Vatican yêu cầu giới hạn nhiệm kỳ các nhà lãnh đạo các phong trào giáo dân

Đức Hồng y Kevin Farrell người Hoa Kỳ, Tổng Trưởng Thánh Bộ Giáo dân, Gia đình và Sự sống, trong bức ảnh được chụp tại Rome vào ngày 19 tháng 3 năm 2018 (Ảnh: CNS / Paul Haring)

Đức Hồng y Kevin Farrell người Hoa Kỳ, Tổng Trưởng Thánh Bộ Giáo dân, Gia đình và Sự sống, trong bức ảnh được chụp tại Rome vào ngày 19 tháng 3 năm 2018 (Ảnh: CNS / Paul Haring)

VATICAN (CNS) – Trong một nỗ lực không ngừng nhằm thúc đẩy các phong trào và tổ chức giáo dân Công giáo và đồng thời bảo vệ các thành viên của họ khỏi vấn nạn lạm dụng có thể xảy ra bởi các nhà lãnh đạo của các nhóm, Thánh Bộ Giáo dân, Gia đình và Sự sống đã đặt ra các giới hạn về nhiệm kỳ đối với giới lãnh đạo và yêu cầu các nhóm cần phải đảm bảo tất cả các thành viên đều có tiếng nói trong việc lựa chọn các nhà lãnh đạo của họ.

“Không phải hiếm khi, đối với những người được kêu gọi để cầm quyền, việc không áp đặt giới hạn về mặt chức vụ tạo điều kiện cho các hình thức chiếm đoạt sự uy tín, cá nhân hóa, tập trung hóa và thể hiện tính tự quy chiếu, vốn có thể dễ dàng gây ra những vi phạm nghiêm trọng đến phẩm giá và tự do cá nhân, và thậm chí những vụ lạm dụng thực sự”, theo nội dung bức thư giải thích của Thánh Bộ, được công bố vào ngày 11 tháng 6 cùng với các quy định mới.

Theo các quy tắc mới, những người giữ chức vụ lãnh đạo trọng tâm của các phong trào và hiệp hội giáo dân Công giáo quốc tế có thể phục vụ tối đa hai nhiệm kỳ 5 năm.

Thánh Bộ sẽ xem xét việc miễn trừ đối với người sáng lập một phong trào hoặc một hiệp hội để lãnh đạo một nhóm lâu hơn “nếu việc quản lý phù hợp với ý chí rõ ràng của cơ quan quản lý trung ương”, nhưng nó không phải là tự động, bức thư cho biết.

Các tiêu chuẩn sẽ có hiệu lực vào tháng 9 và đã được Đức Thánh Cha Phanxicô chấp thuận, Đức Hồng Y Kevin Farrell, Tổng Trưởng Thánh Bộ Giáo dân, Gia đình và Sự sống, cho biết.

Các nhóm có hiến pháp dự kiến giới hạn nhiệm kỳ dài hơn hoặc không có giới hạn nhiệm kỳ nào phải cập nhật các quy định của họ và, nếu các nhà lãnh đạo hiện tại đã vượt quá nhiệm kỳ 5 năm, cuộc bầu cử mới phải được tổ chức trong vòng hai năm, theo các quy định mới của Thánh Bộ.

Ngay từ năm 2019, Thánh Bộ Giáo dân, Gia đình và Sự sống đã thảo luận về sự cần thiết của các giới hạn thời hạn khi gặp gỡ các phong trào và hiệp hội để đảm bảo họ có các chính sách và thủ tục để xử lý các trường hợp lạm dụng tình dục và lạm dụng quyền lực và lương tâm.

Truyền thống Công giáo cho thấy sự ưu tiên mạnh mẽ đối với các giới hạn nhiệm kỳ đối với quyền lãnh đạo cộng đoàn – trong hầu hết các Dòng tu, một Bề trên phục vụ trong sáu năm và chỉ có thể được tái đắc cử một lần – và các hệ thống rõ ràng “đánh giá và cân bằng” đối với thẩm quyền của vị Bề trên, Linh mục Dòng Tên Hans Zollner, một chuyên gia về bảo vệ trẻ em, phát biểu với hãng tin CNS vào đầu năm 2020.

Một số cộng đoàn đã bị giải tán hoặc đang trong quá trình cải cách do Vatican kiểm soát tự tuyên bố mình là “những sứ giả của truyền thống”, nhưng thực tế lại phớt lờ các hình thức quản trị và các quy tắc đối với đời sống cộng đoàn được triển khai trong các Dòng tu Công giáo trong suốt nhiều thế kỷ, Linh mục Zollner nói.

Các quy định mới bao gồm 109 “hiệp hội quốc tế của các tín hữu và các thực thể Giáo hội khác được chính thức công nhận hoặc được thành lập” bởi Thánh Bộ Giáo dân, Gia đình và Sự sống. Họ bao gồm các nhóm quốc tế rất lớn như Con đường Tân Dự Tòng (​Neocatechumenal Way), Phong Trào Focolare và Phong trào Hiệp thông và Giải phóng (Communion and Liberation), cũng như các nhóm nhỏ hơn thuộc Phong trào Canh tân Đặc sủng Công giáo.

Linh mục Dòng Tên Ulrich Rhode, Trưởng khoa Giáo luật tại Đại học Giáo hoàng Grêgôriô của Rôma, chia sẻ rằng trong số các lập luận khác về giới hạn nhiệm kỳ và sự tham gia rộng rãi hơn của các thành viên, có “những kinh nghiệm tiêu cực đã được kiểm chứng trong trường hợp của các hiệp hội đã tiếp tục giữ các nhà lãnh đạo ở vai trò điều hành trong một thời gian dài hoặc trong trường hợp các hiệp hội không có sự tham gia hiệu quả của tất cả các thành viên trong việc lựa chọn người điều hành các hiệp hội này”.

Viết trên tờ L’Osservatore Romano, tờ báo của Vatican, vào ngày 11 tháng 6, Cha Rhode cho biết rằng mặc dù các quy định mới chỉ áp dụng cho các hiệp hội quốc tế của các tín hữu, các tổ chức Giáo phận và quốc gia nên xem xét việc áp dụng các giới hạn nhiệm kỳ tương tự và đồng thời phải đảm bảo tất cả các thành viên có tiếng nói trong việc lựa chọn các nhà lãnh đạo của họ.

Minh Tuệ (theo America)

 

 

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube