Triển lãm trực tuyến nhấn mạnh sự kiên vững của đức tin Kitô giáo Armenia

Hình ảnh Nhà thờ Chúa Cứu Thế bị hư hại ở Shusha, Azerbaijan, ngày 8 tháng 10 năm 2020, sau khi bị pháo kích trong một cuộc xung đột quân sự. Tổng giám mục Armenia Raphael Minassian đang cầu xin sự giúp đỡ của châu Âu trong việc thúc đẩy Armenia và Azerbaijan ngừng bắn trong cuộc xung đột về Nagorno-Karabakh. (Nguồn: CNS photo / David Ghahramanyan, NKR InfoCenter / PAN qua Reuters)

Hình ảnh Nhà thờ Chúa Cứu Thế bị hư hại ở Shusha, Azerbaijan, ngày 8 tháng 10 năm 2020, sau khi bị pháo kích trong một cuộc xung đột quân sự. Đức Tổng Giám mục Armenia Raphael Minassian đang kêu gọi sự giúp đỡ của châu Âu trong việc thúc giục Armenia và Azerbaijan ngừng bắn trong cuộc xung đột về khu vực Nagorno-Karabakh (Ảnh: CNS/ David Ghahramanyan, NKR InfoCenter / PAN qua Reuters)

NEW YORK – Chưa đầy một tháng sau khi hai quả tên lửa làm hư hại đáng kể Nhà thờ Chính Tòa Ghazanchetsots ở thị trấn Shusha của Armenia vào tháng 10 năm ngoái, Hovik Hovsepyan và Mariam Sargsyan đã đứng trước bàn thờ trong ngôi Thánh đường và thành hôn với nhau giữa đống đổ nát.

“Chúng tôi nhận ra rằng việc tiếp tục kế hoạch đám cưới sẽ là thông điệp của chúng tôi để nói lên rằng bất chấp các vụ đánh bom, ngôi Thánh đường của chúng tôi sẽ không bao giờ mất đi sự thánh thiêng và giá trị của nó”, Sargsyan chia sẻ, và đồng thời thừa nhận rằng họ lo lắng có thể bị đánh bom khi ở bên trong.

Cặp đôi đã kể câu chuyện của họ như một phần của Nhà thờ Ghazanchetsots trong một cuộc triển lãm trực tuyến mới, độc quyền từ Bảo tàng Kinh Thánh có tiêu đề, “Đức tin lâu đời: Các nhà thờ ở Nagorno-Karabakh”, có bảy thánh địa của Kitô giáo Armenia ở khu vực Nagorno-Karabakh, được người dân Armenia biết đến trong lịch sử là “Artsakh”.

Đây là cuộc triển lãm hoàn toàn trực tuyến đầu tiên do bảo tàng sáng kiến. Tiến sĩ Jeffrey Kloha, Giám đốc Bảo tàng Kinh Thánh, phát biểu với Crux rằng ông hy vọng cuộc triển lãm sẽ làm sáng tỏ giá trị của những di tích lịch sử Kitô giáo này và mối nguy hiểm mà họ phải đối mặt.

“Chúng tôi quyết định thực hiện một câu chuyện thực sự quan trọng và một điều gì đó mà người dân Mỹ có thể không biết. Theo nhiều cách, đó là mô hình thu nhỏ của các vấn đề trong khu vực có những địa điểm này đang gặp rủi ro, những di tích này đang bị đe dọa, và những người mất quyền tiếp cận những địa điểm mà họ đã từng thờ phượng trong một thời gian dài”, Tiến sĩ Kloha nói.

Trên thực tế, cuộc triển lãm ban đầu được cho là chỉ có một vài hình ảnh trước khi tên lửa tấn công Nhà thờ Ghazanchetsots – còn được gọi là Nhà thờ Chúa Cứu Thế – và tình hình quân sự đã trở đầy bất ổn. Đó là khi Tiến sĩ Kloha cho biết các nhà lập kế hoạch đã chuyển đổi để biến nó thành một dự án lớn hơn nhiều, không chỉ với hình ảnh về các địa điểm cũng như những video kể về những câu chuyện cá nhân của anh chị em giáo dân trong khu vực.

“Chúng tôi hy vọng rằng nó có tác động rộng rãi nhằm nâng cao nhận thức của mọi người về vấn đề này và các địa điểm này nói riêng”, Tiến sĩ Kloha nói. “Một đằng là ngắm nhìn những di tích tuyệt vời này, nhưng điều chúng tôi thực sự muốn truyền tải đó là đây không chỉ là những tòa nhà cũ kỹ và chúng không chỉ là mối bận tâm về khảo cổ học hay lịch sử của nhiều thế kỷ trước, mà còn là những địa điểm thờ phượng còn đang tồn tại và hoạt động cho những người mà chính họ đã phải đối mặt với chiến tranh”.

Tháng 9 năm ngoái, một cuộc xung đột kéo dài giữa Armenia và Azerbaijan liên quan đến vùng Nagorno-Karabakh đã nổ ra. Kết thúc sáu tuần giao tranh, hai bên đã mất tổng cộng hơn 5.000 quân. Và Azerbaijan đã giành được lãnh thổ ở khu vực Nagorno-Karabakh theo thỏa thuận hòa bình được ký kết vào ngày 10 tháng 11 giữa Armenia, Azerbaijan và Nga.

Nagorno-Karabakh được quốc tế công nhận là Azerbaijan, mặc dù những người sắc tộc Armenia đã điều hành khu vực này kể từ năm 1994. Armenia đa số theo Kitô giáo trong khi Azerbaijan đa số theo Hồi giáo.

Các tên lửa đã bắn trúng Nhà thờ Ghazanchetsots vào ngày 8 tháng 10, mặc dù không bên nào thừa nhận lỗi này. Tính đến tháng 5 này, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc vẫn đang xin phép Azerbaijan để được đến viếng thăm ngôi Thánh đường và các di sản khác ở Nagorno-Karabakh trong nhiệm vụ bảo tồn. Vài tháng sau, các báo cáo trong những tuần gần đây cho thấy căng thẳng lại tiếp tục gia tăng giữa hai bên.

Các địa điểm khác có trong triển lãm đó là:

– Amaras – Một tu viện và mộ phần của cháu trai Thánh Gregory, Thánh Grigoris

– Tzitzernavank – ngôi Vương Cung Thánh Đường Kitô giáo đầu tiên

– Phiến đá điêu khắc Mẹ và Hài nhi Handaberd – Một “khachkar”, hay đá có hình Thánh giá, một hình thức nghệ thuật mang tính biểu tượng và là biểu tượng của bản sắc tôn giáo Armenia và nghề thủ công

– Dadivank – Một địa danh tôn giáo và khu phức hợp tranh khảm còn nguyên vẹn từ thế kỷ 13

– Gandzasar – Ngôi Thánh đường từ thế kỷ 13 được coi như là viên ngọc quý của kiến trúc Armenia

– Tzar – Một tòa nhà trường học được xây dựng trong thời kỳ Xô Viết từ các di tích Armenia bị tàn phá và được tái chế trong thời kỳ Xô Viết

Như là một phần của cuộc triển lãm, mỗi địa điểm đều có một thư viện ảnh và video kể về câu chuyện cá nhân của một giáo dân địa phương. Tiến sĩ Kloha cho biết các video này “rất quan trọng để giúp mọi người hiểu rằng những địa điểm này được bảo tồn bởi những người có đức tin, và do đó những địa điểm này đã truyền cảm hứng cho tất cả mọi người và giúp họ kiên trì đối mặt với sự khó khăn kinh khủng”.

Ví dụ, video về Amaras mô tả Cha Geghard Hovhannisyan, Bề trên Tu viện, đi bộ bên trong các bức tường của Tu viện, kể về lịch sử và tầm quan trọng cá nhân của nó.

“Thiên Chúa đã trao phó cho mỗi chúng ta một sứ mạng trong suốt cuộc đời của chúng ta trên thế giới này, một lời kêu gọi cho mỗi chúng ta, về sứ mạng và đường hướng của chính mình”, Cha Hovhannisyan nói. “Tôi sẽ hoàn thành công việc của mình ở đây. Tâm hồn tôi sẽ mãi mãi gắn bó với Artsakh và Amaras”.

Toàn bộ cuộc triển lãm trực tuyến là tiền thân của một cuộc triển lãm trực tiếp lớn hơn “Kinh Thánh tại Armenia” mà bảo tàng đang chuẩn bị cho tháng 3 năm 2022. Tiến sĩ Kloha gọi đó là “câu chuyện thích hợp đáng để chúng ta chú ý”. Và đồng thời ghi nhận thực tế là không nhiều người Mỹ biết lịch sử của các Kitô hữu Armenia, vốn chính thức là quốc gia Kitô giáo đầu tiên vào thế kỷ thứ 4.

“Một phần mục tiêu của chúng tôi tại Bảo tàng Kinh Thánh đó là thể hiện tác động của Kinh Thánh trên toàn thế giới”, Tiến sĩ Kloha phát biểu với Crux. “Đây là một dân tộc đã duy trì bản sắc Kitô giáo của mình và theo nhiều cách, đã đấu tranh vì điều đó, nhưng vẫn duy trì bản sắc Kitô giáo đó trong nhiều thế kỷ”.

Minh Tuệ (theo Crux)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube