Trái tim mục tử

Con tim của các mục tử là con tim bị xuyên thấu bởi tình yêu Thiên Chúa. Chính vì thế, các mục tử không còn đăm đăm vào bản thân mình nữa, nhưng hướng về Thiên Chúa và đoàn chiên của mình. Đó không phải là một “con tim bị dao động” hay bị cuốn hút bởi những ý tưởng nhất thời, hoặc bỏ qua những bất đồng để tìm kiếm những thỏa mãn nhỏ nhen. Trái lại, đó là một con tim được bám rễ sâu vào Thiên Chúa, được Chúa Thánh Thần đốt nóng, để luôn sẵn sàng rộng mở giúp đỡ tha nhân.

(Đức Thánh Cha Phanxicô)

Thứ Sáu ngày 3/6, tại quảng trường Thánh Phêrô (Rôma), Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành thánh lễ cầu nguyện cho các linh mục nhân dịp Ngày Năm thánh Lòng thương xót dành cho các linh mục.

Trong bài giảng, Đức Thánh Cha đã giúp các linh mục chiêm ngắm Trái Tim đầy thương xót của Mục Tử Nhân Lành và mời gọi các ngài để cho con tim mục tử của mình được nung nấu bởi tình yêu mục tử của Chúa Kitô.

Đức Thánh Cha nói:

“Khi cử hành Ngày Năm Thánh dành cho các linh mục nhân dịp lễ kính Thánh Tâm Chúa Giêsu, chúng ta được mời gọi nhìn lại con tim, tức là nội tâm, nguồn cội sâu xa nhất của đời sống con người, nòng cốt của đời sống tình cảm, hay nói một cách vắn tắt nhất, là chính cốt lõi của con người. Và hôm nay, chúng ta hãy cùng chiêm ngắm 2 con tim: Trái Tim của Vị Mục Tử nhân lành và trái tim của chúng ta với tư cách là những mục tử.

Trái tim của Vị Mục Tử Nhân Lành không chỉ cho chúng ta thấy Lòng thương xót vô biên của Ngài, nhưng tự bản chất, trái tim ấy chính là suối nguồn Lòng thương xót. Chính tại nơi đó, tình yêu của Chúa Cha được tỏ lộ; ở nơi đó, với tất cả những yếu đuối tội lỗi và những giới hạn của tôi, tôi xác tín rằng tôi được Thiên Chúa mời gọi và được yêu thương. Chiêm ngắm Trái Tim ấy, tôi canh tân tình yêu thưở ban đầu của tôi: kí ức về khoảnh khắc Thiên Chúa đánh động tâm hồn tôi và mời gọi tôi bước theo Ngài, kí ức về niềm vui của việc được mời gọi thả lưới cuộc đời mình qua việc rao giảng Lời Chúa, ‘Vâng lời Thầy, con xin thả lưới’ (Lc 5,5).

Trái Tim của Vị Mục Tử Nhân Lành cho chúng ta biết rằng tình yêu của Ngài là vô bờ bến; tình yêu ấy không hề lụi tàn và sẽ không bao giờ bỏ rơi chúng ta. Ở nơi Trái Tim ấy, chúng ta cảm nhận được sự tự hiến đến tột cùng của Người; cũng chính nơi Thánh Tâm ấy, chúng ta không ngừng khám phá ra rằng Chúa Giêsu đã yêu thương chúng ta, “Ngài yêu chúng ta đến cùng” (Ga 13,1).

Trái Tim của Vị Mục Tử Nhân Lành đã chạm đến chúng ta, nhất là những ai đang cách xa Ngài. Trái Tim của Ngài như một chiếc kim la bàn luôn hướng về chúng ta, ở nơi đó, chúng ta cảm nhận được một sự ‘yếu đuối’ đặc thù nơi tình yêu của Ngài – Đấng muốn ôm trọn lấy hết thảy chúng ta và không muốn để cho một ai phải hư mất.

Khi chiêm ngắm Trái Tim Chúa Giêsu, chúng ta đối diện với một câu hỏi căn bản về đời sống linh mục của chúng ta: con tim của tôi hướng về đâu? Sứ vụ của chúng ta thường đầy những hoạch định và những công việc khác nhau: từ việc giảng dạy cho đến việc phụng vụ, các công việc bác ái, những dấn thân mục vụ và cả những công việc hành chánh nữa. Giữa vô số những hoạt động ấy, chúng ta vẫn luôn phải chất vấn bản thân mình: con tim của tôi gắn chặt vào đâu, con tim của tôi đang hướng về đâu, và đâu là kho tàng mà tôi đang tìm kiếm? Vì Chúa Giêsu đã nói: “Kho tàng của anh ở đâu, thì tâm hồn anh ở đó” (Mt 5,21).

Có 2 thứ quý giá nhất nơi Thánh Tâm Chúa Giêsu, đó là: Chúa Cha và loài người chúng ta. Hằng ngày, Chúa Giêsu đã dành thời gian cầu nguyện cùng Chúa Cha và gặp gỡ dân chúng. Chính vì vậy, con tim của những người mục tử của Chúa Kitô cũng chỉ có 2 chiều hướng: đó là dành cho Thiên Chúa và đoàn chiên mà Ngài trao phó. Con tim của các mục tử là con tim bị xuyên thấu bởi tình yêu Thiên Chúa. Chính vì thế, các mục tử không còn đăm đăm vào bản thân mình nữa, nhưng hướng về Thiên Chúa và đoàn chiên của mình. Đó không còn là một “con tim bị dao động” hay bị cuốn hút bởi những ý tưởng nhất thời hoặc bỏ qua những bất đồng để tìm kiếm những thỏa mãn nhỏ nhen. Trái lại, đó là một con tim được bám rễ sâu vào Thiên Chúa, được Chúa Thánh Thần đốt nóng, để luôn sẵn sàng rộng mở giúp đỡ tha nhân.

Để giúp con tim chúng ta luôn được nung nấu bởi tấm lòng hiền lành và khiêm nhường của Chúa Giêsu – vị Mục Tử nhân lành – chúng ta có thể đào luyện 3 hành động được gợi ý từ các bài đọc của thánh lễ hôm nay. Đó là tìm kiếm, hòa mình và vui mừng.

Thứ nhất là tìm kiếm.

Ngôn sứ Êdêkiel nhắc nhở chúng ta rằng chính Thiên Chúa là Đấng tìm kiếm các con chiên của Ngài (Ed 34,11.16). Tin Mừng cho biết: Ngài ”đi tìm con chiên lạc” (Lc 15,4), bất chấp những rủi ro. Ngài không do dự phiêu lưu ra ngoài những cánh đồng cỏ và bất kể ngày giờ. Ngài không bao giờ thôi tìm kiếm. Ngài không bao giờ có lối suy nghĩ: “Hôm nay như vậy đủ rồi; thôi mai ta tính tiếp”. Thay vào đó, Ngài lập tức lên đường tìm kiếm, một khi chưa tìm thấy con chiên lạc thì trái tim Ngài thổn thức lo lắng không yên. Nhưng khi tìm được con chiên lạc ấy rồi, Ngài quên hết mọi mệt nhọc và vác chiên trên vai, lòng vui mừng khôn tả.

Đó là con tim của người biết đi tìm kiếm con chiên của mình: một con tim không tư hữu hóa thời gian và không gian, không muốn yên vị trong những phút thảnh thơi chính đáng của mình, không bao giờ đòi cho mình cái quyền không bị người khác làm phiền. Người mục tử noi gương Vị Mục Tử Nhân Lành không bao giờ bảo vệ sự thoải mái riêng tư của mình, không bận tâm trong việc bảo vệ thanh danh, trái lại, họ không sợ những lời phê bình, sẵn sàng chấp nhận những rủi ro miễn là điều đó đẹp lòng Thiên Chúa.

Người mục tử noi gương Chúa Giêsu có một tâm hồn tự do để biết từ bỏ những gì thuộc về mình. Họ không sống theo kiểu tính toán những gì mình đã làm được hay kể lể về quá trình mình đã cống hiến: họ không phải là những ‘kế toán viên’ của Chúa Thánh Thần, nhưng họ chính là những người Samaritano nhân hậu biết luôn tìm kiếm những ai cần đến sự giúp đỡ của mình. Đối với đàn chiên, các linh mục là những mục tử, chứ không phải là những viên thanh tra, và họ tận hiến chính mình cho sứ vụ mà Thiên Chúa đã trao phó chứ không phải chỉ làm việc cầm chừng 50% hay 60%, nhưng là làm việc hết mình với sứ vụ. Trong quá trình đi tìm kiếm các con chiên lạc, các mục tử ý thức có những rủi ro và hiểm nguy luôn rình rập phía trước. Thế nhưng, họ đã không dừng lại sau những thất vọng, và không đầu hàng trước những mệt mỏi. Thật vậy, các mục tử ‘kiên gan trong việc lành’, họ đã được xức dầu bằng ‘sự ngoan cường lành thánh’ để không đánh mất một con chiên nào. Các mục tử không những luôn luôn giữ cánh của chuồng chiên rộng mở, mà còn đi tìm những con chiên không muốn bước qua cửa ấy nữa. Như những Kitô hữu tốt lành, và là tấm gương cho mọi Kitô hữu, các mục tử ‘luôn luôn bước ra khỏi chính mình’. Tâm điểm của trái tim người mục tử nằm ở bên ngoài họ. Các mục tử không bị thu hút bởi cái tôi của chính mình, nhưng bởi Thiên Chúa và bởi đàn chiên của mình.

Thứ hai là hòa nhập.

Chúa Kitô yêu thương và biết các con chiên của Ngài, Ngài hiến mạng sống vì chúng và không ai là người xa lạ với Ngài (Ga 10,11-14). Đàn chiên chính là gia đình và cuộc sống của Ngài. Ngài không phải là những ông chủ để rồi đàn chiên phải khiếp sợ, nhưng Ngài là Mục Tử đồng hành với đàn chiên và gọi đích danh từng con (Ga 10,3-4). Ngài muốn tập họp những chiên còn chưa trở về chuồng của Ngài (Ga 10,16).

Đối với các linh mục của Chúa Kitô cũng vậy. Linh mục được xức dầu để phục vụ dân Thiên Chúa, chứ không phải được chọn để làm theo ý riêng của mình, nhưng là gần gũi với đàn chiên mà Thiên Chúa đã trao phó. Không ai bị loại trừ ra khỏi trái tim của các mục tử, cũng không ai bị loại trừ ra khỏi lời cầu nguyện và nụ cười của các linh mục. Với cái nhìn đầy yêu thương và với trái tim của người cha, các linh mục đón nhận, hòa nhập và những khi cần phải sửa dạy ai đó, các linh mục phải gần gũi với con chiên của mình hơn. Họ không bao giờ được phép khinh thường một ai, nhưng phải sẵn sàng để bị ‘vấy bẩn’ đôi bàn tay của mình. Là những thừa tác viên của Bí Tích Thánh Thể được cử hành hằng ngày, các linh mục không bao giờ chờ đợi để được người ta chào hỏi hay khen ngợi, nhưng họ phải là người trước hết biết chìa tay ra, loại bỏ những lời nói hành nói xấu, những xét đoán và những lời nói ác ý. Linh mục kiên nhẫn lắng nghe những vấn đề của giáo dân và cùng đồng hành với họ để ban phát ơn tha thứ của Thiên Chúa với tấm lòng cảm thông quảng đại. Linh mục không được trách mắng những ai đã lầm đường lạc lối, nhưng phải luôn sẵn sàng giúp họ trở về với Thiên Chúa và giải quyết những khó khăn cũng như những bất hòa đã xảy ra.

Cuối cùng là vui mừng

Thiên Chúa là Đấng “tràn đầy niềm vui” (Lc 15,5). Niềm vui của Ngài nảy sinh từ sự tha thứ, từ cuộc sống được tái sinh và đổi mới, từ những đứa con được trở về nhà mình để hít thở không khí trong lành trong ngôi nhà ấm cúng của mình. Niềm vui của Chúa Giêsu Mục Tử Nhân Lành không phải là niềm vui cho mình, nhưng là ‘niềm vui cho tha nhân và với tha nhân’; đó chính là niềm vui thực sự của tình yêu. Đây cũng chính là niềm vui của các linh mục. Linh mục được biến đổi nhờ Lòng thương xót và rồi họ được mời gọi để cho đi nhưng không. Trong đời sống cầu nguyện, các linh mục khám phá sự an ủi của Thiên Chúa và cảm nghiệm rằng không có điều gì mạnh mẽ hơn tình yêu Thiên Chúa. Vì thế, các linh mục cảm nghiệm được sự bình an trong tâm hồn mình, và họ cảm thấy hạnh phúc vì trở nên những cầu nối của Lòng thương xót với con người, từ đó, đưa con người tiến lại gần Thánh Tâm dịu hiền của Thiên Chúa. Buồn sầu đối với các linh mục là những chuyện nhỏ nhặt; còn sự cứng rắn là điều xa lạ đối với các linh mục, vì linh mục là những mục tử luôn noi theo Chúa Giêsu Đấng luôn ‘hiền hậu và khiêm nhượng trong lòng’.

Các anh em Linh Mục thân mến, qua việc chúng ta cử hành thánh lễ hàng ngày, mỗi chúng ta tái khám phá rằng chúng ta là những mục tử noi gương Chúa Kitô. Trong mối thánh lễ, chúng ta lặp lại lời của chính Chúa Giêsu: “Này là mình Thầy hiến thân vì các con”. Đó chính là ý nghĩa đời sống thánh hiến của chúng ta; với những lời này, một cách nào đó, chúng ta có thể lập lại những cam kết khi chúng ta lãnh nhận thừa tác vụ linh mục. Cám ơn tất cả anh em vì đã dám thưa ‘xin vâng’ để dâng hiến đời mình cho Chúa Kitô – Đấng là nguồn mạch tinh tuyền mọi niềm vui của chúng ta”.

Tuệ Minh (theo Radio Vatican)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube