Trong thời gian coronavirus, người vô gia cư của Rôma tìm nơi ẩn náu gần Vatican

  • Bác ái
  • Chúa Nhật, 29-03-2020 | 19:31:12
Một người đàn ông vô gia cư lớn tuổi đi bộ dọc theo dãy cột của Quảng trường Thánh Phêrô, ngày 15 tháng 3 năm 2020, vài ngày sau khi quảng trường bị đóng cửa với khách du lịch. Ảnh: Andreas Solaro / AFP

Một người đàn ông vô gia cư lớn tuổi đi bộ dọc theo dãy cột của Quảng trường Thánh Phêrô, ngày 15 tháng 3 năm 2020, vài ngày sau khi quảng trường bị đóng cửa với khách du lịch. Ảnh: Andreas Solaro / AFP

Dọc theo hàng cột Bernini hình bán nguyệt bao quanh Quảng trường Thánh Phêrô ở Rôma, nhiều người vô gia cư lang thang vật vờ vào ban ngày và ngủ vùi vào ban đêm, khi khách du lịch và người dân địa phương đi bộ tấp nập ở đó.

Nhưng trong đại dịch coronavirus, khi chính quyền Ý phong toả đất nước, đóng cửa Quảng trường Thánh Phêrô, và ra lệnh cho mọi người ở nhà, những người vô gia cư sẽ có thể đi tìm nơi trú ẩn ở đâu?

Ước tính có khoảng 8.000 người vô gia cư ở Rôma, theo Massimiliano Signifredi, Giám đốc truyền thông của Sant’Egidio, một cộng đồng Công giáo và mạng lưới tình nguyện có trụ sở tại Rôma.

Thật không may, không ai nghĩ đến những người này, ông nói với CNA. Những người này có nguy cơ mắc bệnh, không chỉ vì virus mà còn vì sự cô lập.

Trong số 8.000 người vô gia cư đó, ông giải thích, khoảng 3.000 người sẽ không thể tìm được chỗ ở trong các nhà tạm trú trong thành phố, và thay vào đó, họ chọn sống ở các nhà ga và tại những nơi như Quảng trường Thánh Phêrô, những nơi tiếp tục là chốn ẩn náu cho những người không có nhà.

Trong đại dịch coronavirus, với những đường phố hoang vắng và các quán bar và nhà hàng đóng cửa, những người vô gia cư gặp khó khăn rất lớn, ông Signredred nói. Ngay cả đi vệ sinh cũng là một vấn đề đối với những người vô gia cư; và để rửa tay thường xuyên, như chúng ta nên làm, thì bạn sẽ không thể làm được nếu bạn đang ở ngoài đường.

Một sĩ quan cảnh sát làm việc gần Vatican và nói chuyện với CNA với điều kiện giấu tên, cho biế, một trong những nơi mà nhiều người vô gia cư thường ngủ vào ban đêm, là chỗ bên dưới phòng trưng bày của một trong những tòa nhà gần đó, hiện đang bỏ trống.

Nhưng mé bên ngoài hàng cột Bernini, vẫn có nhiều người thường xuyên ở lại, tất nhiên số lượng có giảm đi đôi chút. Một số người thực sự không muốn đi. Họ thích ở ngoài đó, viên sĩ quan nói, và thêm rằng cảnh sát không thể buộc bất cứ ai đến nơi trú ẩn ngược với mong muốn của anh ta hoặc cô ta.

Mặc dù có nhiều rủi ro hơn, nhưng các dịch vụ dành cho người vô gia cư gần Vatican vẫn tiếp tục không bị gián đoạn, bao gồm các phòng tắm và phòng tắm từ thiện của giáo hoàng, nằm phía dưới và ở giữa dãy cột bên phải và một bức tường của Vatican.

Hiện nay, cứ mỗi sáng, các tình nguyện viên ghi tên của những người muốn sử dụng các cơ sở đó, và cảnh sát cứ theo danh sách mà cho phép những người đó đi vào khu vực, vốn chỉ có thể vào qua lối quảng trường đang đóng kín.

Sant’Egidio và một tổ chức từ thiện Công giáo khác, Caritas Roma, tiếp tục phân phối thực phẩm cho những người có nhu cầu theo lịch trình thông thường của họ.

Tìm được một một bữa ăn là điều đặc biệt khó khăn trong những ngày phong toả vì coronavirus, bởi lẽ không có nhà hàng nào mở cửa rồi đem cho thực phẩm thừa vào cuối ngày, và cũng không có ai qua lại để bố thí một cái gì đó hoặc để cho một vài đồng lẻ, ông Signifredi nói.

“Đối với những người này, chúng tôi đã không gián đoạn việc giao thức ăn của chúng tôi trên đường phố, bởi vì chúng tôi tìm kiếm những người này cả năm”, ông giải thích. “Chúng tôi biết họ đang ở đâu”.

Tháng 11 năm ngoái, Văn phòng của các tổ chức từ thiện Giáo hoàng tại Vatican và Sant’Egidio đã cùng nhau mở một nơi trú ẩn và nhà bếp mới trong một tòa nhà đối diện với dãy nhà của Quảng trường Thánh Phêrô.

Palazzo Migliori có khoảng 30 giường. Ông Signifredi cho biết trước đây mọi người sẽ vào nơi trú ẩn lúc 7 giờ tối, ăn tối, ngủ và rời đi vào khoảng 8giờ sáng hôm sau. Bây giờ, trong cố gắng giúp mọi người tránh xa đường phố ngay cả vào ban ngày, người ta đã kéo dài đáng kể những giờ có thể trú ẩn trong cơ sở này.

“Như vậy, mọi người ở trong ‘nhà’ của họ càng nhiều càng tốt”, ông nói.

Bây giờ khách có thể vào nơi trú ẩn lúc 4:30 chiều, ở lại cho đến sau bữa ăn trưa ngày hôm sau, chỉ phải ở bên ngoài một vài giờ. Họ cũng có thể có được cả ba bữa ăn tại nhà bếp.

Các Nữ tu Thừa sai Bác ái cũng có một trung tâm cho người vô gia cư trên phần đất của Vatican. Một chị nữ tu nói với CNA, cộng đoàn của họ ở Rôma vẫn tiếp tục làm việc và cầu nguyện trong tình hình khẩn cấp coronavirus.

“Chúng tôi tiếp tục làm những gì chúng tôi đang làm, theo các quy tắc và quy định”, vị nữ tu nói.

Ông Signifredi cho biết, nỗi lo lắng chính của những người sống trên đường phố hiện tại là họ sẽ không tìm thấy sự giúp đỡ cần thiết để sống, họ sẽ bị cô lập nhiều hơn.

Họ thấy đường phố trống rỗng và không có ai giúp đỡ họ. Tôi có thể nói với bạn rằng mọi người rất biết ơn khi chúng tôi đi tìm họ.

Ông cho biết, mặc dù các tình nguyện viên đeo khẩu trang, mang găng tay và duy trì khoảng cách một mét giữa họ và những người khác, nhưng khoảng cách vật lý không phải là khoảng cách nhân văn.

Chúng ta nên tiếp tục truyền đạt sự thật rằng họ là bạn bè của chúng ta. Chúng ta không thể bắt tay hay ôm nhau, nhưng chúng ta có thể tiếp tục truyền đạt tình cảm của mình như với một con người. Ngay cả khi đeo mặt nạ, trên mắt bạn vẫn có thể hiện lên một nụ cười, ông nói.

Cộng đồng Sant’Egidio cũng được duy trì nhờ cầu nguyện, ông Signifredi nói, và họ đang cầu nguyện cùng nhau mỗi ngày thông qua internet. Lời cầu nguyện trực tuyến của chúng tôi giúp chúng tôi trụ lại trong thời điểm khó khăn quá lớn này, trong đó chúng tôi mất điểm tham chiếu, trong đó chúng tôi đau khổ vì chúng tôi không thể cầu nguyện cùng nhau, bởi vì chúng tôi không thể cùng nhau cử hành Bí tích Thánh Thể.

Cầu nguyện, ông nói thêm, giúp bạn không nghĩ rằng đây là thời điểm tồi tệ và bạn không thể làm gì, nhưng bạn có thể nhận ra đây thực sự là một chân trời hy vọng.

Hoàng Tiến (theo CNA)

 

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube