Ủy ban nhân quyền 'phẫn nộ' khi Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ loại Nigeria khỏi danh sách theo dõi

Các quan chức chính phủ đi ngang qua các nạn nhân bị thương trên giường bệnh đang được điều trị vết thương sau vụ tấn công của các tay súng tại Nhà thờ Công giáo Thánh Phanxicô Xaviê  ở Owo, tây nam Nigeria, vào ngày 5 tháng 6 năm 2022 (Ảnh: AFP/ Getty Images)

Các quan chức chính phủ đi ngang qua các nạn nhân bị thương trên giường bệnh đang được điều trị vết thương sau vụ tấn công của các tay súng tại Nhà thờ Công giáo Thánh Phanxicô Xaviê ở Owo, tây nam Nigeria, vào ngày 5 tháng 6 năm 2022 (Ảnh: AFP/ Getty Images)

Năm thứ hai liên tiếp Nigeria đã bị Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ loại khỏi danh sách các quốc gia tham gia hoặc dung túng cho các hành vi vi phạm tự do tôn giáo tồi tệ nhất thế giới, bất chấp các báo cáo thường xuyên về các vụ bắt cóc và giết hại các Kitô hữu, gây ra sự phản đối kịch liệt từ các thành viên của nhóm giám sát chính phủ lưỡng đảng.

Trong hơn hai thập kỷ, Tổng thống Hoa Kỳ đã được yêu cầu xem xét tình trạng tự do tôn giáo hàng năm ở mọi quốc gia trên thế giới, đồng thời chỉ định những chính phủ và thực thể gây ra hoặc dung túng cho các hành vi vi phạm tự do tôn giáo “nghiêm trọng” là ‘Các quốc gia cần quan tâm đặc biệt’ (CPC). Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken đã công bố danh sách năm nay vào ngày 2 tháng 12, và mặc dù một số nhóm khủng bố Hồi giáo hoạt động ở Nigeria đã được liệt kê, nhưng bản thân Nigeria thì không.

Ở Nigeria nói chung, ít nhất 60.000 Kitô hữu đã bị sát hại, nhiều người bị giết hại bởi chính những người đồng hương Hồi giáo của họ, trong hai thập kỷ qua. Theo một nghiên cứu, ước tính có khoảng 3.462 Kitô hữu đã bị giết hại ở Nigeria trong 200 ngày đầu tiên của năm 2021, tức 17 người mỗi ngày.

Ủy ban Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế (USCIRF) cho biết trong một tuyên bố rằng các nhà lãnh đạo của họ đã “phẫn nộ” trước việc Nigeria bị loại khỏi danh sách cũng như việc loại trừ Ấn Độ, nơi các báo cáo về chủ nghĩa dân tộc Hindu và bạo lực chống lại các Kitô hữu đã xuất hiện trong những năm gần đây.

“Không có lý do gì biện minh cho việc Bộ Ngoại giao không công nhận Nigeria hoặc Ấn Độ là những quốc gia vi phạm nghiêm trọng quyền tự do tôn giáo, vì mỗi quốc gia này đều đáp ứng rõ ràng các tiêu chuẩn pháp lý để được chỉ định là CPC. USCIRF vô cùng thất vọng vì Ngoại trưởng đã không thực hiện các khuyến nghị của chúng tôi và nhận ra mức độ nghiêm trọng của các hành vi vi phạm tự do tôn giáo mà cả USCIRF lẫn Bộ Ngoại giao đều ghi nhận ở các quốc gia đó”, Chủ tịch USCIRF, Nury Turkel, cho biết.

Báo cáo riêng của Bộ Ngoại giao bao gồm nhiều ví dụ về các hành vi vi phạm tự do tôn giáo đặc biệt nghiêm trọng ở Nigeria và Ấn Độ”.

Nigeria đã bị đưa vào danh sách CPC của Bộ Ngoại giao vào năm 2020 nhưng lại không nằm trong danh sách năm 2021 hoặc 2022, mặc dù các Kitô hữu đã báo cáo tình hình của họ rất ít hoặc không hề được cải thiện. USCIRF đã khuyến nghị chỉ định Nigeria là CPC từ năm 2009.

Nigeria là quốc gia đông dân nhất châu Phi và nhân khẩu học nói chung hầu như được phân chia đồng đều giữa các Kitô hữu và các tín đồ Hồi giáo. Các Kitô hữu ở Nigeria, đặc biệt là ở phía bắc của đất nước, trong nhiều thập kỷ qua đã phải chịu cảnh tàn phá tài sản, các vụ giết hại và bắt cóc tàn bạo, thường là dưới bàn tay của các nhóm Hồi giáo cực đoan. Một số quan chức Hoa Kỳ và Nigeria đã mô tả các vụ tấn công là các vụ xung đột về tài nguyên và đất đai do biến đổi khí hậu thúc đẩy, một tuyên bố mà các nhà lãnh đạo Kitô giáo đã tố cáo là “không chính xác và gượng gạo”.

Các Kitô hữu Nigeria đã phát biểu với CNA rằng chính phủ do người Hồi giáo kiểm soát phần lớn đã phản ứng chậm chạp, không thỏa đáng hoặc hoàn toàn làm ngơ trước vấn đề đàn áp Kitô giáo. Chính phủ của Tổng thống Muhammadu Buhari, nắm quyền từ năm 2015, đã bị Tổ chức Ân xá Quốc tế và các nhóm nhân quyền khác cáo buộc là thiếu năng lực, thờ ơ và thậm chí là đồng lõa trong việc gia tăng các cuộc đột kích, các vụ giết người, bắt cóc và hãm hiếp nhắm vào người Công giáo và các Kitô hữu khác.

Đức Giám mục Jude Arogundade, Giám mục Giáo phận Ondo ở tây nam Nigeria, đã phát biểu với CNA rằng “bất cứ khi nào Đảng Dân chủ [Hoa Kỳ] nắm quyền, họ lại ngoảnh mặt làm ngơ với các vụ giết hại các Kitô hữu ở Nigeria. Điều đó có thể nhận thấy một cách rất rõ ràng trong thời chính quyền của Obama. Chúng tôi sẽ duy trì áp lực để thu hút sự chú ý của thế giới. Những người đã chết sẽ không nằm xuống một cách vô ích”.

Đức Giám mục Arogundade nhận thức rõ về cuộc đàn áp mà các Kitô hữu đang phải đối mặt ở Nigeria — vào tháng 6, một nhóm người có vũ trang đã tấn công một Giáo xứ thuộc Giáo phận của ngài, Nhà thờ Công giáo Thánh Phanxicô Xaviê ở Owo, khiến ít nhất 41 người thiệt mạng. Cộng đồng đó “vẫn đang chờ đợi công lý”, Đức Giám mục Arogundade nói với CNA.

Các nhà lãnh đạo Công giáo Nigeria khác như Đức Giám mục Matthew Hassan Kukah đã chỉ trích gay gắt chính phủ vì sự “im lặng” của họ bắt chấp rất nhiều vụ tấn công nhằm vào các Kitô hữu.

Mùa hè năm ngoái, 5 Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ thuộc đảng Cộng hòa đã ký một lá thư gửi Blinken kêu gọi Ngoại trưởng tái chỉ định Nigeria là Quốc gia cần quan tâm đặc biệt.

Ấn Độ cũng là một quốc gia mà chính phủ của họ bị cáo buộc là không hành động trước cuộc bách hại Kitô giáo.

Trong những năm gần đây, các Kitô hữu ở Ấn Độ đã chỉ trích sự gia tăng rõ ràng của bạo lực chống Kitô giáo và chủ nghĩa cực đoan của Ấn Độ giáo, theo đó đám đông người theo đạo Hindu – thường được thúc đẩy bởi những cáo buộc sai trái về việc ép buộc cải đạo hoặc báo cáo về việc ăn thịt bò – đã tấn công các Kitô hữu và các tín đồ Hồi giáo, phá hủy các nhà thờ, và làm gián đoạn các nghi lễ thờ phượng tôn giáo.

Trong số các quốc gia bị Bộ Ngoại giao chỉ định CPC trong năm nay có Miến Điện/Myanmar, Trung Quốc, Cuba, Eritrea, Iran, Nicaragua, Bắc Triều Tiên, Pakistan, Nga, Ả Rập Saudi, Tajikistan và Turkmenistan.

Bộ Ngoại giao cũng tuyên bố một số nhóm là Thực thể cần quan tâm đặc biệt: al-Shabab, Boko Haram, Hayat Tahrir al-Sham, Houthis, ISIS ở Vùng Sahara Mở rộng, ISIS-Tây Phi, Jama’at Nusrat al-Islam wal-Muslimin , Taliban và nhóm Wagner.

Minh Tuệ (theo CNA)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube