Một tình yêu tự tỏ bày và triển nở
Tình yêu này phải được diễn tả cách tự do và quảng đại trong lời nói và hành động. Trong gia đình, ba từ ngữ: ‘Làm ơn’, ‘Cám ơn’, ‘Xin lỗi’ rất quan trọng[1]. Gia đình nào còn sử dụng ba từ này, gia đình ấy còn kinh nghiệm được bình an và niềm vui.[2] Đức Thánh Cha khuyên đừng dùng các từ ngữ ấy cách dè sẻn mà hãy cứ lặp đi lặp lại. Vì im lặng thường gây ngột ngạt ngay cả giữa vợ với chồng, cha mẹ với con cái và anh chị em với nhau[3]. Nói đúng lời, đúng lúc bao giờ cũng bảo vệ và nuôi dưỡng tình yêu[4].Tình nghĩa vợ chồng được bảo vệ trước hết qua việc làm cho tình yêu ấy lớn mạnh hơn dưới sự thúc đẩy của ân sủng[5]. Quan niệm về tình yêu dưới đất theo kiểu thiên đàng là quên rằng rượu vẫn cần thời gian mới ngon. Vì thế việc nhìn nhận thực các giới hạn, khiếm khuyết và bất toàn của mình và đáp lại lời kêu gọi cùng làm cho tình yêu trưởng thành và củng cố sự hợp nhất, bất kể chuyện gì xảy ra đi nữa, có lợi hơn nhiều[6].
Đối thoại
Đối thoại là điều chủ yếu để kinh nghiệm, diễn tả và nuôi dưỡng tình yêu trong hôn nhân và gia đình.Ta cần phát triển một số thái độ diễn tả tình yêu và khuyến khích cuộc đối thoại chân thành[7]: sẵn sàng lắng nghe mọi sự người ấy muốn nói cách kiên trì và chăm chú, biết kiềm chế, không nói cho tới khi thời gian chín muồi, nghe hết mọi sự người ấy phải nói, không nóng vội, gác bỏ mọi nhu cầu và âu lo của bạn và dành thời gian cho họ. Thường vợ chồng bạn không cần một giải pháp cho các vấn đề của họ đâu, mà chỉ cần được lắng nghe[8]
Hãy phát triển thói quen làm cho người ấy thành quan trọng: trân trọng họ và quyền được suy nghĩ theo kiểu của họ và quyền được hạnh phúc của họ; nhận ra sự thật, giá trị và những quan tâm sâu xa nhất của người ấy, đặt mình trong địa vị họ và cố nhìn vào cõi lòng họ, để hiểu tường tận những âu lo sâu sắc nhất của họ và lấy đó như khởi điểm để đối thoại sâu hơn[9].
Đừng để bị sa lầy trong những ý tưởng và ý kiến hạn hẹp của mình, nhưng hãy sẵn sàng thay đổi và mở rộng những ý tưởng ấy; đặt công ích lên trên. Ta cần giải thoát mình khỏi cảm giác rằng tất cả chúng ta phải như nhau. Điều quan trọng là có khả năng nói ra những gì mình đang suy nghĩ mà không chống lại người khác. Phải lựa lời thật kỹ sao cho đừng xúc phạm, nhất là khi đang bàn về những vấn đề khó. Khi nhận xét đừng bao giờ nhằm trút cơn giận và gây đau đớn. Giọng trịch thượng chỉ làm tổn thương, chế nhạo, kết án và chống lại tha nhân. Cách ta nói ra các sự việc hay thái độ của ta khi nói rất quan trọng[10].
Hãy bày tỏ tình cảm và sự quan tâm đối với người ấy. Sợ người ấy như sợ một thứ “đối thủ” là dấu chỉ của sự yếu hèn và cần phải khắc phục. Ta phải xây dựng lập trường của mình trên những chọn lựa, những niềm tin hay giá trị vững chắc chứ không xây trên nhu cầu cần chiến thắng trong tranh luận hay luôn chứng tỏ mình đúng[11].
Để có được một cuộc đối thoại đáng giá, ta phải có một cái gì đó để nói, phải được nuôi dưỡng bằng việc đọc sách, suy tư, cầu nguyện và mở ra cho thế giới chung quanh. Nếu không, các cuộc đối thoại sẽ thành nhàm chán và tầm thường. Khi cả hai vợ chồng đều không nhắm tới cuộc đối thoại ấy và chỉ tiếp xúc qua loa, đời sống gia đình sẽ trở thành ngột ngạt và việc đối thoại sẽ nghèo nàn[12].
Tình yêu nồng thắm
Một tình yêu hoặc thiếu khoái lạc hoặc thiếu đắm say thì không đủ để làm biểu tượng cho sự kết hợp của tâm hồn con người với Thiên Chúa. Tình yêu siêu nhiên và thiên giới đều tìm được những biểu tượng của chúng trong tình yêu vợ chồng[13].
Thế giới của sự cảm xúc
Những khát vọng, tình cảm, xúc cảm đều có một chỗ quan trọng trong đời sống hôn nhân và được đánh thức bất cứ khi nào “một người khác” hiện diện và trở thành một phần của cuộc đời con người. Ra khỏi mình, đến với người khác là đặc tính của mọi hữu thể sống, và khuynh hướng này bao giờ cũng có những dấu chỉ tình cảm đặc biệt: khoái lạc hay đau khổ, vui hay buồn, hiền lành hay sợ hãi. Chúng hỗ trợ cho hoạt động tâm lý căn bản nhất. Con người sống trên mặt đất này và mọi việc họ làm và tìm kiếm đều ắp đầy đam mê[14]. Vì là người thật, Chúa Giêsu cũng cho thấy cảm xúc của Ngài. Ngài đau khi Giêrusalem bị ruồng bỏ (x. Mt 23, 27; xúc động nặng trước những đau khổ của người khác (x. Mc 6, 34)[15]. Cảm xúc, tự nó, không tốt hay xấu về mặt luân lý[16]. Việc tôi hấp dẫn một ai đó tự nó không xấu. Nhưng nếu việc tôi hấp dẫn người ấy làm cho tôi cố thống trị họ, thì tình cảm của tôi chỉ phục vụ sự ích kỷ của mình thôi[17]. Tình yêu vợ chồng phải phục vụ đời sống chung, và tự do của mỗi người[18], phải phong phú hóa, hoàn thiện và hòa hợp tự do ấy trong việc phục vụ mọi người[19].
Đaminh Nguyễn Đức Thông
Chú thích:
[1]Bài nói chuyện với các khách hành hương suốt Năm Đức tin (26.10.2013): AAS 105 (2013), 980.
[2]Angelus Message (29.12.2013): L’Osservatore Romano, 30-31.12.2013, p. 7.
[3]Address to the Pilgrimage of Families during the Year of Faith (2610.2013): AAS 105 (2013), 978.
[4]Amoris Laetitia, số 133
[5]Amoris Laetitia, số 134
[6]Amoris Laetitia, số 135
[7]Amoris Laetitia, số 136
[8]Amoris Laetitia, số 137
[9]Amoris Laetitia, số 138
[10]Amoris Laetitia, số 139
[11]Amoris Laetitia, số 140
[12]Amoris Laetitia, số 141
[13] A. Sertillanges, L’Amour chrétien, Paris, 1920, 174; Amoris Laetitia, số 142
[14]Amoris Laetitia, số 143
[15]Amoris Laetitia, số 144
[16] Cf. Thomas aquinas, Summa Theologiae I-II, q. 24, art. 1.
[17] Amoris Laetitia, số 145
[18] Cf. ibid., q. 59, art. 5.
[19]Amoris Laetitia, số 146.