Bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Nhật 10/07/2016, chia thành hai phần có liên hệ chặt chẽ với nhau: (1) Thỉnh vấn về điều răn trọng nhất (Lc 10,25-28); và (2) Dụ ngôn người Samari nhân hậu (cc.29-37).
- Thỉnh vấn về điều răn trọng nhất (cc.25-28)
“Có người thông luật kia đứng lên hỏi Đức Giêsu để thử Người rằng: “Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?” Người đáp: “Trong Luật đã viết gì? Ông đọc thế nào? ” Ông ấy thưa: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, và hết trí khôn ngươi, và yêu mến người thân cận như chính mình.” Đức Giêsu bảo ông ta: “Ông trả lời đúng lắm. Cứ làm như vậy là sẽ được sống”.
Câu hỏi của người thông luật là một trong những câu hỏi trung tâm của các tôn giáo: làm thế nào để được sự sống đời đời? Đây không chỉ là một “nố” được đặt ra để tranh luận, mà thực sự là một nỗi niềm khắc khoải trong tâm tư con người.
Đối diện với lời thỉnh vấn của người thông luật, theo kiểu tiến hành thảo luận của các thầy rabbi, Đức Giêsu đặt một câu hỏi cho người đến thỉnh vấn: “Trong Luật đã viết gì? Ông đọc thế nào?”. Bằng cách làm như thế, Đức Giêsu đặt mình vào vị thế của vị tôn sư, chủ động dẫn dắt cuộc thảo luận. Điều đáng ngạc nhiên ở đây là Người đã không đưa ra một lời kêu gọi người đối thoại hối cải, cũng không công bố rằng Nước Thiên Chúa đã đến gần, nhưng lại hỏi người đến thỉnh vấn về điều đã được viết trong Luật Môsê.
Người thông luật trả lời bằng cách trích dẫn Đnl 6,5 và Lv 19,18: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, và hết trí khôn ngươi, và yêu mến người thân cận như chính mình.”
Người thông luật hiểu điều răn ấy như thế nào? “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi…”, nghĩa là gì? Trong thần học Đệ Nhị Luật, lệnh truyền này được đặt trong khung cảnh giao ước giữa Thiên Chúa với dân, và vì thế, được hiểu như là lệnh truyền người ta phải trung thành thực hiện những đòi buộc của giao ước đó. Và như thế, tình yêu mến đối với Thiên Chúa bao hàm lòng tin tưởng và tuân phục hoàn toàn đối với ý muốn của Thiên Chúa. Người yêu mến Thiên Chúa sẽ vâng phục ý muốn của Người “hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, và hết trí khôn” tức là với toàn vẹn con người mình trong hiện hữu, trong ước muốn, trong suy nghĩ và trong hành động. “Và ngươi phải yêu mến người thân cận như chính mình”. Người thân cận trước hết là người ở gần mình, tức là thành viên của Dân được tuyển chọn, người anh em trong lòng tin vào Thiên Chúa. Người thân cận cũng có nghĩa là bạn bè thân hữu. Rồi theo Đnl 10,19 khái niệm người thân cận được mở rộng bao hàm cả những ngoại kiều cư ngụ trong xứ Palestina. Để được sự sống đời đời làm cơ nghiệp, người ta phải yêu mến tất cả những người thân cận đó như chính mình.
Trong Mt và Mc, hai điều răn mến Chúa và yêu người trước tiên được nêu tách rời nhau, sau đó mới được nối kết với nhau. Trong câu trả lời của người thông luật trong Lc, hai điều răn quan trọng ấy được nối kết trong một câu duy nhất, cho thấy tính cách không thể tách lìa giữa hai điều răn này. Đàng khác, nếu tình yêu đối với Thiên Chúa được thể hiện một cách cụ thể trong tình yêu đối với người thân cận thì có nghĩa là chúng ta đang đứng trước vị Thiên Chúa không quy chiếu về chính mình Người, mà là Đấng tỏ mình ra trong quy chiếu về sự thiện hảo dành cho con người.
Khi hai điều răn quan trọng nhất được nối kết chặt chẽ với nhau như thế, thì tôn giáo của hai điều răn này phải được đưa ra khỏi đền thờ để đi vào cuộc sống thường nhật hàng ngày. Đạo phải là thực tại sống hàng ngày được diễn tiến dưới ánh nhìn của Thiên Chúa, và con người ta không còn được phép dừng lại trên sự phân biệt giả tạo giữa những bổn phận đối với Thiên Chúa và những thái độ của họ trong đời sống cộng đồng và xã hội.
Đức Giêsu không phủ nhận câu trả lời của người thông luật. Người nói với ông ta: “Ông trả lời đúng lắm”. Nhưng Người lập tức thêm: “Cứ làm như vậy là sẽ được sống”. Người đòi hỏi ông phải đi ra khỏi tháp ngà của những hiểu biết cao siêu để nhập thế vào cuộc đời cụ thể, bởi lẽ chỉ trong cái cụ thể của cuộc sống thực người ta mới chứng tỏ những điều hiểu biết của mình là xác thực, và chính việc thực hành lòng yêu mến mới đem lại cho người ta sự sống đích thật.
- Dụ ngôn người Samari nhân hậu (cc.29-37)
“Nhưng người thông luật muốn chứng tỏ là mình có lý, nên thưa cùng Đức Giêsu rằng: “Nhưng ai là người thân cận của tôi?” (c.29).
Đức Giêsu đã không hề nói rằng người thông luật không có lý. Tại sao ông lại muốn chứng tỏ mình có lý? Có người nghĩ ông muốn Đức Giêsu hiểu rằng câu hỏi mà ông nêu ra cho Đức Giêsu ở đầu cuộc đối thoại là một đề tài đáng giá và ông chờ đợi một diễn từ sâu sắc về vấn đề đó. Có người nghĩ rằng ông muốn “chữa mình” vì đã từng có ý định thử trình độ Đức Giêsu khi ông đến đặt câu hỏi… Thực ra, lý do khiến người thông luật muốn chứng tỏ mình có lý không quan trọng đối với chúng ta. Nhưng câu hỏi của ông đã là cơ hội để tác giả Luca dẫn vào một dụ ngôn có giá trị đưa ra lời giải thích của Kitô giáo về điều răn được nói trong Lv 19,18.
Vì nhiều lý do, một số người đã cố cất công tìm xem thoạt kỳ thuỷ, khi kể dụ ngôn này, Đức Giêsu muốn nhấn mạnh điều gì. Có người nghĩ Người muốn dạy rằng lòng trắc ẩn có giá trị cao hơn nhiều so với việc phụng tự. Người khác nghĩ rằng Đức Giêsu có ý cho thấy những người bị gạt ra bên ngoài các hệ thống tôn giáo vẫn có thể yêu mến và thi hành thánh ý Thiên Chúa cách hoàn hảo, có khi hoàn hảo hơn những người ở trong hệ thống. Có người nói rằng Đức Giêsu muốn chống lại những sự kỳ thị dựa trên yếu tố tôn giáo, xã hội và chủng tộc. Có người bảo đây là dụ ngôn được kể trong không khí tranh luận chống lại tầng lớp tư tế, hoặc không khí phê phán tôn giáo Do Thái vốn luôn tìm cách tách mình khỏi phần còn lại của thế giới loài người, hoặc không khí tranh luận về tương quan giữa những người Do Thái với lương dân…
Trong tình trạng hiện thời, được nối với cuộc thỉnh vấn về điều răn trọng nhất, dụ ngôn này đã được tác giả Luca sử dụng như một câu chuyện minh hoạ, mô tả thái độ gương mẫu mà người nghe được mời gọi thực hiện theo.
Câu chuyện có khung cảnh là đoạn đường từ Giêrusalem xuống Giêrikhô, dài khoảng 27km, với sự chênh lệch về độ cao vào khoảng 1000m (Giêrusalem nằm ở độ cao 750m trên mặt biển, còn Giêrikhô thấp hơn mặt biển 250m). Đó là đoạn đường rất nguy hiểm với khách bộ hành, thường xuyên xuất hiện những toán cướp hung hãn. Vậy, “có một người kia từ Giêrusalem xuống Giêrikhô, dọc đường bị rơi vào tay kẻ cướp. Chúng lột sạch người ấy, đánh nhừ tử, rồi bỏ đi, để mặc người ấy nửa sống nửa chết” (cc.29-30).
“Tình cờ, có thầy tư tế cũng đi xuống trên con đường ấy. Trông thấy người này, ông tránh qua bên kia mà đi. Rồi cũng thế, một thầy Lêvi đi tới chỗ ấy, cũng thấy, cũng tránh qua bên kia mà đi” (cc.31-32). Cả hai người này đều thuộc về những nhóm có những vai trò quan trọng trong sinh hoạt tại Đền Thờ. Tại sao họ lại tránh qua một bên mà đi khi thấy nạn nhân nằm bên vệ đường như thế? Nói chung, câu trả lời thường được đưa ra là vì các lý do liên quan đến sự thanh sạch theo nghi tiết (x. Lv 21,1tt; Ds 19,11), theo đó, thầy tư tế và thầy Lêvi không dám đụng đến nạn nhân đang nằm bên vệ đường vì nghĩ rằng anh ta đã chết hoặc sợ rằng anh ta sẽ chết trên đường đem đến nhà trọ. Và họ đã bỏ đi.
Nhân vật thứ ba xuất hiện. Bình thường, người nghe chờ đợi sự xuất hiện một giáo dân Do Thái bình thường, nhất là khi hiểu câu chuyện theo hướng bài giáo sĩ. Nhưng, thật thú vị, nhân vật thứ ba lại là một người… Samari: “Một người Samari kia đi đường, tới ngang chỗ người ấy, cũng thấy, và chạnh lòng thương” (c.33). Nhân vật sẽ trở thành mẫu mực trong thực tế không phải là một người thuộc hàng những tín hữu ưu tuyển của Do Thái giáo, mà lại là một anh chàng người Samari, bị ghét bỏ, bị coi là lạc đạo, bị coi là tội lỗi. Đàng khác, khi chọn nhân vật này làm mẫu mực, Đức Giêsu ngầm cho thấy tất cả những lý do tôn giáo và chủng tộc không còn giá trị nữa. Đây là một con người nhìn thấy một con người đang gặp hoạn nạn, vượt khỏi những sự phân biệt chủng tộc, tôn giáo hay quốc gia.
Động từ quan trọng trong câu là động từ “chạnh lòng thương” (spagchnizesthai). Trong Kinh Thánh động từ này được sử dụng để nói về lòng chạnh thương của Thiên Chúa đối với những con người nghèo khổ, yếu đuối. Đó cũng chính là thái độ của Đức Giêsu đối với những con người khốn khổ bần cùng cần được giúp đỡ (xem, thí dụ, Mc 1,41; 6,34; 8,2; Lc 7,13; 15,20). Vì thế, không phải ngẫu nhiên mà nhiều Giáo Phụ hiểu rằng người Samari nhân hậu này là hình ảnh của chính Chúa Kitô.
Người Samari “lại gần, lấy dầu lấy rượu đổ lên vết thương cho người ấy và băng bó lại, rồi đặt người ấy trên lưng lừa của mình, đưa về quán trọ mà săn sóc. Hôm sau, ông lấy ra hai quan tiền, trao cho chủ quán và nói: “Nhờ bác săn sóc cho người này, có tốn kém thêm bao nhiêu, thì khi trở về, chính tôi sẽ hoàn lại bác” (cc.34-35). Hành động của người Samari là một gương mẫu tuyệt vời trả lời cho câu hỏi “Tôi phải làm gì..?” (c.25). Ông đã hành động không phải vì ý thức mạnh mẽ về những lý do siêu nhiên hoặc về việc phải tuân giữ các giới răn. Nhưng ngay nơi cách hành xử đậm chất người như thế, ông đã làm cho cách hành xử của Thiên Chúa nhập thể vào thế giới và ông đã sống điểm cốt yếu của Luật.
Người thông luật đã hỏi rằng “Ai là người thân cận của tôi?” (c.29), tức là theo Luật, tôi phải yêu ai? Nhưng khi kể xong dụ ngôn, Đức Giêsu lại hỏi ông ta: “Vậy theo ông nghĩ, trong ba người đó, ai đã tỏ ra là người thân cận với người đã bị rơi vào tay kẻ cướp?” (c.36), tức là ai là người đã thực hành lòng yêu mến? “Người thông luật trả lời: “Chính là kẻ đã thực thi lòng thương xót đối với người ấy.” Đức Giêsu bảo ông ta: “Ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy” (c.37).
Gợi ý suy niệm:
- Nhiều Giáo Phụ và một số nhà chú giải hiện nay hiểu rằng cách hành xử của người Samari trong dụ ngôn phản ánh cách hành xử của chính Chúa Giêsu, và rằng thoạt kỳ thuỷ dụ ngôn này đã được kể như là một câu trả lời cho những người phê phán sự gần gũi của Chúa Giêsu với những kẻ tội lỗi. Hiểu theo nghĩa này, người bị quân cướp đánh trọng thương và vứt bên đường chính là hình ảnh của những người tội lỗi. Chúng ta thấy mình trong hình ảnh người ấy, và được mời gọi tạ ơn Chúa Giêsu vì đã được trở nên “người thân cận” với Chúa Giêsu.
- Trong ngữ cảnh cuộc đối thoại với người thông luật về phạm trù “người thân cận”, điểm nhấn ban đầu của dụ ngôn về căn bản được đặt trên sự đối nghịch giữa hai hạng người: một bên là hai thành viên của những lớp người có vai vế trong dân thánh, và do đó, thuộc về số những “người thân cận” theo quan điểm Do Thái; và bên kia là một người Samari bị khinh ghét, bị loại trừ và vì thế, bị coi là không thuộc vào số những kẻ đáng được người ta yêu mến như Luật đòi hỏi. Từ sự đặt đối nghịch hai hạng người đó, Chúa Giêsu lật nhào quan điểm của người Do Thái về “người thân cận”. Thiên Chúa mà Đức Giêsu mạc khải cho chúng ta là Thiên Chúa của lòng trắc ẩn đối với con người tội lỗi. Khi người ta sống theo sự chạnh lòng thương của Người, thì người ta trở nên đáng kính trọng và yêu mến, chứ không phải vì người ta thuộc về một tập hợp được xác định bằng các tiêu chí chủng tộc, xã hội hay văn hoá.
- Dụ ngôn người Samari nhân hậu đã được lưu truyền trong Hội Thánh tiên khởi như là một lời dạy dành cho các tín hữu trong cộng đoàn: hình ảnh người Samari nhân hậu này được trình bày như một gương mẫu, và dụ ngôn trong bài Tin Mừng hôm nay trở thành một lời mời gọi các Kitô hữu hãy thực hành lòng yêu mến như người Samari nhân hậu đã làm. Theo nghĩa này, dụ ngôn này trình bày cách hiểu của Hội Thánh Chúa Kitô về luật yêu thương người thân cận được nói trong Lv 19,18.
- Dụ ngôn người Samari nhân hậu cũng nói với chúng ta về chủ đề ơn cứu độ. Người ta đạt thấu ơn cứu độ không phải nhờ một vài hoạt động sùng kính riêng tư, nhưng là bằng cách thực hiện trong thực tiễn những đòi hỏi cụ thể của tình yêu mến đầy lòng trắc ẩn đối với người khác, nhất là với những người nghèo khổ, bị áp bức và cô thế cô thân. Các Kitô hữu, nhất là các vị thừa sai, phải luôn biết nhạy cảm trước cảnh nghèo của thế giới và các vấn đề xã hội trầm trọng đang làm cho nhân loại phải âu lo. Mọi thứ nghèo khổ (vật chất, tinh thần, tâm linh) đều mời gọi lòng nhiệt thành tông đồ của chúng ta. Khát vọng chính đáng của người nghèo cũng sẽ là khát vọng chính đáng của chúng ta. Đó là con đường cứu độ dành cho chúng ta, chứ không phải những cách giữ đạo hình thức và giả trá.
Lm. Giuse Nguyễn Thể Hiện, DCCT