Trong Sứ điệp Phục sinh 2024, Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi ngừng bắn ở Gaza và trao đổi tù nhân giữa Nga và Ukraine

Đức Thánh Cha Phanxicô cầu nguyện khi bắt đầu Thánh lễ sáng Chúa Nhật Phục Sinh tại Quảng trường Thánh Phêrô, Vatican vào ngày 31 tháng 3 năm 2024 (Ảnh: CNS/Lola Gomez)

Đức Thánh Cha Phanxicô cầu nguyện khi bắt đầu Thánh lễ sáng Chúa Nhật Phục Sinh tại Quảng trường Thánh Phêrô, Vatican vào ngày 31 tháng 3 năm 2024 (Ảnh: CNS/Lola Gomez)

“Hòa bình không bao giờ được tạo ra bằng vũ khí, nhưng bằng đôi bàn tay dang rộng và trái tim rộng mở”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói trong Sứ điệp Phục sinh – được gọi là Urbi et Orbi cho thành Rôma và thế giới. Đức Thánh Cha kêu gọi các tiến rõ ràng, cụ thể, ngay lập tức mà các nhà lãnh đạo chính trị có thể thực hiện để chấm dứt chiến tranh và mang lại hòa bình cho Thánh địa và Ukraine.

Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi ba hành động nhằm mang lại hòa bình giữa người Israel và người Palestine ở Thánh địa: “Việc tiếp cận viện trợ nhân đạo phải được đảm bảo cho người dân Gaza”, việc “trả tự do nhanh chóng cho các con tin bị bắt giữ vào ngày 7 tháng 10”, và “lệnh ngừng bắn ngay lập tức ở Gaza”. Điều đáng chú ý nữa là Đức Thánh Cha kêu gọi “tôn trọng các nguyên tắc của luật pháp quốc tế” ở cả Ukraine lẫn Ukraine. Điều đáng ngạc nhiên nhất là ngài kêu gọi “một cuộc trao đổi chung tù nhân giữa Nga và Ukraine, tất cả vì lợi ích chung”, một bước đi có thể mở ra con đường chấm dứt cuộc chiến kéo dài hai năm ở Ukraine.

Đức Thánh Cha Phanxicô, hiện đang có phong độ rất tốt sau khi cử hành Đêm Vọng Phục Sinh tại Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô đêm Thứ Bảy Tuần Thánh và chủ sự Thánh lễ Chúa Nhật Phục Sinh tại Quảng trường được trang hoàng đầy hoa sáng Chúa nhật, đã đưa ra những lời kêu gọi này từ ban công trung tâm của Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô vào giữa trưa Chúa Nhật Phục Sinh, ngày 31 tháng 3, sau khi di chuyển qua Quảng trường trên chiếc ‘popemobile’ trước những tràng pháo tay nhiệt liệt và những tiếng reo hò “Viva il Papa!”.

mtc0502

Đức Thánh Cha Phanxicô chia sẻ Sứ điệp Urbi et orbi và ban phép lành từ hành lang trung tâm của Vương cung thánh đường Thánh Phêrô vào ngày 31 tháng 3 năm 2024 (Ảnh: Truyền thông Vatican)

Đức Thánh Cha Phanxicô chia sẻ Sứ điệp Urbi et orbi và ban phép lành từ hành lang trung tâm của Vương cung thánh đường Thánh Phêrô vào ngày 31 tháng 3 năm 2024 (Ảnh: Truyền thông Vatican)

Phát biểu trước đám đông hơn 100.000 người và khán giả toàn cầu ước tính lên tới hơn một tỷ người, ngài nhắc nhở mọi người trên thế giới rằng hòa bình là điều khả thi vì “Chúa Giêsu đã sống lại” từ cõi chết. “Chỉ mình Ngài mới có quyền lăn đi những tảng đá cản đường dẫn đến sự sống” giống như Ngài đã làm vào buổi sáng Chúa Nhật Phục Sinh đầu tiên đó.

“Ngày hôm nay cũng vậy”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói, “những tảng đá lớn, những tảng đá nặng nề, cản trở niềm hy vọng của nhân loại: tảng đá của chiến tranh, tảng đá của cuộc khủng hoảng nhân đạo, tảng đá của những vi phạm nhân quyền, tảng đá của nạn buôn người, cũng như những tảng đá khác”. Giống như các nữ môn đệ của Chúa Giêsu, Đức Thánh cha nói: “Chúng ta cũng hỏi nhau: ‘Ai sẽ lăn tảng đá ra khỏi cửa mộ cho chúng ta?’”.

Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc nhở khán giả toàn cầu về “sự khám phá đáng kinh ngạc của buổi sáng Phục sinh đó” cách đây 2.000 năm tại Giêrusalem, khi “tảng đá, tảng đá khổng lồ, được lăn ra khỏi ngôi mộ của” Chúa Giêsu thành Nazareth, Đấng chịu đóng đinh”, và Ngài “đã trỗi dậy!” từ cõi chết (Mc 16:6).

“Từ đây, mọi thứ bắt đầu lại!”, vị Giáo Hoàng Dòng Tên nói. “Một con đường mới dẫn qua ngôi mộ trống đó: con đường mà không ai trong chúng ta, ngoại trừ Thiên Chúa, có thể mở ra; con đường sự sống giữa cái chết, con đường hòa bình giữa chiến tranh, con đường hòa giải giữa sự hận thù, con đường huynh đệ giữa sự hận thù”.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã tìm cách khích lệ các dân tộc trên thế giới đang thất vọng chán chường trước sự lan rộng của chiến tranh ở Trung Đông, Châu Âu và rất nhiều nơi khác, bằng cách nhắc nhở họ rằng “Chúa Giêsu Kitô đã sống lại!” và “Chỉ mình Ngài mới có quyền lăn đi những tảng đá chặn đường dẫn đến sự sống. Chúa Giêsu, Đấng Hằng Sống, chính là con đường đó. Ngài chính là Con Đường: con đường dẫn đến sự sống, con đường hòa bình, hòa giải và tình huynh đệ”.

“Chúa Giêsu Phục Sinh mở ra con đường đó, điều không thể đối với con người, bởi vì chỉ một mình Ngài xóa tội trần gian và tha tội cho chúng ta. Vì nếu không có sự tha thứ của Thiên Chúa thì hòn đá đó không thể dời đi được. Không có sự tha tội thì không thể vượt qua được những rào cản của sự thành kiến, sự buộc tội lẫn nhau, của việc cho rằng chúng ta luôn đúng và người khác sai. Chỉ có Chúa Kitô phục sinh, khi ban ơn tha tội cho chúng ta, mới mở đường cho một thế giới được đổi mới”.

Khi nói rằng “Chỉ có Chúa Giêsu mới có thể mở ra trước mắt chúng ta những cánh cửa của sự sống, những cánh cửa mà chúng ta liên tục đóng lại do chiến tranh lan rộng khắp thế giới”, Đức Thánh Cha Phanxicô đã thu hút sự chú ý đến nhiều dân tộc đang phải chịu đựng xung đột trong thế giới ngày nay, bắt đầu từ những người ở Thành Thánh Giêrusalem, nơi chứng kiến mầu nhiệm của Cuộc khổ nạn, cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu” và “tất cả các cộng đồng Kitô hữu ở Thánh Địa”.

Đức Thánh Cha cầu nguyện để “Chúa Kitô phục sinh có thể mở ra con đường hòa bình cho các dân tộc bị chiến tranh tàn phá” ở Israel, Palestine và Ukraine. Ngài kêu gọi “tôn trọng các nguyên tắc của luật pháp quốc tế” ở cả hai khu vực.

Sau đó, trong một động thái bất ngờ, Đức Thánh Cha kêu gọi “cuộc trao đổi chung tất cả các tù nhân giữa Nga và Ukraine: tất cả vì lợi ích của tất cả mọi người!”.

Đức Thánh Cha Phanxicô một lần nữa kêu gọi các nhà chức trách ở Israel, mặc dù không nêu tên họ, “để việc tiếp cận viện trợ nhân đạo phải được đảm bảo cho Gaza”, và một lần nữa kêu gọi lãnh đạo Hamas, mặc dù cũng không nêu tên họ, “nhanh chóng trả tự do cho các con tin” bị bắt giữ vào ngày 7 tháng 10 năm ngoái”. Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, Đức Thánh Cha kêu gọi “ngừng bắn ngay lập tức ở Dải Gaza”.

Sau đó, vị Giáo hoàng Dòng Tên nói: “Chúng ta đừng để những hành động thù địch hiện tại tiếp tục gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với dân chúng, đến mức sức chịu đựng của họ đã đến giới hạn, và trên hết là đối với trẻ em. Chúng ta thấy trong mắt họ biết bao đau khổ! Với đôi mắt đó, họ hỏi chúng ta: Tại sao? Tại sao lại có tất cả sự chết chóc này? Tại sao lại có sự tàn phá này?”.

“Chiến tranh luôn là một điều phi lý và là một sự thất bại!”, Đức Thánh Cha nói, “Chúng ta đừng cho phép những làn gió chiến tranh ngày càng mạnh thổi vào Châu Âu và Địa Trung Hải. Chúng ta đừng nhượng bộ logic của vũ khí và tái vũ trang. Hoà bình không bao giờ được tạo nên bằng vũ khí, mà bằng đôi bàn tay dang rộng và trái tim rộng mở”.

dsc0173

Đức Thánh Cha Phanxicô chia sẻ Sứ điệp Urbi et orbi và ban phép lành từ hành lang trung tâm của Vương cung thánh đường Thánh Phêrô vào ngày 31 tháng 3 năm 2024 (Ảnh: Truyền thông Vatican)

Đức Thánh Cha Phanxicô chia sẻ Sứ điệp Urbi et orbi và ban phép lành từ hành lang trung tâm của Vương cung thánh đường Thánh Phêrô vào ngày 31 tháng 3 năm 2024 (Ảnh: Truyền thông Vatican)

Sau đó, Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp tục thu hút sự chú ý toàn cầu đến các cuộc xung đột chưa được giải quyết khác trên thế giới, bắt đầu từ Syria, “trong 14 năm đã phải chịu ảnh hưởng của một cuộc chiến tranh kéo dài và tàn khốc” bao gồm “rất nhiều người chết và mất tích, quá nhiều sự nghèo đói và sự hủy diệt”. Đức Thánh Cha kêu gọi “phản ứng từ phía mọi người và cộng đồng quốc tế” để chấm dứt tất cả những điều này.

Đức Thánh Cha cầu nguyện “một cách đặc biệt” cho Lebanon, “nơi đã có thời gian trải qua sự bế tắc về mặt thể chế và một cuộc khủng hoảng kinh tế và xã hội ngày càng sâu sắc, giờ đây lại tiếp tục trở nên trầm trọng hơn do sự thù địch ở biên giới với Israel”. Ngài cầu xin Chúa Kitô Phục Sinh “an ủi người dân Lebanon thân yêu và nâng đỡ toàn thể đất nước này trong ơn gọi trở thành một vùng đất của sự gặp gỡ, chung sống và đa nguyên”.

Nhận thức được những căng thẳng ở Tây Balkan, Đức Thánh Cha cầu nguyện để “những khác biệt về sắc tộc, văn hóa và tôn giáo không phải là nguyên nhân gây chia rẽ, mà là nguồn mạch của sự phong phú cho toàn thể Châu Âu”.

Như đã làm vào lễ Giáng sinh và hôm Chúa Nhật Phục Sinh cũng vậy, Đức Thánh Cha khuyến khích tiến trình hòa bình giữa Armenia và Azerbaijan, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế giúp họ “theo đuổi đối thoại, hỗ trợ những người phải di tản, tôn trọng những nơi thờ phượng của các tôn giáo khác nhau, và đạt được một thỏa thuận hòa bình dứt khoát càng sớm càng tốt”.

Đức Thánh Cha cũng cầu nguyện cho “tất cả những người ở các nơi khác trên thế giới đang phải chịu đựng bạo lực, xung đột, mất an ninh lương thực và những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu” cũng như cho “các nạn nhân của chủ nghĩa khủng bố”.

Đức Thánh Cha cầu nguyện xin Chúa Kitô Phục sinh giúp đỡ người dân Haiti “chấm dứt các hành vi bạo lực, tàn phá và đổ máu tại đất nước này” và đồng thời “thúc đẩy con đường dẫn đến nền dân chủ và tình huynh đệ”.

Đức Thánh Cha Phanxicô, người đã đến Myanmar và Bangladesh, đã cầu nguyện cho những người Rohingya đang “bị bủa vây bởi một cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng” ở cả hai vùng đất, và đồng thời kêu gọi “một con đường hòa giải ở Myanmar, vốn bị xâu xé trong nhiều năm nay bởi những xung đột nội bộ, để mọi logic bạo lực có thể bị loại bỏ một cách dứt khoát”.

Hướng sự chú ý của mình đến Châu Phi, Đức Thánh Cha cầu nguyện để Chúa Giêsu Phục sinh có thể “mở ra những con đường hòa bình trên lục địa Châu Phi, đặc biệt cho các dân tộc đau khổ ở Sudan cũng như toàn bộ khu vực Sahel, ở vùng Sừng Châu Phi, ở khu vực Kivu tại Cộng hòa Dân chủ Congo và ở tỉnh Capo Delgado ở Mozambique, đồng thời chấm dứt tình trạng hạn hán kéo dài ảnh hưởng đến nhiều khu vực rộng lớn và gây ra nạn đói kém”.

Đức Thánh Cha Phanxicô, con trai của những người di cư, một lần nữa kêu gọi mọi người thể hiện “tình liên đới” với “những người di cư và với tất cả những người đang trải qua thời kỳ khó khăn về kinh tế, đồng thời mang đến cho họ niềm an ủi và hy vọng trong lúc họ cần”.

Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi mọi người tôn trọng “món quà quý giá của sự sống” và đồng thời đề cập đến việc điều này thường bị coi thường vì trẻ em “không được phép sinh ra” hoặc “chết vì đói” hoặc “không được chăm sóc thiết yếu hoặc là nạn nhân của vấn nạn lạm dụng và bạo lực” hoặc trở thành “đối tượng của nạn buôn người”. Đức Thánh Cha kêu gọi những người có “trách nhiệm chính trị nỗ lực làm mọi cách trong việc chống lại tai họa của vấn nạn buôn người”.

Đức Thánh Cha kết lời bằng lời cầu chúc: “Cầu chúc anh chị em Lễ Phục Sinh an lành thánh đức!”, và sau đó ban phép lành cho tất cả mọi người đang lắng nghe.

Minh Tuệ (theo America)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube