Một số người Công giáo tức giận với các Đức Giám mục hoặc Đức Giáo hoàng về những hạn chế đối với các Thánh lễ công cộng. Thực chất, những người ấy đang hành xử theo cách ích kỷ: họ đòi Giáo hội thích nghi với cách sống mà họ muốn, mặc dù điều đó có thể gây hại cho chính họ và những người khác.
Trong 2.000 năm qua, chúng ta đã phải đối mặt với nhiều bệnh dịch và khủng hoảng khác nhau. Giáo hội đã đáp ứng với chúng theo nhiều cách khác nhau, dựa trên nhu cầu của người dân và kiến thức về khoa học từng thời đại. Khi kiến thức về khoa học và y học của chúng ta đã tiến bộ, các chuyên gia đưa ra nhiều khuyến cáo về các biện pháp phòng ngừa để ngăn ngừa sự lây lan của bệnh. Trong lịch sử, Giáo hội đã chấp nhận những khuyến nghị này bất cứ khi nào chúng được chấp nhận về mặt đạo đức. Chỉ những khuyến nghị về bản chất là xấu xa mới bị từ chối.
Thật không may, một số người Công giáo ngày nay đã phản ứng, với sự thù địch, trước cách ứng xử của Giáo hội đối với sự bùng phát COVID-19. Họ cho rằng, trong các thế kỷ trước đây, Giáo hội đã không đình chỉ các Thánh lễ công cộng và đã không đóng cửa các nhà thờ. Do đó, Giáo hội ngày nay không nên đóng cửa các nhà thờ và hạn chế các cử hành công cộng. Họ nhấn mạnh sự chú ý đến thực tế là chỉ có vài ngàn người đã chết.
Những lập luận này bỏ qua một số chi tiết quan trọng. Ví dụ, trong đại dịch cúm năm 1918, năm mươi triệu người đã chết và một phần ba dân số thế giới được cho là đã bị nhiễm bệnh. Giống như ngày nay, không có vắc-xin, vì vậy các chính phủ thời đó đã làm những gì chúng ta đang làm bây giờ: khuyến khích cách ly xã hội, kiểm dịch, vệ sinh cá nhân tốt, sử dụng chất khử trùng và áp đặt các hạn chế đối với các cuộc tụ họp công cộng. Năm 1918, Giáo hội hợp tác với những hạn chế này. Chúng ta cũng có thể nhìn vào Cái chết đen của thế kỷ 14 đã giết chết khoảng 75 đến 200 triệu người: thời ấy mọi người không biết về vi trùng và cách chúng lây lan. Mọi người tại thời điểm đó không biết về các phương pháp hiệu quả để ngăn chặn sự lây lan của bệnh và nhiều người đã chết.
Những người Công giáo chỉ trích phản ứng của Giáo hội đối với đại dịch hiện nay tin rằng chúng ta nên tiếp tục các thực hành được sử dụng trong các bệnh dịch trong quá khứ, tức là thời Trung cổ, như vẫn mở cửa các nhà thờ chẳng hạn. Nhưng chúng ta cần phải tự hỏi liệu các Đức Giáo hoàng và các Đức Giám mục thời Trung cổ có thực hiện các chính sách tương tự nếu các ngài hiểu các bệnh truyền nhiễm như chúng ta ngày nay có thể hiểu, hay không.
Ngày nay, cả Giáo hội và nhà nước đều hiểu biết về vi trùng nhiều hơn so với thế kỷ 14. Kết quả là, chúng ta đang thực hiện các chính sách y tế công cộng mà đối với thời xưa là không thể nghĩ ra được. Cách ly khỏi cộng đồng xã hội, kiểm dịch và hạn chế các cuộc tụ họp lớn (bao gồm cả đình chỉ các Thánh lễ công cộng) là một phần của điều này.
Tất nhiên, việc tuân thủ điều răn giữ ngày Chúa Nhật là điều quan trọng. Nhưng trong một tình huống nghiêm trọng, một Giám mục có thể thực hiện một chính sách phù hợp với nhu cầu của Giáo phận mình, đến mức độ miễn chuẩn cho mọi người nghĩa vụ tham dự thánh lễ. Chúng ta vẫn có nghĩa vụ phải giữ ngày Chúa Nhật. Nhưng chúng ta không được gây nguy hiểm cho người khác khi làm như vậy.
Thật đúng là COVID-19 đã không giết chết nhiều người như nhiều bệnh khác. Nhưng sẽ là sai khi lập luận rằng, vì thế, chúng ta không cần phải làm gì khác. COVID-19 lây lan nhanh hơn cúm và có thể lây lan từ mọi người trước khi họ có triệu chứng. Nếu bạn đi lễ và không biết bạn bị nhiễm bệnh, bạn có thể truyền vi-rút cho người khác. Sau đó, họ đi về nhà và lây lan cho gia đình trước khi phát hiện ra các triệu chứng trong chính họ.
Tùy thuộc vào mức độ gần gũi của mọi người sống trong một Giáo phận, đại dịch có thể có tác động lớn hơn hoặc ít hơn, và các hạn chế của các Giáo phận có thể khác nhau. Điều này không có nghĩa là vị Giám mục của một Giáo phận đưa ra các hạn chế ít nghiêm trọng hơn thì là một người thánh thiện hơn hay có nhiều đức tin hơn là vị Giám mục quyết định thực hiện nhiều hạn chế hơn.
Những người Công giáo tức giận với các Đức Giám mục hoặc Đức Giáo hoàng về những hạn chế đối với các Thánh lễ công cộng, đang hành xử theo cách ích kỷ: họ đòi Giáo hội thích nghi với cách sống mà họ muốn, mặc dù điều đó có thể gây hại cho chính họ và những người khác.
Chúng ta cần thực hành thận trọng. Chúng ta cũng phải nhận ra rằng các Đức Giám mục của chúng ta có thẩm quyền đóng cửa các nhà thờ và đình chỉ các Thánh lễ công cộng vì phúc lợi của dân chúng thuộc quyềncai quản của các ngài.
Chắc chắn, chúng ta vẫn phải giữ ngày Chúa nhật linh thiêng, ngay cả khi chúng ta không thể tham dự Thánh lễ. Chúng ta có Kinh Thánh, Kinh Mân côi, Phụng vụ giờ kinh, Thánh lễ truyền hình và các cách khác để thờ phượng cho đến khi chúng ta thoát khỏi đại dịch này và có thể lại tham dự Thánh lễ tại nhà thờ.
Vâng, hầu hết chúng ta không thể đón nhận Thánh Thể trong hoàn cảnh hiện nay. Và đó là một mất mát đau đớn. Nhưng đây cũng là một cơ hội để nhớ rằng có nhiều người trong Giáo hội cũng không thể tham dự Thánh lễ do tuổi tác, bệnh tật hoặc thiếu linh mục. Chúng ta phải cầu nguyện cho đến khi chúng ta được giải thoát khỏi đại dịch này.
David Wanat
Hoàng Tiến lược dịch