Tổng Trưởng Bộ Truyền thông Vatican: ‘Mạng xã hội có sức mạnh xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn’

Hội nghị tại Văn phòng Báo chí Tòa Thánh để giới thiệu Tài liệu mới của Bộ Truyền thông của Vatican về phương tiện truyền thông xã hội.

Hội nghị tại Văn phòng Báo chí Tòa Thánh để giới thiệu Tài liệu mới của Bộ Truyền thông của Vatican về phương tiện truyền thông xã hội.

Phương tiện truyền thông xã hội là một cách thức để Giáo hội hiện diện giữa mọi người và hướng tới công ích, chứ không phải là làm tổn hại sự thật để có được nhiều người theo dõi hoặc ‘lượt thích’, Tiến sĩ Paolo Ruffini nói. Tổng Trưởng Bộ Truyền thông của Vatican đã có cuộc trò chuyện với Vatican News sau khi trình bày tài liệu thần học và mục vụ mới suy tư về phương tiện truyền thông xã hội, có tiêu đề: “Hướng tới Sự Hiện diện Trọn vẹn. Suy tư Mục vụ về sự Tham gia trên các Phương tiện Truyền thông Xã hội” (#FullyPresent).

Tổng Trưởng Bộ Truyền thông của Vatican, ông Paolo Ruffini, chia sẻ rằng các phương tiện truyền thông xã hội rất có giá trị khi hiện diện trong thế giới đang phát triển nhanh chóng ngày nay. Tuy nhiên, ông Ruffini cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Vatican News rằng đó không phải là thu hút để có được nhiều người theo dõi hay ‘lượt thích’, mà là hướng tới một thế giới tốt đẹp hơn.

Tổng Trưởng Bộ Truyền thông Vatican đã phát biểu sau phần trình bày Tài liệu “Hướng tới Sự Hiện diện Trọn vẹn. Suy tư Mục vụ về sự Tham gia trên các Phương tiện Truyền thông Xã hội” (#FullyPresent), được công bố hôm thứ Hai tại Văn phòng Báo chí Tòa Thánh.

‘Hướng tới sự hiện diện trọn vẹn’

Mục đích của Tài liệu là thúc đẩy một suy tư chung về sự tham gia của các Kitô hữu trên các phương tiện truyền thông xã hội, vốn ngày càng trở thành một phần trong cuộc sống của mọi người. Lấy cảm hứng từ Dụ ngôn về người Samaritanô nhân hậu, tài liệu này mang đến cơ hội để bắt đầu suy tư chung về cách thức thúc đẩy văn hóa của việc trở nên “yêu thương những người lân cận” trong thế giới kỹ thuật số.

Khi được hỏi về sự cần thiết của một tài liệu như vậy và tầm quan trọng của nó, ông Ruffini nhắc lại rằng, ngay từ khi mới thành lập Thánh Bộ, họ đã nhận thấy sự cần thiết của việc suy tư và sau đó là một tài liệu về chủ đề này, đặc biệt là khi công nghệ đang thay đổi một cách nhanh chóng.

Điều được tìm kiếm là một sự suy tư “khởi đi từ Tin Mừng”, ông Ruffini nói, từ “quan điểm thần học và mục vụ về cách đối phó với công nghệ đang thay đổi”.

Phương tiện truyền thông cần phải “nuôi dưỡng sự thật, tình yêu và lòng trắc ẩn”

Các phương tiện truyền thông xã hội mà chúng ta hiện diện, ông Ruffini lưu ý, không nên “nuôi dưỡng ngôn từ kích động sự thù địch, tin tức giả mạo, công nghệ deepfake”, nhưng “nuôi dưỡng sự thật, tình yêu và lòng trắc ẩn”.

“Điều quan trọng nhất”, ông Ruffini nói, “đó là nhận thức được điều này và ý thức rằng chúng ta cũng có thể nói rằng trong lịch sử nhân loại, luôn có sự dữ. Và đối với chúng ta là những tín hữu, có ma quỷ luôn hoạt động theo cách mà lịch sử phát triển”.

Ông Ruffini lưu ý rằng công nghệ không phải là thứ “phát minh ra chúng ta”; thay vào đó, chúng ta phải “thương lượng các quy tắc và thuật toán” để “chia sẻ và làm việc vì thiện ích chung”, điều mà ông than phiền, “chúng ta thường bỏ quên”.

“Chúng ta biết rằng có thể tin giả sẽ có nhiều người theo dõi hơn tin thật, nhưng đây có phải là cách chúng ta sẽ phát triển thế giới tốt đẹp hơn không? Tôi không nghĩ vậy. Dù theo nghĩa nào đi nữa, tôi không nghĩ vậy”.

Sự phân định liên tục

Vatican News cũng đã có cuộc trò chuyện với Nữ tu Nathalie Becquart được phỏng vấn, người đã thảo luận về cách tiếp cận đúng đắn đối với các nền tảng xã hội.

“Đó là một sự phân định đang diễn ra, và đó là lý do tại sao tôi thực sự muốn nhấn mạnh rằng tài liệu này đến từ cách tiếp cận hiệp hành liên quan đến nhiều người bởi vì không ai một mình có giải pháp kỳ diệu để có sự hiện diện hữu hiệu trên phương tiện truyền thông xã hội và sau đó bối cảnh sẽ khác. Và đó là lý do tại sao điều rất quan trọng là tài liệu này giúp mọi người tự phân định, đặc biệt là với những người khác với tư cách là những người Kitô hữu trong cộng đồng của họ, tìm và phân định đường hướng và có được sự phân định liên tục”.

Nữ tu Becquart cũng thừa nhận những nguy cơ cố hữu trên mạng xã hội. “Trong văn hóa kỹ thuật số, các bạn có được những điều tốt nhất và các bạn có được những điều tồi tệ nhất. Vì vậy, đó là lý do tại sao việc giáo dục mọi người, huấn luyện họ làm điều này là vô cùng, rất quan trọng. Nhận thức rõ ràng và ý thức về những cạm bẫy”.

Nhiều người trong Giáo Hội, Nữ tu Becquart nhắc lại, đã yêu cầu được hướng dẫn về chủ đề này. Nữ tu Becquart đã nhắc lại rằng trong Thượng Hội đồng về Giới trẻ năm 2019, những người trẻ đã xin lời khuyên về cách thức làm thế nào hành động đúng đắn trong lĩnh vực kỹ thuật số, một cách hiệu quả và trung thành. Cách thức hiện diện trên phương tiện truyền thông xã hội, bất chấp những khó khăn của nó, Nữ tu Becquart nói, là một suy tư được nhiều người mong muốn.

“Đây là thực tế của Giáo hội ngày nay và của Dân Chúa”, Nữ tu Becquart chia sẻ.

Sơ Becquart nhấn mạnh việc chúng ta, trong bầu khí này, cần phải có sự nhạy bén, sự nhận thức và khả năng phán đoán tốt. Thật không may, quan điểm đó không được chia sẻ bởi tất cả mọi người, và do đó, chúng ta cần tiếp tục thực hiện một thái độ hoài nghi lành mạnh.

Nắm bắt ‘ngôn ngữ’ của thời đại

Đức Ông Lucio Ruiz, Thư ký Bộ Truyền thông, đã đưa ra một suy tư về công việc, và nhấn mạnh việc chúng ta có thể học hỏi từ các nhà truyền giáo, những người trước công việc to lớn của họ, đã học ‘ngôn ngữ’ để giao tiếp và đóng góp cho công cuộc truyền bá tân Phúc Âm hóa.

Đức Thánh Cha Phanxicô, Đức Ông Ruiz nói, đã có những đóng góp lớn hơn bao giờ hết đối với những suy tư của những người tiền nhiệm của ngài, để điều chỉnh cho phù hợp với thời điểm hiện tại, theo cách phù hợp và có tác động nhất đối với thời đại, theo đó, nắm bắt các công cụ theo đúng mức độ của chúng.

Nhiệm vụ này, Đức Ông Ruiz lưu ý, thuộc về chúng ta, với tư cách là một ‘Giáo hội đi ra ‘, để tiếp cận tất cả mọi người, đến với những khu vực ngoại vi hiện sinh. “Chúng ta cần phải lên đường, chúng ta cần phải đi ra ngoài”, Đức Ông Ruiz nhấn mạnh.

Đức Ông Ruiz gợi ý rằng các nền tảng xã hội rất quan trọng và nói về việc “làm phong phú” những gì “hiện hữu thực tế”.

“Giáo hội cần phải đi ra ‘cánh đồng’, điều mà Chúa Giêsu đã bảo chúng ta làm, đồng thời lưu ý rằng không thể không hiện diện. Ngày nay, đó là văn hóa, và ở đâu có con người, ở đó, Giáo hội cần phải hiện diện”.

Một sự an ủi cho những người khuyết tật

Nữ tu Veronica Donatello S.F.A., người đứng đầu Dịch vụ Quốc gia về Chăm sóc Mục vụ cho Người khuyết tật của Hội đồng Giám mục Ý (CEI) và là Cố vấn của Thánh bộ Truyền thông Tòa Thánh, người thường được công nhận vì đã cung cấp dịch vụ bằng ngôn ngữ ký hiệu trong các sự kiện của Đức Giáo hoàng, như Sơ đã làm trong đại dịch. Trong buổi họp báo, Nữ tu Donatello đã nhấn mạnh việc phương tiện truyền thông xã hội có thể trở thành một công cụ quan trọng đối với những người khuyết tật.

Nữ tu Donatello cho biết rằng nó thường cho phép họ cảm nhận rõ hơn về “sự tồn tại” và “sự hiện diện”.

Tuy nhiên, Nữ tu Donatello cảnh báo rằng bất chấp giá trị to lớn của những nguồn công nghệ này, chúng sẽ không bao giờ có thể thay thế những gì có thật, chẳng hạn như sự hiện diện thực tế hoặc những vòng tay ôm hôn.

Minh Tuệ (theo Vatican News)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube