Vatican công bố suy tư mục vụ về sự tham gia của người Kitô hữu trên các phương tiện truyền thông xã hội

Đức Thánh Cha Phanxicô trong buổi tiếp kiến chung tại Hội trường Phaolô VI vào ngày 26 tháng 1 năm 2023 (Ảnh: Daniel Ibanez)

Đức Thánh Cha Phanxicô trong buổi tiếp kiến chung tại Hội trường Phaolô VI vào ngày 26 tháng 1 năm 2023 (Ảnh: Daniel Ibanez)

#CatholicTwitter và những anh hùng bàn phím: Vatican đã đưa ra các khuyến nghị về cách thức làm thế nào để “yêu người lân cận” tốt hơn trên mạng xã hội.

Văn bản dài 20 trang, “Hướng tới Sự hiện diện trọn vẹn: Suy tư Mục vụ về sự dấn thân với các phương tiện truyền thông xã hội”, được xuất bản vào ngày 29 tháng 5, đề cập đến những thách thức mà các Kitô hữu gặp phải khi sử dụng phương tiện truyền thông xã hội.

Các chủ đề trong suy tư mục vụ bao gồm tình trạng quá tải thông tin, cuộn trang liên tục, không dành cho người khác sự chú ý đầy đủ, trở thành “người có tầm ảnh hưởng”, làm chứng cho Chúa Kitô, “cai nghiện các thiết bị điện tử”, sự cần thiết của sự thinh lặng, lắng nghe có chủ ý và xây dựng cộng đồng trong một thế giới bị phân mảnh.

“Một thách thức đáng kể về nhận thức của văn hóa kỹ thuật số là chúng ta đánh mất khả năng suy nghĩ sâu sắc và có mục đích”, tài liệu cảnh báo. “Chúng ta nhìn lướt qua bề mặt và vẫn ở trong phần nông cạn, thay vì suy ngẫm sâu sắc về thực tế”.

Thánh Bộ Truyền thông của Vatican đã công bố tài liệu, được ký bởi Tổng Trưởng Paolo Ruffini là giáo dân, và Thư ký người Argentina, Đức Ông Lucio A. Ruiz, người đã trích dẫn nhiều bài phát biểu của Đức Thánh Cha Phanxicô từ những Ngày Thế giới Truyền thông vừa qua.

Văn bản “không có nghĩa là ‘những hướng dẫn’ rõ ràng chính xác cho lĩnh vực mục vụ”, Thánh Bộ Truyền thông của Vatican giải thích rõ ràng, nhưng tìm cách thúc đẩy một suy tư chung về cách thức nuôi dưỡng các mối tương quan có ý nghĩa và quan tâm trên phương tiện truyền thông xã hội.

Cướp đi sự chú ý của chúng ta

Suy tư mục vụ của Vatican thừa nhận rằng sự đòi hỏi liên tục của các phương tiện truyền thông xã hội nhằm thu hút sự chú ý của mọi người “tương tự như quá trình qua đó bất kỳ cám dỗ nào xâm nhập vào trái tim con người và lôi kéo sự chú ý của chúng ta khỏi lời duy nhất thực sự có ý nghĩa và mang lại sự sống – Lời Chúa”.

“Các trang web, ứng dụng và nền tảng khác nhau được lập trình để đánh vào mong muốn được thừa nhận của con người chúng ta và chúng không ngừng tranh giành sự chú ý của mọi người. Bản thân sự chú ý đã trở thành tài sản và hàng hóa quý giá nhất”, tài liệu cho biết.

“Thay vì tập trung vào một vấn đề tại một thời điểm, sự chú ý cục bộ liên tục của chúng ta nhanh chóng chuyển từ chủ đề này sang chủ đề khác. Trong tình trạng ‘luôn bật’ của chúng ta, chúng ta phải đối mặt với sự cám dỗ để đăng tải ngay lập tức, bởi vì về mặt sinh lý, chúng ta bị cuốn hút vào sự kích thích kỹ thuật số, luôn muốn có nhiều nội dung hơn khi cuộn trang lên xuống liên tục và thất vọng bởi việc thiếu bất kỳ thông tin cập nhật nào”.

Văn bản nhấn mạnh sự cần thiết của sự thinh lặng và việc các trường học, gia đình và cộng đồng sắp xếp thời gian để mọi người tách khỏi các thiết bị kỹ thuật số.

Tài liệu cảnh báo rằng không gian dành cho “sự lắng nghe có chủ ý, sự ân cần chăm chú, và phân định sự thật đang trở nên hiếm hoi”.

“Nếu không có sự thinh lặng và không gian để suy nghĩ chậm rãi, sâu sắc và có chủ đích, chúng ta có nguy cơ không chỉ đánh mất khả năng nhận thức mà còn đánh mất cả chiều sâu của các mối tương tác của chúng ta, cả con người lẫn thiêng liêng”.

Cạm bẫy của truyền thông xã hội

Tài liệu nêu lên những dấu hiệu cảnh báo về “những cạm bẫy cần tránh” với mạng xã hội, chẳng hạn như những phát ngôn gây hấn và tiêu cực được chia sẻ dưới “sự đội lốt của sự giả danh”.

“Dọc theo ‘đại lộ kỹ thuật số’, nhiều người bị tổn thương bởi sự chia rẽ và hận thù. Chúng ta không thể phớt lờ điều này. Chúng ta không thể chỉ là những người qua đường thầm lặng. Để nhân bản hóa môi trường kỹ thuật số, chúng ta không được quên những người ‘bị bỏ lại phía sau’. Chúng ta chỉ có thể thấy điều gì đang xảy ra nếu nhìn từ góc nhìn của người đàn ông bị thương trong dụ ngôn Người Samaritanô nhân hậu”, tài liệu viết.

Văn bản lưu ý việc cá nhân hóa nội dung của thuật toán có thể củng cố ý kiến ​​riêng của mọi người mà không cần tiếp xúc với các ý kiến ​​khác, điều đôi khi có thể dẫn đến việc “khuyến khích các hành vi cực đoan”.

Tài liệu cũng làm dấy lên mối lo ngại về cách thức các công ty truyền thông xã hội đối xử với mọi người như những món hàng mà “hồ sơ và dữ liệu của họ bị bán”. Văn bản nhấn mạnh rằng phương tiện truyền thông xã hội “không miễn phí: Chúng ta đang phải trả tiền bằng những giờ phút miệt mài chú ý và hàng byte dữ liệu của chúng ta”.

Văn bản cho biết thêm: “Việc ngày càng chú trọng đến việc phân phối và bán kiến thức, dữ liệu và thông tin đã tạo ra một nghịch lý: Trong một xã hội mà thông tin đóng vai trò thiết yếu như vậy, việc xác minh các nguồn tin và tính chính xác của thông tin lưu hành bằng kỹ thuật số ngày càng khó khăn hơn”.

Từ việc trở thành một ‘người có tầm ảnh hưởng’ đến việc trở thành một chứng nhân

Văn bản nhấn mạnh việc “mọi Kitô hữu nên nhận thức được tầm ảnh hưởng tiềm tàng của mình, bất kể người đó có bao nhiêu người theo dõi”.

“Sự hiện diện trên mạng xã hội của chúng ta thường tập trung vào việc truyền bá thông tin. Theo những dòng thông tin này, việc trình bày ý tưởng, giáo huấn, suy nghĩ, suy tư tâm linh và những thứ tương tự trên phương tiện truyền thông xã hội cần phải trung thành với truyền thống Kitô giáo”, tài liệu cho biết.

Tài liệu khuyến nghị rằng các Kitô hữu nên cẩn trọng để “suy tư chứ không phản ứng trên phương tiện truyền thông xã hội” ngõ hầu đảm bảo rằng cách một người đối xử với người khác trực tuyến tự nó là một hành động làm chứng.

“Tất cả chúng ta nên cẩn trọng để không rơi vào bẫy kỹ thuật số ẩn chứa trong nội dung được thiết kế một cách có chủ ý nhằm gieo rắc sự xung đột giữa những người dùng bằng cách gây ra sự phẫn nộ hoặc phản ứng cảm xúc”, tài liệu cho biết. “Chúng ta phải lưu ý đến việc đăng tải và chia sẻ những nội dung có thể gây hiểu lầm, làm trầm trọng thêm sự chia rẽ, kích động sự xung đột và làm trầm trọng thêm những định kiến”.

Một vấn đề mà bản văn khuyến khích các Kitô hữu suy tư đó là liệu các bài đăng trên mạng xã hội của họ đang theo đuổi “những người theo dõi” vì chính họ hay vì Đức Kitô.

“Việc trở thành chứng nhân có nghĩa là gì? Từ tiếng Hy Lạp để chỉ chứng nhân là ‘tử vì đạo’, và thật đáng tin cậy khi nói rằng một số ‘người có ảnh hưởng Kitô giáo’ mạnh mẽ nhất là các vị tử đạo”, tài liệu viết.

Tài liệu thúc giục mọi người nhớ rằng “không hề có ‘lượt thích’ nào và hầu như không có ‘người theo dõi’ nào vào thời điểm vinh quang của Thiên Chúa được biểu lộ một cách rõ ràng nhất! Mọi phép đo ‘thành công’ của con người đều được tương đối hóa theo logic của Tin Mừng”.

“Mặc dù sự tử đạo là dấu chỉ tối hậu của chứng tá Kitô giáo, nhưng mọi Kitô hữu đều được mời gọi hy sinh bản thân mình: đời sống Kitô hữu là một ơn gọi tiêu hủy chính sự tồn tại của chúng ta bằng cách hiến thân, cả linh hồn lẫn thể xác, để trở thành không gian thông truyền tình yêu của Thiên Chúa, một dấu chỉ hướng về Con Thiên Chúa”.

“Theo nghĩa này, chúng ta hiểu rõ hơn những lời của Thánh Gioan Tẩy Giả, nhân chứng đầu tiên của Chúa Kitô: ‘Người phải lớn lên; còn tôi phải nhỏ lại’ (Ga 3:30). Giống như Vị Tiền Hô, người đã khuyến khích các môn đệ của mình đi theo Chúa Kitô, chúng ta cũng không theo đuổi ‘những người theo dõi’ cho chính mình, nhưng vì Chúa Kitô. Chúng ta chỉ có thể truyền bá Tin Mừng bằng cách tạo nên một sự hiệp thông liên kết chúng ta trong Chúa Kitô. Chúng ta làm điều này bằng cách noi gương Chúa Giêsu trong việc tương tác với người khác”.

Minh Tuệ (theo CNA)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube