Ủy ban Covid của Vatican ủng hộ việc xóa nợ cho các quốc gia châu Phi

Cách ly xã hội do COVID-19 trên toàn quốc tại Nam Phi

Cách ly xã hội do COVID-19 trên toàn quốc tại Nam Phi

Thông qua hội thảo trực tuyến, Ủy ban COVID-19 của Vatican ủng hộ chiến dịch xóa nợ cho các quốc gia châu Phi.

Trong một tuyên bố được đưa ra vào ngày 8 tháng 4, Thánh Bộ Cổ võ sự Phát triển Con người Toàn diện lưu ý rằng cùng với Ủy ban Covid-19 của Vatican, cơ quan này đang “hỗ trợ chiến dịch xóa nợ cho các quốc gia châu Phi”.

Sáng kiến này được đưa ra hôm thứ Tư, ngày 7 tháng 4, trong một hội thảo trực tuyến do Thánh Bộ Cổ võ sự Phát triển Con người Toàn diện và chính Ủy ban COVID-19 của Vatican tổ chức, phối hợp với Caritas Châu Phi, Hội đồng Giám mục Châu Phi và Madagascar (SECAM), Hội nghị Dòng Tên Châu Phi và Madagascar (JCAM) và Hiệp hội các Nữ tu Tận hiến Đông và Trung Phi (ACWECA).

Nữ tu Alessandra Smerilli, phó Tổng Thư ký của Thánh Bộ, lưu ý rằng “chiến dịch này, vốn thậm chí còn cấp bách hơn do COVID-19, bắt đầu ở Châu Phi, nơi Giáo hội địa phương đã tạo ra một nhu cầu rộng rãi trong xã hội dân sự”.

Xem xét, đánh giá, hành động

Đức Tổng Giám mục Gabriel Justice Yaw Anokye Địa phận Kumasi, Ghana, cũng là Chủ tịch Caritas Châu Phi, đã khai mạc hội nghị bằng cách nói rằng: “Giờ đây là lúc để xem xét, đánh giá và hành động thay mặt cho những người nghèo và những người dễ bị tổn thương. Trong thời điểm khó khăn và khủng hoảng, chúng ta có thể thấy hành động của Thiên Chúa trong tình liên đới”. Linh mục Henry Akaabiam, Tổng thư ký của SECAM, chia sẻ: “Chúng ta không thể không hành động, bởi vì nếu châu Phi sống trong cảnh nợ nần, cả thế giới cũng sẽ sống trong cảnh nợ nần. Nếu châu Phi sung túc, cả thế giới cũng sẽ sung túc”.

Một vấn đề về sự công bằng

Linh mục Augusto Zampini, đồng Tổng Thư ký của Thánh Bộ và thành viên hội đồng của Ủy ban COVID-19 của Vatican cho biết thêm rằng: “Đây không chỉ là một vấn đề về chuyên môn hay sự liên đới đơn thuần, quan trọng hơn thế, nó còn là một vấn đề về sự công bằng. Đó là một vấn đề về sự công bằng giữa các thế hệ, bởi vì chúng ta không thể bắt con cái và các thế hệ tương lai của chúng ta phải trả giá cho tất cả những hậu quả do những sai lầm của chúng ta”.

“Nợ nần và nghèo khổ là bà con thân thuộc của nhau, chẳng may lại đi cùng nhau”, Nữ tu Hellen A. Bandiho, STH, Tổng thư ký ACWECA cho biết. “Đó chắc chắn là một vấn đề về luân lý, nhưng còn hơn thế nữa”, Linh mục Charlie Chilufya, Giám đốc văn phòng Tư pháp và Sinh thái của JCAM cho biết. “Vấn đề là sự kéo dài của đại dịch ở các vùng ngoại vi của địa cầu, vì thiếu phương tiện, khiến sức khỏe của mọi người bị đe dọa”.

Công lý toàn cầu

Jaime Atienza, đến từ Oxfam, kế đến đã thu hút sự chú ý đến mối liên hệ giữa tất cả các lực lượng có thể giúp cải thiện các tình huống khủng hoảng. “Chúng ta đang ở thời điểm cần thúc đẩy tài chính theo hướng công bằng xã hội”, ông Atienza cho biết.

“Tính cấp bách của việc xóa bỏ nợ nần”, theo Linh mục Dominic Chai, SJ, một nhà kinh tế của Dòng Tên thuộc Ủy ban COVID-19 của Vatican, “Đòi hỏi chúng ta phải kiên trì nỗ lực làm việc và tiếp tục cuộc đối thoại này. Có như thế, chúng ta sẽ nâng cao cả nhận thức và cam kết lên một tầm cao mới, không chỉ ở châu Phi mà còn ở tất cả các khu vực nơi gánh nặng nợ nần bất công được cảm nhận”.

Những người bảo vệ anh chị em của chúng ta

Cuối cùng, Đức Hồng Y Peter Turkson, Tổng Trưởng Thánh Bộ Cổ võ sự Phát triển Con người Toàn diện, lưu ý rằng “con người, như Học thuyết Xã hội của Giáo hội dạy, có phẩm giá không thể bị xâm phạm: không ai có thể bị bỏ lại phía sau vì sự bất công. Chúng ta được mời gọi trở thành những người bảo vệ anh em của chúng ta: đây chính là cốt lõi của tinh thần liên đới của chúng ta”.

Thiên Ân (theo Vatican News)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube