Hôn nhân và đồng trinh
“Nhiều người không kết hôn thường đem lại những việc phục vụ quan trọng cho bạn bè, cộng đoàn Hội thánh và hoạt động nghiệp vụ của mình. Những người khác ở độc thân vì họ hiến thánh đời mình cho tình yêu Đức Kitô và đồng loại. Việc tận hiến của họ phong phú hóa gia đình, Hội thánh và xã hội rất nhiều”[1].
Đồng trinh là một hình thức của tình yêu, một dấu chỉ về Nước Thiên Chúa và nhu cầu toàn hiến cho sự nghiệp của tin mừng (x. 1 Cr 7, 32), là phản ánh sự sung mãn của nước trời (Mt 22, 30).Tuy thế, hôn nhân vẫn không thua kém bậc đồng trinh hay độc thân[2] nhưng các bậc sống khác nhau ấy bổ túc cho nhau[3]. Bậc đồng trinh vì là biểu tượng cho một tình yêu không chiếm hữu nên cũng khích lệ các đôi bạn sống tình yêu vợ chồng dựa vào tình yêu đáng tin cậy nhất của Đức Kitô. Về phần mình, tình yêu vợ chồng vì là một phản ánh đặc biệt sự hợp nhất viên toàn trong khác biệt tìm được trong Ba Ngôi, nên cũng là một dấu chỉ của Đức Kitô. Gia đình còn thể hiện sự gần gũi của Thiên Chúa, Đấng luôn là một phần của mọi cuộc sống con người, vì Ngài đã trở nên một với ta nhờ việc nhập thể, chết và sống lại của Ngài[4].
Trong khi đồng trinh là một dấu chỉ “có tính cánh chung” của Đức Kitô phục sinh, thì hôn nhân là dấu chỉ “có tính lịch sử” để ta sống trong thế giới này. Đồng trinh và hôn nhân là, và phải là những cách yêu thương khác nhau. Vì “con người không thể sống mà không có tình yêu. Nếu tình yêu không được mặc khải ra cho họ, họ sẽ là một hữu thể không thể hiểu nổi ngay cả đối với chính mình”[5].
Ngoài ra, những người được kêu gọi sống đồng trinh có thể gặp được trong một số cuộc hôn nhân dấu chỉ chói ngời của sự trung thành quảng đại và vừng bền của Thiên Chúa với giao ước của Ngài, giúp họ sẵn sàng đối với người khác cách cụ thể và hào phóng hơn. Nhiều đôi bạn, khi vợ, chồng không còn hấp dẫn về thể lý, bất kể những cám dỗ, mời mọc bất trung nhưng vẫn cứ trung thành. Hay cha mẹ vẫn hết lòng yêu thương những người con ngổ ngáo, quậy phá, vô ơn. Trong tình yêu ấy, phẩm giá của họ tỏa sáng, vì yêu thì thích hợp với đức ái hơn được yêu[6]. Họ thành dấu chỉ của tình yêu tự do và vô vị lợi của Chúa Giêsu. Họ đang khuyến khích những người độc thân sống cam kết của mình với Nước Thiên Chúa cách quảng đại và cởi mở[7].
Sự biến đổi của tình yêu
Tuổi thọ ngày càng cao làm phát sinh nhu cầu không ngừng canh tân quyết định ban đầu. Trong khi vợ chồng có thể không còn khát vọng tình ái mãnh liệt nữa, họ vẫn có thể kinh nghiệm được niềm hoan lạc được thuộc về nhau, được cùng chia sẻ cuộc sống chung với những âu lo và khoái lạc. Nếu có được một chương trình sống chung kéo dài suốt đời, họ có thể yêu nhau và sống với nhau cho tới chết. Kể cả khi ở giữa những xung đột không giải quyết được và những hoàn cảnh rắc rối, họ vẫn quyết định yêu thương, thuộc về nhau, chia sẻ cuộc sống và tha thứ. Khi ấy, tình yêu sẽ mỉm cười trong mọi bước đi và mọi giai đoạn mới[8]. Dẫu vẻ bên ngoài thay đổi thật, nhưng tình yêu và sự hấp dẫn vẫn không phai mờ. Họ yêu nhau vì nhau chứ không phải vì thân xác nhau. Họ thấy rằng họ được chinh phục bởi căn tính của người ấy. Họ thấy được vẻ đẹp của căn tính ấy, nên tình cảm của họ vẫn không suy giảm. Mối dây hôn phối của họ tìm được những hình thức diễn tả mới. Nhưng nếu không cầu xin Chúa Thánh Thần đổ tràn đầy ân sủng, sức mạnh thiêng liêng và ngọn lửa thiêng của Ngài, để củng cố, hướng dẫn và biến đổi tình yêu của ta trong mọi hoàn cảnh, thì sẽ không thể có được hình thức nào cả[9].
Đaminh Nguyễn Đức Thông
Chú thích:
[1]Relatio Finalis 2015, 22; Amoris Laetitia, số 158
[2] Giáo lý (14.4.1982), 1: Insegnamenti V/1 (1982), 1176.
[3] Amoris Laetitia, số 160
[4] Amoris Laetitia, số 161
[5] Id., Thông điệp Redemptor Hominis (4.3.1979), 10: AAS 71 (1979), 274; Amoris Laetitia, số 161
[6] Cf. Thomas aquinas, Summa Theologiae, II-II, q. 27, art. 1.
[7] Amoris Laetitia, số 162
[8] Amoris Laetitia, số 163
[9] Amoris Laetitia, số 164