Vị Giám chức người Đức: Sự chia rẽ trong Giáo hội địa phương là một ‘thảm họa cho các tín hữu’

Đức Giám mục Stefan Oster (Ảnh: Giáo phận Passau)

Đức Giám mục Stefan Oster (Ảnh: Giáo phận Passau)

Một Giám mục nổi tiếng người Đức và là người phản đối kiên định Con đường Công nghị gây tranh cãi đã đưa ra lời chỉ trích gay gắt nhất đối với tình trạng của Giáo hội Công giáo ở đất nước của ngài, đồng thời mô tả hàng Giám mục Đức là “bị chia rẽ sâu sắc” – và cảnh báo về những hậu quả thảm khốc có thể xảy ra đối với các tín hữu Công giáo.

Trong lời phê bình gần đây nhất đối với Con đường Công nghị Đức, Đức Giám mục Stefan Oster Địa phận phận Passau đã không né tránh việc xác định những bất đồng sâu sắc về thần học như là nguồn gốc của sự chia rẽ trong Giáo hội Công giáo ở Đức.

“Thật là một bi kịch khi chúng tôi, các Giám mục Đức, có quá ít sự đồng thuận về các vấn đề quan trọng của nhân chủng học và Giáo hội học”, Đức Cha Oster nói với ấn phẩm Công giáo Ba Lan Gosc Niedzielny trong một cuộc phỏng vấn được công bố vào ngày 30 tháng 11.

Hàng Giám mục bị chia rẽ “rõ ràng là một thảm họa đối với các tín hữu ở Đức”, Đức Cha Oster, 58 tuổi, người được Đức Thánh Cha Phanxicô chọn tham gia Thượng Hội đồng về Hiệp hành gần đây của Vatican sau khi ngài không được Hội đồng Giám mục Đức (DBK) chọn làm đại biểu.

Sự chia rẽ trong hàng Giám mục Đức gần đây đã trở nên căng thẳng khi Đức Cha Oster và 3 Giám mục khác – Đức Hồng Y Rainer Woelki Địa phận Cologne, Đức Giám mục Rudolf Voderholzer Địa phận Regensburg, và Đức Giám mục Gregor Hanke Địa phận Eichstatt – đã tẩy chay cuộc họp từ ngày 10 đến 11 tháng 11 của ủy ban lãnh đạo Con đường Công nghị Đức.

Ủy ban được thành lập với mục đích thành lập một hội đồng thường trực gồm giáo dân và các Giám mục để quản lý Giáo hội ở Đức – một điều bị cấm rõ ràng trong một lá thư hồi tháng Giêng từ các quan chức hàng đầu của Vatican gửi DBK đã được Đức Thánh Cha Phanxicô phê chuẩn cụ thể.

Trong khi quyết định không tham gia của ngài làm nổi bật sự chia rẽ ở Đức, Đức Cha Oster giải thích rằng lựa chọn của ngài “nhằm mục đích chính xác là duy trì sự hiệp nhất với Rôma”.

“Tôi phải đối mặt với một sự lựa chọn: làm nổi bật rõ ràng sự phân cực hiện có giữa các Giám mục hoặc làm nổi bật con đường hiệp nhất của tôi với Giáo hội hoàn vũ”, vị Giám chức người Bavaria, người mà Giáo phận của ngài nằm ở góc đông nam nước Đức và có tỷ lệ người Công giáo bình quân đầu người cao nhất, cho biết.

Sự chỉ trích ngày càng gia tăng

Con đường Công nghị Đức, bắt đầu vào tháng 12 năm 2019 như một sáng kiến của DBK và Ủy ban Trung ương giáo dân Công giáo Đức (ZdK), một cơ quan vận động hành lang của các nhân viên Giáo hội, đã bị chỉ trích trong những tuần gần đây khi những người đề xướng nó thúc đẩy nỗ lực thay đổi giáo huấn của Giáo hội và thực hành liên quan đến vấn đề tính dục, việc truyền chức và việc quản trị Giáo hội.

Trong một lá thư vào ngày 11 tháng 11 gửi 4 nữ giáo dân người Đức đã viết thư cho Đức Thánh Cha Phanxicô để bày tỏ mối quan ngại của họ về Giáo hội Công giáo ở Đức, Đức Thánh Cha Phanxicô đã viết rằng “nhiều bước” đang được một số người trong Giáo hội địa phương thực hiện – bao gồm cả công việc của ủy ban Thượng hội đồng – “đe dọa đẩy nó ngày càng rời xa đường hướng chung của Giáo hội hoàn vũ”.

Một trong những quan chức hàng đầu của Vatican, Đức Hồng y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Vatican, cũng đã thông báo với các Giám mục Đức trong một lá thư ngày 23 tháng 10 rằng những thay đổi trong giáo huấn của Giáo hội về vấn đề quan hệ tình dục đồng giới và các chức thánh chỉ dành cho nam giới sẽ không được đưa ra thảo luận trong các cuộc họp giữa các đại biểu Rôma và Con đường Công nghị Đức trong tương lai.

Ngoài ra, Đức Tổng Giám mục Stanislaw Gadecki, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Ba Lan, đã viết thư cho Đức Thánh Cha Phanxicô vào đầu tháng 10 để chỉ trích Con đường Công nghị Đức, đồng thời gọi nhiều nghị quyết của họ là “cực kỳ không thể chấp nhận được và phi Công giáo”.

Ban lãnh đạo Con đường Công nghị Đức phần lớn đã chỉ trích hoặc làm chệch hướng những lời chỉ trích này và không có dấu hiệu lùi bước trước các mục tiêu gây tranh cãi của họ.

Một giải pháp hiệp hành

Sự gia tăng căng thẳng giữa giới lãnh đạo Con đường Công nghị Đức và các nhà lãnh đạo Công giáo khác – đặc biệt là Đức Thánh Cha Phanxicô – đã khiến nhiều người bày tỏ lo ngại về khả năng xảy ra ly giáo.

Nhưng trong cuộc phỏng vấn gần đây, Đức Giám mục Oster không phải không hy vọng rằng có thể tìm ra giải pháp.

Vị Giám chức gợi ý rằng có thể đạt được “một lối thoát khỏi tình trạng bế tắc” giữa Đức và Giáo hội hoàn vũ nếu Con đường Công nghị Đức “giờ đây có thể phục tùng” và hòa nhập với Thượng Hội đồng về Hiệp hành của Vatican – “với sự chấp nhận rõ ràng về nội dung và các quyết định của nó”.

“Điều này đòi hỏi sự khiêm tốn lớn lao và thậm chí có lẽ có nghĩa là phải rút lại các quyết định đã được đưa ra theo Con đường Công nghị Đức”, chẳng hạn như quyết định chúc lành cho các cuộc kết hợp tính dục đồng giới.

Minh Tuệ (theo CNA)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube