Trung Quốc bị lên án vì không cho phép kỷ niệm biến cố Thiên An Môn

  • Tin tức
  • Thứ Sáu, 04-06-2021 | 20:01:26
Thắp nến tưởng niệm trận thảm sát Thiên An Môn tại Hồng Kông hôm 4-6-2012, ghi nhớ năm thứ 23 trận đàn áp dân chủ ở Bắc Kinh (Ảnh: AFP/GettyImages)

Thắp nến tưởng niệm vụ thảm sát Thiên An Môn tại Hồng Kông hôm 4-6-2012, ghi nhớ năm thứ 23 trận đàn áp dân chủ ở Bắc Kinh (Ảnh: AFP/GettyImages)

WASHINGTON – Hôm thứ Năm, một tổ chức nhằm mục đích hỗ trợ phong trào dân chủ và tự do tôn giáo ở Hồng Kông đã lên tiếng phản đối việc Trung Quốc tiếp tục từ chối cho phép người Hồng Kông tổ chức buổi thắp nến cầu nguyện nhân kỷ niệm 32 năm vụ thảm sát tại Quảng trường Thiên An Môn.

Trong cuộc đụng độ năm 1989 giữa những người biểu tình và quân đội Trung Quốc, xe tăng đã lao vào quảng trường chính của thành phố Bắc Kinh và lực lượng quân đội đã nổ súng vào sinh viên đại học và những công dân khác đang kêu gọi cải cách dân chủ. Theo một báo cáo, có tới 10.000 người đã thiệt mạng.

“Đảng Cộng sản Trung Quốc không thể dung thứ cho sự thật về những hành động của họ vào năm 1989 được công nhận ở bất cứ đâu. Ngày nay, người dân Hồng Kông có thể bị bỏ tù một cách bất công, cũng giống như đồng bào của họ ở đại lục, vì đã từ chối phủ nhận lịch sử”, Ủy ban Tự do ở Hồng Kông (CFHK) cho biết trong một tuyên bố vào ngày 3 tháng 6.

“Các nền dân chủ trên thế giới phải phản ứng như thể Hồng Kông là tuyến đầu trong cuộc tấn công của Trung Quốc đối với tự do trên toàn thế giới – bởi vì chính xác là như vậy”.

Ở Trung Quốc, người dân không được phép tổ chức lễ tưởng niệm chính thức “sự kiện vào ngày 4 tháng 6” tại Quảng trường Thiên An Môn, nhưng Hồng Kông từ lâu đã tổ chức lễ tưởng niệm hàng năm để tưởng nhớ các nạn nhân của vụ thảm sát này.

Tuy nhiên, năm 2021 đánh dấu năm thứ hai liên tiếp chính quyền cấm tưởng niệm sự kiện Thiên An Môn ở Hồng Kông, lấy cớ là do các biện pháp hạn chế liên quan đến dại dịch COVID-19.

Giữa bối cảnh của các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ của Hồng Kông, sự kiện thắp nến cầu nguyện này đã trở thành một điểm nhấn; vào năm 2020, hàng nghìn người biểu tình đã bất chấp cảnh sát để tham gia lễ tưởng niệm, thậm chí ngay cả sau khi cảnh sát ra lệnh cấm tụ tập đông người. Đức Cha Joseph Ha, Giám mục phụ tá Địa phận Hồng Kông, đã chủ sự Thánh lễ tưởng niệm vào ngày 4 tháng 6 năm 2020.

Với việc thông qua “luật an ninh quốc gia” vào tháng 7 năm 2020, chính phủ Trung Quốc đã nắm thêm quyền lực để trấn áp các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ ở Hồng Kông, điều mà họ coi như là thách thức trực tiếp đối với quyền lực của mình.

CFHK, ra mắt vào mùa xuân năm 2021, chủ trương “những hậu quả về kinh tế và chính trị đối với việc Trung Quốc không giữ lời hứa về các quyền tự do của Hồng Kông,” cũng như “quyền tự do ngôn luận” trên lãnh thổ hòn đảo.

Ellen Bork, một nhà báo và cựu chiến binh của Thượng viện và Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, người giữ chức vụ Chủ tịch CFHK, phát biểu với CNA rằng việc Trung Quốc tiếp tục đàn áp tự do tôn giáo ở Hồng Kông là một phần của mô hình lớn hơn mà Trung Quốc phải chịu trách nhiệm.

“Người dân và giới truyền thông cần phải biết rằng cuộc đàn áp ở Hồng Kông là một phần và cốt lõi của cuộc đàn áp ngày càng leo thang của Đảng Cộng sản trên khắp Trung Quốc – bao gồm cuộc đàn áp dữ dội đối với các cộng đồng tôn giáo, các tín đồ Hồi giáo, Công giáo, Tin lành và Phật giáo”, bà Ellen Bork phát biểu với CNA.

Bà Bork cho biết một trong những mục tiêu trước mắt của tổ chức là ủng hộ các đề cử của các nhà hoạt động ủng hộ dân chủ ở Hồng Kông cho Giải Nobel Hòa bình, giải thưởng mà bà cho rằng có thể giúp tạo áp lực từ phía cộng đồng quốc tế đối với Trung Quốc.

Martin Lee Chu-ming, 82 tuổi, một luật sư Công giáo, người thành lập Đảng Dân chủ Hồng Kông vào năm 1994, đã được đề cử Giải Nobel Hòa bình vào tháng Hai. Các phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc đã bác bỏ hoàn toàn đề cử này như một “mánh lới chính trị”.

“Giải Nobel Hòa bình cho các nhà lãnh đạo bị cầm tù của phong trào … sẽ tạo áp lực buộc Bắc Kinh phải lùi lại hành động đàn áp ở Hồng Kông và các nơi khác”, bà Bork nói.

Ngoài ra, bà Bork cho biết tổ chức của bà có ý định vận động hành lang chống lại việc Trung Quốc đăng cai Thế vận hội mùa đông năm 2022. Bắc Kinh đăng cai Thế vận hội gần đây nhất vào năm 2008.

“[Tổng bí thư Trung Quốc] Tập Cận Bình sẽ tận dụng Thế vận hội Olympic mùa đông năm 2022 để củng cố tính chính danh của Đảng ở trong và ngoài nước”, bà Bork nói.

“Thế vận hội nên được dời lại, và nếu cần thiết phải được trì hoãn – và Hạ nghị sĩ Jim McGovern, D-Mass., đã đưa ra một lý do mạnh mẽ cho việc này. Ở mức tối thiểu, Hoa Kỳ nên phối hợp với các đồng minh của mình trước các Thế vận hội để đạt được việc trả tự do cho các tù nhân chính trị trên khắp Trung Quốc”.

Ngoài các hành động của mình ở Hồng Kông, Trung Quốc đã hứng chịu sự chỉ trích dữ dội vì cách đối xử tàn bạo với những người Duy Ngô Nhĩ, một nhóm sắc tộc Hồi giáo ở khu vực tự trị phía đông Tân Cương. Trung Quốc đã nhiều lần gán ghép văn hóa và các hoạt động tôn giáo của người Duy Ngô Nhĩ với chủ nghĩa cực đoan và chủ nghĩa ly khai, đồng thời đã giam giữ ít nhất 1 triệu người trong số họ trong các “trại cải tạo”, nơi họ bị tra tấn.

Báo cáo gần đây từ New York Times ghi nhận hàng chục cáo buộc từ những phụ nữ Duy Ngô Nhĩ, những người cho biết rằng họ đã bị giới chức gây sức ép buộc phải phá thai, triệt sản hoặc chấp nhận các biện pháp tránh thai.

Việc đăng cai Thế vận hội là một vinh dự và “không nên được sử dụng bởi một chế độ độc tài nhằm hợp pháp hóa tính chính danh của nó”, bà Bork nói.

Hồng Kông là một đặc khu hành chính của Trung Quốc. Về mặt lịch sử, người dân Hồng Kông phần lớn được hưởng quyền tự do thờ phượng và truyền giáo, trong khi ở Trung Quốc đại lục, có một lịch sử lâu dài về các cuộc đàn áp đối với những người Kitô hữu phản kháng chính quyền.

Trong những năm gần đây, hàng triệu công dân Hồng Kông, trong đó có nhiều người Công giáo, đã tham gia vào các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ quy mô lớn ở Hồng Kông, diễn ra vào mùa hè năm 2019. Bắc Kinh trong những năm gần đây đã thắt chặt kiểm soát đối với lãnh thổ hòn đảo và đàn áp những người bất đồng chính kiến.

Trong tháng 8 năm 2020, một số nhà hoạt động dân chủ nổi tiếng đã bị bắt và buộc tội, trong đó có Agnes Chow, một nhà hoạt động dân chủ Công giáo 23 tuổi. Chow đã thẳng thắn bày tỏ sự ủng hộ của mình đối với quyền công dân ở cựu thuộc địa của Anh.

Cũng trong số những người bị bắt giữ vào hồi tháng 8 còn có ông Jimmy Lai, một nhà điều hành truyền thông Công giáo, người đã ủng hộ phong trào ủng hộ dân chủ ở Hồng Kông trong 30 năm qua. Một nhóm gồm gần 200 cảnh sát đã bắt giữ ông Lai ngày 10/8, cùng với ít nhất 9 người khác có liên hệ với Apple Daily, tờ báo mà ông Lai thành lập vào năm 1995.

Ông Lai đã ủng hộ phong trào ủng hộ dân chủ ở Hồng Kông trong hơn 30 năm và đồng thời cũng cho biết rằng đức tin Công giáo của ông chính là một yếu tố thúc đẩy quan trọng trong hoạt động ủng hộ dân chủ của mình. Hiện ông Lai đã bị kết án 20 tháng tù giam.

Tháng trước, Đức Thánh Cha Phanxicô đã bổ nhiệm Linh mục Stephen Chow Sau-yan, với tư cách là Giám mục Địa phận Hồng Kông, sau hơn hai năm trống tòa.

Vị Giám chức tân cử cho biết trong một cuộc họp báo vào ngày 18 tháng 5 rằng việc ngài có tham dự buổi thắp nến cầu nguyện công khai vào ngày 4 tháng 6 hay không “tùy thuộc vào các yêu cầu pháp lý”.

“Đôi khi trong quá khứ, tôi đã đến và tưởng niệm tại quảng trường công cộng, nhưng có những lần tôi không thể đi, vì vậy tôi đã cầu nguyện”, Đức Cha Stephen Chow Sau-yan nói.

“Tôi cầu nguyện cho Trung Quốc. Tôi cầu nguyện cho tất cả những người đã qua đời vào năm 1989”.

Ủy ban Công lý và Hòa bình của Giáo phận Hồng Kông đã thông báo rằng mỗi nhà thờ sẽ dâng một Thánh lễ cầu nguyện cho những người chết vào đêm ngày 4 tháng Sáu năm 1989.

Minh Tuệ (theo NCR)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube