
Đức Thánh Cha chào thăm mọi người vào cuối buổi tiếp kiến chung hàng tuần của mình trong Hội trường Phaolô VI tại Vatican, Thứ Tư, ngày 20 tháng 10 năm 2021 (Ảnh: AP / Alessandra Tarantino)
Trong một thông điệp được đọc bởi Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh gửi một nhóm vận động chính sách phụ nữ trước thềm hội nghị thượng đỉnh G-20, Đức Thánh Cha Phanxicô đã kêu gọi sự lãnh đạo nhiều hơn của nữ giới trong các vấn đề thế giới vào thứ Hai ngày 18 tháng 10, đồng thời nhắn nhủ Diễn đàn Phụ nữ G-20 rằng “thế giới của chúng ta cần sự cộng tác của chị em phụ nữ, sự lãnh đạo và khả năng của họ, cũng như khả năng trực giác và sự cống hiến của họ”.
Đức Hồng y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, đã đọc bức thư của Đức Thánh Cha Phanxicô qua video trong một cuộc họp đặc biệt kéo dài hai ngày tại Milan của Diễn đàn Phụ nữ vì Kinh tế & Xã hội, do Publicis thành lập nhằm làm nổi bật tiếng nói của phụ nữ trong chính phủ và lĩnh vực ngoại giao.
Diễn đàn đã diễn ra vài ngày trước thềm hội nghị thượng đỉnh ở Rome của các nguyên thủ quốc gia của các nền kinh tế lớn nhất thế giới. Trước sự kiện này, Đức Thánh Cha Phanxicô dự kiến sẽ gặp gỡ Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden lần đầu tiên kể từ khi ông đắc cử.
Giáo hội Công giáo có một thành tích đa dạng về vấn đề liên quan đến sự tham gia và lãnh đạo của phụ nữ. Mặc dù không thiếu những nhân vật nữ giới mạnh mẽ trong Giáo hội, nhưng một số người lại than phiền về việc thiếu sự tham gia của phụ nữ vào việc đưa ra quyết định trong một thể chế không cho phép họ trở thành Linh mục, Giám mục, Hồng y hoặc Giáo hoàng.
Trong thông điệp, Đức Thánh Cha Phanxicô đã trích dẫn lời của vị tiền nhiệm của ngài là Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, người vào năm 1995 đã viết một bức thư gửi cho phụ nữ, Tông Thư “Mulieris Dignitatem” (Phẩm Giá của Người Phụ Nữ), được nhiều người giải thích như một tuyên ngôn về sự hòa nhập nhiều hơn nữa của phụ nữ trong Giáo hội (Đức Gioan-Phaolô II cũng chịu trách nhiệm đối với câu trả lời dứt khoát “không” về vấn đề liên quan đến việc truyền chức phụ nữ).
Đức Thánh Cha Phanxicô đã thiết lập hai ủy ban, một ủy ban vào năm 2016 và một ủy ban khác vào năm 2020, để nghiên cứu về khả năng cho phép phụ nữ trở thành Phó tế – những giáo sĩ có thể giảng nhưng không thể cử hành các Bí tích. Kể từ khi trở thành Giáo hoàng, Đức Thánh Cha Phanxicô đã bổ nhiệm hơn một chục phụ nữ vào các vị trí có ảnh hưởng và có vai trò lãnh đạo ở Vatican.
Vào đầu tháng 10, Đức Thánh Cha đã khởi động tiến trình Thượng hội đồng kéo dài hai năm, trong đó các tín hữu sẽ được kêu gọi thảo luận, tranh luận và bày tỏ quan điểm của họ về những vấn đề cấp bách nhất mà Giáo hội Công giáo hiện đang phải đối mặt. Khi các Giám mục Công giáo trên toàn thế giới triệu tập tại Rome vào năm 2023 để bỏ phiếu về các vấn đề được nêu ra trong tiến trình này, chỉ có duy nhất một phụ nữ, Nữ tu Nathalie Becquart, người được Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm làm Thư ký của Thượng hội đồng giám mục, sẽ được phép bỏ phiếu.
Bức thư mà Đức Hồng y Parolin đọc trích dẫn một số bài phát biểu trước đó của Đức Thánh Cha Phanxicô ca ngợi “sự đóng góp không thể thay thế của phụ nữ trong việc xây dựng một thế giới có thể trở thành ngôi nhà cho tất cả mọi người” và khả năng trở nên “cụ thể và biết cách đan kết những sợi dây của sự sống bằng sự kiên nhẫn thầm lặng”.
Chính bằng sự thêu dệt liên tục này, người ta nói rằng phụ nữ thúc đẩy cảm giác về “tinh thần vị tha” có khả năng nhìn xa hơn cách tiếp cận thiển cận chỉ tập trung vào lợi ích trước mắt. Sự đóng góp của phụ nữ là vô cùng cần thiết “trong nỗ lực chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta”.
Trong khi Đức Thánh Cha lưu ý “các đặc điểm tương ứng” của nam giới và phụ nữ, thông điệp của ngài cho biết cả hai giới đều “được mời gọi đón nhận ơn gọi chung của họ là trở thành những người xây dựng xã hội tích cực”.
Bài phát biểu của Đức Thánh Cha kết thúc với lời kêu gọi mạnh mẽ kêu gọi sự giáo dục của mọi trẻ em gái trên thế giới: “Tôi muốn nắm bắt cơ hội này để nhắc lại lời động viên mạnh mẽ rằng tất cả mọi trẻ em gái ở mọi quốc gia phải được tiếp cận với nền giáo dục chất lượng để mỗi người trong số các em có thể phát triển, mở rộng tiềm năng và tài năng của bản thân, đồng thời cống hiến hết mình cho sự phát triển và tiến bộ của các xã hội gắn kết”.
Minh Tuệ (theo America)