Vatican mong muốn thỏa thuận với Trung Quốc được gia hạn

Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Vatican, trong bức ảnh được chụp chung với Đức Giám mục Joseph Shen Bin Địa phận Thượng Hải tại một hội nghị tại Đại học Giáo hoàng Urbaniana ở Rôma vào ngày 21 tháng 5 năm 2024 (Ảnh: Elise Ann Allen/Crux)

Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Vatican, trong bức ảnh được chụp chung với Đức Giám mục Joseph Shen Bin Địa phận Thượng Hải tại một hội nghị tại Đại học Giáo hoàng Urbaniana ở Rôma vào ngày 21 tháng 5 năm 2024 (Ảnh: Elise Ann Allen/Crux)

RÔMA – Quốc Vụ Khanh Vatican, Đức Hồng Y Pietro Parolin, cho biết cả hai bên trong thỏa thuận gây tranh cãi với chính quyền Trung Quốc về việc bổ nhiệm Giám mục đều hy vọng rằng thỏa thuận này sẽ được gia hạn lần thứ ba khi nó hết hạn vào cuối năm nay.

Phát biểu với các nhà báo bên lề hội nghị cấp cao vào ngày 21 tháng 5 về quan hệ Vatican-Trung Quốc, Đức Hồng Y Parolin đã nói về thỏa thuận này: “Tất cả chúng tôi đều quan tâm đến việc thỏa thuận này được gia hạn”.

Đức Hồng Y Parolin cho biết thỏa thuận có thể “cũng được phát triển ở một số điểm”, nhưng không nói rõ những chi tiết đó là gì.

Đức Hồng Y Parolin là diễn giả chính tại một hội nghị trong ngày có chủ đề “100 năm Công đồng Trung Hoa: Giữa lịch sử và hiện tại” được tổ chức hôm thứ Ba tại Đại Học Giáo Hoàng Urbaniana ở Rôma, đánh dấu kỷ niệm 100 năm Công đồng Thượng Hải.

Thỏa thuận mà Đức Hồng Y Parolin đề cập đến là một thỏa thuận tạm thời gây tranh cãi giữa Tòa Thánh và chính quyền Trung Quốc về việc bổ nhiệm các Giám mục. Được ký kết vào năm 2018, thỏa thuận này có thời hạn 2 năm và đã được gia hạn hai lần với thời hạn thêm 2 năm nữa.

Sẽ hết hạn vào tháng 10, thỏa thuận này được coi là “bí mật” vì các điều khoản chưa bao giờ được công khai. Nó được cho là tương tự như thỏa thuận của Tòa Thánh với Việt Nam, cho phép Đức Giáo hoàng lựa chọn các Giám mục trong số các ứng viên do các quan chức chính phủ đưa ra.

Vẫn được coi là tạm thời, mặc dù đã có hiệu lực gần 6 năm, nhưng thỏa thuận này đã là nguồn gây tranh cãi rộng rãi, bao gồm cả những nhân vật hàng đầu như Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân (Joseph Zen Ze-kiun), nguyên Giám mục Địa phận Hồng Kông, về những lo ngại về vấn đề tự do tôn giáo ở Trung Quốc, cũng như một số vi phạm thỏa thuận của chính quyền Trung Quốc.

Vào tháng 11 năm 2022, các quan chức Trung Quốc đã bổ nhiệm Đức Giám mục Gioan Bành Vệ Chiếu (John Peng Weizhao) làm Giám mục phụ tá cho Giáo phận Giang Tây, một lãnh thổ Giáo hội được chính quyền Trung Quốc công nhận nhưng không được Vatican công nhận, mà không có sự đồng ý hoặc chấp thuận của Vatican.

Đức Cha Peng Weizhao đã được Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm vào Giáo phận Dư Giang (Yujiang) được Giáo hoàng công nhận vào năm 2014, 4 năm trước thỏa thuận năm 2018. Bị coi là một vị Giám chức “hầm trú” không được chính quyền công nhận, Đức Cha Peng Weizhao đã bị bắt và bị giam giữ 6 tháng trước khi được trả tự do dưới sự giám sát nghiêm ngặt.

Tháng 4 năm ngoái, chính quyền Trung Quốc lại tiếp tục vi phạm thỏa thuận khi thuyên chuyển Đức Giám mục Giuse Thẩm Bân (Joseph Shen Bin) của Giáo phận Hải Môn gần đó đến Giáo phận Thượng Hải, nơi đã trống tòa trong suốt 10 năm mà không có sự cho phép hoặc chấp thuận trước của Vatican.

Giáo hội ở Trung Quốc trong nhiều thập kỷ đã bị chia rẽ thành một Giáo hội “chính thức” do Hiệp hội Công giáo Yêu nước Trung Quốc (CPCA) được chính phủ hậu thuẫn điều hành, và một Giáo hội được gọi là Giáo hội “hầm trú” hiệp thông với Rôma. Về vẻ bề ngoài, thỏa thuận năm 2018 nhằm mục đích hợp nhất hai Giáo hội này.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã chính thức chấp nhận sự thuyên chuyển của Đức Cha Shen Bin vào tháng 7 năm ngoái, với thông báo được công bố cùng với cuộc phỏng vấn với Đức Hồng Y Parolin, trong đó ngài đề nghị bổ nhiệm một Đại diện thường trú của Giáo hoàng tại Bắc Kinh.

Đức Cha Shen Bin, Chủ tịch CPCA, là diễn giả chính tại hội nghị hôm thứ Ba.

Trong bài phát biểu với các nhà báo, Đức Hồng Y Parolin đã tỏ ra không rõ ràng về khả năng có một Đại diện Giáo hoàng ở Bắc Kinh, ngài nói: “Luôn luôn khó đưa ra những dự đoán”.

“Chúng tôi hy vọng từ lâu sẽ có sự hiện diện ổn định ở Trung Quốc, ngay cả khi ban đầu có thể không có hình thức Đại diện Giáo hoàng của một vị Sứ thần Tòa Thánh”, Đức Hồng Y Parolin nói, đồng thời cho biết rằng mục đích là “tăng cường và làm sâu sắc thêm mối liên hệ của chúng ta”.

“Đây là mục tiêu của chúng tôi. Hình thức có thể khác nhau, chúng tôi không cố định chỉ một chiều. Chúng tôi hy vọng rằng theo thời gian, mối quan hệ càng sâu sắc thì sẽ có được bước tiến này”, Đức Hồng Y Parolin nói.

Khi được hỏi liệu Vatican có chính thức công nhận CPCA hay không, Đức Hồng Y Parolin cho biết đây là “một chủ đề thảo luận, theo cách bao gồm tất cả các Giám mục Trung Quốc”, nhưng ngài sẽ không cam kết về mốc thời gian, đồng thời nói rằng: “Đây vẫn là một chủ đề đang được bàn luận”.

Nói về Công đồng Thượng Hải, Đức Hồng Y Parolin cho biết ngài được truyền cảm hứng từ Công đồng này theo nghĩa “không ngại đối mặt với chủ đề này, ngay cả khi đó là một vấn đề đặc biệt nan giải, phức tạp và cần phải có sự kiên nhẫn”.

“Nó đòi hỏi cần có sự kiên nhẫn, tất cả chúng ta đều cần sự kiên nhẫn và cũng cần có rất nhiều hy vọng”, Đức Hồng Y Parolin nói, đồng thời lưu ý rằng trong bài phát biểu trước đó trong ngày, ngài đã đề cập đến ẩn dụ về những hạt giống được gieo xuống đất.

“Ngay cả khi chúng không đơm hoa kết trái ngay lập tức, nhưng cuối cùng chúng vẫn nảy mầm và luôn cho một ít hoa trái”, Đức Hồng Y Parolin nói.

Minh Tuệ (theo Crux)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube