tu viện của các Nữ tu Cát Minh Chân Trần (Ảnh: ACN)

Tu viện của các Nữ tu Cát Minh Chân Trần (Ảnh: ACN)

ACN đang có một dự án hỗ trợ Giáo hội Công giáo ở Peru bằng cách hỗ trợ 10 cộng đoàn nữ tu ở vùng núi Andes trong Giáo phận. “Sự trợ giúp này là sự đáp lại mối quan tâm của Giáo hội địa phương với sự hỗ trợ của các nhà truyền giáo đang hoạt động ở những nơi rất xa xôi và khó khăn, ở độ cao hơn 3000 mét so với mực nước biển”. Dự án đáp ứng nhu cầu của các tu sĩ về phương tiện đi lại và sinh hoạt hàng ngày, để họ có thể tiếp tục truyền giáo và làm việc với các cộng đồng này.

Vấn đề nhập cư ở Peru

Mặc dù dân số của cao nguyên Altiplano có thể sẽ rời đi, nhưng các khu vực khác của Giáo phận Tacna y Moquegua, giáp ranh với Boliva và Chile, đã chứng kiến ​​một dòng người nhập cư đến từ cả hai quốc gia đó, cũng như từ Venezuela. “Nhập cư đã tăng lên đáng kể ở Peru trong vài năm qua; nhiều người di cư dừng chân đầu tiên để nghỉ ngơi ở Tacna, sau đó quyết định ở lại đó hoặc tiếp tục đi xuống các thành phố như Lima hoặc Arequipa”, vị Giám chức nói với ACN. Khoảng 1,6 triệu người Venezuela hiện đang sống ở Peru, theo ước tính của Nền tảng điều phối liên ngành dành cho Người tị nạn và Người di cư, mặc dù có thể có nhiều hơn, vì, như Đức Giám mục Cortez giải thích, “không phải tất cả người di cư đều đăng ký và hầu hết sống trong những điều kiện dễ bị tổn thương”.

720 Thánh lễ thông thường và 18 Thánh lễ theo lịch Gregorian cho 18 linh mục Dòng Ngôi Lời (Ảnh: ACN)

720 Thánh lễ thông thường và 18 Thánh lễ theo lịch Gregorian cho 18 linh mục Dòng Ngôi Lời (Ảnh: ACN)

“Việc chăm sóc mục vụ cho những người di cư là rất quan trọng”, Đức Giám mục Cortez cho biết thêm. “Những người Venezuela đến tìm việc làm và cuộc sống tốt đẹp hơn mang theo những câu chuyện đáng kinh ngạc. Nhiều người đi bộ đến đây sau khi vượt qua những ngọn núi. Cũng có những gia đình có con nhỏ, và đó là lý do tại sao việc chăm sóc mục vụ cho gia đình cũng rất quan trọng”.

Trong chuyến viếng thăm trụ sở quốc tế của ACN, Đức Giám mục Cortez nhấn mạnh rằng giữa những thách thức của Giáo hội Công giáo ở Peru cũng có những thành quả tuyệt vời. “Chúng tôi có nhiều gia đình đã hòa nhập tốt, có việc làm và có nhiều giáo lý viên trong số những người Venezuela. Họ đã cống hiến hết mình cho việc truyền giáo. Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng điều quan trọng là có được giới trẻ truyền giáo cho giới trẻ, và thật tuyệt vời khi thấy người Venezuela truyền giáo cho người Venezuela”. Đức Giám mục Cortez cũng cho biết thêm rằng ngài đã cầu nguyện cho “ơn gọi đầu tiên người Venezuela” trong Chủng viện của mình.

Với rất nhiều dự án đang diễn ra trong Giáo phận của mình, Đức Giám mục Cortez nhấn mạnh rằng sự hỗ trợ để thực hiện chúng là rất quan trọng. “Sự hỗ trợ của ACN là vô cùng cần thiết và có tính gắn kết. Chúng tôi có thể cảm nhận được sự gần gũi của các nhà hảo tâm. Sự hỗ trợ của họ vượt xa cả sự hỗ trợ về tài chính, đó là một cách thức khác của sự gần gũi với chúng tôi. Chúng tôi nhận ra điều này và nó rất đẹp”, Đức Giám mục Cortez mỉm cười kết luận.

Minh Tuệ (theo ACN)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube