Vị Giám chức hàng đầu của Ukraine gọi chiến tranh là ‘sự diệt chủng’ khi Ukraine đánh dấu hai năm chiến tranh

Một quân nhân Ukraine bảo vệ vị trí của mình ở Mariupol, Ukraine, Thứ Bảy, ngày 12 tháng 3 năm 2022 (Ảnh: Mstyslav Chernov/AP)

Một quân nhân Ukraine bảo vệ vị trí của mình ở Mariupol, Ukraine, Thứ Bảy, ngày 12 tháng 3 năm 2022 (Ảnh: Mstyslav Chernov/AP)

Khi thế giới quay cuồng với tin tức về cái chết của lãnh đạo phe đối lập Nga Alexei Navalny vào thứ Sáu tuần trước, và khi dịp kỷ niệm năm thứ hai việc Nga xâm chiếm Ukraine đang đến gần, vị Giám chức hàng đầu của Ukraine đã lên án tình trạng bạo lực đang diễn ra, đồng thời gọi đó là một “cuộc diệt chủng”.

Phát biểu qua kết nối video trong cuộc họp báo có tiêu đề “2014-2024: 10 năm chiến tranh ở Ukraine”, Đức Tổng Giám mục Sviatoslav Shevchuk cho biết mục tiêu của Nga trong cuộc xung đột là “hủy diệt sự tồn tại của cả một quốc gia”.

“Chúng tôi có thể làm chứng rằng những sự việc đang xảy ra ở Ukraine là một cuộc diệt chủng. Chính quyền nhà nước [của Nga] đã quyết định loại bỏ sự tồn tại của cả một quốc gia. Ở Ukraine, người ta bị tàn sát vì họ là người Ukraine”, Đức Tổng Giám mục Shevchuk nói.

Cuộc họp báo mà Đức Tổng Giám mục Shevchuk, người đứng đầu Giáo hội Công giáo Hy Lạp Ukraine, tham dự và có bài phát biểu được tổ chức bởi tổ chức từ thiện thuộc Giáo hoàng mang tên Viện trợ các Giáo hội Đau khổ nhân dịp kỷ niệm năm thứ hai việc Nga xâm chiếm Ukraine vào ngày 24 tháng 2 năm 2022.

Cuộc họp báo cũng diễn ra trước thông báo từ các quan chức Nga hôm thứ Sáu tuần trước rằng ông Alexei Navalny, một ứng cử viên chính trị nổi bật đối lập với Tổng thống Nga Vladimir Putin, đã chết trong một nhà tù ở Siberia.

Ông Navalny, 47 tuổi, hiện đang thụ án 19 năm tù vì cáo buộc chủ nghĩa cực đoan và chỉ trích Putin sau khi những lời lên án của ông đối với Tổng thống Nga thu hút sự chú ý của toàn cầu. Hồ sơ của ông Navalny càng được nâng cao sau khi ông tự nguyện trở về Nga sau một vụ ám sát rõ ràng bằng cách đầu độc bởi các quan chức Điện Kremlin vào năm 2020.

Ông Navalny đã ra tranh cử Tổng thống vào năm 2018, và dù bị giam giữ vào năm 2021 sau khi trở về Nga, ông vẫn tiếp tục lên tiếng phản đối Putin, thường xuyên chỉ trích việc Nga xâm lược Ukraine.

Putin, người đã sáp nhập Bán đảo Crimea vào năm 2014 và là người ban đầu coi cuộc xâm lược năm 2022 là một “chiến dịch quân sự đặc biệt”, đã giữ chức vụ Tổng thống Nga trong hơn hai thập kỷ và hiện đang hướng đến nhiệm kỳ thứ năm.

Mặc dù các nhà lãnh đạo Giáo hội ở Rôma và ở Nga ban đầu không tranh luận về cái chết của ông Navalny, điều dường như xảy ra khi ông ngã gục sau khi đi dạo, nhưng cái chết của ông Navalny đã bị các nhà lãnh đạo chính trị và nguyên thủ quốc gia trên khắp thế giới lên án, bao gồm cả Tổng thống Mỹ Joe Biden, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy, Chủ tịch Nghị viện châu Âu Ursua von der Leyen và các quan chức EU khác, Tổng thống Ý Sergio Mattarella và Thủ tướng Ý Girogia Meloni.

Đức Tổng Giám mục Shevchuk trong bài phát biểu tại cuộc họp báo đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xác định tội ác chiến tranh của Nga trong bối cảnh cuộc chiến ở Ukraine và đồng thời cảm ơn các tổ chức tiến hành nghiên cứu thực địa về sự thật của các vụ việc bị cáo buộc.

“Việc lên án những tội ác chiến tranh này là rất quan trọng. Bởi vì nếu chúng ta không làm như vậy, chúng sẽ tiếp tục và ảnh hưởng đến các dân tộc khác và các khu vực khác trên thế giới”, Đức Tổng Giám mục Shevchuk nói. “Việc công nhận những tội ác như diệt chủng đồng nghĩa với việc ngăn chặn chúng”.

Người Ukraine cần thế giới nhìn thấy nỗi đau đớn mà họ đang phải chịu đựng, vị Giám chức nói, đồng thời mời gọi những người nghi ngờ về quy mô bạo lực và sự tàn phá hãy đến để tận mắt chứng kiến cuộc tàn sát.

“Hãy đến mà xem. Hãy thăm viếng những người bị thương hoặc gia đình những người thiệt mạng. Hãy đến mà xem, hãy đến và chạm vào vết thương của con người”, Đức Tổng Giám mục Shevchuk nói.

Đức Tổng Giám mục Shevchuk cũng nói về vai trò của Đặc phái viên hòa bình cá nhân của Đức Thánh Cha Phanxicô tại Ukraine, Đức Hồng y Matteo Zuppi người Ý, và những nỗ lực trao trả những đứa trẻ Ukraine bị cưỡng bức trục xuất sang Nga, vốn là trọng tâm chính trong sứ mệnh của Đức Hồng y Zuppi.

 “Trẻ em ở Ukraine là thành phần dễ bị tổn thương nhất” trong xã hội Ukraine, Đức Tổng Giám mục Shevchuk nói, đồng thời lưu ý rằng hơn 500 trẻ em được chính thức xác nhận là đã chết trong chiến tranh, trong khi khoảng 1.200 trẻ khác bị thương, trong đó nhiều em phải mang chân tay giả.

Đức Tổng Giám mục Shevchuk đã cảm ơn những nỗ lực của Đức Hồng y Zuppi và nói: “Nếu chúng ta kết hợp những nỗ lực của mình ở các cấp độ khác nhau – ngoại giao, nhân đạo, thậm chí với sự giúp đỡ của các nhà báo từ các quốc gia khác nhau – thì ngày càng nhiều trẻ em Ukraine sẽ được cứu và có thể từ Nga trở về nhà của chúng”.

Về tình hình mục vụ trong khu vực, Đức Tổng Giám mục Shevchuk cho biết Giáo hội và các mục tử đang tìm kiếm những cách thức mới để phục vụ người dân của họ, đặc biệt là những người đã mất người thân, đồng thời gọi đây là “việc chăm sóc mục vụ cho những người đang đau buồn”.

“Tương lai của Ukraine, tương lai của Giáo hội phụ thuộc vào cách chúng ta có thể đáp ứng nhu cầu to lớn này của người dân Ukraine nhằm vượt qua tổn thương chiến tranh”, Đức Tổng Giám mục Shevchuk nói, và đồng thời cho biết rằng chiến tranh đã có tác động tàn khốc đối với các gia đình.

Có rất nhiều người đã chết, là tù nhân hoặc mất tích, Đức Tổng Giám mục Shevchuk đồng thời lưu ý rằng vào năm 2023, Ukraine đã ghi nhận hơn 180.000 cuộc hôn nhân nhưng cũng có khoảng 120.000 vụ ly hôn, một con số mà ngài cho biết đánh dấu “số vụ ly hôn lớn nhất trong lịch sử của Ukraine độc lập”.

Điều này không chỉ đặt ra một thách thức mục vụ lớn đối với Giáo hội và các giáo sĩ của Giáo hội, mà cuộc khủng hoảng nhân đạo đang diễn ra còn là một nguồn gây lo ngại, với khoảng 7 triệu người Ukraine hiện đang trải qua một cuộc khủng hoảng lương thực, với các gói viện trợ được chuyển đến ngày càng giảm khi chiến tranh kéo dài.

Các Giáo xứ đang đóng vai trò tuyến đầu trong việc hỗ trợ những người di dời không có nơi trú ẩn sau khi rời bỏ nhà cửa để đến các thành phố và khu vực an toàn hơn.

Đức Tổng Giám mục Shevchuk cho biết các giáo sĩ và tu sĩ cũng đang nỗ lực cung cấp sự hỗ trợ về tâm lý, thể chất và tinh thần cho người dân, cùng với các giáo viên, tình nguyện viên và các chuyên gia khác yêu cầu được đào tạo về cách hỗ trợ trong nỗ lực phục hồi lâu dài.

Đức Tổng Giám mục Shevchuk cho biết các trung tâm phục hồi chức năng đang được mở trên khắp Ukraine và đồng thời đề cập đến cơ sở “không bị gián đoạn” ở Lviv, nơi thanh niên Ukraine được lắp chân tay giả và tiến hành phục hồi chức năng.

Trong khi đó, Đức Tổng Giám mục Shevchuk cho biết các Giáo xứ đang đóng cửa ở các thành phố do Nga chiếm đóng, khi các nhà thờ bị đóng cửa và các mục tử bị trục xuất hoặc bị bỏ tù.

“Ngày càng trở nên khó khăn hơn đối với người dân chúng tôi trong việc thực hành đức tin của mình”, vị Giám chức nói.

Đức Tổng Giám mục Visvaldas Kulbokas, Sứ thần của Vatican tại Ukraine, cũng phát biểu tại cuộc họp báo, nói rằng cuộc chiến đang diễn ra “không chỉ là lý thuyết” mà còn đang thực sự ảnh hưởng đến người dân và các gia đình.

Trong bối cảnh áp lực ngày càng gia tăng đối với Giáo hội và những thách thức khác như tình hình nhân đạo và việc nhiều trẻ em không được tiếp cận giáo dục, Giáo hội ở Ukraine “hành động như một cơ quan duy nhất”, Đức Tổng Giám mục Kulbokas nói, đồng thời cho biết rằng trọng tâm nỗ lực của Giáo hội là bảo vệ và thăng tiến con người.

Minh Tuệ (theo Crux)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube