Vị Giám chức cảnh báo chủ nghĩa khủng bố ở Saheel của Châu Phi đe dọa hòa bình và làm tê liệt Giáo hội

Trong bức ảnh được chụp vào ngày 31 tháng 8 năm 2012, các chiến binh thuộc nhóm Hồi giáo Ansar Dine đứng gác ở Timbuktu, Mali, khi họ chuẩn bị đả kích công khai một thành viên của Cảnh sát Hồi giáo bị kết tội ngoại tình.

Trong bức ảnh được chụp vào ngày 31 tháng 8 năm 2012, các chiến binh thuộc nhóm Hồi giáo Ansar Dine đứng gác ở Timbuktu, Mali, khi họ chuẩn bị đả kích công khai một thành viên của Cảnh sát Hồi giáo bị kết tội ngoại tình (Ảnh: AP)

YAOUNDÈ, Cameroon – Một vị Giám chức hàng đầu ở Burkina Faso ở Tây Phi, một quốc gia đa số theo Hồi giáo và một nhóm thiểu số đáng kể theo Kitô giáo, đã cảnh báo rằng hai phần ba vùng sa mạc của đất nước hiện đang bị những kẻ khủng bố Hồi giáo kiểm soát, đe dọa vấn đề an ninh và làm tê liệt sứ mạng mục vụ của Giáo hội.

“Từ quan điểm mục vụ, chúng tôi không còn có thể di chuyển như trước đây”, Đức Giám mục Laurent Dabiré Địa phận Dori, người cũng là Chủ tịch Hội đồng Giám mục Burkina Faso và Niger, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với tổ chức từ thiện thuộc Giáo hoàng mang tên Viện trợ các Giáo hội Đau khổ.

“Phạm vi hành động của chúng tôi nhỏ hơn nhiều, bởi vì những kẻ khủng bố chiếm 2/3 lãnh thổ của Sahel”, Đức Giám mục Dabiré nói. “Trên thực tế, tất cả những gì chúng tôi còn lại là các thủ phủ của tỉnh”.

Trong bảy năm qua, Burkina Faso là nơi diễn ra hoạt động khủng bố khi các tổ chức khủng bố tìm cách mở rộng phạm vi và ảnh hưởng của chúng trên khắp Sahel châu Phi. Tổ chức Theo dõi Nhân quyền báo cáo rằng các cuộc tấn công khủng bố đã buộc “hơn 237.000 người phải rời bỏ nhà cửa vào năm 2021, nâng tổng số người phải di dời trong nước kể từ năm 2016 lên hơn 1,4 triệu người, tương đương 6% dân số”.

Một số vụ việc đáng chú ý bao gồm vụ tấn công ngày 11 tháng 6 năm 2022 ở Seytenga thuộc tỉnh Seno ở đông bắc Burkina Faso khiến hơn 100 người thiệt mạng. Vào ngày 5 tháng 6 năm 2021, hơn 160 người đã thiệt mạng trong một vụ tấn công vào làng Solhan và vào ngày 26 tháng 4 năm 2021, một người quốc tịch Ireland và hai người Tây Ban Nha đã thiệt mạng trong một cuộc phục kích trên con đường giữa Fada-N’Gourma và Pama.

Năm 2023 đã bắt đầu với một vụ giết chóc khác dochủ nghĩa khủng bố gây ra với vụ sát hại Cha Jacques Yaro Zerbo trong điều mà Đức Giám mục Prosper Bonavoji Ky Địa phận Dédougou đã mô tả là “vụ giết người máu lạnh” bởi những tay súng vô danh.

Trong một cuộc phỏng vấn với ACN, Đức Giám mục Dabiré cho biết các vùng Sahel của Burkina Faso hiện đang bị bọn khủng bố kiểm soát phần lớn, khiến Giáo hội khó thực hiện nghĩa vụ của mình trước công dân hơn.

“Hậu quả của làn sóng khủng bố này trong bảy năm qua thật khủng khiếp”, vị giáo sĩ nói với ACN.

Ngài cho biết làn sóng tấn công khủng bố đã buộc Giáo hội phải đóng cửa 3 trong số 6 Giáo xứ ở Giáo phận Dori, và một Giáo xứ khác đã bị phong tỏa.

 “Khi một khu vực trở nên nguy hiểm vì sự hiện diện của những kẻ khủng bố, chính giáo dân thường yêu cầu các Linh mục của họ được chuyển đến một nơi an toàn vì họ biết rằng các vị này sẽ gặp nguy hiểm lớn hơn”, vị giáo sĩ nói.

Đức Giám mục Dabiré cho biết hầu hết các nhóm khủng bố đều có tính chất Hồi giáo, một số tuyên bố công khai rằng chúng muốn thành lập một vương quốc Hồi giáo.

“50% lãnh thổ của chúng tôi đang bị chiếm đóng”, Đức Giám mục Dabiré nói. “Một số nhóm đã tuyên bố rõ ràng ý định của họ, nhưng với những nhóm khác, bạn không cần phải đi xa hơn tên tuổi của họ, chẳng hạn như Nhóm Hỗ trợ Hồi giáo và Người Hồi giáo, nhằm mục đích rõ ràng là áp đặt Hồi giáo lên cả nước, kể cả thông qua việc sử dụng khủng bố”.

“Tất nhiên, điều này ngụ ý việc phải đàn áp xã hội hiện tại, vốn đa tôn giáo, và được đánh dấu bằng đối thoại và cùng tồn tại”, Đức Giám mục Dabiré nói. “Những kẻ khủng bố muốn xóa sổ xã hội này và tất cả những ai không theo cùng một tôn giáo Hồi giáo, bao gồm cả người Hồi giáo, có nghĩa là chủ nghĩa khủng bố hiện đang nhắm vào toàn xã hội”.

Vị Giám chức cho biết rằng chủ nghĩa khủng bố đã làm cho người dân kiệt sức, với nhiều người trong số họ đang “thương tiếc cho sự ra đi của các thành viên trong gia đình”.

Những sự việc đang xảy ra ở Burkina Faso cắt ngang qua Sahel Châu Phi, nơi chủ nghĩa khủng bố đã có được chỗ đứng đáng kể. Trên thực tế, Sahel từ Senegal đến Sudan là nơi trú ngụ của một số nhóm khủng bố phát triển nhanh nhất và nguy hiểm nhất trên thế giới.

Theo Chỉ số Khủng bố Toàn cầu, những cái chết liên quan đến khủng bố ở Sahel chiếm 35% tổng số toàn cầu vào năm 2021, tăng từ mức chỉ 1% vào năm 2007. Chỉ số báo cáo rằng ở Burkina Faso, 732 người đã thiệt mạng vào năm 2021, 574 người bị giết hại ở Mali và 588 người bị hiết hại ở Niger.

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres đã bày tỏ lo ngại rằng bạo lực thánh chiến có thể lan rộng về phía nam và phía tây để ảnh hưởng đến các quốc gia ven biển ở Tây Phi.

“Nó bắt đầu ở Mali, lan đến Burkina Faso, Niger và giờ đây, khi chúng tôi trò chuyện với các Tổng thống của Ghana, Benin, Togo và Bờ Biển Ngà, họ nói rằng chủ nghĩa khủng bố đang tiến đến biên giới của họ”, ông Guterres cho biết gần đây tại một hội nghị khu vực về chống khủng bố tại thủ đô Nairobi của Kenya.

“Tôi hoàn toàn tin rằng chúng ta không chiến thắng trong cuộc chiến chống khủng bố ở Sahel và hoạt động này cần được tăng cường”, ông Guterres nói.

Khi khủng bố lan rộng, Giáo hội đang thích nghi tốt nhất có thể để tiếp tục truyền bá Tin Mừng, đặc biệt là cho những người có cuộc sống bị phá vỡ bởi các vụ tấn công khủng bố.

“Chúng tôi đã tổ chức chăm sóc mục vụ cho những người di tản trong nước, con số này đã lên tới hai triệu người cho đến nay”, Đức Giám mục Dabiré nói.

“Đây quả là một thời điểm khó khăn, nhưng tôi cũng có thể nhận thấy một số ân sủng trong đó: chúng tôi đoàn kết với nhau trong tình thế khó khăn này!”, vị Giám chức nói.

“Đài phát thanh đã giúp chúng tôi rất nhiều trong việc tiếp cận những người phải sơ tán, và khi liên lạc hoàn toàn bị ngắt, chúng tôi cố gắng tận dụng các đoàn xe nhân đạo và quân sự để gửi những thông điệp ngắn gọn cho những người bị cô lập, cung cấp thông tin cho họ và cố gắng tìm hiểu xem tình hình của họ như thế nào. Thỉnh thoảng chúng tôi có thể đưa lương thực và nhu yếu phẩm đến các vùng bị cô lập nhờ các đoàn xe quân sự”, Đức Giám mục Dabiré nói.

“Chúng tôi thích nghi với hoàn cảnh tốt nhất có thể”.

Minh Tuệ (theo Crux)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube