Đức Thánh Cha Phanxicô đã tổ chức một cuộc họp báo kéo dài một tiếng trên chuyến bay từ Mông Cổ trở về Rôma vào ngày 4 tháng 9, trả lời các câu hỏi liên quan đến chuyến viếng thăm Mông Cổ của ngài, mối quan hệ Trung Quốc-Vatican và sứ mệnh chưa hoàn thành của Đức Hồng Y Matteo Zuppi tại Bắc Kinh.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã làm sáng tỏ những bình luận gần đây với giới trẻ Công giáo Nga ở St. Petersburg khiến người Ukraine rất khó chịu, nói về Thông điệp “Laudato Si’” cập nhật sẽ được phát hành vào ngày 4 tháng 10, và khi được hỏi về khả năng đến thăm Việt Nam, Đức Thánh Cha tiết lộ rằng việc thực hiện các chuyến Tông du nước ngoài đã trở nên khó khăn hơn đối với ngài.
Đức Thánh Cha cũng đã trả lời một số câu hỏi về Thượng Hội đồng Giám mục vào tháng 10 tới và đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải đảm bảo sự riêng tư của tiến trình để cho phép các tham dự viên tham gia được tự do phát biểu. Đức Thánh Cha tuyên bố rằng một ủy ban của Thượng Hội đồng sẽ cung cấp cho giới truyền thông thông tin mỗi ngày nhưng không cung cấp những đàm luận về những xung đột diễn ra trong các cuộc họp.
Về quan hệ Trung Quốc và Vatican
Cho rằng Trung Quốc đã tác động một cách rất đáng kể và tiêu cực đến chuyến viếng thăm Mông Cổ của Đức Thánh Cha Phanxicô, ngài đã được hỏi về tình trạng hiện tại của mối quan hệ Trung Quốc-Vatican trong bối cảnh Bắc Kinh cấm tất cả các giám mục Trung Quốc, cũng như các tín hữu, đến thăm Mông Cổ nhân chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha.
Trong câu trả lời của mình, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tránh đề cập đến việc Bắc Kinh cấm các mang tính “tôn trọng”, ngay cả khi đó không phải là từ mà hầu hết các nhà quan sát và nhiều người trong Giáo hội sẽ chọn.
Đức Thánh Cha đã nói về cuộc đối thoại đang diễn ra giữa hai bên liên quan đến việc đề cử các giám mục theo thỏa thuận tạm thời được ký kết tại Bắc Kinh vào tháng 9 năm 2018, mặc dù Bắc Kinh đã hai lần vi phạm thỏa thuận đó. Ngài cũng nhấn mạnh thực tế rằng các trí thức Công giáo đã được mời đến các trường đại học ở Trung Quốc đại lục để giảng dạy ở đó.
Đức Thánh Cha nhấn mạnh sự cần thiết phải “tiến lên nhiều hơn nữa trong khía cạnh tôn giáo để hiểu biết nhau hơn”, để người dân Trung Quốc không còn nghĩ rằng người Công giáo Trung Quốc phải chịu sự chi phối của các thế lực ngoại bang.
Câu trả lời của Đức Thánh Cha Phanxicô cho câu hỏi này tiết lộ rằng Đức Thánh Cha mong muốn tình hình dịu đi và tiến về phía trước với hy vọng có một cuộc đối thoại mang tính xây dựng hơn với Bắc Kinh.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã và đang khám phá những cách thức để tạo ra một bầu không khí, thông qua các hành động nhân đạo cụ thể, nhằm chấm dứt chiến tranh ở Ukraine. Đức Thánh Cha đã bổ nhiệm Đức Hồng y Matteo Zuppi người Ý làm Đặc phái viên hòa bình của mình và cử ngàiđến Kyiv, Moscow và Washington. Đức Hồng Y Zuppi đang chờ đợi Bắc Kinh mở cửa chào đón ngài. Khi được hỏi khi nào Đức Hồng Y Zuppi có thể gặp gỡ chính quyền ở Trung Quốc, Đức Thánh Cha Phanxicô không đưa ra dấu hiệu nào về việc khi nào Đức Hồng Y Zuppi có thể được bật đèn xanh.
Làm sáng tỏ những nhận xét của mình với giới trẻ Công giáo Nga
Đức Thánh Cha Phanxicô đã khiến người dân Ukraine vô cùng tức giận khi kết thúc cuộc hội nghị truyền hình với giới trẻ Công giáo Nga ở St. Petersburg bằng cách khuyến khích họ trân trọng và bảo vệ di sản của mình từ “mẹ Nga” và từ thời của Peter Đại đế và Catherine Đại đế. Đức Thánh Cha đã bị cáo buộc ủng hộ chủ nghĩa đế quốc Nga.
Khi được hỏi tại sao lại chọn nói những điều đó, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đưa ra một câu trả lời dài, trong đó Đức Thánh Cha tuyên bố một cách rõ ràng rằng ngài đã nghĩ đến chiều kích văn hóa và nhân văn của thời kỳ lịch sử đó, chứ không phải đến chiều kích chính trị hay đế quốc. Đức Thánh Cha cho biết rằng khi nói những lời đó, ngài đang nghĩ đến nền văn học, nghệ thuật và âm nhạc tuyệt vời của Nga. Đức Thánh Cha thừa nhận rằng thật sai lầm khi nhắc đến “nước Nga vĩ đại” vào thời điểm này, nghĩa là trong khi cuộc chiến đang diễn ra với chính cái tên đó.
Trả lời câu hỏi của nhà báo, Đức Thánh Cha nói: “Bạn đề cập đến chủ nghĩa đế quốc, nhưng tôi không nghĩ đến chủ nghĩa đế quốc mà nghĩ về văn hóa và việc truyền bá văn hóa, vốn không bao giờ mang tính đế quốc…mà luôn mang tính đối thoại. Đúng là có những kẻ đế quốc muốn áp đặt ý thức hệ của họ, nhưng khi một nền văn hóa chuyển thành một ý thức hệ thì đó là chủ nghĩa đế quốc; đó là một nền văn hóa được chắt lọc thành một ý thức hệ”.
Đức Thánh Cha nói: “Ở đây người ta phải phân biệt giữa văn hóa của một dân tộc và khi nào nó trở thành một ý thức hệ. Tôi nói điều này cho tất cả mọi người và cho Giáo hội, bởi vì điều này cũng xảy ra trong Giáo hội. Và điều đó xảy ra với chủ nghĩa đế quốc vốn củng cố nền văn hóa và biến nó thành một ý thức hệ”.
Cũng trong Giáo hội, Đức Thánh Cha nói, “chúng ta phải phân biệt giữa Giáo lý và ý thức hệ. Giáo lý không bao giờ mang tính ý thức hệ, nhưng nó trở thành ý thức hệ khi xa rời thực tế và xa rời con người”.
Một chuyến viếng thăm Việt Nam?
Đức Thánh Cha Phanxicô đã được hỏi liệu ngài có đến thăm Việt Nam hay không vì thực tế là mối quan hệ của Tòa Thánh với Việt Nam đã phát triển theo hướng rất tích cực trong những năm qua và có một bước tiến đáng kể trong thời gian gần đây. Các tín hữu Công giáo Việt Nam từ lâu đã mong muốn Đức Thánh Cha đến thăm họ và quê hương của họ.
Đức Thánh Cha Phanxicô xác nhận rằng “cuộc đối thoại giữa Tòa Thánh và Việt Nam là một trong những cuộc đối thoại rất có giá trị mà Giáo hội đã thực hiện trong thời gian gần đây”. Cả hai bên “có thiện chí hiểu nhau và tìm ra con đường phía trước. Có những vấn đề nhưng ở Việt Nam tôi thấy sớm muộn gì cũng khắc phục được”.
Đức Thánh Cha nhắc lại rằng Chủ tịch nước Việt Nam đã đến thăm ngài tại Vatican và “chúng tôi đã trò chuyện một cách cởi mở”. Ngài cũng nhớ lại rằng cách đây vài năm, một nhóm nghị sĩ từ Việt Nam đến và “rất tôn trọng vì đó là cách làm việc của họ”.
“Họ là một nền văn hóa cởi mở và với Việt Nam, tôi có thể nói rằng có một cuộc đối thoại cởi mở”, Đức Thánh Cha nói.
Về chuyến viếng thăm Việt Nam, Đức Thánh Cha Phanxicô mỉm cười trả lời: “Nếu tôi không đi, chắc chắn Đức Gioan XXIV sẽ đi. Chắc chắn sẽ có một chuyến Tông du vì đó là vùng đất đáng để phát triển và tôi hết sức đồng tình”.
Đức Thánh Cha xác nhận rằng ngài sẽ đến Marseilles [vào ngày 23 tháng 9] và “có lẽ một chuyến đi khác ở Châu Âu”. Trước đây, Đức Thánh Cha từng đề cập đến Kosovo như một khả năng, nhưng lần này thì không.
Đức Thánh Cha Phanxicô, người sẽ 87 tuổi vào ngày 17 tháng 12, cho biết: “Hiện nay, việc thực hiện các chuyến Tông du đối với tôi không còn dễ dàng như lúc đầu; có những hạn chế, bao gồm cả việc đi lại”.
Thượng Hội đồng và sự phân cực về ý thức hệ
Khi được hỏi làm thế nào sự phân cực về ý thức hệ có thể được giải quyết tại Thượng Hội đồng, vì tiến trình sẽ được giữ bí mật, Đức Thánh Cha Phanxicô trả lời: “Không có chỗ trong Thượng Hội đồng dành cho các ý thức hệ. Đó là một động lực khác; Thượng Hội đồng là cuộc đối thoại của những người đã được rửa tội, của các thành viên Giáo hội trong cuộc đối thoại với thế giới và những vấn đề mà nhân loại ngày nay phải đối mặt”.
“Nhưng khi người ta suy nghĩ trong khuôn khổ ý thức hệ thì Thượng Hội đồng kết thúc. Không có chỗ nào trong Thượng Hội đồng dành cho ý thức hệ”, Đức Thánh Cha nói. “Có một nơi để đối thoại và đối chất giữa anh chị em, và đối chất với nhau về những ưu tiên”.
Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng “tính hiệp hành không phải do tôi đưa ra, nó xuất phát từ Đức Phaolô VI. Khi Công đồng Vatican II kết thúc, ngài lưu ý rằng Giáo hội ở phương Tây đã mất đi chiều kích hiệp hành. Các Giáo hội Đông phương thì có điều đó”.
Vì lý do này, Đức Thánh Cha nói, “Đức Phaolô VI đã thành lập Văn phòng Thư ký của Thượng Hội đồng Giám mục trong hơn 60 năm qua đã tiến hành việc suy tư trong Giáo hội [về nhiều vấn đề khác nhau] theo cách thức hiệp hành”.
Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc lại rằng vào dịp kỷ niệm 50 năm quyết định của Đức Phaolô VI, “Tôi đã xuất bản một tài liệu và tôi kết luận rằng việc tổ chức một Thượng Hội đồng về Hiệp hành là rất thích hợp. Đó không phải là một mốt thời trang, đúng hơn đó là một diều gì đó cổ xưa vì Giáo hội Đông phương đã gìn giữ nó”.
Đức Thánh Cha Phanxicô khẳng định rằng tiến trình Thượng Hội Đồng sẽ không được công khai. “Chúng ta phải bảo vệ sự riêng tư”, Đức Thánh Cha nói. “Đây không phải là một chương trình truyền hình nơi chúng ta bàn về tất cả mọi thứ; đó là khoảnh khắc tôn giáo, đây là thời điểm của các cuộc trao đổi tôn giáo”.
Đức Thánh Cha cho biết mỗi thành viên Thượng Hội đồng sẽ phát biểu trong ba hoặc bốn phút và sau đó sẽ có một khoảng thời gian thinh lặng để cầu nguyện, một khoảnh khắc cầu nguyện. “Nếu không có ý thức cầu nguyện này thì không có tính hiệp hành”, Đức Thánh Cha nói. “Điều đó mang tính chính trị, đó là chủ nghĩa nghị viện, nhưng Thượng Hội đồng không phải là quốc hội”.
Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Sẽ có một ủy ban, do ông Paolo Ruffin, Tổng Trưởng Bộ Truyền thông] chủ trì, sẽ đưa ra các thông cáo báo chí về tiến trình của Thượng Hội đồng, nhưng trong Thượng Hội đồng, chúng ta phải bảo vệ lòng mộ đạo và danh tính của người nói”.
Về việc phản đối Thượng Hội đồng
Một nhà báo nói với Đức Thánh Cha Phanxicô: “Thượng Hội đồng này không chỉ khơi dậy nhiều sự tò mò hiếu kỳ và quan tâm mà còn gây ra nhiều sự phản đối và chỉ trích”. Ông đề cập đến một cuốn sách đang được lưu hành trong giới Công giáo mà Đức Hồng Y Raymond Burke người Hoa Kỳ đã viết trong phần giới thiệu rằng Thượng Hội đồng sẽ là “chiếc hộp Pandora” sẽ mang đến tai họa cho Giáo hội.
Nhà báo hỏi liệu Đức Thánh Cha có tin rằng sự phân cực rõ ràng này đe dọa công việc của Thượng Hội đồng hay không. Đức Thánh Cha Phanxicô đã trả lời bằng cách nhắc lại rằng cách đây vài tháng ngài đã gọi điện cho một vị Bề trên Dòng Nữ Cát Minh, và vị Nữ tu đã nói với ngài rằng: “Thưa Đức Thánh Cha, chúng con sợ Thượng Hội đồng sẽ thay đổi Giáo lý”.
Đức Thánh Cha nói với vị Nữ tu: “Nếu Sơ tiếp tục với những ý tưởng này, Sơ sẽ tìm thấy ý thức hệ. Luôn luôn, khi trong Giáo hội người ta tách rời khỏi hành trình hiệp thông thì ý thức hệ xuất hiện…. Nhưng đó không phải là Giáo lý Công giáo đích thực có trong Kinh Tin Kính. Giáo lý chân chính của Giáo hội Công giáo gây ra sự chướng tai gai mắt, cũng như ý tưởng rằng Thiên Chúa làm người và việc Đức Maria trọn đời đồng trinh cũng gây ra sự chướng tai gai mắt. Giáo lý Công giáo đích thực gây tai tiếng, nhưng ý thức hệ được chắt lọc không gây chướng tai gai mắt”.
Một nhà báo khác hỏi Đức Thánh Cha: “Làm thế nào các nhà báo chúng con có thể giải thích về Thượng Hội đồng cho mọi người mà không được tiếp cận ít nhất các phiên họp toàn thể để chắc chắn rằng thông tin cung cấp cho chúng con là đúng sự thật. Không có khả năng nào để cởi mở hơn sao?”.
Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh rằng Thượng Hội đồng sẽ “cởi mở nhất”, đồng thời cũng cho biết thêm rằng ủy ban của ông Ruffini sẽ cung cấp thông tin cập nhật mỗi ngày về tiến trình. “Ủy ban này sẽ rất tôn trọng phát biểu đóng góp của mỗi tham dự viên”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói, “nhưng ủy ban sẽ tìm cách không nhường chỗ cho những lời đàm tiếu khi cung cấp thông tin về tiến trình của Thượng Hội đồng, vốn mang tính chất cấu thành đối với Giáo hội. Nếu ai đó muốn biết tin người này đụng độ với người kia thì đó là chuyện ngồi lê đôi mách”.
Đức Thánh Cha thừa nhận rằng ủy ban sẽ có một nhiệm vụ không dễ dàng, “nhưng nó sẽ cho biết rằng Thượng Hội đồng đã diễn ra theo cách thức này hiện nay, nó sẽ cung cấp một chiều hướng hiệp hành chứ không phải chiều hướng chính trị”.
“Hãy nhớ nhân vật chính của Thượng Hội đồng là Chúa Thánh Thần”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói, “và người ta giải thích điều này bằng cách truyền tải các diễn biến của Giáo hội”.
Bản cập nhật của Thông điệp “Laudato Si’”
Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết “bản cập nhật” của ngài của Thông điệp “Laudato Si’” sẽ được xuất bản vào ngày 4 tháng 10, Lễ Thánh Phanxicô Assisi. Đức Thánh Cha gọi đây là bản đánh giá về những gì đã xảy ra kể từ cuộc họp của Liên hợp quốc về vấn đề biến đổi khí hậu ở Paris vào năm 2015. Bản sửa đổi sẽ xem xét “một số điều chưa được lắng nghe” đã xuất hiện từ nhiều cuộc họp khác nhau của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu.
“Nó không bao quát như ‘Laudato Si’, nhưng nó tiếp nối ‘Laudato Si’…và nó đưa ra một phân tích về tình hình hiện tại”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói.
Minh Tuệ (theo America)