Vị Giám chức hàng đầu của Nga cho biết quan hệ với Vatican 'trên thực tế đã bị đóng băng'

Đức Thánh Cha Phanxicô gặp gỡ Đức Tổng Giám mục Anthony Sevryuk Địa phận Volokolamsk, phải, phụ trách quan hệ đối ngoại của Giáo hội Chính thống Nga, tại 'Đại hội các nhà Lãnh đạo Thế giới và các Tôn giáo Truyền thống lần thứ 7 tại Nur-Sultan, Kazakhstan, thứ Tư, ngày 14 tháng 9 năm 2022 (Ảnh: Andrew Medichini / AP)

Đức Thánh Cha Phanxicô gặp gỡ Đức Tổng Giám mục Anthony Sevryuk Địa phận Volokolamsk, phải, phụ trách quan hệ đối ngoại của Giáo hội Chính thống Nga, tại ‘Đại hội các nhà Lãnh đạo Thế giới và các Tôn giáo Truyền thống lần thứ 7 tại Nur-Sultan, Kazakhstan, thứ Tư, ngày 14 tháng 9 năm 2022 (Ảnh: Andrew Medichini / AP)

Chưa đầy một tháng sau cuộc gặp gỡ ngắn ngủi với Đức Thánh Cha Phanxicô ở Kazakhstan, một trong những vị Giám chức cấp cao nhất của Giáo hội Chính thống giáo Nga cho biết rằng mối quan hệ giữa hai Giáo hội ít nhiều đang đi vào chỗ bế tắc.

Trong một cuộc phỏng vấn với chương trình “Giáo hội và hòa bình” (Church and Peace) trên đài truyền hình Russia 24, Đức Tổng Giám mục Anthony Sevryuk Địa phận Volokolamsk, “Ngoại trưởng” của Giáo hội Chính thống Nga, cho biết “hiện tại các mối quan hệ giữa Giáo hội Chính thống Nga và Giáo hội Công giáo Rôma, trên thực tế đã bị đóng băng”.

“Ở giai đoạn này, tôi phải nói rằng một số nhận xét mà chúng tôi đọc được và nghe được không chỉ từ chính miệng của Đức Giáo hoàng, mà còn từ phần lớn các phụ tá của ngài, hoàn toàn không đóng góp vào việc chuẩn bị một cuộc gặp gỡ mới và sự hợp tác hơn nữa của chúng tôi”, Đức Tổng Giám mục Sevryuk nói, đề cập đến những nỗ lực đang được thực hiện để tổ chức cuộc gặp gỡ thứ hai giữa Đức Thánh Cha Phanxicô và Đức Thượng phụ Chính thống giáo Nga Kirill.

Hai nhà lãnh đạo đã gặp gỡ nhau lần đầu tiên ở Havana, Cuba vào năm 2016, và cuộc gặp gỡ thứ hai đã được chuẩn bị vào tháng 6 tại Giêrusalem, tuy nhiên Vatican đã đình chỉ cuộc gặp gỡ này do sự thất bại về mặt ngoại giao mà cuộc gặp gỡ sẽ tạo ra sau cuộc xâm lược Ukraine vào ngày 24 tháng 2 của Nga, và lập trường kiên quyết ủng hộ chiến tranh của Đức Thượng phụ Kirill.

Đức Thánh Cha Phanxicô và Đức Tổng Giám mục Sevryuk đã gặp gỡ nhau trong một cuộc trò chuyện ngắn trong vòng 15 phút trong khi hai nhà lãnh đạo có mặt tại Kazakhstan vào tháng trước để tham dự một đại hội về các tôn giáo thế giới, nơi quy tụ các nhà lãnh đạo dân sự và liên tôn cấp cao nhất từ khắp nơi trên thế giới.

Đức Thượng phụ Kirill ban đầu được lên kế hoạch sẽ tham dự sự kiện, nhưng vào phút cuối đã đưa ra thông báo rằng ngài sẽ không tham dự và đã phái Đức Tổng Giám mục Sevryuk thay thế ngài.

Trong những lời bình luận với các nhà báo sau cuộc trò chuyện với Đức Thánh Cha Phanxicô, Đức Tổng Giám mục Sevryuk cho biết khả năng của một cuộc gặp gỡ thứ hai giữa hai nhà lãnh đạo đã được thảo luận, nhưng nó “phải được chuẩn bị kỹ lưỡng”, và có khả năng đi kèm với một phát biểu hoặc tuyên bố chung.

Đức Tổng Giám mục Sevryuk cũng đã chỉ trích những lời bình luận trước đó của Đức Thánh Cha Phanxicô cảnh báo Đức Thượng phụ Kirill không nên trở thành “cậu bé giúp lễ” của Tổng thống Nga Vladimir Putin, đồng thời cũng cho biết rằng tuyên bố đó, được đưa ra trong một cuộc trò chuyện video giữa hai nhà lãnh đạo và sau đó được Đức Thánh Cha tiết lộ trong một cuộc phỏng vấn, “không hữu ích” cho sự hiệp nhất Kitô giáo.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhiều lần lên án bạo lực là “sự điên rồ” và đã kêu gọi cả hai bên thể hiện tinh thần thiện chí để đàm phán ngừng bắn.

Trong khi trước đây Đức Thánh Cha Phanxicô đã đôi lần chỉ trích về việc trang bị vũ khí cho các quốc gia, trên chuyến bay từ Kazakhstan trở về Rôma, Đức Thánh Cha cho biết rằng việc gửi vũ khí đến Ukraine có thể “chấp nhận được về mặt luân lý” trong một số trường hợp nhất định.

Đức Thánh Cha Phanxicô từ lâu cũng đã bày tỏ mong muốn đến thăm cả Nga lẫn Ukraine với mục đích nhằm thúc đẩy các nỗ lực hòa bình; tuy nhiên, trong một cuộc trò chuyện với các thành viên của Dòng Tên ở Kazakhstan được đăng trên tờ báo La Civilta Cattolica của Dòng Tên Ý vào tuần trước, Đức Thánh Cha cho biết rằng một chuyến viếng thăm đến thủ đô Kyiv của Ukraine có thể sẽ không sớm diễn ra.

Đức Hồng y Pietro Parolin người Ý, Quốc Vụ Khanh  Vatican, cũng đã nhiều lần lên án chiến tranh, đã phát biểu với nền tảng thông tin chính thức của Vatican, Vatican News, trước chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha Phanxicô tới Kazakhstan rằng “chiến tranh không bao giờ là một sự kiện không thể tránh khỏi” và “được thúc đẩy bởi thói hư vinh, sự kiêu căng, ngạo mạn và tham lam”.

Một trái tim được thúc đẩy bởi những động cơ này, Đức Hồng y Parolin nói, “là một trái tim chai cứng, không thể mở lòng với người khác”.

Phát biểu trước đại hội đồng Liên Hợp Quốc ở New York vào tuần trước, Đức Hồng y Parolin cũng đã lên án việc Putin ám chỉ vũ khí hạt nhân như một chiến lược phòng thủ, đồng thời gọi đó là “mối đe dọa đáng ghê tởm” thể hiện sự cấp bách của việc loại bỏ tất cả vũ khí hạt nhân khỏi các kho vũ khí trên khắp thế giới.

Vào ngày 21 tháng 9, Putin cảnh báo rằng Nga “cũng sở hữu nhiều phương tiện hủy diệt khác nhau… và khi sự toàn vẹn lãnh thổ của đất nước chúng ta bị đe dọa, để bảo vệ nước Nga và người dân của chúng ta, chúng ta chắc chắn sẽ sử dụng tất cả các phương tiện mà chúng ta đang có”.

“Đó không phải là một lời bịp bợm”, Tổng thống Nga Putin nói trong bài phát biểu trên truyền hình của mình, theo tờ Associated Press.

Đức Hồng y Parolin trong bài phát biểu tại Liên Hợp Quốc, đánh dấu Ngày Quốc tế Xóa bỏ Hoàn toàn Vũ khí Hạt nhân, cho biết lời đe dọa của Putin “cho thấy thế giới đã tiến gần đến vực thẳm của chiến tranh hạt nhân đến mức thế nào”.

“Mối đe dọa tiềm tàng này, với những tác động tàn khốc đối với toàn thể nhân loại, chứng tỏ rằng ‘vũ khí hạt nhân là một trách nhiệm phải trả giá đắt đỏ và nguy hiểm’, vốn làm suy yếu vấn đề an ninh quốc tế” Đức Hồng y Parolin nói.

Trong khi ở New York, Đức Hồng y Parolin đã tổ chức một cuộc gặp gỡ riêng với Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov mà Bộ Ngoại giao Nga cho là “hữu ích” và tạo cơ hội cho nước này giải thích lý do của cuộc chiến ở Ukraine.

Trong lời kêu gọi trực tiếp với Tổng thống Nga Putin hôm Chúa nhật vừa qua, Đức Thánh Cha Phanxicô đã yêu cầu Tổng thống Nga chấm dứt “vòng xoáy bạo lực và chết chóc này”, điều mà ngài nói, “làm gia  tăng nguy cơ leo thang hạt nhân, đến mức làm dấy lên lo ngại về những hậu quả thảm khốc và không thể kiểm soát trên toàn thế giới.

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng đã gửi lời kêu gọi trực tiếp tới Tổng thống Ukraine Volodomyr Zelenskyy, yêu cầu ông “cởi mở với các đề xuất hòa bình nghiêm túc”.

Trong những lời bình luận của mình với Russia 24, Đức Tổng Giám mục Sevryuk cũng đã phủ nhận cảm tưởng rằng một số lượng lớn các tín hữu đang rời bỏ Giáo hội Chính thống Nga, bất chấp quyết định của một số Giáo xứ Chính thống Nga, chẳng hạn như Giáo xứ ở Amsterdam, đưa ra yêu cầu chính thức chuyển sang Tòa Thượng phụ Chính thống giáo Constantinople, từ lâu đã bị Đức Thượng phụ Kirill coi là quá nhu nhược với phương Tây.

Đức Tổng Giám mục Sevryuk cũng đã phủ nhận tin đồn rằng Giáo hội Chính thống Nga đang bị đàn áp ở một số quốc gia: “Tôi không loại trừ việc một số quốc gia không thân thiện có thể thực hiện một số hành động hạn chế hoạt động của chúng tôi ở nước ngoài. Nhưng, tất nhiên, không cần phải nói về bất kỳ sự cô lập nào”.

Sự cô lập, Đức Tổng Giám mục Sevryuk nói, đồng nghĩa với “những ngôi nhà thờ trống rỗng, sự ra đi của các tín đồ, sự suy tàn trong đời sống Giáo hội”.

Đức Tổng Giám mục Sevryuk cũng cho biết rằng Giáo hội Nga chưa gặp phải những ví dụ về việc buộc phải hạn chế công việc mục vụ ở nước ngoài, “có lẽ ngoại trừ Latvia”, nơi cộng đồng Chính thống giáo Nga gần đây đã ly khai khỏi thẩm quyền của Tòa Thượng phụ Moscow.

Minh Tuệ (theo Crux)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube